TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Giáng Sinh

“Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. (Lc 2, 1-14)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lời Chúa THỨ TƯ TUẦN 2 MÙA VỌNG

Thứ hai - 06/12/2021 17:58 |   1071
Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà.” (Lc 1,28)

08/12/2021
THỨ TƯ TUẦN 2 MÙA VỌNG
ĐỨC MARIA VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI

 

Lc 1, 26-38

NGƯỜI MẸ TUYỆT MỸ

Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà.” (Lc 1,28)

Suy niệm: Hôm nay, Giáo Hội long trọng mừng kính Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, tín điều đã được Đức Thánh Cha Piô IX tuyên tín năm 1854. Năm 1858, đích thân Mẹ đã hiện ra với thánh nữ Bernadette tại Lộ Đức để xác nhận: “Ta là Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội.” Như viên ngọc quý không tì vết xứng đáng dành cho bậc mẫu nghi thiên hạ, đặc ân này thật xứng đáng với Mẹ là Mẹ Đấng Cứu Thế, Mẹ Thiên Chúa. Mẹ được Thiên Chúa gìn giữ “Vô Nhiễm Nguyên Tội” nên Mẹ tuyệt mỹ, Mẹ diễn tả nét đẹp tinh tuyền của một tạo vật mang trong mình sự thánh thiêng của Đấng Tạo Hóa – Mẹ đẹp vì luôn có Chúa ở cùng.

Mời Bạn: Theo tính tự nhiên, người ta thích chú ý đến cái đẹp bề ngoài. Nhiều người đổ tiền vào việc chỉnh sửa sắc đẹp, để mong đổi lấy chút nét đẹp mau tàn. Là những người con của Mẹ, chúng ta hãy biết gột rửa mình khỏi dơ bẩn của tội lỗi và trang điểm cho mình bằng vẻ đẹp của nhân đức để được Chúa ở cùng. Trong Mùa Vọng và Mùa Giáng Sinh, chúng ta được chiêm ngắm Mẹ tuyệt mỹ trinh nguyên thánh thiện bồng ẵm Chúa Hài Nhi, để ca tụng kỳ công Chúa thực hiện nơi Mẹ và đồng thời cũng noi gương Mẹ sống thánh thiện để Chúa Giêsu được sinh ra nơi tâm hồn mọi người.

Sống Lời Chúa: Suy niệm một đoạn Kinh Thánh về cuộc đời Mẹ Maria và quyết tâm xa lánh mọi tội lỗi, ngay cả tội nhẹ.

Cầu nguyện: Xin tạ ơn Chúa đã gìn giữ Mẹ Maria khỏi vết nhơ tội lỗi. Xin cho chúng con luôn biết nhìn Mẹ như mẫu gương trong sạch, không ô uế bởi tội lỗi trần gian. Amen.

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
ĐỨC MARIA VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI

Ca nhập lễ

Tôi hớn hở vui mừng trong Chúa, và lòng tôi hoan hỷ trong Thiên Chúa tôi, vì Người đã mặc cho tôi áo phần rỗi, và choàng áo công chính cho tôi, như tân nương trang sức bằng ngọc bảo.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, Chúa đã dọn sẵn một cung điện xứng đáng cho Con Chúa giáng trần khi làm cho Ðức Trinh Nữ Maria khỏi mắc tội tổ tông ngay từ trong lòng mẹ. Chúa cũng gìn giữ Người khỏi mọi vết nhơ tội lỗi nhờ công nghiệp Con Chúa sẽ chịu chết sau này. Vì lời Ðức Trinh Nữ nguyện giúp cầu thay, xin Chúa cũng ban cho chúng con được trở nên công chính thánh thiện mà đón rước Con Chúa là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.

Bài Ðọc I: St 3, 9-15. 20

“Ta sẽ đặt mối thù nghịch giữa miêu duệ mi và miêu duệ người phụ nữ”.

Trích sách Sáng Thế.

Thiên Chúa đã gọi Ađam và phán bảo ông rằng: “Ngươi đang ở đâu?” Ông đã thưa: “Con nghe thấy tiếng Ngài trong vườn địa đàng, nhưng con sợ hãi, vì con trần truồng và con đang ẩn núp”.

Chúa phán bảo ông rằng: “Ai đã chỉ cho ngươi biết rằng ngươi trần truồng, há chẳng phải tại ngươi đã ăn trái cây mà Ta cấm ngươi không được ăn ư?” Ađam thưa lại: “Người phụ nữ Chúa đã cho làm bạn với con, chính nàng đã cho con trái cây và con đã ăn”.

Và Thiên Chúa phán bảo người phụ nữ rằng: “Tại sao ngươi đã làm điều đó?” Người phụ nữ thưa: “Con rắn đã lừa dối con và con đã ăn”.

Thiên Chúa phán bảo con rắn: “Bởi mi đã làm điều đó, mi sẽ vô phúc ở giữa mọi sinh vật và mọi muông thú địa cầu; mi sẽ bò đi bằng bụng, và mi sẽ ăn bùn đất mọi ngày trong đời mi. Ta sẽ đặt mối thù nghịch giữa mi và người phụ nữ, giữa miêu duệ mi và miêu duệ người đó, người miêu duệ đó sẽ đạp nát đầu mi, còn mi thì sẽ rình cắn gót chân người”.

Và Ađam đã gọi tên vợ mình là Evà: vì lẽ bà là mẹ của chúng sinh.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 97, 1. 2-3ab. 3cd-4

Ðáp: Hãy ca tụng Chúa một bài ca mới, vì Người đã làm nên những điều huyền diệu.

Xướng: Hãy ca tụng Chúa một bài ca mới, vì Người đã làm nên những điều huyền diệu. Tay hữu Người đã tạo cho Người cuộc chiến thắng, cùng với cánh tay thánh thiện của Người.

Xướng: Chúa đã công bố ơn cứu độ của Người, trước mặt chư dân Người tỏ rõ đức công minh. Người đã nhớ lại lòng nhân hậu và trung thành để sủng ái nhà Israel.

Xướng: Khắp cùng bờ cõi trái đất, đã nhìn thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta. Toàn thể địa cầu, hãy reo mừng Chúa, hãy hoan hỉ mừng vui, và đàn ca.  

Bài Ðọc II: Ep 1, 3-6. 11-12

“Từ trước khi tạo thành vũ trụ, Thiên Chúa đã kén chọn chúng ta trong Ðức Kitô”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Êphêxô.

Anh em thân mến, chúc tụng Thiên Chúa và là Cha của Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta: Người đã chúc phúc cho chúng ta bằng mọi phúc lộc thiêng liêng ở trên trời trong Ðức Kitô. Bởi Người đã kén chọn chúng ta trong Ðức Kitô từ trước khi tạo thành vũ trụ, hầu cho chúng ta được thánh thiện và tinh tuyền trước mặt Người. Trong tình thương, Người đã tiền định cho chúng ta được làm dưỡng tử đối với Người, qua Ðức Giêsu Kitô, theo như ý Người sở định, cho được ca ngợi vinh quang ân sủng của Người, ân sủng mà Người ban tặng chúng ta trong Con yêu quý của Người.

Cũng trong Ðức Kitô, chúng ta đã được chọn trước làm phần gia nghiệp, chiếu theo chương trình tiền định của Ðấng tác thành mọi sự theo như ý Mình sở định, hầu cho chúng ta ca tụng vinh quang Người, chúng ta là những người đã đặt niềm hy vọng trước trong Ðức Kitô.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia:

Alleluia, alleluia! – Kính chào Trinh Nữ Maria đầy ơn phúc, Thiên Chúa ở cùng Trinh Nữ, Trinh Nữ có phúc hơn các người nữ. – Alleluia.

Phúc Âm: Lc 1, 26-38

“Chào Trinh Nữ đầy ân sủng, Chúa ở cùng Trinh Nữ”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, thiên thần Gabriel được Chúa sai đến một thành xứ Galilêa, tên là Nagiarét, đến với một trinh nữ đã đính hôn với một người tên là Giuse, thuộc chi họ Ðavít, trinh nữ ấy tên là Maria. Thiên thần vào nhà trinh nữ và chào rằng: “Kính chào trinh nữ đầy ơn phúc, Thiên Chúa ở cùng trinh nữ, trinh nữ có phúc hơn các người nữ”. Nghe lời đó, trinh nữ bối rối và tự hỏi lời chào đó có ý nghĩa gì. Thiên thần liền thưa: “Maria đừng sợ, vì đã được ơn nghĩa với Chúa. Này trinh nữ sẽ thụ thai, hạ sinh một Con trai và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao trọng và được gọi là Con Ðấng Tối Cao. Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngôi báu Ðavít tổ phụ Người. Người sẽ cai trị đời đời trong nhà Giacóp và triều đại Người sẽ vô tận!” Nhưng Maria liền thưa với Thiên Thần: “Việc đó xảy đến thế nào được, vì tôi không biết đến người nam?” Thiên thần thưa: “Chúa Thánh Thần sẽ đến với trinh nữ và uy quyền Ðấng Tối Cao sẽ bao trùm trinh nữ. Vì thế Ðấng trinh nữ sinh ra sẽ là Ðấng Thánh và được gọi là Con Thiên Chúa. Và này, Isave chị họ trinh nữ cũng đã thụ thai con trai trong lúc tuổi già và nay đã mang thai được sáu tháng, người mà thiên hạ gọi là son sẻ; vì không có việc gì mà Chúa không làm được”. Maria liền thưa: “Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời Thiên thần truyền”. Và Thiên Thần cáo biệt trinh nữ.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin vui lòng chấp nhận hy lễ cứu độ chúng con dâng trong ngày đại lễ mừng Ðức Trinh Nữ Maria vô nhiễn nguyên tội. Chúa đã ban ơn gìn giữ Người khỏi mọi tỳ ố, xin cũng nghe lời Người chuyển cầu mà cho chúng con thoát khỏi vòng tội lỗi. Chúng con cầu xin…

Lời tiền tụng

Lạy Cha chí thánh là Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, chúng con tạ ơn Cha mọi nơi mọi lúc, thật là chính đáng, phải đạo, và sinh ơn cứu độ cho chúng con. Cha đã gìn giữ Ðức Trinh Nữ Maria khỏi mọi vết nhơ nguyên tội. Cha đã cho Người được đầy ơn sủng để Người xứng đáng làm Mẹ của Con Cha. Nơi Người, Cha đã phác hoạ hình ảnh một Hội Thánh rất sinh đẹp, không tỳ ố, không vết nhăn, là Hiền Thê của Ðức Kitô. Thật vậy, Ðức Trinh Nữ rất thanh khiết sẽ sinh hạ cho nhân loại một người con là chiên vẹ toàn, Ðấng xóa tội trần gian. Cha đã chon Người giữa muôn một, để Người chuyển cầu và nêu gương thánh thiện cho dân Cha. Vì thế, hiệp với các Thiên thần và các thánh, chúng con vui mừng ca ngợi Cha và tung hô rằng:

Thánh! Thánh! Thánh!…

Ca hiệp lễ

Chúng ta nóng lòng mong đợi Đấng Cứu Độ là Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta. Người sẽ biến đổi thân xác yêu hèn của chúng ta nên giống thân xác vinh hiển của Người. Lạy Mẹ Maria. Thiên hạ đã nói về Mẹ bao vinh hiển, vì từ nơi Mẹ Mặt Trời Công Chính đã mọc lên là Đức Kitô Thiên Chúa chúng tôi.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, Chúa đã ban ân huệ vô song là gìn giữ Ðức Maria khỏi vướng mắc nguyên tội. Xin cũng cho thánh lễ chúng con cử hành chữa lành mọi thương tích nguyên tội còn để lại nơi chúng con. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

Lễ Vô Nhiễm

Để nhấn mạnh lễ Mẹ Ma-ri-a Vô Nhiễm Nguyên Tội, phụng vụ trích đoạn Tin Mừng Truyền Tin. Đoạn này dẫn chúng ta vào mục đích của Thiên Chúa, Đấng được loài người đoán nhận.

Thực vậy, từ đầu cuộc sáng tạo, Thiên Chúa đã loan báo ngày Ngài đến. Và suốt dòng lịch sử, Ngài không ngừng nhắc lại, biết bao nhiêu lần trong thời cựu ước. Trước cuộc tuyền tin cho Đức Ma-ri-a, Thiên Chúa đã tự loan báo cho loài người. Thời kiên nhẫn chờ đợi đã viên mãn vì đã có người hoàn toàn biết nghe lời Thiên Chúa, Người ấy là Đức Ma-ri-a.

Trong Đức Ma-ri-a, hơi thở thần khí của Thiên Chúa không bị sức nặng của tội lỗi, sức nặng của từ chối ngăn cản. Trong Đức Ma-ri-a không còn bị sai biệt giữa lời loan báo của Thiên Chúa với người lắng nghe, giữa lời đề nghị với lời đón nhận.

Còn chúng ta, chúng ta gọi đó là sự cưu mang Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội. Vô Nhiễm là không có vết nhơ tội nguyên tổ, nói kiểu tích cực Ma-ri-a tinh tuyền trong sạch ngay lúc ở trong lòng bà Anna, đó là hành động của Thiên Chúa. Nhưng chúng ta vẫn không hiểu được rõ ràng.

Thiên Chúa, Đấng thương yêu quảng đại vô cùng đối với loài người, đã muốn mọi sự tốt lành cho một con tim loài người biết đón nhận. Thiên Chúa đã làm cho Đức Ma-ri-a được như vậy, cho đôi tai Ma-ri-a luôn lắng nghe lời Chúa trọn vẹn. Không ai lấy làm sững sờ khi Ngài làm cho Ma-ri-a nên nơi Ngài ngự. Vô Nhiễm thai của Ma-ri-a chính là lời Chúa được thực hiện hoàn toàn nơi một người trong loài người, chấm dứt sự xa cách giữa lời mời của Chúa với sự nhận lời của loài người. Đây chính là sự chuẩn bị một khu vườn mầu mỡ cho Ngôi Hai Thiên Chúa nhập thể, xuống thế làm người.

Thiên Chúa lại tiếp tục cuộc hành trình với loài người trong mọi thế kỷ, và Ngài hằng theo dõi kế hoạch cứu độ của Ngài nơi loài người cho đến tận thế, nên Đức Giê-su Ki-tô đã loan báo ngày Người đến lần thứ hai nữa. Chúng ta đón tiếp kế hoach của Người thế nào? chúng ta có thái độ gì? chúng ta có chuẩn bị sẵn sàng để hiện diện trọn vẹn trước Đấng lại đến không? hay là lại mặc một bộ áo giáp sắt nhơ bẩn che chắn việc đón nhận Thiên Chúa tái sinh chúng ta và làm cho chúng ta nên thánh để được hoàn toàn nên giống Người.
 

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
THỨ BẢY TUẦN 2 MÙA VỌNG


Ca nhập lễ

Chúa sẽ đến, Người không trì hoãn, Người sẽ đưa ra ánh sáng những gì ẩn khuất trong tối tăm, và tỏ mình cho muôn dân được thấy.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng, Chúa truyền dạy chúng con phải dọn đường cho Đức Ki-tô ngự đẽn. Này chúng con đang đợi trông Người ban sinh lực dồi dào cho hồn an xác mạnh, thì xin đừng đế chúng con vì đợi trông mà mệt mỏi chán chường. Chúng con cầu xin

Bài Ðọc I: Is 40, 25-31

“Thiên Chúa toàn năng ban sức mạnh cho người mệt mỏi”.

Trích sách Tiên tri Isaia.

Ðấng Chí Thánh phán rằng: Các ngươi sánh Ta với ai? Và kể Ta bằng ai? Hãy ngước mắt lên cao mà xem, ai đã dựng nên muôn loài này? Ðấng vận chuyển các cơ binh của chúng và biết gọi đích danh tất cả, không thiếu vật nào, vì sức mạnh của người rất lớn và quyền năng của Người rất cao.

Hỡi Giacob, tại sao ngươi nói, hỡi Israel, tại sao ngươi nói: Chúa không biết đến số phận tôi, Người không biết đến quyền lợi của tôi? Ngươi không biết? Ngươi không nghe sao?

Chúa là Thiên Chúa hằng hữu, là Ðấng đã dựng nên toàn thể trái đất, Người không mỏi không mệt và sự khôn ngoan của Người không thể suy thấu.

Người ban sức mạnh cho kẻ rã rời và thêm sức cho người mệt mỏi.

Những trai trẻ cũng mòn mỏi mệt nhọc, những tráng sĩ cũng lao đao vấp ngã.

Những ai trông cậy Chúa, sẽ được thêm sức mới, cất cánh bay cao như phượng hoàng, họ chạy mà không mệt, họ đi mà không mỏi.

Ðó là Lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 103: 1-2, 3-4, 8,10

Ðáp: Hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa.

Xướng: Hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa, và toàn thể thân tôi, hãy chúc tụng danh Người. Hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa, và đừng bao giờ quên các ân huệ của Người.

Xướng: Người đã thứ tha mọi tội lỗi ngươi, và đã chữa ngươi khỏi tật nguyền. Người đã cứu ngươi khỏi chết và ban cho ngươi hồng ân, nhân ái.

Xướng: Chúa là Ðấng thương xót nhân ái, chậm oán hờn và yêu thương khôn lường. Người không xử với ta như ta đáng tội, và không trả cho ta theo lỗi của ta.

Alleluia

Alleluia, alleluia – Chúa chúng ta sẽ đến trong quyền lực, và sẽ làm cho mắt các tôi tớ Người được sáng. – Alleluia.

Phúc Âm: Mt 11: 28-30

“Hãy đến với Ta, hỡi những ai vất vả cực nhọc”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán rằng: Hãy đến với Ta tất cả, hỡi những ai khó nhọc và gánh nặng, Ta sẽ nâng đỡ bổ sức cho các ngươi.

Hãy mang lấy ách của Ta và hãy học cùng Ta, vì Ta dịu hiền và khiêm nhượng trong lòng, và tâm hồn các ngươi sẽ gặp được bình an.

Vì ách của Ta thì êm ái và gánh của Ta thì nhẹ nhàng.

Ðó là Lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin cho chúng con hằng biẽt dâng lên Chúa lễ tế chứng tỏ lòng tôn kính mến yêu. Ước chi hy lễ này hoàn toàn thế hiện được ý muốn của Đức Ki-tô khi lập bí tích Thánh Thể, là đem lại cho cả thế giới ơn cứu độ muôn đời. Chúng con cầu xin

Lời tiền tụng mùa vọng I

Ca hiệp lễ

Kìa Chúa sẽ quang lâm hùng dũng, và mở mắt cho các tôi tớ Người.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa rãt từ bi nhân hậu, chúng con nài xin Chúa cho bí tích Thánh Thể này thanh tấy chúng con sạch vết nhơ tội lỗi, và chuẩn bị tâm hồn chúng con mừng những ngày đại lễ sắp tới. Chúng con cầu xin

 

Suy niệm

HÃY MANG “ÁCH” VÀ “GÁNH” CỦA ĐỨC GIÊSU (Mt 11, 28-30)
Giuse Vinhsơn Ngọc Biển SSP

“Anh em hãy mang lấy ách của tôi …”. Đây là lối nói ẩn dụ, nói bóng để diễn tả rằng: chúng ta tin và theo ai thì chúng ta gọi họ bằng thầy, và lẽ đương nhiên phải tuân giữ những quy định của họ (x. Hc 51,31; Is 55,1; Ga 9,5).

Hôm nay, Đức Giêsu lên tiếng mời gọi những ai muốn theo Ngài thì cũng phải mang lấy “ách” và “gánh” của Ngài.

Tuy nhiên, “ách” và “gánh” của Đức Giêsu thì hoàn toàn khác với “ách” và “gánh” của các Rapbi Dothái. Nếu “ách” và “gánh” của các thầy Dothái là những lề luật khắt khe và vụ hình thức, thì “ách” và “gánh” của Đức Giêsu lại trở nên êm ái và nhẹ nhàng. Bởi vì “ách” và “gánh” của Ngài cũng chính là đạo lý, cốt lõi Tin Mừng. Thế nên, hệ quả của “ách” và “gánh” đó chính là trở nên hiền lành và khiêm nhường trong lòng.

Như vậy, khi mang “ách” và “gánh” của Đức Giêsu, ấy là chúng ta tin Ngài để trở thành môn đệ. Trở thành môn đệ của Đức Giêsu thì phải trở nên giống như Ngài ở điểm khiêm nhường. Đồng thời học cho biết và sống sự hiền lành với tha nhân.

Nếu một khi chúng ta sống những đặc tính ấy của Đức Giêsu trong lòng mến, thì hẳn chúng ta sẽ được thanh thản và tâm hồn chúng ta sẽ được an vui bình an, nghỉ ngơi bồi dưỡng.

Ngày hôm nay, con người đang bị cơn lốc của kinh tế thị trường, của ăn chơi hưởng thụ, của những chân lý nửa vời lôi cuốn…, nên họ muốn cho mình được thoát ly khỏi Thiên Chúa. Nhưng khi họ đã mời Chúa đi chỗ khác thì ngay lập tức, cuộc đời của họ trở nên trống rỗng, cô đơn, bất an và đau khổ… Họ mong muốn được tự do, nhưng thực ra, con người đang trở thành nô lệ của những thứ mau qua chóng hết…

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy mang lấy “ách” và “gánh” của Đức Giêsu chính là từ bi, nhân hậu, hiền hòa, khiêm nhường. Sống mến Chúa trên hết mọi sự và yêu tha nhân như chính mình. Làm mọi việc thiện vì lòng yêu mến Chúa. Tránh kiêu ngạo, hình thức, vụ lợi. Không vì luật mà bỏ qua tình Chúa, tình người để rồi bất nhân với nhau.

Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa ban cho chúng con được trở thành môn đệ thực sự của Chúa khi mang trong mình và sống tinh thần của Chúa trong cuộc sống hằng ngày. Amen.
 

MẸ VÔ NHIỄM (08/12)
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

 

tbd 061221c

Có thể nói mầu nhiệm tội nguyên tổ được khai sinh với giáo huấn của thánh giáo phụ Âugustinô. Ngày nay người ta thẳng thắn nhìn nhận rằng giáo huấn của Thánh giáo phụ có đôi điều hạn chế và bất cập. Tuy nhiên Giáo Hội vẫn khẳng định rằng có tội nguyên tổ. Ngày 8 tháng 12 năm 1854, Đức Piô IX đã long trọng tuyên bố tín điều “Mẹ vô nhiễm nguyên tội”, Bốn năm sau đó Mẹ Maria hiện ra với cô bé nhà quê Bernadette tại Lộ Đức và đã tỏ cho cô bé một danh của mình: “Ta là Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội”.

Thử hỏi với nhau tội nguyên tổ là gì? Là Kitô hữu trưởng thành, hy vọng ít có người còn ngây thơ trả lời đó là tội ông Ađam và bà Evà ăn trái cấm ngày xưa. Giáo lý Công giáo cho ta hay đó là tội do nguyên tổ loài người lạm dụng tự do mà chống lại mệnh lệnh Thiên Chúa ban, làm ngược lại với điều Thiên Chúa truyền. Cụ thể tội ấy là tội gì? Vì sao cặp nguyên tổ loài người trong tình trạng cổ sơ với nhiều hạn chế về trí khôn và chắc hẳn rất khó có được sự tự do hoàn toàn, thế mà lại phạm một thứ tội gì ghê gớm đến độ di hại cho cả loài người cháu con muôn đời? Quả là những câu hỏi đầy hóc búa không dễ gì tìm được câu trả lời rõ ràng và rành mạch. Giáo Hội khẳng định niềm tin về sự hiện hữu của nguyên tội là căn cứ vào “công trình cứu độ của Chúa Kitô”. Chúa Kitô đến thế gian này để cứu độ loài người thì giả thiết loài người phải đang ở trong tình trạng tội lỗi. Thánh Kinh Cựu Ước nói về tình trạng tội lỗi của con người ngay từ trong dạ mẹ hay khi mới chào đời (x.Tv 50). Thánh Tông Đồ dân ngoại cảm nghiệm thân phận yếu đuối, tội lỗi của mình nói riêng và của loài người nói chung khi “những điều tôi muốn thì tôi không làm, còn những điều tôi không muốn thì tôi lại làm” (Rm 7,19). Và mọi người đều bị tội lỗi thống trị (x.Rm 3,9-18).

Dù biết rằng nguyên tội mãi là mầu nhiệm với con người tại thế, nhưng Kitô hữu chúng ta vẫn phải có bổn phận tìm hiểu và suy tư. Các Đức Giáo hoàng gần đây như Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II và Đức Bênêđictô XVI khuyến khích các nhà thần học nỗ lực nghiên cứu chủ đề này. Đức Bênêđictô XVI đã hé mở một cái nhìn về nguyên tội khi nói đến hai mầu nhiệm của ánh sáng và một mầu nhiệm của bóng tối. Hy vọng rằng chủ đề này sẽ được đào sâu. Nhân ngày lễ kính Mẹ Maria với tước hiệu “Vô Nhiễm Nguyên Tội”, xin được góp một cái nhìn.

Chúng ta tin nhận rằng Mẹ được Thiên Chúa gìn giữ cho khỏi vương hậu quả của nguyên tội ngay từ phút giây đầu tiên hoài thai trong dạ bà Anna. Ở đây xin xác nhận với nhau rằng ngoài nguyên tổ ra thì không một ai trong con cái loài người mắc phải tội nguyên tổ. Đã nói rằng tội nguyên tổ tức là tội do tổ tiên loài người phạm. Hậu duệ cháu con không phạm tội ấy thì không hề mắc tội ấy. Không phạm tội thì không chịu trách nhiệm là chuyện đương nhiên. Thế nhưng con cháu có thể vương mang hậu quả do tội của cha ông. Chẳng hạn cha ông phạm lỗi rồi bị khánh kiệt, phá sản và thế là cháu con không được hưởng gia tài thừa kế. Nhiều thần học gia ngày này nghiêng về chiều kích xã hội của tội nguyên tổ. So sánh thường mang tính khập khiễng nhưng cũng giúp soi sáng vấn đề. Tình trạng ô nhiễm môi sinh cũng là một so sánh. Hoàn cảnh dịch bệnh lây lan cũng là một so sánh. Tuy nhiên để hiểu tình trạng vô nhiễm nguyên tội là thế nào, thiết tưởng cần nhìn vào Đức Kitô, Đấng Thánh của Thiên Chúa, là Con Chiên thanh sạch, vẹn tuyền, không cần một lời tuyên tín nào mà đích thực là “vô nhiễm”.

1. Vô nhiễm không phải là để miễn chiến đấu: Giáo hội căn cứ vào lời của sứ thần Gabriel: “Mừng vui lên hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà” (Lc 1,28) để khẳng định chân lý Mẹ vô nhiễm nguyên tội. Như thế tình trạng vô nhiễm là tình trạng đầy ân sủng Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần là Tình yêu bản vị giữa Ngôi Cha và Ngôi Con, là tình yêu hướng tha đầy năng động và sáng tạo. Chúa Kitô là Đấng đầy Thánh Thần cách đích thực. Thánh Phaolô đã không ngần ngại gọi Đức Kitô, “Ađam cuối cùng là thần khí ban sự sống” (1Cor 15,45). Vì đầy tràn Thánh Thần nên Chúa Kitô luôn hướng về Chúa Cha để yêu mến, tìm kiếm thánh ý chúa Cha để thực thi. Vì đầy tràn Thánh Thần nên Người luôn hướng về đoàn em nhân loại để tìm cách cứu độ và ban phúc ân.

Việc tìm kiếm thánh ý Chúa Cha để thực thi không miễn cho Chúa Kitô phải chiến đấu mà trái lại, chính Người đã phải chịu bao nỗi truân chuyên, bao đau khổ để học cho biết vâng phục. Chúng ta đừng quên để thốt lên lời thưa: “Xin đừng theo ý con, một theo ý Cha”, thì Chúa Kitô đã phải đổ mồ hôi pha lẫn máu (x. Lc 22,44). Việc cứu độ và ban phúc ân cho loài người cũng đòi hỏi Chúa Kitô phải trả giá. Đó là những đố kỵ, ganh tương của nhiều lãnh đạo Do Thái giáo thời bấy giờ, đó là những hiểu lầm của cả nhiều người thân, đó là sự vô tâm, bạc tình của đám quần chúng đã từng hưởng nhận biết bao ơn lành của Người, đó là sự tham lam, hèn nhát, phản bội của những môn đệ thân tín, và cuối cùng đó là bản án thập giá bất công của quyền lực đế quốc Rôma đang đô hộ nước Do Thái bấy giờ.

Mẹ Maria cũng được ban đầy ân sủng Thánh Thần nên Mẹ đã bỏ ý riêng để đón nhận Ngôi Hai nhập thể, hoài thai trong dạ. Đầy ơn Thánh Thần nên Mẹ sống hết sức, hết tình với bà chị họ Isave, với đôi tân hôn tại Cana cũng như dòng tộc hai họ, với Người Con dấu yêu khi đứng dưới chân thập giá, với đoàn môn đệ của Con sau khi Người về trời. Mẹ Maria được đầy Thánh Thần nhưng vẫn chiến đấu. Mẹ đã can đảm đón nhận cái án có thể sẽ bị ném đá theo luật bấy giờ và có thể cả sự hoài nghi của thánh Giuse, khi mang thai Ngôi Lời nhập thể. Lời tiên tri của ông Ximêon về lưỡi gươm sẽ đâm thủng trái tim Mẹ phần nào nói lên những đau khổ Mẹ sẽ chịu khi một lòng theo ý Chúa và hết lòng yêu thương con người (x.Lc 2,35).

2. Cùng với ân ban chính là sứ mạng: Được Chúa ban tặng đặc ân Vô Nhiễm Nguyên Tội không phải là vì chính Mẹ, nhưng là để Mẹ xứng đáng đón nhận Ngôi Hai nhập thể, làm người và để Mẹ có khả năng hiệp công cứu chuộc cùng với Con của Mẹ. Ân ban càng cao cả thì sứ mạng càng trọng đại. Và sứ mạng càng trọng đại thì sự nỗ lực, gắng công càng nhiều và to lớn. Chúa Kitô đã từng nói: “Ai được ban cho nhiều thì sẽ bị đòi hỏi nhiều” (x.Lc 12,48). Đây là quy luật của tình yêu.

Mừng kính mầu nhiệm Mẹ được tặng ban đặc ân Vô Nhiễm Nguyên Tội, xin cám ơn Mẹ đã đón nhận ân ban cách đẹp lòng Chúa. Và nhờ thế mà nhân loại chúng ta được hưởng nhờ ân phúc cứu độ. Và xin đừng quên Kitô hữu chúng ta cũng đã lãnh nhận ân ban ấy qua dòng nước Thánh Tẩy, tức là đã lãnh nhận hồng ân Thánh Thần. Vấn đề đặt ra là chúng ta đã sống ân ban ấy như thế nào đây? Hãy xét xem lòng chúng ta có hướng về Chúa trong tình yêu mến, trong sự kiếm tìm thánh ý để thực thì chưa? Hãy xét xem lòng chúng ta có hướng đến hạnh phúc của tha nhân ra sao? Và cũng hãy xét xem chúng ta đã thực thi sứ mạng ngôn sứ, tư tế và vương giả như thế nào?

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây