TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật IV Mùa Vọng -Năm C

“Bởi đâu tôi được Mẹ Thiên Chúa đến viếng thăm tôi”. (Lc 1, 39-45)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

BẢN TÓM LƯỢC TÔNG THƯ PATRIS CORDE

19/04/2021 03:50:29 |   1994



BẢN TÓM LƯỢC TÔNG THƯ PATRIS CORDE
“Với Trái Tim của Người Cha”


1. Để kỷ niệm 150 năm ngày Thánh nhân được tuyên phong là bổn mạng của Giáo hội hoàn vũ. Năm Thánh bắt đầu từ ngày 08.12.2020 và kết thúc vào ngày 08.12.2021.

2. Để mọi thành phần tín hữu theo gương Thánh nhân, có thể củng cố đời sống đức tin của họ hằng ngày trong việc hoàn thành Thánh ý Thiên Chúa.

3. Để tiếp tục khám phá ra những chiều kích cũ và mới (những bài học xưa và nay) trong kho tàng Thánh Cả Giuse, Đấng được coi như người Chủ nhà trong Tin Mừng theo Thánh Matthêu; Là người “lấy ra từ kho tàng của mình cả cái mới lẫn cái cũ” (Mt 13,52).
 
Đức Thánh Cha Phanxicô đã triển khai ba nội dung trên trong Tông thư mang tên: “Với Trái Tim của Người Cha” (Patris Corde). Ngài liệt kê 7 tấm gương:

1. Thánh Giuse: Một người Cha yêu thương

1.1. Thánh Giuse đã thể hiện một cách cụ thể vai trò làm cha của mình “bằng cách biến cuộc đời mình trở thành của lễ hy sinh phục vụ mầu nhiệm nhập thể cùng với sứ vụ cứu thế”. Ngài đã biến ơn gọi sống tình yêu gia đình của phàm nhân, thành sự dâng hiến siêu phàm chính mình, trái tim và tất cả khả năng của mình, một tình yêu được dành để phục vụ Đấng Mêsia đang lớn lên trong mái ấm của ngài”.

1.2. Vì vai trò của ngài trong lịch sử cứu độ, Thánh Giuse luôn được các Kitô hữu tôn kính là Cha (Cha Thánh Giuse). Điều này được thể hiện qua vô số nhà thờ dâng kính ngài trên khắp thế giới. Nhiều học viện tôn giáo, hội đoàn, Giáo xứ, cảm hứng từ linh đạo của Thánh Giuse và mang tên ngài. Rất nhiều các thánh nam nữ (như Thánh Têrêsa Avila) đã chọn Thánh Giuse làm Đấng bổn mạng, cầu bầu…

2. Thánh Giuse: Một người Cha dịu dàng và yêu thương

2.1. Như Thiên Chúa đã bênh vực, chở che dân Israel, Thánh Giuse cũng đã tận tụy chăm sóc Chúa Giêsu: “Ngài dạy bước đi, cầm lấy tay; đối xử như một người Cha nâng đứa trẻ lên tận má mình, cúi xuống và cho ăn” (x. Hs 11,3-4).

2.2. Nơi Thánh Giuse, Chúa Giêsu đã nhìn thấy tình yêu dịu dàng của Thiên Chúa: “Như người cha yêu thương con cái mình, Chúa xót thương những ai kính sợ Người” (Tv 103, 13).

2.3. Chúng ta yếu đuối, giòn mỏng, nhiều lần vô vọng trong những cơn thử thách, sợ hãi, lo âu,… Thánh Giuse dạy chúng ta rằng, Đức tin vào Thiên Chúa cũng là tin rằng, Ngài có thể hành động, cả khi chúng ta sợ hãi, ngã lòng và yếu đuối… Ngài cũng dạy chúng ta rằng, giữa những thử thách của cuộc đời, chúng ta đừng bao giờ sợ để Chúa dẫn lối chỉ đường. Đôi khi, chúng ta muốn kiểm soát mọi sự, nhưng Thiên Chúa luôn nhìn thấy bức tranh toàn cảnh rộng lớn.
 
3. Một người cha vâng phục
        
Thánh Giuse đã vâng phục thực hiện kế hoạch của Thiên Chúa Cha qua 4 biến cố. Bốn biến cố khiến ngài lo sợ, hoang mang, lao tâm khổ tứ.

3.1. Theo lời Thiên sứ, Thánh Giuse đón nhận Maria về làm vợ. “Vì đứa trẻ được thụ thai trong lòng bà là do Chúa Thánh Thần. Bà sẽ sinh một con trai, và ông sẽ đặt tên là Giêsu, vì Người sẽ cứu dân Người khỏi tội” (Mt 1,20-21). Thái độ vâng phục đã giúp Thánh Giuse vượt qua khó khăn và cứu được Đức Maria.

3.2. Thánh Giuse trải qua cuộc hành trình dài, vất vả từ Nadarét đến Bêlem, để ghi tên vào sổ bộ nơi nguyên quán của gia đình mình, trong cuộc điều tra dân số của Hoàng đế Cêsarê Augustô. Chúa Giêsu đã được sinh ra trong hoàn cảnh đó (x. Lc 2,7) Tin Mừng Thánh Luca đặc biệt quan tâm kể lại việc cha mẹ của Chúa Giêsu đã tuân giữ tất cả các quy định của Luật. (x. 2,21-24).

3.3. Vâng lệnh Thiên sứ, Thánh Giuse đã “trỗi dậy trong đêm, đem Hài nhi và mẹ Người trốn sang Ai Cập,… vì Hêrôđê sắp lùng bắt Hài nhi để giết đi” (Mt 2,13).

3.4. Sau nhiều năm trốn tránh, tha phương cầu thực, ngài được lệnh trở về quê hương… Trớ trêu thay, một lần nữa, Ngài lại phải tránh lưỡi gươm ác độc của người con Hêrôđê là Archelaô. Ngài phải đến lập cư tại Nadarét, miền Galilê, thay vì định cư ở Giuđê.

3.5. Trong mọi hoàn cảnh, Thánh Giuse đều nói lời “xin vâng” (Fiat) của chính mình. Trong vai trò làm Cha, ngài đã dạy Hài nhi Giêsu vâng lời cha mẹ (x. Lc 2,51) thế nào, thì chính ngài đã làm gương trước trong việc vâng lời phục vụ con người và sứ mệnh của Chúa Giêsu như thế.

4. Một người Cha chấp nhận

4.1. Thánh Giuse đã gạt bỏ ý riêng của mình để chấp nhận các sự kiện xảy đến và, dù các sự kiện ấy xem ra gây hoang mang, lo sợ. Nhận trách nhiệm và biến chúng thành một phần lịch sử của chính mình. Như trong trường hợp “gây cấn”: vâng lời Thiên sứ, Ngài đã đón nhận Đức Maria về làm vợ một cách vô điều kiện. Ngài trung thành giữ luật, nhưng với tâm tình quảng đại bao dung. Ngài trở thành hình ảnh của một người đàn ông biết tôn trọng và tinh tế.

4.2. Con đường thiêng liêng Thánh nhân vạch ra cho chúng ta không phải là con đường giải thích, mà là con đường chấp nhận. Biết chấp nhận và giao hòa, chúng ta mới có thể bắt đầu nhìn thấy một viễn tượng, một lịch sử bao quát hơn…

4.3. Ngài không chấp nhận một cách thụ động, tiêu cực, nhưng tích cực chủ động một cách ý thức và can đảm với sức mạnh của Chúa Thánh Thần. Thánh nhân giúp chúng ta đón nhận mọi thứ như “chúng vốn là như thế”. Cả khi chúng không diễn ra như mong muốn, vì biết rằng: “Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh ích cho những ai yêu mến Người” (Rm 8,28). Thánh Cả cũng khuyến khích chúng ta chấp nhận và đón nhận người khác “như chính con người họ”, đặc biệt là những người yếu đuối (x. 1 Cr 1,27).
 
5. Một người Cha có lòng can đảm đầy sáng tạo

5.1. Yếu tố quan trọng cho mọi cuộc hồi tâm là sự can đảm sáng tạo. Lòng can đảm và óc sáng tạo giúp ta đối phó và vượt thắng những thử thách khiến ta bỏ cuộc.

5.2. Đọc Tin Mừng tường thuật thời thơ ấu của Chúa Giêsu, ta thắc mắc tại sao Thiên Chúa không can thiệp một cách cụ thể, rõ ràng… Nhưng ta đừng quên, Thiên Chúa thường hoạt động qua con người và các biến cố xảy ra. Với lòng can đảm và óc sáng tạo của người thợ mộc, Thánh Giuse đã tìm được một “nơi” để Đức Mẹ sinh con. Đó là cái chuồng bò lừa giữa đồng không mông quạnh. Là “ngôi nhà” chào đón Con Thiên Chúa đến thế gian (x. Lc 2, 6-7).

5.3. Trong những hoàn cảnh nguy nan, sự sống của Hài nhi bị đe dọa, Thánh Giuse đã bình tĩnh vận dụng mọi khả năng để mau lẹ giải thoát con mình và Đức Mẹ. Chúng ta cũng được trao nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ Con Thiên Chúa. Theo nghĩa này, Thánh Giuse là Đấng Bảo vệ Hội Thánh. Vì Hội Thánh là sự tiếp nối Nhiệm Thể Chúa Kitô trong lịch sử.

Tất cả những ai nghèo khó, thiếu thốn, xa lạ, di dân, lao tù, bệnh hoạn tật nguyền đều là “hài nhi” để Thánh Giuse bảo vệ. Bởi thế, Thánh Giuse được kêu cầu như Đấng chở che, phù trợ… (kinh cầu Thánh Giuse).

5.4. Trong cuộc hành trình gian khổ, địa lý, địa hình trắc trở, khí hậu khắc nghiệt của sa mạc nắng gió như thiêu như đốt, nhà thám hiểm, khách bộ hành phải có một ý chí mãnh liệt, một sự can đảm sáng tạo để chịu đựng và vượt qua.

5.5. Tại đất khách quê người, phong tục khác lạ, ngôn ngữ bất đồng,… Thánh Giuse phải tìm cách mưu sinh. Chắc chắn ngài phải ra tay chuyên nghiệp của người thợ mộc lành nghề, hầu có phương tiện nuôi sống gia đình.

6. Một người Cha làm việc

6.1. Thánh Giuse là một người thợ mộc làm việc lương thiện để nuôi sống gia đình. Nơi Thánh Giuse, Chúa Giêsu, cũng như chúng ta, học được giá trị, phẩm giá và niềm vui của “chén cơm manh áo” là thành quả lao động của chính mình.

6.2. Việc làm là:
- Phương tiện để tham gia vào công trình cứu chuộc.
- Cơ hội để làm cho Nước Trời mau đến.
- Để phát triển tài năng và khả năng.
- Để hoàn thiện chính bản thân mình và các thành viên gia đình.
- Để hợp tác với chính Thiên Chúa. Trở thành những người sáng tạo thế giới xung quanh chúng ta.

6.3. Việc làm của Thánh Giuse nhắc nhở chúng ta rằng: Chính Thiên Chúa, khi làm người, đã không khinh thường công việc. Chúng ta cầu xin Thánh Cả Giuse trợ giúp, để không một người trẻ nào, không một gia đình nào không có công ăn việc làm.
 
7. Một người Cha trong bóng tối

7.1. Thánh Giuse là người thinh lặng và cầu nguyện. Nói ít, làm nhiều. Trong mối tương quan với Chúa Giêsu, Thánh Giuse là hình bóng trần gian của Cha trên trời.

7.2. Chúng ta không sinh ra là cha. Chúng ta trở thành người cha. Người cha đích thực không phải vì sinh ra đứa con phần xác, nhưng vì đảm nhận yêu thương chăm sóc đứa con ấy. Vì vậy, bất cứ ai (Giám mục, linh mục, tu sĩ, giáo dân,…) nhận trách nhiệm về cuộc sống của một người khác, đều trở thành người cha của người ấy.

7.3. Giáo hội cũng rất cần:
- Những người cha để yêu thương chăm sóc các trẻ em mồ côi, cơ nhỡ.
- Những người cha dạy dỗ con cái trưởng thành, có khả năng tự quyết định sáng suốt, biết tự chủ tự lập.
- Những người cha với tình yêu vô vị lợi (cực thanh, cực tịnh), xả kỷ, không độc quyền, độc đoán, độc hữu, không biến mình thành trung tâm mọi sự. Như Thánh Giuse, không nghĩ về mình, mà luôn nghĩ về cuộc đời của Mẹ Maria, của Chúa Giêsu.
- Những người cha sáng suốt khôn ngoan, nhận ra rằng: Mỗi đứa con là một “cá thể” khác biệt, một mầu nhiệm độc đáo cần phải được khám phá, phát triển. Rằng: Mình chỉ là người cha và là người giáo dục đích thực khi nhận ra con cái đã đến lúc “đủ lông, đủ cánh” bay ra cuộc đời, có thể vững vàng bước đi và đứng vững trên đôi chân của mình…

Tóm lại:
        
Thánh Giuse là người cha thầm lặng. Sống cuộc sống đời thường một cách phi thường. Rất gần gũi với chúng ta. Cũng như bao nhiêu người khác thuộc mọi trình độ văn hóa, giai cấp, nghề nghiệp, dân tộc, tôn giáo,… đang âm thầm làm việc để kiến tạo một thế giới thanh bình và nhân bản. Thánh Giuse nhắc nhủ chúng ta rằng, những ai ẩn mình trong bóng tối – hay bị lãng quên – có thể đóng vai trò không thể so sánh được trong lịch sử cứu độ.

 

Lm Antôn Vũ Thanh Lịch
(Tóm lược Tông Thư “Patris Corde”
dựa theo bản dịch của HĐGM Việt Nam)

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây