TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lời Chúa THỨ BẢY TUẦN 34 THƯỜNG NIÊN

Thứ ba - 21/11/2023 13:21 |   605
“Vậy anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, hầu đủ sức thoát khỏi mọi điều sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người.” (Lc 21,34-36)

02/12/2023
THỨ BẢY TUẦN 34 THƯỜNG NIÊN

t7 t34 TN

Lc 21, 34-36

 

tỉnh thức và cầu nguyện luôn
“Vậy anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, hầu đủ sức thoát khỏi mọi điều sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người.” (Lc 21,34-36)

Suy niệm: Nhiều người cho rằng lịch sử nhân loại và vũ trụ cứ trôi nổi xuôi theo thời gian và sẽ không đưa về đâu cả. Những người khác lại cho rằng lịch sử đó quay theo chu kỳ: cứ ba ngàn năm lại bắt đầu lại từ đầu!... Và sẽ còn biết bao nhiêu dự đoán khác nữa! Còn Đức Giê-su dạy rằng: Ngài sẽ lại đến thế giới này lần thứ hai vào ngày Tận Thế, khi đó “Giáo Hội kết thúc trong vinh quang trên trời, khi toàn thể vũ trụ cùng với loài người được thiết lập toàn vẹn trong Chúa Ki-tô, vì vũ trụ liên kết mật thiết với con người và nhờ con người đạt được cùng đích của mình” (Hiến chế GH, số 48). Vì Ngày đó sẽ đến bất ngờ, Chúa Giê-su kêu mời chúng ta đừng để mình đắm chìm trong cuộc sống hưởng thụ, trong những lo toan cho cuộc sống tạm bợ mà không sẵn sàng cho ngày giờ Chúa đến.

Mời Bạn: Nếu Chúa đến với tôi “lúc này và ở đây”, tôi đang là gì hay đang làm gì? Tôi có đang “chè chén say sưa, lo lắng sự đời”, đang “nghiện ngập” thứ gì (ham mê xác thịt, nghiện games, rượu chè, cờ bạc, ma tuý…) không? Thật tình tôi muốn cuộc sống tôi đi về đâu?

Sống Lời Chúa: Tôi quyết nói “không” với một thứ “nghiện ngập” nào đó hay với một tư tưởng, một hành vi đen tối... Tôi dành thì giờ cầu nguyện, suy niệm Lời Chúa, hồi tâm kiểm điểm đời sống mỗi ngày.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su xin cho lòng con được no đầy Thánh Thần của Chúa để con luôn thức tỉnh giữa cuộc sống hôm nay nhiều cám dỗ và quyến rũ, nhờ đó con luôn hướng về Chúa, sống theo Chúa và sẵn sàng khi Chúa đến với con.

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
THỨ BẢY TUẦN 34 THƯỜNG NIÊN

Ca nhập lễ

Con chiên bị giết xứng đáng lãnh nhận quyền năng thiên tính, không ngoan, sức mạnh, danh dự và vinh quang chúc tụng. Nguyện cho Người được vinh quang, và vương quốc Người tồn tại đến muôn đời.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Chúa đã muốn quy tụ muôn loài dưới quyền lãnh đạo của Ðức Ki-tô là người Con Chúa hằng ưu ái, và là Vua toàn thể vũ trụ. Xin cho hết mọi loài thọ sinh đã được cứu khỏi vòng nô lệ tội lỗi biết phụng thờ Chúa là Ðấng cao cả uy linh và không ngớt lời ngợi khen chúc tụng. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: (Năm I) Ðn 7, 15-27

“Sẽ trao quốc gia và quyền hành cho dân thánh của Ðấng Tối Cao”.

Trích sách Tiên tri Ða-ni-en.

Tôi là Ða-ni-en, lòng tôi kinh khiếp, tôi run sợ vì những sự đã thấy, các thị kiến trong đầu óc tôi khiến tôi bối rối. Tôi tiến lại gần một vị hầu cận, hỏi người ý nghĩa thật về những sự đó. Người liền giải thích cho tôi và bảo rằng: “Bốn con thú to lớn đó là bốn quốc gia sẽ dấy lên trên địa cầu. Nhưng các thánh của Thiên Chúa Tối Cao sẽ lên ngôi và sẽ nắm giữ quốc gia đến muôn muôn ngàn đời”.

Sau đó, tôi muốn tìm hiểu cặn kẽ về con vật thứ tư, nó khác xa mọi con thú kia và rất dữ tợn: nanh móng nó bằng sắt, nó cắn nuốt nhai nghiến, và lấy chân giày đạp những gì còn sót lại. Tôi cũng muốn biết rõ về mười cái sừng trên đầu nó, và một cái sừng mới mọc lên, trước khi ba cái sừng kia bị nhổ đi: cái sừng mới mọc lên lại có mắt và miệng, nó nói lên những điều trọng đại, và nó lớn hơn các sừng khác. Tôi nhìn xem chiếc sừng ấy giao chiến với các thánh và nó toàn thắng, cho tới khi vị Bô Lão đến trao quyền xét xử cho các thánh của Ðấng Cao Cả, tức là tới thời kỳ các thánh chiếm đoạt quốc gia.

Người lại bảo như thế này: “Con vật thứ tư là quốc gia thứ tư trên địa cầu, nó rộng lớn hơn mọi quốc gia, thôn tính cả hoàn cầu và giày đạp phá huỷ địa cầu. Còn mười chiếc sừng là mười vua trong nước đó. Sau mười vua ấy, thì một vua khác dấy lên, có quyền thế hơn các vua trước, và đánh đổ được ba vua. Ông ta nói những lời phạm đến Ðấng Chí Tôn, tàn sát các thánh của Ðấng Tối Cao, ông tưởng mình có thể thay đổi cả thời gian và luật pháp, và người ta sẽ trao vào tay ông một thời kỳ, hai thời kỳ và nửa thời kỳ.

“Ðoạn sẽ có phán quyết để truất phế, tiêu diệt và huỷ hoại ông ta cho tận tuyệt. Còn quốc gia, quyền hành và sự cao sang dưới các tầng trời, sẽ trao cho dân thánh của Ðấng Tối Cao: nước Người là nước hằng hữu, mọi vua chúa sẽ suy phục vâng lời Người”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Ðn 3, 82. 83. 84. 85. 86. 87

Ðáp: Hãy ngợi khen và tán tạ Chúa tới muôn đời

Xướng: Hãy chúc tụng Chúa đi, con người ta hỡi.

Xướng: Chúc tụng Chúa đi, hỡi Ít-ra-en.

Xướng: Chúc tụng Chúa đi, các thầy tư tế của Chúa.

Xướng: Chúc tụng Chúa đi, mọi người tôi tớ Chúa.

Xướng: Chúc tụng Chúa đi, thần hồn các vị hiền nhân.

Xướng: Chúc tụng Chúa đi, người thánh và lòng khiêm nhượng.

Bài Ðọc I: (Năm II) Kh 22, 1-7

“Sẽ không còn đêm tối nữa, Thiên Chúa sẽ soi sáng cho họ”.

Trích sách Khải Huyền của Thánh Gio-an Tông đồ.

Thiên thần Chúa chỉ cho tôi là Gio-an, thấy sông nước hằng sống, sáng ngời như thuỷ tinh, từ toà Thiên Chúa và Con Chiên chảy ra. Ở giữa công trường thành phố và hai bên sông, có cây sự sống sinh hoa kết quả mười hai mùa, mỗi tháng một mùa, và lá cây thì dùng cứu chữa các dân ngoại lành đã. Sẽ không còn lời nguyền rủa nào nữa. Toà Thiên Chúa và Con Chiên sẽ dựng lên trong thành ấy, các tôi tớ Người sẽ phụng thờ Người. Họ sẽ chiêm ngắm tôn nhan Người, và khắc tên Người trên trán họ. Cũng không còn đêm tối nữa: họ không cần đến ánh sáng đèn đuốc hay ánh sáng mặt trời nữa: vì Chúa là Thiên Chúa sẽ soi sáng cho họ, và họ sẽ thống trị muôn đời.

Thiên thần lại bảo tôi rằng: “Những lời này rất trung trực và chân thật. Chúa là Thiên Chúa thần trí các tiên tri, đã sai thiên thần Người đến chỉ cho các tôi tớ Người biết những sự sắp phải xảy đến. Và đây tôi vội vã tiến đến. Phúc cho kẻ vâng giữ các lời ghi trong sách này”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 94, 1-2. 3-5. 6-7

Ðáp: Ma-ra-na-tha! Lạy Chúa Giê-su, xin hãy đến! (1 Cr 16, 22b và Kh 21, 20b)

Xướng: Hãy tới, chúng ta hãy reo mừng Chúa, hãy hoan hô Ðá Tảng cứu độ của Ta! Hãy ra trước thiên nhan với lời ca ngợi, chúng ta hãy xướng ca để hoan hô Người. 

Xướng: Vì Chúa là Thiên Chúa cao sang, là Ðại Ðế siêu việt chư chúa tể. Ở nơi tay Người những vực sâu của địa cầu, là của Người những chỏm núi cao. Bể khơi là của Người: vì chính Người tạo tác, và đất khô do tay Người đúc nắn ra. 

Xướng: Hãy tiến lên, cúc cung bái và sụp lại, hãy quỳ gối trước nhan Chúa, Ðấng tạo thành ta. Vì chính Người là Thiên Chúa của ta, và ta là dân Người chăn dẫn, là đoàn chiên thuộc ở tay Người.

Alleluia: Lc 21, 36

Alleluia, alleluia! – Các con hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, để có thể xứng đáng đứng vững trước mặt Con Người. – Alleluia.

Phúc Âm: Lc 21, 34-36

“Các con hãy tỉnh thức, để có thể thoát khỏi những việc sắp xảy đến”.

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Lu-ca.

Khi ấy, Chúa Giê-su phán cùng các môn đệ rằng: “Các con hãy giữ mình, kẻo lòng các con ra nặng nề bởi chè chén say sưa và lo lắng việc đời, mà ngày đó thình lình đến với các con như chiếc lưới chụp xuống mọi người sống trên mặt đất. Vậy các con hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, để có thể thoát khỏi những việc sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người!”

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, chúng con thành khẩn dâng lên Chúa lễ tế hoà giải của Ðức Ki-tô, và tha thiết van nài cho mọi dân, mọi nước, nhờ Người, được hiệp nhất và bình an. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.

Ca hiệp lễ

Chúa là vua ngự trị tới muôn đời; Chúa sẽ chúc phúc cho dân Người trong cảnh thái bình.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, chúng con được vinh dự sống theo lời giáo huấn của Ðức Ki-tô là Vua toàn thể vũ trụ, chúng con cũng vừa lãnh nhận thần lương ban sự sống muôn đời: xin cho chúng con được mãi mãi cùng Người hưởng vinh quang thiên quốc. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.

Suy niệm

PHẢI TỈNH THỨC VÀ CẦU NGUYỆN (Lc 21,34-36)
Lm. Giu-se Đinh Lập Liễm

1. Sau khi đã trình bày và xác quyết về việc Chúa đến, hôm nay Đức Giê-su trình bày cho chúng ta thái độ phải có để chờ đợi Chúa đến: đó là tỉnh thức và cầu nguyện. Chúng ta còn phải hiểu rộng ra việc Chúa đến: đó là Chúa đến trong hiện tại bằng ơn thánh, trong giờ chết của mỗi người và trong ngày cánh chung của toàn thể nhân loại. Trong ngày đó, người khôn ngoan đích thực sẽ cho là một ngày an vui hạnh phúc. Còn người khờ dại thì coi ngày đó là ngày báo oán. Chúng ta khôn hay dại? Hãy dùng quyền tự do mà định đoạt ngay từ bây giờ.

2. Đức Giê-su báo trước một điều bất ngờ: Ngày Con Người quang lâm và mỗi người sẽ ra trình diện với Người. Ngày đó là ngày nào? Không ai biết được vì chỉ có Chúa Cha mới biết. Để chuẩn bị cẩn thận cho ngày phán xét, Đức Giê-su kêu gọi chúng ta hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn: phải thường xuyên canh phòng tâm hồn mình cho khỏi mọi chước cám dỗ; phải liên lỉ cầu xin Chúa giúp sức cho mình được trung thành bền đỗ làm tôi Chúa, sống đẹp lòng Chúa đến giây phút cuối cùng. Vì ai bền đỗ đến cùng sẽ được cứu thoát.

3. Vì lý do Chúa đến cách bất ngờ và việc phán xét có tính cách nghiêm minh, không ai có thể thoát được như chiếc lưới bất ngờ chụp xuống, nên Chúa truyền lệnh phải đề phòng bằng cách tiêu cực và tích cự: tỉnh thức và cầu nguyện.

Cách tích cực: Phải sống thanh thoát: Các con phải đề phòng, chớ để lòng mình đắm say tửu sắc, đa mang sự đời, kẻo ngày ấy như một chiếc lưới bất thần chụp xuống đầu các con” (Lc 21,34). Nói khác đi, Chúa muốn chúng ta sống sứ điệp và giá trị Tin Mừng, không để lòng mình bị mê hoặc chạy theo các chủ trương duy vật, hưởng thụ, quá lo thu tích của cải như một bảo đảm an toàn cho cuộc sống mà quên lãng những nhu cầu tâm linh và các giá trị siêu việt của cuộc sống.

Cách tích cực: “Các con phải tỉnh thức và cầu nguyện, để có đủ sức thoát khỏi những điều sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người” (Lc 21,36).

– Phải tỉnh thức: là ở trong tư thế tỉnh táo, cẩn thận để có thể đối phó kịp thời với mọi cảnh ngộ và sẵn sàng đón tiếp Chúa đến bất cứ lúc nào.

– Phải cầu nguyện: vì sức con người yếu đuối, và tự mình không làm được gì, nên cần phải cầu nguyện để cho được sức chống trả những cám dỗ, những thử thách, và bách hại để dễ dàng xứng đáng đón nhận Chúa: “Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ”.

4. Chúa bảo chúng ta phải đề phòng vì cái chết luôn luôn đến bất ngờ: Chúng con hãy tỉnh thức vì chúng con không biết ngày nào giờ nào”. Đúng như vậy, tuy bất ngờ nhưng không hoàn toàn bất ngờ vì Chúa thương chúng ta, Chúa luôn ban cho chúng ta nhiều tín hiệu báo trước cái chết để chúng ta kịp thời chuẩn bị.

Mỗi khi chúng ta thấy một người khác chết, đó là một tín hiệu; mỗi khi chải đầu thấy mái tóc mình bạc hơn, đó cũng là một tín hiệu; mỗi chiếc răng bị hư, đôi mắt mờ xuống, tay chân yếu đi, một chứng bệnh xuất hiện… tất cả đều là những tín hiệu.

Và quan trong hơn nữa, đó là những tín hiệu mà Chúa gửi trước cho chúng ta vì Chúa thương chúng ta. Vì thế, chúng ta đừng giả mù giả điếc trước những tín hiệu tình thương ấy. Tốt nhất là đón nhận chúng, nhận ra ý nghĩa của chúng và chuẩn bị sẵn sàng.

5. Chúa đang đến trong từng biến cố cuộc sống, chứ không chỉ đến trong uy nghi của giáo đường; Ngài đến trong từng sinh hoạt hằng ngày của chúng ta, chứ không chỉ đến trong những phút cầu kinh, nguyện ngắm; Ngài nói qua những biến cố cuộc sống, Ngài hành động ngay cả khi chúng ta  không tưởng nhớ đến Ngài. Ngài yêu thương dù chúng ta phản bội Ngài, Ngài tha thứ dù chúng ta quay mặt làm ngơ với Ngài. Ngài luôn có đó trong từng hơi thở của chúng ta. Xin Ngài cho chúng ta  luôn tỉnh thức để nhận ra Ngài (Mỗi ngày một tin vui).

6. Truyện: Hãy nghĩ về sự chết.

Một vị đan sĩ tên là Mésique bất trung với ơn gọi, ông đang sống một cuộc đời không mấy tốt đẹp trong nhiều năm. Đột nhiên ông bị bệnh nặng, Thiên Chúa cho ông rơi vào tình trạng hôn mê trong một tiếng đồng hồ. Khi tỉnh dậy ông không nói gì về những điều đã cảm thấy trong thời gian một tiếng đồng hồ ấy. Ông xin người ta cho ở một mình trong một căn phòng xây kín, và ông đã ở trong đó suốt 12 năm trời. Hằng ngày, qua một cửa sổ nhỏ người ta đem đến cho ông một chút bánh mì và nước uống. Một hôm người ta tưởng ông đã chết nên đập phòng đi vào thì thấy ông đang hấp hối. Trước mặt các tu sĩ vây quanh, ông nói với họ những lời cuối cùng: Anh em thân mến của tôi, người nào luôn khắc ghi vào tâm khảm ý tưởng về sự chết, người đó sẽ không bao giờ dám phạm tội”.

Nói thế rồi, ông tắt thở, để lại cho mọi người một ấn tượng sâu đậm (Góp nhặt).

THANH THOÁT
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Phải đề phòng, chớ để lòng mình ra nặng nề vì chè chén say sưa, lo lắng sự đời!”.

“Cuộc sống tôi chỉ là tấm lụa dệt ‘giữa Chúa và tôi. Tôi không thể chọn màu, Ngài dệt nó đều đặn. Chúa thường dệt những nỗi buồn; và tôi ngu ngốc tự hào, tôi phát hiện điều này! Ngài nhìn phía trên; tôi nhìn phía dưới. Mãi cho đến khi khung dệt lặng yên, kim thoi ngừng bay; Ngài mở khung, giải thích. Các sợi xám thật cần thiết giữa sợi vàng sợi bạc, trong bàn tay khéo léo của Ngài, theo khuôn mẫu Ngài định!” - Benjamin Malachi Franklin.

Kính thưa Anh Chị em,

Chúng ta thường chăm nhìn phía dưới ‘bức tranh’ đời mình nên nhiều lúc lòng phải chùng xuống. Và kìa, thế giới vật chất cũng luôn kéo ghì bạn và tôi xuống! Lời Chúa ngày cuối năm phụng vụ nâng chúng ta lên, nhắc chúng ta đừng trở nên ươn lười trong đời sống đức tin để có thể ‘thanh thoát’ và khỏi những ngổn ngang bởi “say sưa, lo lắng sự đời”.

“Nặng nề vì chè chén say sưa!”. Điều này trước hết được hiểu ở cấp độ nghĩa đen; tuy nhiên, “say sưa” còn được hiểu ở cấp độ tâm linh, khi chúng ta tìm kiếm một sự thoát ly nhất thời, tìm kiếm những gì cung cấp một cảm giác an toàn giả tạo. Tôi không nặng nề và say sưa vì chè chén, nhưng có thể tôi đang lang thang tìm kiếm ‘một thứ an thần’ nào đó. Và mỗi khi thoả hiệp với cám dỗ này, đời sống thiêng liêng của tôi trở nên uể oải.

Thứ đến, tôi có thể quá bận tâm với vật chất và lo lắng sự đời đến nỗi mất niềm tín thác vào Chúa. Chính những lo lắng thái quá này là nguồn gốc của việc quá tải; và khi quá tải, chúng ta có xu hướng tìm một lối thoát. Thông thường, những ‘lối thoát’ ấy lại là thứ khiến chúng ta rũ liệt, đẩy Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống và tự mình chống chọi cho đến khi kiệt sức, đến nỗi mất hết niềm vui và nhuệ khí. Từ đó, chúng ta không thể chu tất bổn phận và trách nhiệm của mình một cách tập trung và nhiệt huyết.

Đang khi cuộc sống là thời gian chuẩn bị, không chỉ cho một tình bạn với Thiên Chúa, mà còn cho sự “tấn công” của ba thù và những “gian khổ”. Cuộc chiến tâm linh là có thật, dù nhận thức hay không nhận thức, muốn hay không muốn! Chúng ta phải chiến đấu mỗi ngày và trận chiến quan trọng nhất vẫn là trận chiến trong sâu thẳm của trái tim. Chúa Giêsu muốn chúng ta chiến thắng bằng cách cầu nguyện và tỉnh thức trong đời sống đức tin hầu có thể ‘thanh thoát’ và không trở nên bải hoải, chìm vào u mê.

Kính thưa Anh Chị em,

“Chớ để lòng mình ra nặng nề!”. Hôm nay, thứ Bảy cuối năm phụng vụ, bạn và tôi ngước nhìn lên Mẹ Maria, một con người hoàn toàn ‘tòng thuộc’ Thiên Chúa. Giữa bao sóng gió cuộc đời, trái tim Mẹ vẫn giữ được niềm vui và sự tự do. Thử thách, gian truân, những ‘sợi chỉ xám xịt’ màu tối, không chi phối được Mẹ; không gì ngăn cản Mẹ cất cao lời kinh “Linh hồn tôi ngợi khen Chúa”. Trái lại, con tim Mẹ ‘thanh thoát’; vì lẽ, Mẹ đã giao ‘khung lụa đời mình’ để Chúa tự do vẽ và dệt. Mẹ hiến dâng mọi sự cho Chúa, Đấng đầy ắp Mẹ. Trái tim Mẹ được dẫn dắt bởi tình yêu và sự tín thác vốn cho phép Mẹ luôn chọn điều tốt nhất và từ chối bất cứ điều gì xấu xa vốn có thể phương hại cho ‘bức tranh’ đời Mẹ.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, con thường chọn màu cho bức lụa đời con; đôi khi con dành Chúa để dệt nó. Cho con tỉnh táo, khôn ngoan, giao mọi sự cho Chúa hầu con được ‘thanh thoát!’”, Amen.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây