TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật II Mùa Vọng – Năm C

“Mọi người sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa”. (Lc 3, 1-6)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lời Chúa THỨ NĂM TUẦN 33 THƯỜNG NIÊN

Chủ nhật - 12/11/2023 13:03 |   650
“Phải chi ngày hôm nay ngươi cũng nhận ra những gì đem lại bình an cho ngươi.” (Lc 19,41-44)

23/11/2023
THỨ NĂM TUẦN 33 THƯỜNG NIÊN

Thánh Clêmentê I, giáo hoàng, tử đạo

t5 t33 TN

Lc 19,41-44


BÌNH AN HÔM NAY
“Phải chi ngày hôm nay ngươi cũng nhận ra những gì đem lại bình an cho ngươi.” (Lc 19,41-44) 

Suy niệm: Ngày 07/10/2023 đánh dấu một giai đoạn mới trong cuộc xung đột kéo dài ở Trung Đông. Sau khi bị đánh úp bất ngờ, quân dân Israel lại ‘vùng lên’ trả đũa gấp nhiều lần với tất cả quyết tâm của mình. Bài Tin Mừng hôm nay là lời Chúa khóc thương cho Giê-ru-sa-lem, và tiên báo cuộc khởi nghĩa của người Do Thái chống lại Rô-ma năm 70, với cái kết bi thảm là thành đô bị thất thủ, tàn phá bình địa: “Sẽ tới những ngày quân thù đắp lũy chung quanh, bao vây và công hãm ngươi tư bề. Chúng sẽ đè bẹp ngươi và con cái đang ở giữa ngươi, và sẽ không để hòn đá nào trên hòn đá nào.” Đức Giê-su khóc không chỉ vì hậu quả đau thương khốc liệt của cuộc chiến. Ngài còn khóc vì dân Chúa “đã không nhận biết thời giờ được Thiên Chúa viếng thăm” và “những gì đem lại bình an” cho họ. Bình an hôm nay là chính Đức Giê-su, Đấng khiêm tốn ngồi trên lưng lừa tiến vào Giê-ru-sa-lem, để viếng thăm và cứu độ Dân Người.

Mời bạn: Ngay cả hôm nay Chúa Giê-su cũng khóc. Bởi vì chúng ta yêu thích con đường chiến tranh, con đường ghét ghen và con đường hận thù... Thế giới tiếp tục gây chiến. Thế giới chưa hiểu được con đường của hòa bình” (Đức Phanxicô). Bạn đang ở trong con đường nào? Con đường ấy có thật sự đem bình an cho bạn chăng? Bạn nhớ Chúa sai bạn ra đi đến với từng nhà để nói: “Bình an cho nhà này” (x. Lc 10,5).

Sống Lời Chúa: Tôi ý thức loại bỏ những lời nói hành động gây thù hận, bất hoà, để kiến tạo bình an, hiệp nhất.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con tìm thấy bình an trong tâm hồn, rồi diễn tả bình an ấy trong đời mình.

Ngày 23 tháng 11: Lạy Chúa! Cánh chung không phải là cớ để Hội Thánh xao lãng những mục tiêu trần thế, nhưng, những mục tiêu trần thế phải được tương đối hóa, và phụ thuộc vào những mục tiêu cánh chung. Bị loại ra khỏi Nước Trời là một thất bại. Hội Thánh luôn nhấn mạnh đến khả thể của thất bại này, không phải để dọa nạt, nhưng là để cảnh giác đề phòng. Mục đích tối hậu của đời sống chúng con là vào Nước Trời, nơi Đức Kitô mời gọi tất cả mọi người đến. Trong cuộc sống hằng ngày, xin cho chúng con biết tiến về Quê Trời với tất cả niềm tin và niềm hy vọng vững bền. Amen.
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
THỨ NĂM TUẦN 33 THƯỜNG NIÊN

Ca nhập lễ

Chúa phán: Ta nghĩ đến bình an, chớ không nghĩ đến gian khổ; các người kêu cầu Ta, và Ta nhậm lời các ngươi, Ta dẫn dắt các ngươi từ mọi nơi các người bị nô lệ trở về.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Thiên Chúa là nguồn phát sinh mọi điều thiện hảo, được phụng sự Chúa quả là một hạnh phúc tuyệt vời: xin cho chúng con tìm được niềm vui khi hết dạ trung thành với Chúa. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: (Năm I) 1 Mcb 2, 15-29

“Chúng tôi tuân theo lề luật cha ông chúng tôi”.

Trích sách Macabê quyển thứ nhất.

Trong những ngày ấy, vua Antiôcô sai người đến cưỡng bách các người trốn ẩn tại thành Môđin cúng tế dâng hương và chối bỏ lề luật Thiên Chúa. Có nhiều người trong dân Israel tuân lệnh đến với họ, nhưng ông Mathathia và các con ông cương quyết không chịu theo. Các người vua Antiôcô sai đến, lên tiếng nói với Mathathia rằng: “Ông là thủ lãnh có tiếng tăm và có uy tín trong thành này và có nhiều con cái và anh em. Vậy ông hãy tiến lên trước tiên và thi hành lệnh nhà vua, như hết thảy mọi dân tộc, như các người chi tộc Giuđa và những người còn ở lại Giêru-salem đã thi hành rồi, ông và các con ông sẽ là bạn hữu của nhà vua, sẽ được nhà vua ban cho vàng bạc và ân huệ khác”. Matha-thia trả lời và nói lớn tiếng rằng: “Cho dầu mọi dân tộc đều tuân lệnh vua Antiôcô, mọi người đều chối bỏ lề luật của cha ông mà vâng lệnh nhà vua, phần tôi và con cái cùng anh em tôi, chúng tôi vẫn tuân theo lề luật cha ông chúng tôi. Xin Thiên Chúa thương đừng để chúng tôi chối bỏ lề luật và giới răn Chúa. Chúng tôi sẽ không nghe theo lệnh vua Antiôcô, cũng chẳng cúng tế mà lỗi phạm lệnh truyền của lề luật chúng tôi, kẻo chúng tôi đi theo con đường khác”.

Ông vừa dứt lời thì có một người Do-thái tiến ra cúng thần trước mặt mọi người, trên bàn thờ ở thành Môđin, theo chiếu chỉ của nhà vua. Thấy vậy, Mathathia đau lòng xót dạ, ông nổi giận vì yêu mến lề luật, ông xông tới giết ngay người ấy trên bàn thờ. Ông cũng giết luôn người vua Antiôcô sai đến để cưỡng bách người ta cúng tế; ông lật đổ cả bàn thờ. Lòng nhiệt thành của ông đối với lề luật cũng giống như lòng nhiệt thành của Phinê đã đối xử với Zimri con ông Salomi.

Ðoạn Mathathia kêu lớn tiếng khắp trong thành phố rằng: “Ai nhiệt thành với lề luật, tuân giữ lời Giao ước, hãy ra khỏi thành theo tôi!” Ông và con cái ông trốn lên núi, bỏ lại trong thành mọi tài sản họ có. Bấy giờ một số người còn nhiệt tâm với sự công chính và lề luật, cũng trốn vào hoang địa.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 49, 1-2. 5-6. 14-15

Ðáp: Ai đi đường ngay thẳng, Ta chỉ cho thấy ơn Thiên Chúa cứu độ.

Xướng: Chúa là Thiên Chúa đã lên tiếng kêu gọi địa cầu, từ chỗ mặt trời mọc lên tới nơi lặn xuống. Từ Sion đầy mỹ lệ, Thiên Chúa hiển linh huy hoàng.

Xướng: Hãy tập họp cho Ta các tín đồ đã ký lời giao ước của Ta cùng hy sinh lễ. Và trời cao sẽ loan truyền sự công chính của Người, và chính Thiên Chúa Người là thẩm phán.

Xướng: Hãy hiến dâng Thiên Chúa lời khen ngợi, và làm trọn điều khấn hứa cùng Ðấng Tối Cao. Ngươi hãy kêu cầu Ta trong ngày khốn khó, Ta sẽ giải thoát ngươi và ngươi sẽ kính trọng Ta.

Bài Ðọc I: (Năm II) Kh 5, 1-10

“Chiên con đã bị sát tế và đã lấy máu mình mà cứu chuộc chúng tôi thuộc mọi nước”.

Trích sách Khải Huyền của Thánh Gioan Tông đồ.

Tôi là Gioan, tôi đã thấy nơi tay hữu Ðấng ngự trên ngai một cuốn sách viết cả trong lẫn ngoài, có ấn niêm phong. Và tôi thấy một thiên thần hùng dũng lớn tiếng tuyên bố rằng: “Ai xứng đáng mở sách và tháo ấn?” Nhưng cả trên trời, dưới đất và trong lòng đất không ai có thể mở và đọc sách ấy. Tôi khóc lớn tiếng vì chẳng có ai xứng đáng mở và đọc sách ấy. Rồi một trong các trưởng lão nói với tôi rằng: “Thôi đừng khóc nữa, này đây sư tử của chi tộc Giuđa, dòng dõi của Ðavít đã toàn thắng, chính Người sẽ mở sách và tháo bảy ấn niêm phong”.

Tôi đây cũng trông thấy khoảng giữa ngai và bốn con vật cùng các trưởng lão, có một Chiên Con đang đứng như đã bị sát tế, có bảy sừng và bảy mắt: tức là bảy thần linh của Thiên Chúa được sai đi khắp địa cầu. Chiên Con tiến đến lấy cuốn sách nơi tay hữu Ðấng ngự trên ngai. Khi Chiên Con vừa cầm sách, thì bốn con vật phủ phục trước Chiên Con, cả hai mươi bốn trưởng lão cũng làm như thế, mỗi người mang đàn huyền cầm và chén vàng đầy hương thơm, tức là lời cầu nguyện của các thánh. Họ hát một bài ca mới rằng:

“Lạy Ngài, Ngài đáng lãnh sách và tháo ấn, vì Ngài đã chịu chết và đã lấy máu Ngài mà cứu chuộc chúng con thuộc mọi chi tộc, mọi ngôn ngữ, mọi dân và mọi nước, về cho Thiên Chúa. Ngài đã làm chúng con trở thành vương quốc và tư tế cho Thiên Chúa; và chúng con sẽ được cai trị địa cầu”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 149, 1-2. 3-4. 5-6a và 9b

Ðáp: Ngài đã làm cho chúng tôi trở thành vương quốc và tư tế cho Thiên Chúa (Kh 5, 10).

Xướng: Hãy ca mừng Chúa một bài ca mới; hãy vang lên lời khen ngợi trong công hội các tín đồ. Israel hãy mừng vui vì Ðấng tạo tác bản thân; con cái Sion hãy hân hoan vì vua của họ. 

Xướng: Họ hãy hoà nhạc để ngợi khen Người; hãy hát mừng Người với cây đàn cầm, với trống con: bởi vì Chúa yêu thương dân Người, và ban cho kẻ khiêm nhường chiến thắng vẻ vang. 

Xướng: Các tín đồ hãy mừng rỡ trong vinh quang, hãy hoan hỉ trong những nơi khu phố. Miệng họ hãy reo lên lời hoan hô Thiên Chúa. Ðó là vinh quang cho mọi tín đồ của Chúa. 

Alleluia: x. Cv 16, 14b

Alleluia, alleluia! – Lạy Chúa, xin hãy mở lòng chúng con, để chúng con nghe lời Con Chúa. – Alleluia.

Phúc Âm: Lc 19, 41-44

“Chớ chi ngươi hiểu biết sứ điệp mang hoà bình lại cho ngươi”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu đến gần Giêrusalem, trông thấy thành thì Người khóc thương thành ấy mà rằng: “Chớ chi hôm nay ngươi hiểu biết sứ điệp mang hoà bình lại cho ngươi! Nhưng giờ đây, sứ điệp ấy bị che khuất khỏi mắt ngươi. Vì sẽ đến ngày quân thù đắp luỹ bao vây ngươi, xiết chặt ngươi tứ bề. Chúng sẽ tàn phá ngươi bình địa, ngươi cùng con cái ở trong thành. Chúng sẽ không để lại hòn đá nào trên hòn đá nào, vì ngươi đã không nhận biết giờ ngươi được thăm viếng”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, chúng con thành kính dâng lên Chúa lễ vật này, xin vui lòng chấp nhận, và giúp chúng con trung thành phụng sự Chúa, để mai ngày đạt tới phúc trường sinh. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Việc tôi kết hợp với Thiên Chúa, và việc tôi đặt niềm cậy trông vào Chúa là Thiên Chúa, thì tốt đẹp biết bao.

Hoặc đọc:

Chúa phán: Thầy bảo thật các con: Tất cả những gì các con cầu xin, hãy tin rằng các con sẽ được, thì các con sẽ được những điều đó.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, chúng con vừa cử hành lễ tế tạ ơn để tưởng nhớ Ðức Kitô Con Chúa, như lời Người truyền dạy, và chúng con đã được rước Mình và Máu Thánh Người; cúi xin Chúa nhận lời chúng con khẩn nguyện và ban cho chúng con được thêm lòng yêu mến. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

ĐỨC GIÊ-SU THƯƠNG TIẾC THÀNH GIÊ-RU-SA-LEM (Lc 19,41-44)
Lm. Giu-se Đinh Lập Liễm

1. Cuộc hành trình đi Giê-ru-sa-lem được kết thúc bằng một cuộc khải hoàn long trọng tiến vào thành. Nhưng khi đến gần, nhìn thấy thành Giê-ru-sa-lem, Chúa thấy trước thành này sẽ bị tàn phá, cũng là báo trước cuộc phán xét trong ngày cánh chung, nên Chúa thốt lên những lời than tiếc cho thành Giê-ru-sa-lem. Họ có lỗi bởi vì Thiên Chúa luôn yêu thương dân Người, nhưng họ đã từ chối tình thương của Thiên Chúa, từ chối ơn cứu độ và sự bình an Người mang đến cho họ. Và vì không đón nhận nên họ phải đau khổ.

2. Trên đường tiến về Giê-ru-sa-lem, vừa thấy thành, Đức Giê-su đã khóc thương nó, vì thấy trước viễn cảnh sụp đổ bình địa của thành, vì dân thành đã không tin vào Người. Đức Giê-su đã khóc, vì dường như bất lực trước sự cứng lòng của dân Do thái thành Giê-ru-sa-lem. Người làm được mọi sự, nhưng đối với sự cứng lòng của người Do thái, Người không thể làm gì trước tự do của họ. Có thể nói, Thiên Chúa dường như bất lực trước sự tự do mà Người đã ban cho con người. Người Do thái là dân Chúa chọn nên họ đáng hưởng nhiều đặc ân, nhưng thực tế họ không được gì. Bởi Chúa đã giáng sinh nơi quê hương họ để cứu chuộc họ, nhưng họ đã không đón nhận.

3. Dưới cái nhìn của các tiên tri, số phận của thành Giê-ru-sa-lem gắn liền với niềm tin và lòng trung thành đối với Thiên Chúa. Sự trung thành của thành thánh luôn đem lại thịnh vượng và an bình. Trái lại, tai họa luôn là hình phạt cho sự phản bội. Ngay từ xa xưa, tiên tri Giê-rê-mi-a đã loan báo về sự sụp đổ của thành thánh vào năm -587. Trong Tin Mừng, dường như Đức Giê-su cũng muốn lấy lại ngôn ngữ của Giê-rê-mi-a để loan báo về sự sụp đổ của thành thánh vào năm 70. Tiếp theo những biến cố này là một loại tang thương xảy đến cho dân Do thái mà cao điểm là cuộc sát tế 6 triệu người Do thái do Đức quốc xã trong đệ nhị thế chiến.

Như vậy, dưới cái nhìn của Lu-ca, sự sụp đổ của Giê-ru-sa-lem và bao tai họa xảy đến cho dân Do thái đều là hậu quả của sự khước từ hồng ân của Thiên Chúa (R.Veritas).

4. Đức Giê-su đã khóc vì đau buồn trước viễn cảnh thành Giê-ru-sa-lem sẽ bị tàn phá bình địa, “không còn hòn đá nào trên hòn đá nào”. Đền thờ là nơi Ngài thường đến hành hương từng năm, nơi đầy ắp kỷ niệm thời thơ ấu, nhà của Cha Ngài, nơi linh thiêng của cả dân tộc. Vậy mà Đền thờ ấy sẽ phải bị tàn phá; Quả thật, năm 70, nhân cuộc nổi dậy của người Do thái, tướng Ti-tô đã tàn phá bình địa thành đô, và cho cày một luống dài giữa Đền thờ, để cho thấy từ nay nơi đây đã trở thành hoang phế. Cùng với Đền thờ là biết bao người dân, trong đó có cả những trẻ thơ vô tội, bị tàn sát dưới lưỡi gươm của lính Rô-ma. Thế mà giờ đây, Đức Giê-su đến đem bình an cho dân thành; Ngài là Thiên Chúa đến thăm dân Ngài. Vậy mà, tiếc thay, dân thành đã dửng dưng, không đón nhận (5 phút Lời Chúa).

5. Để nói lên thiện chí hòa bình giữa Ac-hen-ti-na và Chi-lê, Ac-hen-ti-na đã đem khí giới, đúc tượng Đức Giê-su. Bức tượng được đưa lên dẫy núi Andes là nơi đã xảy ra cuộc xung đột giữa hai quốc gia. Dưới bệ tượng có dòng chứ: “Chính Người là sự bình an của chúng ta. Người đã làm cho đôi bên nên một”.

Lời Chúa hôm nay cho thấy Đức Giê-su khóc thương Giê-ru-sa-lem, bởi thành đã không nhận ra Chúa là nguồn bình an. Đức Giê-su khóc thương thành, Người cũng khóc thương những người Do thái đương thời. Họ không nhận ra Thiên Chúa đang biểu lộ tình thương giữa họ.

Trong cuộc sống, nhiều lúc chúng ta chạy theo những thứ bình an giả tạo, mà quên tìm kiếm bình an đích thực; chúng ta chối bỏ Thiên Chúa và đặt của cải, danh vọng, địa vị làm mục đích cuộc đời. Khi ấy, chúng ta cảm thấy bất an và mệt mỏi. Ngược lại, lúc chúng ta tìm kiếm Thiên Chúa và bước đi trong ánh sáng của Người, chúng ta mới có bình an đích thực.

6. Điều xảy ra cho thành Giê-ru-sa-lem cũng có thể xảy ra cho mọi người thuộc mọi thời đại. Mỗi người chúng ta đều có giây phút Chúa đến viếng thăm, đó là giây phút hồng phúc mang đến ơn lành, ơn cứu rỗi và sự bình an. “Ước chi hôm nay, nơi hiểu biết sứ điệp mang hòa bình lại cho ngươi”. Nhưng Chúa không bắt buộc tự do của mỗi người, sự tự do mà Ngài đã trao ban cho con người một lần vĩnh viễn không bao giờ muốn lấy lại. Dù biết rằng con người vẫn có thể lạm dụng sự tự do đó mà chống lại Ngài (Mỗi ngày một tin vui).

7. Truyện: Kiên tâm chịu đựng.

Khi đi tuần tra tại một thành phố nọ có một vị thẩm phán lúc nào cũng bị một luật sư kiêu căng gây phiền toái bằng cách đưa ra một số nhận xét mang tính cách chế giễu.

Sau đó, trong bữa ăn tối, có vài người hỏi vị thẩm phán tại sao ông không dùng quyền lực của mình để chỉ trích viên luật sư này.

Vị thẩm liền bỏ dao nĩa xuống, chống cùi chỏ lên bàn và kể câu chuyện của mình:

– Tại thành phố của chúng ta, có một bà góa sống chung với một con chó, cứ mỗi khi mặt trăng tỏa sáng, thì con chó lại đi ra ngoài và sủa liên tục suốt đêm.

Ông ngừng lại và lặng lẽ bắt đầu ăn trở lại. Một trong những người bạn hỏi ông:

– Thưa ngài thẩm phán, thế con chó và mặt trăng thì làm sao?

Ông nói:

– Ô, bất chấp tiếng sủa của con chó, mặt trăng vẫn cứ tiếp tục tỏa sáng.

Vâng! Hãy tin tưởng vào Chúa. Gặp thời thuận tiện hay không, cùng với thánh Phao-lô, chúng ta hãy kiên vững trong sứ mệnh loan báo Tin Mừng vì xác tín rằng không một sức mạnh trần thế nào có thể cản được chương trình của Thiên Chúa.

 

CHÌM VÀO TRONG
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Chúa Giêsu đến gần Giêrusalem và trông thấy thành, thì khóc thương”.

Đại đế Alexander đã chinh phục ‘cả thế giới’, theo cách hiểu thời bấy giờ. Sau khi toàn thắng, ông đứng trước doanh trại, khóc nức nở và nói, “Ta không còn thế giới nào nữa để chinh phục!”; Alexander chết ở tuổi 33. Hơn 300 năm sau, đứng trước Giêrusalem, Chúa Giêsu cũng sụt sùi, nhưng chỉ vì Ngài không chinh phục nổi thành! Vậy mà, nhờ việc hiến mình trên thập giá, chịu chết và sống lại cũng ở tuổi 33, Ngài chinh phục cả thế giới!

Kính thưa Anh Chị em,

Thú vị thay! Đại đế Alexander khóc vì không còn ‘thế giới’ nào để chinh phục; Chúa Giêsu khóc, vì nguyên chỉ một Giêrusalem, Ngài không chinh phục nổi! Tin Mừng hôm nay tiết lộ lần khóc hiếm hoi đó. Việc Ngài khóc tiết lộ, đây không phải là một nỗi buồn thoáng qua; đúng hơn, một nỗi buồn thánh đang ‘chìm vào trong’ nhân cách toàn thánh của Ngài.

Chúa Giêsu nhận thức một thực tế xót xa rằng, Ngài đến, đem cho Giêrusalem món quà cứu rỗi. Buồn thay, một số người sẽ lờ đi; số khác thì tức giận; số khác nữa, sẽ giết Ngài! Đây cũng là lần cuối Ngài vào đền thờ, nơi Ngài dâng mạng sống làm Chiên Hy Tế cứu độ thế giới; vậy mà nhiều người, chẳng những không chấp nhận Ngài, ngược lại, họ sẽ trở thành công cụ cho tử thần đang chờ Ngài. Từ thế kỷ thứ ba, Origen đã có một cái nhìn sâu sắc về việc Chúa Giêsu khóc, “Như một gương sáng, Chúa Giêsu xác nhận và hoàn thành các Mối Phúc Ngài dạy. Ngài hiền lành, Ngài khóc lóc, Ngài bị bắt bớ vì sự công chính… và Ngài đã có phúc được lại tất cả, được cả thế giới!”.

Tiếp đến, không chỉ khóc cho Giêrusalem vốn sẽ lãnh lấy số phận như số phận của bao công trình vật chất, ở đây là sự giày xéo của đế quốc Rôma, Chúa Giêsu còn khóc cho nhân loại, cho bạn và tôi, nhất là cho những ai thuộc gia đình đức tin mai ngày. Ngài thấy trước, họ sẽ thiếu đức tin, từ chối ơn cứu độ; và đó là sự huỷ diệt muôn đời! Cảm nhận một sự thất đoạt gần như thất bại hoàn toàn, Ngài rơi lệ! Bài đọc Macabê hôm nay cho thấy một tâm trạng tương tự đang ‘chìm vào trong’ Mathathia, con người nhiệt thành. Khi một số người theo lệnh vua Antiôcô, dâng hương bái lạy tà thần, “Ruột gan ông sôi sục, lòng đạo đức khiến ông nổi giận đùng đùng. Ông nhào tới hạ sát hắn ngay tại bàn thờ”.

Kính thưa Anh Chị em,

Chúa Giêsu khóc thương Giêrusalem vì thành không biết Đấng thăm viếng nó. Giờ đây, Đấng ấy không chỉ viếng thăm, nhưng qua Chúa Giêsu, Đấng ấy cắm lều giữa con người. Ngài là Emmanuel, đang ở giữa, đang đồng hành để đưa chúng ta về đích. Kế hoạch của Ngài cho từng người thật vĩ đại và tuyệt vời; vậy mà, nếu mỗi người chúng ta không đón Ngài, không cho Ngài một chỗ trong tim, trong đời mình, Ngài vẫn tiếp tục khóc. Những giọt nước mắt ẩn tàng của Ngài không chỉ là những giọt nước mắt của bậc cha mẹ, của các bề trên, các nhà giáo dục, nhưng còn là của một Thiên Chúa, một Đấng Cứu Độ. Lấy lại lời của một đan sĩ tiên khởi, Ephrem Syria, Đức Phanxicô nói, “Khuôn mặt được rửa sạch bởi nước mắt đẹp tuyệt vời! Vẻ đẹp của thống hối, của nước mắt hoà lẫn sự ăn năn. Con hãy cầu xin cho được ơn biết khóc!”.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, cho con biết khóc với những giọt thống hối, giọt ăn năn; và khuôn mặt của con, linh hồn của con cũng đẹp đến tuyệt vời!”, Amen.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây