TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

CN34TNb - Đức Giêsu Kitô, Vua Vũ Trụ

“Quan nói đúng: Tôi là Vua”. (Ga 18, 33b-37)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lời Chúa THỨ SÁU TUẦN 33 THƯỜNG NIÊN

Thứ tư - 17/11/2021 17:28 |   1156
“Nhà Ta sẽ là nhà cầu nguyện thế mà các ngươi đã biến thành sào huyệt của bọn cướp!” (Lc 19, 45-46)

19.11.2021
THỨ SÁU TUẦN 33 THƯỜNG NIÊN

 

t6 t33tnB

Lc 19, 45-48

NHÀ CẦU NGUYỆN

Đức Giê-su vào Đền Thờ, Người bắt đầu đuổi những kẻ đang buôn bán và nói với họ: “Đã có lời chép rằng: Nhà Ta sẽ là nhà cầu nguyện thế mà các ngươi đã biến thành sào huyệt của bọn cướp!” (Lc 19, 45-46)

Suy niệm: Việc dâng lễ và nộp thuế Đền Thờ thời Chúa Giêsu khá phức tạp. Người ta phải đổi tiền của đế quốc thành tiền của Đền Thờ và phải có lễ vật là chiên hay bò, là chim gáy hay bồ câu… để dâng tiến. Vì thế, phải đổi tiền và mua bán trong sân Đền Thờ. Thế là khu vực này biến thành một cái chợ ồn ào, lộn xộn. Đó là chưa kể đến những tệ nạn đi theo: trộm cắp, gian lận… Chúa Giêsu không chấp nhận cảnh tục hóa này, nên Ngài đã đuổi những kẻ buôn bán ra khỏi Đền thờ. Việc thanh tẩy này nhắc nhở người Kitô hữu phải biết yêu mến quý trọng nhà thờ là nơi thờ tự, quan tâm chăm sóc và siêng năng đến thờ phượng Chúa cách xứng đáng.

Mời Bạn: Ngoài ngôi nhà thờ xứ đạo, nơi chúng ta vẫn đến để tôn thờ Thiên Chúa, mỗi người còn có một ngôi Đền thờ khác quan trọng hơn. Đó chính là tâm hồn, nơi Chúa Thánh Thần ngự. Vì thế, chúng ta nên nhớ chăm sóc, gìn giữ và làm cho ngôi Đền thờ này luôn được sạch đẹp và xứng đáng với Ngài.

Chia sẻ: Bạn có thường nhớ rằng tâm hồn bạn là Đền thờ Chúa Thánh Thần, vào những khi nào ?

Sống Lời Chúa: Tôi sẽ siêng năng lãnh nhận bí tích giao hòa, vì biết rằng đó là cách thức để chăm sóc ngôi Đền thờ nội tâm của mình.

Cầu nguyệnLạy Chúa Thánh Thần, Đấng đang ngự trong tâm hồn con, xin soi sáng cho con biết sự hiện diện của Ngài để con biết quý trọng và chăm sóc ngôi Đền thờ thiêng liêng này, hầu luôn là nơi xứng đáng cho Ngài ngự. Amen.


BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
THỨ SÁU TUẦN 33 THƯỜNG NIÊN

Ca nhập lễ

Chúa phán: Ta nghĩ đến bình an, chớ không nghĩ đến gian khổ; các người kêu cầu Ta, và Ta nhậm lời các ngươi, Ta dẫn dắt các ngươi từ mọi nơi các người bị nô lệ trở về.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Thiên Chúa là nguồn phát sinh mọi điều thiện hảo, được phụng sự Chúa quả là một hạnh phúc tuyệt vời: xin cho chúng con tìm được niềm vui khi hết dạ trung thành với Chúa. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: (Năm I) 1 Mcb 4, 36-37, 52-59

“Họ làm lễ cung hiến bàn thờ và hân hoan dâng lễ toàn thiêu”.

Trích sách Macabê quyển thứ nhất.

Trong những ngày ấy, Giuđa và anh em ông nói rằng: “Quân thù chúng ta đã bị tiêu diệt, nay chúng ta hãy đi thanh tẩy và cung hiến Ðền thánh lại”.

Toàn thể quân đội được triệu tập, rồi cùng lên núi Sion.

Ngày hai mươi lăm tháng chín (tức là tháng Kislêu) năm một trăm bốn mươi tám, họ dậy sớm, dâng lễ tế như Luật dạy trên bàn thờ dùng để dâng lễ toàn thiêu mà họ vừa mới thiết lập. Bàn thờ đã được cung hiến lại giữa những tiếng ca, tiếng đàn lục huyền cầm, phong cầm cùng tiếng não bạt, đúng mùa, đúng ngày trước kia dân ngoại đã xúc phạm đến bàn thờ. Toàn dân sấp mình thờ lạy và ca tụng Ðấng ngự trên trời đã ban chiến thắng cho họ.

Họ làm lễ cung hiến bàn thờ suốt tám ngày, hân hoan dâng lễ toàn thiêu, lễ đền tội và lễ tạ ơn. Họ trang hoàng mặt tiền Ðền thờ với những triều thiên vàng và bảng chương, sửa lại các cửa ra vào và các phòng, đặt cánh cửa lại. Dân chúng nô nức vui mừng vì đã rửa sạch được nỗi tủi nhục do dân ngoại gây nên. Giuđa cùng với anh em ông và cộng đoàn Israel quyết định rằng: Hằng năm, từ ngày hai mươi lăm tháng Kislêu, lễ cung hiến bàn thờ sẽ được cử hành trong vui mừng hân hoan suốt tám ngày.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: 1 Sb 29, 10. 11abc. 11d-12a. 12bcd

Ðáp: Lạy Chúa, chúng con chúc tụng thánh danh vinh hiển của Chúa (c. 13b).

Xướng: Ðavít đã chúc tụng Chúa trước mặt toàn thể cộng đồng, Người thưa: “Lạy Chúa là Thiên Chúa Israel cha ông chúng con, Chúa đáng chúc tụng từ đời đời tới muôn muôn thuở”. 

Xướng: Lạy Chúa, cao sang, quyền bính và vinh quang, chiến thắng, lời ca khen đều thuộc về Chúa, vì tất cả những gì trên trời dưới đất là của Chúa. 

Xướng: Chúa ngự trên tất cả những đế vương. Giàu sang là của Chúa, và vinh quang là của Chúa. 

Xướng: Chúa thống trị trên tất cả mọi loài, sức mạnh quyền bính đều ở trong tay của Chúa; ở trong tay Chúa, mọi uy phong và vững bền. 

Bài Ðọc I: (Năm II) Kh 10, 8-11

“Tôi cầm lấy cuốn sách mà nuốt”.

Trích sách Khải Huyền của Thánh Gioan Tông đồ.

Tôi là Gioan, tôi đã nghe có tiếng từ trời phán cùng tôi rằng: “Ngươi hãy đi lấy cuốn sách mở sẵn trên tay thiên thần đứng trên biển và trên đất”. Tôi liền đến xin thiên thần trao cho tôi cuốn sách ấy và người nói với tôi: “Ngươi hãy cầm lấy sách mà nuốt đi; nó sẽ làm cho ruột gan ngươi đầy cay đắng, nhưng miệng ngươi lại cảm thấy ngọt ngào như mật”. Tôi cầm lấy cuốn sách từ tay thiên thần mà nuốt; miệng tôi cảm thấy ngọt ngào như mật, nhưng khi tôi đã nuốt rồi thì nó làm cho ruột gan tôi đầy cay đắng. Bấy giờ tiếng lại phán cùng tôi rằng: “Ngươi còn phải nói tiên tri cho nhiều dân, nhiều nước, nhiều ngôn ngữ và nhiều vua chúa nữa”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 118, 14. 24. 72. 103. 111. 131

Ðáp: Những lời sấm của Chúa ngon ngọt thay cho cổ họng con (c. 103a).

Xướng: Con vui vì đường lối lời Ngài nghiêm huấn, dường như được mọi thứ giàu sang. 

Xướng: Vì lời nghiêm huấn của Ngài là điều con ưa thích, các thánh chỉ Ngài là những bậc cố vấn của con. 

Xướng: Ðối với con, luật pháp do miệng Chúa đáng chuộng hơn vàng bạc châu báu muôn ngàn. 

Xướng: Những lời sấm của Ngài ngon ngọt thay cho cổ họng con, ngọt hơn cả mật ong đổ miệng con. 

Xướng: Lời Ngài nghiêm huấn là sản nghiệp của con muôn đời, vì những điều đó khiến cho lòng con hoan hỉ.

Xướng: Con há miệng để hút nguồn sinh khí, vì con ham muốn những chỉ thị của Ngài. 

Alleluia: Tv 118, 34

Alleluia, alleluia! – Lạy Chúa, xin giáo huấn con, để con tuân cứ luật pháp của Chúa, và để con hết lòng vâng theo luật đó. – Alleluia.

Phúc Âm: Lc 19, 45-48

“Các ngươi đã biến đền thờ Thiên Chúa thành sào huyệt trộm cướp”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu vào đền thờ, Người liền xua đuổi các người buôn bán tại đó và phán bảo họ rằng: “Có lời chép rằng: Nhà Ta là nhà cầu nguyện, các ngươi đã biến thành sào huyệt trộm cướp”. Và hằng ngày Người giảng dạy trong Ðền thờ. Các thượng tế, luật sĩ và kỳ lão trong dân tìm cách hại Người, nhưng họ không biết phải làm cách nào, vì dân chúng hết thảy đều chăm chú nghe Người.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, chúng con thành kính dâng lên Chúa lễ vật này, xin vui lòng chấp nhận, và giúp chúng con trung thành phụng sự Chúa, để mai ngày đạt tới phúc trường sinh. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Việc tôi kết hợp với Thiên Chúa, và việc tôi đặt niềm cậy trông vào Chúa là Thiên Chúa, thì tốt đẹp biết bao.

Hoặc đọc:

Chúa phán: Thầy bảo thật các con: Tất cả những gì các con cầu xin, hãy tin rằng các con sẽ được, thì các con sẽ được những điều đó.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, chúng con vừa cử hành lễ tế tạ ơn để tưởng nhớ Ðức Kitô Con Chúa, như lời Người truyền dạy, và chúng con đã được rước Mình và Máu Thánh Người; cúi xin Chúa nhận lời chúng con khẩn nguyện và ban cho chúng con được thêm lòng yêu mến. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

THAY TẨY ĐỀN THỜ CHO XỨNG ĐÁNG (Lc 19, 45 – 48)
Giuse Vinhsơn Ngọc Biển SSP

Mỗi khi nhìn thấy hay nhắc tới nhà thờ, trong cảm thức, chúng ta luôn hiểu rằng: nhà thờ là biểu tượng của Giáo Hội. Nơi nhà thờ, chúng ta sẽ dễ dàng gặp Chúa và gặp nhau. Nhà thờ là điểm hội tụ mọi thành phần dân Chúa để tôn thờ Thiên Chúa và chia sẻ bác ái với nhau.

Tuy nhiên, dù nhà thờ vật chất có to lớn, tráng lệ thế nào đi chăng nữa, nếu nó không được xử dụng đúng mục đích là tôn thờ Thiên Chúa và xây dựng tình huynh đệ giữa con người với nhau… thì nhà thờ ấy vô nghĩa!

Hôm nay, Tin Mừng cho thấy, Đức Giêsu đã nổi nóng và đánh đuổi con buôn ra khỏi đền thờ, vì họ đã xử dụng sai mục đích của nơi thờ phượng. Vì thế, Đức Giêsu đã nói: “Nhà Ta là nhà cầu nguyện, thế mà các ngươi lại biến thành sào huyệt của bọn trộm cắp”.

Khi đánh đuổi con buôn ra khỏi đền thờ, Đức Giêsu đã thánh hiến đền thờ và trả lại cho nó ý nghĩa nguyên tuyền là nơi để thờ phượng Thiên Chúa chứ không phải là chốn trục lợi, kinh doanh, trao đổi, buôn bán…

Từ hình ảnh cao quý của đền thờ vật chất, chúng ta khám phá ra ý nghĩa cao trọng của đền thờ tâm hồn. Mỗi người đều là đền thờ tâm hồn cho Thiên Chúa ngự. Đền thờ ấy, không được để cho tính tự kiêu, tự phụ, ích kỷ, bất nhân, dửng dưng, vô cảm ngự trị, vì chúng không thuộc về đặc tính của Thiên Chúa và không phải lựa chọn của chúng ta. Đền thờ tâm hồn chúng ta sẽ có giá trị và xứng đáng để được Chúa ngự vào khi chúng ta tin Chúa tuyệt đối, sống yêu thương, bác ái với người nghèo, cư xử thắm đượm tình huynh đệ với anh chị em… Nếu chúng ta đi ngược lại những điều trên, hẳn ta sẽ dễ rơi vào tình trạng tôn kính Thiên Chúa trên môi trên miệng, còn tâm hồn thì xa Thiên Chúa.

Lạy Chúa Giêsu, ngày chúng con lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội, mỗi người chúng con chính là đền thờ cho Thiên Chúa ngự. Tuy nhiên, nhiều khi chúng con đã biến đền thờ tâm hồn chúng con trở nên nhơ bẩn, ô uế do những ích kỷ, hình thức bên ngoài. Xin Chúa ban cho mỗi người chúng con biết quý trọng và yêu mến đền thờ tâm hồn, để xứng đáng làm nơi Chúa ngự. Amen.
 

Việc làm không dứt
 

tbd 161121b


(Thứ Sáu sau Chúa Nhật XXXIII TN – 1Mcb 4,36-37.52-59; Lc 19,45-48)
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

 

Một công tác nhà Chúa trong hoàn cảnh dịch bệnh xem ra hơi vất vả nhưng không thể không thực hiện đó là thanh tẩy nhà thờ (vệ sinh – khử khuẩn). Thế nhưng tôi nhận ra tấm lòng nhiệt thành của rất, rất nhiều người trong công tác này. Phụng vụ Lời Chúa những ngày gần đây lại có sự trùng hợp với dữ kiện này. Vừa xong ngày Lễ kính nhớ việc cung hiến Đền thờ Latêranô thì hôm nay, thứ Sáu sau Chúa Nhật XXXIII TN, bài Tin Mừng lại tường thuật việc Chúa Giêsu thanh tẩy đền thờ Giêrusalem và bài đọc 1 tường thuật việc ông Giuđa và dân Chúa thời Macabêô thanh tẩy đền thờ Giêrusalem vì đã bị ô uế do dân ngoại gây nên.

Việc thanh tẩy, làm vệ sinh, quét dọn, lau chùi nhà thờ tưởng rằng nhỏ nhưng không nhỏ chút nào vì phải làm thường xuyên, ít là hằng tuần. Trong cảnh dịch bệnh thì còn thêm khoản tiệt trùng, khử khuẩn. Nếu xét đền thờ là tâm hồn và cả thể xác chúng ta thì việc thanh tẩy, tắm rửa… như là điều tất yếu phải làm hằng ngày. Đã từng động viên khích lệ bà con đi làm vệ sinh nhà Chúa rằng: “Mới làm đây, giờ làm lại, vất vả quá hè”, thì thấy bà con vui vẻ đáp: “Quét nhà ra rác mà cha. Dù có đóng cửa thì nhà vẫn bụi, vẫn nhơ thôi”.

Ngẫm nghĩ đến cái Nhà Thờ viết hoa đó là Giáo hội thì sao? Chắc chắn cũng phải liên lỉ thanh tẩy mà lắm khi còn phải khử trùng, khử khuẩn đấy thôi. Trong khi Tin Mừng thứ tư tường thuật việc Chúa Giêsu thanh tẩy đền thờ Giêrusalem vào lúc khởi đầu sứ vụ rao giảng thì ba Tin Mừng Nhất Lãm tường thuật dữ kiện này là vào cuối thời kỳ rao giảng Tin Mừng của Người (x.Ga 2,13-16; Mt 21,12-14; Mc 11,15-19; Lc 19,45-48). Nhiều nhà nghiên cứu Tin Mừng đồng thuận với nhau rằng trong thời gian rao giảng Tin Mừng Chúa Giêsu đã ba lần lên Giêrusalem trong dịp Lễ Vượt Qua và rất có thể Người đã làm việc thanh tẩy đền thờ trong lần đầu và lần cuối.  

Dĩ nhiên hữu ý của Chúa Giêsu không nhắm vào việc thanh tẩy đền thờ gỗ đá mà là thanh tẩy tâm hồn, cung cách sống đạo của dân Chúa, cách riêng những vị đang lãnh đạo dân Chúa, vì họ đã biến đền thờ thành nơi buôn bán, thành sào huyệt của cướp bóc. Và chính việc thanh tẩy này đã thành nguyên nhân khiến cho các lãnh đạo cao cấp nhất của Do Thái giáo tại Giêrusalem quyết định giết Người. Tuy nhiên chúng ta cần lưu ý đến chi tiết các thánh sử tường thuật đó là khi Chúa Giêsu thanh tẩy đền thờ thì có hai phản ứng trái ngược. Phần dân chúng thì hân hoan, còn các Thượng tế, kỳ lão, kinh sư thì oán hận và tìm cách hãm hại Người.

Thanh tẩy Giáo hội là một việc phải làm không ngơi nghỉ. Làm sạch, làm mới cung cách sống đức tin là điều như tất yếu. Điều như hiển nhiên đó là với thời gian thì rất nhiều sự sẽ trở thành cũ, không còn thích hợp và ít nhiều bị nhiễm bẩn. Vấn đề đặt ra là cần biết phản tỉnh và có chút lương tri để nhận biết mặt nào nơi con người tôi, khía cạnh nào nơi cuộc đời chúng ta, lề lối, cung cách nào nơi đời sống đức tin của đoàn dân Thiên Chúa cần phải tẩy rửa vì đã nhiễm bẩn, thậm chí cần phải khử khuẩn vì đã nhiễm virus.

Thiếu tỉnh thức và thiếu lương thiện thì chắc chắn khó nhận ra hiện thực này. Chuyện thật dễ hiểu vì trong lãnh vực tinh thần và tâm linh khi nhiễm bẩn cách từ từ từng chút một theo ngày dài tháng rộng thì rất khó nhận diện tình trạng cũ kỹ, lỗi thời hay thậm chí là nhơ uế. Cũng tương tự như thế, các loại virus vốn là vô hình vô dạng dưới mắt thường. Virus tâm linh thì ngay cả kính hiển vi cũng đành bó tay.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây