TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Giáng Sinh

“Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. (Lc 2, 1-14)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lời Chúa CHÚA NHẬT I MÙA VỌNG –NĂM B

Thứ ba - 21/11/2023 13:29 |   679
“Người giữ cửa phải canh thức.” (Mc 13,33-37)

03.12.2023
CHÚA NHẬT I MÙA VỌNG –NĂM B

 

cn t1 MVb

Mc 13,33-37


CANH THỨC
“Người giữ cửa phải canh thức.” (Mc 13,33-37)

Suy niệm: Truyện cổ Hy Lạp có kể chuyện người Hy Lạp, để chiếm thành Troa, dùng kế dâng cho vua thành ấy một con ngựa gỗ khổng lồ. Nào ngờ trong bụng con ngựa gỗ ấy chứa đầy quân lính. Nửa đêm toán lính chui ra, mở cửa thành cho đại quân tiến vào chiếm thành. Ngày nay người ta dùng điển tích ấy - gọi là “trojan” - để đặt tên một thứ vi-rút nguỵ trang có vẻ vô hại, nhưng một khi đột nhập vào hệ thống máy tính rồi, nó sẽ phá hoại dữ liệu, đánh cắp thông tin máy chủ, tác hại khôn lường. Chúa Giê-su dùng hình ảnh “người giữ cửa phải canh thức” có ý nhắc ta phải sẵn sàng đón Chúa đến bất cứ lúc nào, và cũng để đề phòng kẻ trộm nhằm lúc bất ngờ nhất đào ngạch khoét vách, lẻn vào căn nhà tâm hồn tác hại từ bên trong.

Mời Bạn: Thực trạng xã hội cho thấy người ta đã mở ‘cổng sau; cho những “trojan” đột nhập và ngấm ngầm tác hại lên nếp sống của cá nhân, cộng đoàn. Các công ty dám xả nước thải ra sông ra biển mà không áy náy vì đã từ lâu, người ta vẫn ‘vô tư’ quét rác rưởi ra đường phố hay xuống cống rãnh. Báo chí dám đưa thông tin dối trá, nhà trường dám gian lận bài thi, giả bằng cấp, vì đã từ lâu người ta cầu an hưởng thụ, không dám chấp nhận thách đố để sống chân thật, công bằng. Lương tâm là người giữ cửa tâm hồn bạn phải canh thức, để không lẫn lộn coi điều xấu thành điều tốt. Để người giữ cửa tâm hồn của bạn tỉnh thức cần có một nếp sống tiết độ và chuyên cần cầu nguyện.

Sống Lời Chúa: Lấy “Trung thực và Công bằng” làm châm ngôn sống.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho Danh Chúa vinh hiển, cho Nước Chúa trị đến.

CNMV I: Lạy Chúa! Cuộc sống thú vị, bởi vì, chúng con không biết được chắc chắn tương lai sẽ như thế nào. Chất lượng cuộc sống tùy thuộc vào chất lượng của sự đợi chờ. Chúa như ông chủ từ xa trở về; Chúa đến bất ngờ trong lúc chúng con vẫn cứ ăn uống, cưới vợ lấy chồng. Xin cho chúng con luôn biết tỉnh thức: để khi thấy những hiện tượng kinh hãi: biển gào sóng thét, chúng con vẫn cứ ngẩng đầu, vì biết mình sắp được cứu độ. Xin cho chúng con tỉnh thức để nhận ra tình yêu của Chúa, để mau mắn đáp lại tình yêu đó bằng những suy nghĩ, lời nói, và những việc làm cụ thể của mình. Amen.
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Chúa Nhật I Mùa Vọng –Năm B

Dẫn vào Thánh Lễ

Anh chị em thân mến! Mùa Vọng là mùa chờ đón Chúa đến. Chúa sẽ đến nhưng không chắc ta có gặp được Người. Vì Người đến bất ngờ và rất âm thầm. Muốn gặp được Chúa ta phải tỉnh thức. Tỉnh thức có nghĩa là đừng mê ngủ. Trong cuộc sống có những bóng đêm ru ta ngủ say khiến không gặp được Người. Chìm đắm trong giấc mộng, ta sẽ chẳng nghe được bước chân Chúa đi. Tỉnh thức cũng có nghĩa là tỉnh táo phân định. Chúa đến có tính cách rất âm thầm và rất nhẹ nhàng, đơn sơ, hiền lành, khiêm nhường như một người phục vụ. Phải tỉnh táo lắm mới nhận ra Người. Tỉnh thức cũng có nghĩa là ở trong tư thế sẵn sàng, làm việc không ngừng và quên mình phục vụ cho lợi ích chung, chứ không phải là không ngủ mà ngồi chờ. Vậy để bước vào năm Phụng Vụ mới, chúng ta hãy xin Chúa thứ tha mọi lỗi lầm thiếu sót và cùng nhau thống hối.

Ca nhập lễ

Lạy Chúa, con vươn linh hồn lên tới Chúa, con tin cậy vào Chúa, xin đừng để con tủi hổ. Xin đừng để quân thù hoan hỉ về con, vì tất cả những ai trông cậy Chúa, sẽ chẳng hổ người.

Không đọc Kinh Vinh Danh

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa Cha toàn năng, xin cho đoàn tín hữu chúng con hằng quyết tâm làm việc thiện, để đón chào Con Chúa đang ngự đến xét xử trần gian. Nhờ đó, chúng con sẽ được Người cho ở bên hữu, và gọi vào hưởng phúc Nước Trời. Người là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Chúa hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.

Bài Ðọc I: Is 63, 16b-17; 64, 1. 3b-8

“Xin Chúa băng qua các tầng trời mà ngự xuống”.

Trích sách Tiên tri I-sai-a.

Lạy Chúa, Chúa là Cha và là Ðấng Cứu Chuộc chúng con: danh Chúa đã có từ muôn đời. Lạy Chúa, tại sao Chúa để chúng con đi lạc xa đường Chúa, và làm cho tâm hồn chúng con trở nên chai đá, không còn biết kính sợ Chúa nữa? Vì các tôi tớ Chúa, các chi tộc thừa hưởng gia nghiệp Chúa, xin hãy đoái nhìn lại.

Xin Chúa băng qua các tầng trời mà ngự xuống: các núi đồi rung chuyển trước tôn nhan Chúa. Chúa đã ngự xuống và các núi đồi rung chuyển trước tôn nhan Chúa. Ðó là việc từ xưa đến nay chưa từng có ai nghe thấy; lạy Chúa, không tai nào nghe thấy không mắt nào nhìn thấy một chúa nào khác ngoài Chúa đã dành những hồng ân cho những ai trông đợi Chúa. Chúa đã đón tiếp kẻ hân hoan thi hành công lý, và nhớ đến Chúa khi đi trong đường lối Chúa.

Này Chúa thịnh nộ, vì chúng con đã phạm tội. Chúng con đã luôn luôn ở trong tình trạng tội lỗi, thì làm sao sẽ được cứu rỗi? Tất cả chúng con đều đầy vết nhơ, và công nghiệp chúng con đều như chiếc áo dơ bẩn.

Và không còn ai kêu cầu thánh danh Chúa, không còn ai tỉnh thức để bám lấy Chúa. Chúa đã ẩn nấp không cho chúng con nhìn thấy nữa, và Chúa đã phó mặc chúng con cho quyền lực tội lỗi. Tuy nhiên, lạy Chúa, Chúa là Cha chúng con, chúng con là đất sét, còn Chúa là người thợ gốm, tất cả chúng con đều do tay Chúa làm nên.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 79, 2ac và 3b. 15-16. 18-19

Ðáp: Lạy Chúa là Thiên Chúa chúng con, xin cho chúng con được phục hồi, xin tỏ thiên nhan hiền từ Chúa ra, hầu cho chúng con được ơn cứu sống 

Xướng: Lạy Ðấng chăn dắt Ít-ra-en, xin hãy lắng tai! Chúa ngự trên các Vệ Binh Thần, xin hiện ra trong sáng láng. Xin thức tỉnh quyền năng của Chúa, và ngự tới để cứu độ chúng con.

Xướng: Lạy Chúa thiên binh, xin thương trở lại, tự trời cao xin nhìn coi và thăm viếng vườn nho này. Xin bảo vệ vườn nho mà tay hữu Ngài đã cấy, bảo vệ ngành nho mà Ngài đã củng cố cho mình.

Xướng: Xin Chúa ra tay bang trợ người ở bên tay hữu Chúa, con người mà Chúa đã củng cố cho mình. Chúng con sẽ không còn rời xa Chúa nữa, Chúa cho chúng con được sống, và chúng con ca tụng danh Ngài.

Bài Ðọc II: 1 Cr 1, 3-9

“Chúng ta mong chờ Ðức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, tỏ mình ra”.

Trích thư thứ nhất của Thánh Phao-lô Tông đồ gửi tín hữu Cô-rin-tô.

Anh em thân mến, chúc cho anh em đầy ân sủng và bình an của Thiên Chúa là Cha chúng ta, và của Ðức Giê-su Ki-tô.

Tôi hằng cảm tạ Chúa thay cho anh em, vì ơn đã ban cho anh em trong Chúa Giê-su Ki-tô. Vì chưng, trong Ngài, anh em được tràn đầy mọi ơn: ơn ngôn ngữ và ơn hiểu biết, đúng như Chúa Kitô đã minh chứng nơi anh em, khiến anh em không còn thiếu ơn nào nữa trong khi mong chờ Ðức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, tỏ mình ra. Cũng chính Ngài sẽ ban cho anh em bền vững đến cùng, không có gì đáng trách trong ngày Ðức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, ngự đến. Thiên Chúa là Ðấng Trung Tín, đã kêu mời anh em hiệp nhất với Con của Người, là Ðức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Tv 84, 8

Alleluia, alleluia! – Lạy Chúa, xin tỏ lòng từ bi Chúa cho chúng con, và ban ơn cứu rỗi cho chúng con. – Alleluia.

Phúc Âm: Mc 13, 33-37

“Các con hãy tỉnh thức, vì các con không biết lúc nào chủ nhà trở về”.

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Mác-cô.

Khi ấy, Chúa Giê-su phán cùng các môn đệ rằng: “Các con hãy coi chừng, hãy tỉnh thức và cầu nguyện, vì các con không biết lúc đó là lúc nào. Ví như người đi phương xa, để nhà cửa lại, trao quyền hành cho các đầy tớ, mỗi người một việc, và căn dặn người giữ cửa lo tỉnh thức. Vậy các con hãy tỉnh thức, vì các con không biết lúc nào chủ nhà trở về, hoặc là chiều tối, hoặc là nửa đêm, hoặc là lúc gà gáy, hay ban sáng, kẻo khi ông trở về thình lình, bắt gặp các con đang ngủ. Ðiều Ta bảo cho các con, thì Ta bảo cho tất cả mọi người là: Hãy tỉnh thức!”

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tín hữu

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Tỉnh thức không phải là việc dễ dàng, tự sức ta thật khó có thể, nên hãy tha thiết cầu nguyện xin Chúa trợ giúp:

1. “Tôi hằng cảm tạ Chúa thay cho anh em, vì ơn đã ban cho anh em trong Chúa Giê-su Ki-tô”. Xin cho các vị Chủ chăn được tinh thần nhiệt thành với nhiệm vụ Chúa ủy thác trên các linh hồn, để các ngài được khôn ngoan hướng dẫn đoàn chiên theo ý Chúa.

2.“Chúa là người thợ gốm, tất cả chúng tôi đều do tay Chúa làm nên”.- Xin cho các tín hữu ý thức rằng Chúa đến bất ngờ và thân phận mình yếu đuối, để đừng lãng quên Chúa là cứu cánh đời mình, mà hết lòng phụng sự, yêu mến, hầu khi Chúa đến họ xứng đáng đón rước Chúa.

3.“Chớ lo lắng thỏa mãn những dục vọng xác thịt”.- Xin cho giới trẻ hôm nay đang bị đam mê trần thế ru ngủ, xóa mờ ý thức về Chúa được tỉnh thức, sẵn sàng đón chờ giờ Chúa viếng thăm.

4.“Hãy tĩnh thức và cầu nguyện”.- Xin cho mọi người trong giáo xứ chúng ta, đang bị mưu mô của tà thần và sự lừa bịp của thế gian cuốn hút, nghe được tiếng Chúa kêu gọi mà mau mắn trở về, để được hưởng ơn cứu độ.

Chủ tế: Lạy Chúa, Chúng con thật yếu đuối trước những cám dỗ, xin Chúa Thánh Thần giúp chúng con biết khôn ngoan mưu tìm hạnh phúc bất diệt, để Lời Chúa sinh ơn cứu độ cho chúng con. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô Chúa chúng con.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, đây là bánh rượu chúng con đã chọn lựa trong muôn vàn phúc lộc chính Chúa đã thương ban. Cúi xin Chúa vui lòng chấp nhận, và làm cho Thánh Lễ tạ ơn giờ đây chúng con dâng tiến, trở nên bảo chứng ơn cứu độ muôn đời cho chúng con. Chúng con cầu xin…

Lời tiền tụng mùa vọng I

Ca hiệp lễ

Chúa sẽ ban cho mọi điều thiên hảo, và Đất Nước chúng con sẽ sinh bông trái.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, Chúa đã dùng bí tích Thánh Thể để dạy chúng con là những kẻ lữ hành dưới thế biết mến yêu và gắn bó với những thực tại bền vững trên trời. Xin cho bí tích chúng con vừa cử hành đem lại cho chúng con muôn vàn ân sủng. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

Hãy tỉnh thức

Năm phụng vụ mới bắt đầu bằng một lời cảnh báo: Hãy tỉnh thức. Chúng ta không còn ở trong thời kỳ chờ đợi Chúa giáng sinh làm người, dù rằng năm phụng vụ mở đầu với mùa vọng, mùa chuẩn bị mừng lễ Giáng sinh. Trái lại chúng ta đang ở trong thời kỳ chờ đợi Chúa đến hoàn tất công trình cứu độ nơi mỗi người, cũng như nơi toàn thể nhân loại.

Hãy tỉnh thức, đúng thế, người Kitô hữu phải chăng là người luôn sống cái mặc cảm coi thế gian và cuộc sống chỉ là một chuỗi những cạm bẫy sẵn sàng nhận chìm chúng ta trong hư đốn? Không phải là như vậy. Lời kêu gọi của Chúa Giêsu và của Giáo Hội ngày hôm nay bao gồm một cái nhìn lạc quan về lịch sử nhân loại. Chúa Giêsu đã có đó. Tội lỗi đã bị án diệt vong. Sự chết đã bị đánh bại, còn mầm mống sự sống mới cứ mỗi ngày một lớn mạnh.

Hãy tỉnh thức để nhận ra tất cả những cái mới mẻ ấy để có thể nhập cuộc. Bà con trong thôn ấp được kêu gọi tu sửa đường xá cho việc đi lại được dễ dàng. Các em học sinh tham gia phong trào tiết kiệm để có tiền giúp đỡ các bạn cùng lớp, cùng trường gặp tai ương hoạn nạn. Người đi buôn, không nói thách, không bán đồ giả, không dùng cân thiếu và thước hụt. Phải tỉnh thức và thấm nhuần tinh thần Phúc Âm để có thể nhận ra sự lớn mạnh của trật tự xã hội mới.

Trong Phúc Âm cũng như trọn cuộc sống, chúng ta có thể bắt gặp vô số những con người mê ngủ, nghĩa là tiếp tục suy nghĩ và lý luận về hành động của Thiên Chúa theo lối cũ, theo những định kiến, theo những hệ thống thần học họ tự đặt ra. Các thượng tế, luật sĩ và biệt phái đã ru ngủ mình trong sự tự mãn và sự thông hiểu Kinh Thánh. Cả thành Giêrusalem cũng đã tự ru ngủ mình trong thói quen, trong cái nếp cũ, nên đã sống bên ngoài biến cố Con Thiên Chúa làm người.

Chúa Giêsu có đó như vị cứu tinh họ mong đợi, nhưng họ đã không nhận ra Ngài. Không những không nhận ra Ngài mà còn tìm cách giết hại Ngài. Bởi vì họ không chấp nhận nghe và thấy những lời nói, những việc làm đi ra ngoài những gì họ đã nghe và đã thấy. Họ đã có những phản ứng hoàn toàn không thích hợp với những đòi hỏi của thời đại mới. Họ đích thực là những kẻ mê ngủ. Chính những mục đồng và những kẻ bị liệt vào hàng tội lỗi công khai như người thu thuế và gái điếm, những kẻ bệnh tật và nghèo khổ lại là những người có khả năng nhận ra cái mới mẻ của tiếng hát các thiên thần, của ánh sao, của những dấu lạ để rồi cuối cùng đã nhận ra Đấng Cứu Thế nơi một hình nhi mới sinh, bọc trong khăn vải và đặt nằm trong máng cỏ, hay nơi một Đức Kitô bị chết treo trên thập giá.

Liệu chúng ta đã thực sự tỉnh thức để nhận ra Chúa nơi những người anh em, và thánh ý Ngài qua các biến cố xảy đến hay không?

Tỉnh thức

Chọn bài Phúc Âm này để làm đề tài suy gẫm trong ngày đầu năm phụng vụ, Giáo Hội muốn nhắc nhở chúng ta một bài học rất hữu ích và cần thiết đó là hãy tỉnh thức và sẵn sàng để đón nhận Chúa vào ngày giáng sinh cũng như ngày Chúa gọi chúng ta đến tính sổ cuộc đời với Ngài.

Nhìn vào đời sống, chúng ta thấy tỉnh thức và sẵn sàng là điều kiện cốt yếu để được sống còn. Ngay như trong thế giới loài vật chúng ta cũng thấy như vậy. Một nông dân Mỹ bị đàn quạ khoang phá hoại ruộng ngô. Ông mang súng ra bắn, nhưng không sao lại gần được vì trên cây thông cao, có một con đậu để canh chừng khi các con khác đang ăn. Len lỏi lâu dưới hố sâu ông mới lại gần được mà con gác không hay biết. Một tràng đạn nổ vang, những con sống sót bay vù lên, nhưng chúng không bay đi xa, chúng xà xuống con canh gác với những tiếng kêu giận dữ. Con chim khốn nạn này bị đồng bọn xử một cách tàn nhẫn và nhanh chóng, không thể ở lại trong bầy, phải rời hàng ngũ mà đi nơi khác.

Câu chuyện trên đây cho thấy việc tỉnh thức và sẵn sàng là điều rất cần thiết, loài vật còn cảm thấy phương chi là con người. Nơi giống vật không chu toàn bổn phận tỉnh thức còn bị trừng phạt nặng nề, phương chi là con người.

Trong cuộc sống, chúng ta thường nói: Mấy ai học được chữ ngờ. Nghĩa là có nhiều biến cố xảy đến ngoài dự kiến của chúng ta. Nhưng có một cái bất ngờ, tuy không do chúng ta dự liệu, nhưng lại tuỳ thuộc chúng ta định đoạt số phận, đó là cái chết.

Đọc báo chí, nghe truyền thanh và xem truyền hình, chúng ta thấy cái chết phảng phất ở mọi nơi, và trong mọi lúc. Nào là thiên tai bão lụt giết chết hàng trăm người. Nào là núi lửa, động đất giết chết hàng ngàn người. Nào là chiến tranh, đói khổ giết chết hàng vạn người. Dẫu vậy có ai nghĩ rằng mình cũng sẽ phải chết, mà mấy ai đã tỉnh thức và sẵn sàng cho cái bất ngờ cuối cùng ấy.

Sống sao thì chết vậy. Muốn được chết tốt lành, muốn cho giờ chết không phải là giờ cay đắng bẽ bàng thì ngay từ lúc này, chúng ta phải lo sống tốt lành. Đối với những người còn hồ nghi về đời sau, họ nên khôn ngoan lý luận như nhà tư tưởng Pascal: Có đời sau hay không, điều ấy thật khó mà chứng minh rõ rệt, tuy nhiên tôi vẫn tin có là hơn, vì dù không có, thì tin như vậy cũng không thiệt hại gì. Còn như trong trường hợp mà có, thì không tin quả là điều nguy hiểm. Cho nên tin vào sống niềm tin ấy, thì khôn ngoan hơn.

Tỉnh thức và sẵn sàng ở đây có nghĩa là hãy khử trừ tội lỗi ra khỏi cuộc sống và tích trữ cho một kho tàng quý giá là những hành động bác ái, là những công nghiệp chúng ta lập được khi còn sống ở đời này, để bất kỳ lúc nào Chúa lên tiếng kêu gọi, chúng ta cũng có thể sẵn sàng thưa lên: Lạy Chúa, này con xin đến.


QUYẾT TÂM LÀM VIỆC THIỆN MÀ ĐÓN CHỜ CHÚA ĐẾN
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

Qua Lời Tổng Nguyện của Chúa Nhật Mùa Vọng Tuần I, các nhà phụng vụ muốn chúng ta cầu xin cho mình: quyết tâm làm việc thiện mà đón chào Con Chúa đang ngự đến xét xử trần gian, nhờ đó, chúng ta sẽ được Người cho ở bên hữu và gọi vào hưởng phúc Nước Trời.

Trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, vào những thời khắc bi thảm nhất của cuộc chiến bại, ngôn sứ Isaia dạy cho Dân Chúa biết cách thế để lại được Chúa thương, không phải bằng những nghi lễ lỗi thời, nhưng bằng một cuộc trở về tận thâm tâm: Hãy rửa cho sạch, tẩy cho hết, và vứt bỏ tội ác của các ngươi cho khỏi chướng mắt Ta. Đừng làm điều ác nữa. Hãy tập làm điều thiện, tìm kiếm lẽ công bình… Tội các ngươi, dầu có đỏ như son, cũng ra trắng như tuyết; có thẫm tựa vải điều, cũng hoá trắng như bông.

Trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, thánh Syrilô đã trích lời của ngôn sứ Malakhi để cho thấy: Chúa sẽ giáng lâm lần thứ hai là để xét xử trần gian: Ai chịu đựng nổi ngày Người đến? Ai đứng vững được khi Người xuất hiện? Người như lửa của thợ luyện kim, như bột giặt của thợ giặt. Người sẽ ngồi để nung nấu và thanh tẩy, và thánh nhân cũng mượn lời của thánh Phaolô để nhắc nhở chúng ta: phải từ bỏ lối sống vô luân và những đam mê trần tục, mà sống chừng mực, công chính và đạo đức ở thế gian này.

Bài đọc một của Thánh Lễ, bài Đáp Ca, và Câu Tung Hô Tin Mừng là tâm tình nài xin Chúa trở lại xót thương và ban ơn cứu độ. Ngôn sứ Isaia xin Chúa xé trời mà ngự đến, cho núi non rung chuyển trước Thánh Nhan. Người ta chưa nghe nói đến bao giờ, tai chưa hề nghe, mắt chưa hề thấy: có vị thần nào, ngoài Chúa ra, đã hành động như thế đối với ai tin cậy nơi mình. Vinh gia, qua Thánh Vịnh 79, đã cầu xin: Lạy Thiên Chúa, xin phục hồi chúng con, xin toả ánh tôn nhan rạng ngời, để chúng con được ơn cứu độ.

Bài Tin Mừng chỉ vỏn vẹn có năm câu, mà câu nào cũng có từ “canh thức”. Canh thức vì không biết ngày nào giờ nào, và không biết khi nào Chúa đến. Qua các bài đọc và những yếu tố đi kèm, mà các phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay, chúng ta nhận thấy rằng: “Canh thức” chính là quyết tâm làm việc thiện trong khi chờ Chúa đến xét xử trần gian.

Chắc chắn, “canh thức” như thế thì không dễ chút nào. Do đó, trong bài đọc hai, thánh Phaolô đã khích lệ chúng ta: anh em không thiếu một ân huệ nào, trong lúc mong đợi ngày Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, mặc khải vinh quang của Người. Chính Người sẽ làm cho anh em nên vững chắc đến cùng, nhờ thế không ai có thể trách cứ được anh em trong Ngày của Chúa chúng ta là Đức Giêsu Kitô.

Ân sủng luôn cần có sự tự do cộng tác của chúng ta. Câu Tung Hô Tin Mừng mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay: Lạy Chúa, xin tỏ cho chúng con thấy tình thương của Chúa và ban ơn cứu độ cho chúng con. Tình yêu đáp đền tình yêu, ân tình đền đáp ân tình. Một người con đi học xa nhà, nếu người đó cảm nhận được tình yêu của cha mẹ đã phải vất vả, chắt chiu từng đồng, để có tiền, gửi cho mình ăn học, thì người đó sẽ chăm chỉ học hành, và cố gắng sống tốt để không phụ ân tình mà cha mẹ đã dành cho mình. Ngược lại, nếu không nhận thấy tình yêu của cha mẹ, người đó sẽ dùng những “đồng tiền mồ hôi nước mắt” của cha mẹ mà phung phí vào việc chơi bời lêu lỏng, và trở nên hư đốn làm khổ cha khổ mẹ.

Nước Trời luôn mở cửa chào đón chúng ta. Chúa sẽ đến dẫn đưa chúng ta vào hưởng phúc muôn đời. Ước gì ngày Chúa đến, Chúa thấy chúng ta đang canh thức đợi chờ, xin cho chúng ta quyết tâm làm việc thiện để đón chờ Chúa, như Lời Tổng Nguyện mà các nhà phụng vụ muốn chúng ta cầu xin trong Chúa Nhật Mùa Vọng Tuần I này.

TỬ HUYỆT
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế  

“Điều Thầy nói với anh em, Thầy cũng nói với hết thảy mọi người là phải tỉnh thức!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Mùa Vọng, thời gian của hy vọng; trong đó, ký ức về ‘lần đến’ đầu tiên khiêm nhường và ẩn giấu của Con Thiên Chúa được làm mới lại trong tâm hồn chúng ta. Và trong chính mình, mỗi người làm mới lại nỗi khát khao sự trở lại vinh quang của Chúa. Quan trọng hơn, Mùa Vọng còn là mùa sám hối, mùa nhận ra điểm yếu, ‘tử huyệt’ của mình để mỗi người trở về với Chúa, sẵn sàng nghinh đón Ngài trong giờ Ngài đến!

​Mùa Vọng còn là thời gian để nhìn thế giới như nó vốn là, để thừa nhận những thứ hỗn độn đang diễn ra, để nhận ra những thất bại của mình do sự thờ ơ bản thân gây ra. Bài đọc thứ nhất là một lời cầu nguyện tuyệt vời của Mùa Vọng. Đại diện cho dân, Isaia thưa lên, “Lạy Chúa, tại sao Ngài để chúng con lạc xa đường lối Ngài? Tại sao Ngài làm cho lòng chúng con ra chai đá, chẳng còn biết kính sợ? Phải chi Ngài xé trời mà ngự xuống!”. Thánh Vịnh đáp ca có chung một tâm tình, “Lạy Thiên Chúa, xin phục hồi chúng con!”. Mùa Vọng còn là mùa tạ ơn vì hồng ân được làm con cái Chúa. Phaolô trong thư Côrintô hôm nay viết, “Trong Đức Kitô Giêsu, anh em đã trở nên phong phú về mọi phương diện… khiến anh em không thiếu một ân huệ nào!”.

Có lẽ chúng ta đã quá mất tập trung, quá đắm chìm trong những mời mọc của thế gian; đắm chìm trong những cuộc trò chuyện liên miên trên điện thoại. Mùa Vọng là món quà giúp chúng ta dành thời gian để thấy rõ, chúng ta cần một Vị Cứu Tinh, lắng nghe tiếng Ngài thầm thì trong tâm hồn mình. Mùa Vọng, mùa bạn và tôi được mời sống chậm lại để biết rằng, tôi cần ‘Chúa đến’, chỉ cho tôi ‘tử huyệt’, đưa tôi trở lại con đường đúng đắn để cùng anh em, tôi sống trên hành tinh này như ý Ngài định.

Lời Chúa hôm nay được đánh dấu sâu sắc bởi lời kêu gọi tỉnh thức đến ba lần. Với lần thứ ba, Chúa Giêsu lên tiếng một cách trang trọng, “Điều Thầy nói với anh em, Thầy cũng nói với hết thảy mọi người là phải tỉnh thức!”. Nhưng tôi đâu có mê ngủ, tôi phải tỉnh thức điều gì?

Thần thoại Hy Lạp nổi tiếng với Achilles, con của Peleus, vua Hy Lạp và thuỷ thần Thetis. Khi vừa hạ sinh Achilles, Thetis được tiên tri rằng, con bà sẽ tử trận. Vì thế, bà đem con nhúng xuống dòng sông bất tử Styx; vua cha tưởng bà hại con nên tức giận tuốt kiếm xông ra. Bà mẹ không giải thích mà bỏ về thủy cung khi chưa kịp nhúng hai gót chân con trai xuống nước. Kể từ đó, Achilles mình đồng da sắt, sức mạnh thần thánh vô địch; nhưng về sau, phải chết vì một mũi tên bắn trúng gót chân, ‘tử huyệt!’.

Kính thưa Anh Chị em,

Mùa Vọng, mùa tự hỏi, “Gót chân Achilles, ‘tử huyệt’, của tôi là gì?”. Điểm yếu nhất của tôi là gì? Ngoại tình? Trộm cắp? Dối gian? Phá vỡ hiệp nhất? Đây không chỉ là những câu hỏi đưa đến một lời khuyên khổ hạnh, nhưng là một lời mời gọi sống như trẻ thơ, sống trong ánh sáng ban ngày. Tôi có sẵn lòng để Chúa, người Thợ Gốm; và tôi, đất sét trong tay Ngài? Tôi có sẵn sàng để Chúa định hình đời tôi? Chúng ta tin Chúa, nhưng có tin cậy Chúa đủ, hầu cho phép Ngài uốn nắn và uốn nắn theo những hướng khác với ý muốn của bản thân? Hãy lùi lại khỏi ghế điều khiển và để Chúa cầm lái! Như thế, Mùa Vọng, còn là mùa mở lòng ra để được biến đổi bởi ân sủng.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin hãy ‘nhúng’ linh hồn con, trí tri con, toàn thân con trong nước ân sủng Chúa! Xin tha thứ cho con, để Mùa Vọng này còn là mùa con được đổi mới!”, Amen.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây