TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lời Chúa THỨ HAI TUẦN 2 THƯỜNG NIÊN

Chủ nhật - 07/01/2024 13:31 |   522
Có người đến hỏi Đức Giê-su: “Tại sao các môn đệ ông Gio-an và các môn đệ người Pha-ri-sêu ăn chay, mà môn đệ ông lại không ăn chay?” Đức Giê-su trả lời: “Chẳng lẽ khách dự tiệc cưới lại có thể ăn chay, khi chàng rể còn ở với họ?” (Mc 2,18-22)

15/01/2024
THỨ HAI TUẦN 2 THƯỜNG NIÊN

t2 t2 TN

Mc 2,18-22


VỚI CẢ TẤM LÒNG VÌ CHÚA
Có người đến hỏi Đức Giê-su: “Tại sao các môn đệ ông Gio-an và các môn đệ người Pha-ri-sêu ăn chay, mà môn đệ ông lại không ăn chay?” Đức Giê-su trả lời: “Chẳng lẽ khách dự tiệc cưới lại có thể ăn chay, khi chàng rể còn ở với họ?” (Mc 2,18-22)

Suy niệm: Có một số người thắc mắc rằng tại sao các môn đệ không ăn chay giống như môn đệ Gio-an Tẩy giả hoặc như người Pha-ri-sêu. Chúa trả lời cho họ rằng ăn chay không phải là phong trào, thấy người khác ‘ăn’, mình cũng ‘ăn’ cho giống với họ. Ăn chay ở đây là một hành vi tôn giáo, một việc đạo đức, nó chỉ có ý nghĩa, giá trị khi qui hướng về Chúa, khi được làm vì Chúa, cho Chúa mà thôi. Cũng như khách dự tiệc không ăn chay khi chàng rể còn ở với họ, các môn đệ cũng thế, không thể đau buồn khi đang ở bên Chúa là Nguồn Vui. Đối lại, khi Đức Ki-tô, “chàng rể của họ bị đem đi” trong cuộc Thương Khó, họ không chỉ ăn chay, mà còn “vác thập giá mình mà đi theo Ngài”.

Mời Bạn: Chúa Giê-su luôn chống lại những thực hành tôn giáo chỉ có hình thức bên ngoài, hoặc theo thói quen, rập khuôn cách máy móc mà không có ý thức và tâm tình xứng hợp, như Ngài từng dẫn lời ngôn sứ I-sai-a để nói về họ: “dân này thờ Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta” (Mt 15,8). Rượu mới thì bầu da cũng phải mới. Tinh thần mới của giao ước mới là làm mọi việc vì lòng yêu mến Chúa và để vinh danh Chúa mà thôi.

Sống Lời Chúa: Tập thói quen làm mọi việc đều qui hướng về Chúa bằng cách trước khi làm việc gì, dành một khoảnh khắc thinh lặng, làm Dấu Thánh giá hoặc dâng lên Chúa một lời nguyện tắt.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin hướng lòng con nghiêng về thánh ý Chúa. A-men.

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
THỨ HAI TUẦN 2 THƯỜNG NIÊN

Ca nhập lễ

Lạy Chúa, toàn thể địa cầu thờ lạy và ca khen Chúa, lạy Đấng Tối Cao toàn thể Đất Nước ca khen thánh danh của Ngài.

Lời nguyện nhập lễ      

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Chúa điều khiển hết mọi loài trên trời dưới đất; xin dủ thương chấp nhận lời dân Chúa khẩn cầu và ban cho thời đại chúng con được bình an. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: (năm I) Dt 5, 1-10

“Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã học vâng phục do những đau khổ Người chịu”.

Trích thư gửi tín hữu Do-thái.

Tất cả các vị Thượng tế được chọn giữa loài người, nên được đặt lên thay cho loài người mà lo việc Chúa, để hiến dâng lễ vật và hy lễ đền tội. Người có thể thông cảm với những kẻ mê muội và lầm lạc, vì chính người cũng mắc phải yếu đuối tư bề. Vì thế cũng như người phải dâng lễ đền tội thay cho dân thế nào, thì người dâng lễ đền tội cho chính mình như vậy. Không ai được chiếm vinh dự đó, nhưng phải là người được Thiên Chúa kêu gọi, như A-a-ron. Cũng thế, Ðức Ki-tô không tự dành lấy quyền làm thượng tế, nhưng là Ðấng đã nói với Người rằng: “Con là Con Cha, hôm nay Cha sinh ra Con”. Cũng có nơi khác Ngài phán: “Con là Tư tế đến muôn đời theo phẩm hàm Men-ki-xê-đê”. Khi còn sống ở đời này, Chúa Kitô đã lớn tiếng và rơi lệ dâng lời cầu xin khẩn nguyện lên Ðấng có thể cứu Mình khỏi chết, và vì lòng thành kính, Người đã được nhậm lời. Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã học vâng phục do những đau khổ Người chịu, và khi hoàn tất, Người đã trở nên căn nguyên ơn cứu độ đời đời cho tất cả những kẻ tùng phục Người. Người được Thiên Chúa gọi là Thượng tế theo phẩm hàm Men-ki-xê-đê.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 109, 1. 2. 3. 4.

Ðáp: Con là Thượng tế tới muôn đời theo phẩm hàm Men-ki-xê-đê (c. 4bc).

Xướng: Thiên Chúa đã tuyên bố cùng Chúa tôi rằng: “Con hãy ngồi bên hữu Ta, cho tới khi Ta bắt quân thù làm bệ kê dưới chân Con”.

Xướng: Ðức Thiên Chúa từ Si-on sẽ phô bày vương trượng quyền bính của Ngài, rằng: “Con hãy thống trị giữa quân thù”.

Xướng: Các thủ lãnh cùng hiện diện bên Con, ngày Con giáng sinh trong thánh thiện huy hoàng: trước rạng đông, tựa hồ sương sa, Ta đã sinh hạ ra Con”.

Xướng: Ðức Thiên Chúa đã thề và không hối hận rằng: “Con là Thượng tế tới muôn đời theo phẩm hàm Men-ki-xê-đê”. .

Bài Ðọc I: (Năm II) 1 Sm 15, 16-23

“Vâng lời thì tốt hơn của lễ. Chúa truất phế không cho ông làm vua nữa”.

Trích sách Sa-mu-en quyển thứ nhất.

Trong những ngày ấy, Sa-mu-en nói cùng Sao-lê rằng: “Thôi! Tôi sẽ tuyên bố cho ông những điều Thiên Chúa đã nói với tôi trong đêm qua”. Và Sao-lê đáp: “Ngài cứ nói”. Sa-mu-en liền nói: “Khi ông tự thấy ông còn bé nhỏ, há ông đã chẳng được đặt làm thủ lãnh các chi họ Ít-ra-en sao? Và Thiên Chúa đã chẳng xức dầu phong ông làm vua Ít-ra-en sao? Chúa đã sai ông lên đường và nói: “Hãy đi giết quân A-ma-lếch tội lỗi, và hãy giao chiến với chúng cho đến khi tận diệt chúng”. Tại sao ông không nghe lời Chúa, mà lại chạy theo chiến lợi phẩm và làm điều tội lỗi trước mặt Chúa như vậy?” Sao-lê nói với Sa-mu-en: “Vâng, tôi đã nghe lời Chúa, đã đi trên đường Chúa sai tôi, đã bắt Aga vua A-ma-lếch, và tàn sát dân A-ma-lếch. Nhưng trong các chiến lợi phẩm, dân chúng đã lấy chiên bò, những vật nhất hạng họ cướp được để tế lễ Chúa là Thiên Chúa của họ tại Galgalê”.

Sa-mu-en nói: “Này Chúa ưa thích của lễ toàn thiêu và hy lễ hơn sự vâng lời Chúa ư? Vì vâng lời thì tốt hơn của lễ, và tuân lệnh thì cao đẹp hơn dâng mỡ cừu; vì phản bội thì giống như tội tà thuật, còn ngoan cố thì giống như tội thờ bụt thần. Vậy bởi ông khinh bỉ lời Chúa, nên Chúa truất phế không cho ông làm vua nữa”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 49, 8-9. 16bc-17. 21 và 23.

Ðáp: Ai đi đường ngay thẳng, Ta chỉ cho thấy ơn Thiên Chúa cứu độ

Xướng: Ta không khiển trách ngươi về chuyện dâng lễ vật, vì lễ toàn thiêu của ngươi đặt ở trước mặt Ta luôn. Ta không nhận tự nhà ngươi một con bò non, cũng không nhận tự đoàn chiên ngươi những con dê đực.

Xướng: Tại sao ngươi ưa kể ra những điều huấn lệnh, và miệng ngươi thường nói về minh ước của Ta? Ngươi là kẻ không ưa lời giáo huấn và ném bỏ lời Ta lại sau lưng?

Xướng: Ngươi làm thế, mà Ta đành yên lặng? Ngươi đã tưởng rằng Ta giống như ngươi? Ta sẽ bắt lỗi, sẽ phơi bày trước mặt ngươi tất cả. Ai hiến dâng lời khen ngợi, người đó trọng kính Ta; ai đi đường ngay thẳng, Ta chỉ cho thấy ơn Thiên Chúa cứu độ.

Alleluia: Tv 144, 13cd

Alleluia, alleluia! – Chúa trung thành trong mọi lời Chúa phán, và thánh thiện trong mọi việc Chúa làm. – Alleluia.

Phúc Âm: Mc 2, 18-22

“Tân lang còn ở với họ”.

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Mác-cô.

Khi ấy, môn đồ của Gio-an và các người biệt phái ăn chay, họ đến nói với Chúa Giê-su rằng: “Tại sao môn đồ của Gio-an và các người biệt phái ăn chay, còn môn đồ Ngài lại không ăn chay?” Chúa Giê-su nói với họ: “Các khách dự tiệc cưới có thể ăn chay khi tân lang còn ở với họ không? Bao lâu tân lang còn ở với họ, thì họ không thể ăn chay được. Nhưng sẽ đến ngày tân lang bị đem đi, bấy giờ họ sẽ ăn chay. Không ai lấy vải mới mà vá áo cũ, chẳng vậy, miếng vải vá sẽ rút lại mà kéo áo cũ, và chỗ rách lại tệ hơn. Cũng không ai đổ rượu mới vào bầu da cũ, chẳng vậy, rượu sẽ làm vỡ bầu da, và rượu đổ, bầu da hư. Nhưng rượu mới phải để trong bầu da mới”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin thương giúp cộng đoàn tín hữu chúng con cử hành thánh lễ này cho xứng đáng. Vì mỗi khi chúng con dâng lễ tưởng niệm cuộc khổ hình của Ðức Ki-tô là chúng con được hưởng ơn cứu chuộc của Người. Người hằng sống và hiển trị muôn đời

Ca hiệp lễ

Chúa đã dọn ra cho tôi mâm cỗ, và chén rượu tôi đầy tràn chan chứa.

Hoặc đọc:

Chúng ta đã biết, và tin vào tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, Chúa đã cho chúng con cùng được chia sẻ một tấm bánh bởi trời; xin ban Thánh Thần là nguồn mạch tình yêu giúp chúng con cũng biết tâm đầu ý hợp và chân thành yêu thương nhau. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

ĂN CHAY THEO CHÚA GIÊ-SU
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

Ăn chay, cầu nguyện, làm phúc bố thí là ba việc cần làm trong Mùa Chay đối với chúng ta hôm nay, cũng là sinh hoạt chính trong đời sống đạo đức của Do Thái giáo. Họ làm ba việc trên với ba ý nghĩa chính là để tỏ lòng sám hối và xin ơn, chờ đợi Đấng Cứu Thế đến giải phóng dân khỏi ách đô hộ ngoại bang và thể hiện lòng đạo đức nhiệt thành.

Vì thế, khi các môn đệ của Gio-an Tẩy Giả thấy các môn đệ Chúa Giê-su không ăn chay nên hỏi: sao môn đệ Ngài không ăn chay? Chúa đáp: Trong tiệc cưới, bao lâu chàng rể còn ở lại thì bạn bè vẫn vui mừng, chừng nào chàng rể đi rồi thì họ mới buồn rầu ăn chay. Chúa Giê-su dùng hình ảnh tiệc cưới, trong đó chính Ngài là chàng rể, còn các môn đệ là phù rể. Chàng rể bị đem đi, nghĩa là sau cái chết của Chúa Giê-su, thì lúc đó các môn đệ mới giữ chay: giữ chay vì thương nhớ, và để đón chờ Chúa trở lại.

Khi nói thế, Chúa Giê-su muốn cho mọi người thấy rằng Ngài chính là Đấng Cứu Thế, do đó các môn đệ không cần giữ chay, bởi vì họ không cần trông đợi nữa. “Rượu mới thì đổ vào bầu da mới” là thế.

Chúa Giê-su đến khai mở một thời kỳ mới, một hiến chương mới của Nước Trời. Xin Chúa cho mỗi người chúng ta biết thay đổi cách sống sao cho phủ hợp với Tin Mừng của Chúa Giê-su.

 

TRANH LUẬN VỀ CHAY TỊNH
Lm. Giuse Đinh Lập Liễm

1. Các môn đệ của Đức Giê-su bị chê trách là không ăn chay như các môn đệ của Gio-an và người biệt phái. Đức Giê-su đã bênh vực các ông và cho người ta thấy rằng việc thiện cũng phải biết làm đúng lúc, đúng nơi. Vì thế, đừng vội phê bình người khác khi chưa nắm vững hoàn cảnh sự kiện. Điều quan trọng là Đức Giê-su chính là Tin Mừng, Ngài đã đến đem niềm vui ơn cứu độ nên chúng ta phải biết sống vui tươi, tin tưởng, ủ rũ âu sầu là không hợp thời, không đúng lúc nữa.

2. Người Do-thái rất coi trọng việc ăn chay. Mục đích của ăn chay là chuẩn bị gặp Chúa, hoặc gặp Đấng Mê-si-a sắp đến. Vào đầu thế kỷ I, người ta nghĩ rằng Đấng Mê-si-a sắp đến, cho nên càng ăn chay nhiệm nhặt hơn, nhất là nhóm biệt phái và nhóm môn đệ Gio-an Tẩy Giả.

Theo Do thái giáo thời Đức Giê-su, việc ăn chay liên kết với việc mong Đấng Thiên Sai. Người ta bất mãn với thời thế và nóng lòng chờ đợi thời kỳ thiên sai. Nhưng các môn đệ của Gio-an và các người biệt phái chỉ biết giữ chay mà không để ý đến ý nghĩa của việc ăn chay. Nên khi thấy các môn đệ Chúa không ăn chay thì trách Chúa.

3. Phần Đức Giê-su thì tự biết mình là Mê-si-a đến khai mở một kỷ nguyên vui mừng. Ngài so sánh thời gian Ngài sống ở trần gian là một tiệc cưới và bản thân Ngài là chàng rể. Bởi đó Ngài ăn uống tự nhiên bình thường và để cho các môn đệ Ngài cũng ăn uống như thế.

Vì thế, khi người ta tra vấn Ngài: Tại sao các môn đệ ông không ăn chay”? Ngài trả lời: Chẳng lẽ khách dự tiệc lại có thể ăn chay trong khi chàng rể còn ở với họ”? Ngài lại cho biết trước rằng tình hình sẽ thay đổi khi Ngài chịu nạn và chịu chết. Khi đó các môn đệ Ngài sẽ ăn chay để chuẩn bị  đón ngày Ngài quang lâm (x. Cv 13,1-3).

Như vậy, vấn đề quan trọng không phải là ăn chay hay không ăn chay, mà là ý thức ý nghĩa của việc ăn chay. Sống trong giai đoạn nào thì phải theo tinh thần của giai đoạn ấy. Nói cách cụ thể hơn, giai đoạn đang sống với Chúa Giê-su là thời kỳ mới cho nên phải sống theo tinh thần mới, tức là tinh thần vui mừng: Rượu mới thì bình cũng phải mới”.

4. “Bao lâu chàng rể còn ở với họ, họ không thể ăn chay được” (Mc 2,19).

Các môn đệ đã đến và ở lại với Chúa Giê-su, tâm hồn và cuộc đời các ông tràn ngập niềm vui. Bao lần ta đã hát bài “Chúa chính là mùa xuân con mong chờ”, nhưng sống với Chúa đối với ta có thực sự là niềm vui không?

Cuộc đời của người Ki-tô hữu có những giai đoạn ăn chay sám hối, nhưng chủ yếu là vui mừng như đang dự tiệc cưới và được ở gần chàng rể. Thực vậy, được biết Chúa là một niềm vui, được theo Ngài là một niềm vui, được làm việc Ngài giao là một niềm vui. Ngay cả được vác thập giá Ngài trao cũng là một niềm vui, và khi ăn năn sám hối cũng vẫn vui vì biết mình sẽ được tha thứ.

Ta hãy nhớ lại hạnh các thánh: các ngài không bao giờ tuyệt vọng, không bao giờ cằn nhằn, không bao giờ đòi vất bỏ Thánh giá Chúa trao… trong lòng các ngài luôn có một niềm vui mà không ai, không  gì  và không hoàn cảnh nào dập tắt được.

5. Ta vui cười trong ĐAU KHỔ vì đau khổ không phải luôn là hình phạt, nhưng có khi là nguyên do của một vui mừng. Theo lời Chúa Giê-su: hạt giống rơi xuống đất có mục nát ra mới sinh hoa kết quả. Người mẹ lúc sinh con phải buồn phiền, nhưng sẽ khoan khoái khi biết mình đã thêm cho đời một mụn con.

Ta mỉm cười khi THẤT BẠI hay phải thất nghiệp vì có khi ta thất bại vì ta chán nản. Ta sẽ tìm giải quyết trong vui tươi như thi sĩ Alfred de Musset đã diễn tả:

Tôi đi qua cánh đồng
Một con chim hát trên tổ
Dưới chân nó, bầy chim con chết lăn lóc,
Thế mà chim mẹ vẫn hát trong cảnh bình minh.

Hỡi hồn ta, mày đừng khóc nữa,
Vì cho đi mày mất hết mọi sự
Thiên Chúa, Đấng ngự trên trời thanh thẳm
Vẫn là nguồn hy vọng ở trần gian cho mày.

6. Truyện: Lời khuyên của mẹ.

 Khi thấy con có nét mặt buồn sầu, một hôm mẹ bảo đứa nhỏ:

– Con hãy vào rừng khóc thảm thiết xem rừng bảo con sao.

Đứa bé vào rừng khóc hu hu, khóc lóc thảm thiết lắm. Vừa khóc, vừa nghe thì thấy cả khu rừng đều khóc lóc thảm thiết như đứa bé. Đứa bé đã về học với mẹ như vậy.

Hôm sau mẹ lại bảo nó:

– Con hãy vào rừng và cười thật lớn, xem khu rừng sẽ đối với con thế nào.

Đứa bé cũng làm như vậy và hôm nay thấy cả khu rừng cùng cười vang.

Do vậy, mẹ bảo nó:

– Vui buồn không phải do ngoại cảnh mà do lòng mình mà có.

NIỀM VUI KHÔNG BAO GIỜ MẤT
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế


“Sẽ đến ngày chàng rể bị đem đi, bấy giờ họ sẽ ăn chay!”.

“Không ai đội vương miện trên thiên đàng mà không là người phải ‘đội ngược’ nó dưới đất! Cũng không ai ôm chặt, yêu mến thánh giá dưới đất, nếu không biết mình sẽ được lại niềm vui trên thiên đàng, một ‘niềm vui không bao giờ mất!’” - Một nhà tu đức.

Kính thưa Anh Chị em,  

Để có được ‘niềm vui không bao giờ mất’, bạn và tôi phải đội ngược những chiếc vương miện gai góc. Đó là những gì Lời Chúa hôm nay soi rọi! Sở dĩ, các môn đệ của Chúa Giêsu không ăn chay, vì “Chàng Rể” đang ở với họ; nhưng họ sẽ ăn chay khi Thầy của họ và chính họ nếm trải những khổ đau do thập giá gây nên.

Trong cuốn “The Better Part”, “Phần Tốt Hơn”, cha John Bartunek, viết, “Dẫu thập giá không bao giờ vắng mặt trong đời sống một Kitô hữu, nhưng vị Thiên Chúa gặp gỡ mỗi người trên thập giá cũng là vị Thiên Chúa đã tạo dựng trời và đất, đại dương và núi non, tiếng cười và ánh mặt trời. Ngài cũng là Thiên Chúa của tất cả mọi niềm vui trên địa cầu!”. Tự nhận là “Chàng Rể”, Chúa Giêsu mặc cho mình tước hiệu vốn chỉ dành cho Thiên Chúa. Cựu Ước mô tả mối quan hệ giữa Israel và Chúa Trời như một giao ước hôn nhân; Israel là nàng dâu, thường là bất trung, và Thiên Chúa là Chàng Rể. Vì yêu thương, Chúa Kitô đến, mang đến niềm vui, một niềm vui dù phải trải qua cái chết, nhưng nó là một niềm vui tiềm tàng sắc màu phục sinh, ‘một niềm vui không bao giờ mất!’.

Vậy khi nào các môn đệ ăn chay? Khi “Chàng Rể” bị đem đi, khi Thầy họ đi vào cuộc khổ nạn. John Bartunek nhận định, “Một số Kitô hữu ấn tượng rằng đi theo Chúa Kitô là một công việc u ám, hoặc đời sống Kitô hữu trên hết chỉ bao gồm những hy sinh khắc nghiệt với những nghĩa vụ nhàm chán, buồn bã, thê lương và chán chường. Sẽ không có gì ngạc nhiên khi bạn bè của họ muốn tránh khỏi loại Kitô giáo đó càng xa càng tốt! Nếu tình bạn với Chúa Kitô không khiến trái tim chúng ta tràn đầy một lòng nhiệt huyết dễ lây lan, thì có lẽ chúng ta là một người bạn nửa vời!”. Không! Như Thầy mình, Kitô hữu phải sống ‘niềm vui không bao giờ mất’ của Thầy mình, Đấng đã trải nghiệm một niềm vui thiên đàng, một niềm vui tiềm tàng ánh phục sinh ngay trên thập giá!

Kính thưa Anh Chị em,  

“Sẽ đến ngày chàng rể bị đem đi, bấy giờ họ sẽ ăn chay!”. Điều đặc biệt, là “Chàng Rể” bị đem đó nay đã phục sinh. Giờ đây, chẳng ai có thể đem Ngài đi, và Ngài cũng chẳng bao giờ chịu rời đi, trừ khi chúng ta nhất tâm chối từ Ngài, quay lưng với Ngài. Còn những ai ngày càng gắn bó với Ngài, dẫu phải đội ngược vương miện; đồng thời, ý thức mình là những người được Ngài cứu chuộc, có Ngài đồng hành, thì nhất định, cuộc sống họ vẫn luôn là một cuộc sống đầy tràn niềm vui. Họ được hưởng niềm vui thật sự không chỉ trên thiên đàng mai sau, nhưng ngay hôm nay, dưới thế. Niềm vui đó có tên “Cứu Độ”. Ý nghĩa biết bao Thánh Vịnh đáp ca, “Ai sống đời hoàn hảo, Ta cho hưởng ơn cứu độ Chúa Trời!”.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, đội ngược vương miện, không bao giờ dễ chịu. Giúp con gắn kết thập giá đời con vào thánh giá Chúa, và con sẽ sở hữu một ‘niềm vui không bao giờ mất!’”, Amen.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây