TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

CN34TNb - Đức Giêsu Kitô, Vua Vũ Trụ

“Quan nói đúng: Tôi là Vua”. (Ga 18, 33b-37)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Vì Yêu Chúng Ta Sâu Thẳm

Thứ sáu - 06/05/2022 09:37 | Tác giả bài viết: Giuse Hạt Bụi Tro |   1115
Cuộc khổ nạn, cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu có liên quan gì đến tôi, đụng chạm gì tới cuộc sống của tôi?
Vì Yêu Chúng Ta Sâu Thẳm

Vì Yêu Chúng Ta Sâu Thẳm
 

Tại sao Chúa Giêsu phải chết trên thập giá cách ghê rợn như thế? Tại sao Thiên Chúa không chọn một cách nào khác nhẹ nhàng đơn giản hơn để cứu chuộc con người? Làm thế nào mà cái chết của một con người lại mang lại ơn cứu độ cho hết thảy mọi người? Cuộc khổ nạn, cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu có liên quan gì đến tôi, đụng chạm gì tới cuộc sống của tôi?

Những câu hỏi đại loại như thế luôn khiến tôi băn khoăn và khắc khoải từ khi còn là một giáo lý sinh. Khi được gia nhập Đại Chủng Viện, ngay từ những buổi học đầu tiên, tôi đã đặt những câu hỏi này với các cha giáo mà tôi nghĩ là toàn năng, thông biết mọi sự. Quả thật, các ngài có trả lời tôi, nhưng lúc đó, tôi không lãnh hội được là bao. Không có một câu trả lời nào tạo ấn tượng đủ mạnh đối với trí óc khát tri của tôi. Ngày tháng trôi qua, tới nay, tôi sắp hoàn thành chương trình đào tạo tại ĐCV. Điều đó đồng nghĩa với việc tôi phải có được một câu trả lời “tàm tạm” của riêng mình về vấn đề này.

1. Tại sao Chúa Giêsu lại phải chết trên thập giá cách ghê rợn như thế

Người Rôma chỉ dành khổ hình thập giá cho người ngoại, những thành phần hạ đẳng trong xã hội, những nô lệ và những tên tội phạm nguy hiểm về chính trị như nổi loạn hoặc cướp bóc. Đây là một kiểu xử án có mục đích hạ thấp nhân phẩm đến tột cùng. Nạn nhân sẽ bị lột sạch quần áo, bị đánh đập và tra tấn dã man, trước khi vác chính cây khổ giá của mình đến nơi bị đóng đinh. Đó là cách thị uy và nêu gương cho người khác để họ không phạm tội. Người bị đóng đinh không được chôn cất, nhưng bị bỏ làm mồi cho dã thú hoặc chim trời ăn thịt. Quả thật, tử hình bằng thập giá là kiểu hành hình nhục nhã, đê hèn, dã man và ghê tởm nhất. Nạn nhân chết trần truồng trong tiếng rên la khủng khiếp vì bị phơi xác giữa nắng mưa, đau đớn và đói khát. Nếu đã xem bộ phim the Passion of the Christ, chúng ta sẽ hiểu phần nào cái khủng khiếp và ghê rợn của bản án tử hình bằng thập giá.

Người Do Thái tin rằng cái chết trên thập giá là cái chết vô cùng ô nhục, và kẻ bị đóng đinh là một kẻ bị Thiên Chúa nguyền rủa. Thánh Phaolô cũng nói tới điều đó trong thư Galata: “Đức Kitô vì chúng ta mà trở nên đồ bị nguyền rủa, vì có lời chép đáng nguyền rủa thay kẻ bị treo lên cây gỗ” (Gl 3,13). Ngài còn khẳng định: “Chúng tôi rao giảng một Đức Kitô bị đóng đinh, điều mà người Do Thái cho là ô nhục không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ. Nhưng đối với những ai được Thiên Chúa kêu gọi, dù là Do Thái hay Hy Lạp, Đấng ấy chính là Đức Kitô, sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa.” (1 Cr 1,23-24).

Thú thật, việc trả lời cho câu hỏi tại sao Thiên Chúa muốn cứu chuộc loài người bằng cách để Con Một của Mình là Chúa Giêsu Kitô phải chết trên thập giá là điều vượt quá sự hiểu biết của con người. Tuy nhiên, đó lại cách mà Thiên Chúa đã chọn để mặc khải chương trình cứu độ và tình yêu sâu thẳm của Người đối với con người, qua Con một duy nhất của Người là Chúa Giêsu Kitô. Chúa Giêsu Kitô đã chịu treo trên thập giá vì tình yêu đối với Chúa Cha và với con người, và vì tội lỗi của nhân loại. Thánh Phêrô đã viết những lời thật ý nghĩa như sau: “Tất cả tội lỗi của chúng ta, Đức Giêsu đã mang vào thân thể mà đưa lên cây Thập giá, để một khi đã chết đối với tội, chúng ta sống cuộc đời công chính” (2 Pr 2,24). Ngài đã chết vì yêu thương chúng ta, ngay lúc ta còn là những người tội lỗi (Rm 5,8).

Chúa Giêsu Kitô đã chọn sinh ra trong lịch sử loài người, trong một giai đoạn cụ thể, trong một đất nước và một nền văn hóa nhất định. Người đã không chọn cứu chuộc con người bằng cách ngự trên mây trời mà xuống như một Đấng có quyền năng, chỉ cần búng tay một cái hay phán một lời là xong. Ngài cũng không dùng sức mạnh và vũ lực để thành lập một vương quốc của Thiên Chúa trên trần gian… Với sự khôn ngoan của Người, Thiên Chúa đã chọn “cách tốt nhất” để chúng ta có thể hiểu được Người đã yêu chúng ta tới mức nào. Vì yêu chúng ta sâu thẳm, Chúa Giêsu đã chọn sinh ra trong hang lừa máng cỏ, sống trong một gia đình nghèo khó tầm thường, để chúng ta biết rằng Ngài hiểu được mọi trạng huống thế thái nhân tình của phận người là như thế nào, vì chính Ngài đã làm một con người hèn mọn nhất, đã trải qua mọi cái như con người chúng ta, chỉ trừ tội lỗi. Cũng chính vì yêu chúng ta sâu thẳm, Ngài đã chọn một cái chết đau đớn và ô nhục ngoài sức tưởng tượng, bởi vì, có lẽ không còn kiểu khổ hình nào khác tương xứng hơn để diễn tả tình cảnh khốn cùng của nhân loại đang chìm trong bóng đêm tội lỗi.

2. Làm thế nào mà cái chết của một người có thể mang lại ơn cứu độ cho tất cả mọi người

Có nhiều giả thuyết khác nhau về giá trị cứu độ của cái chết của Chúa Giêsu như: học thuyết giá chuộc, học thuyết trừng phạt, học thuyết đền bù, học thuyết công nghiệp… Tuy nhiên, muốn hiểu được ngọn nguồn tại sao cuộc thương khó, cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu lại cần thiết cho ơn cứu độ, chúng ta phải trở về với những chứng từ của Kinh Thánh. Ý nghĩa cứu chuộc phải được đặt trong toàn bộ lịch sử cứu độ, phải bám rễ vào mầu nhiệm Ba Ngôi sâu thẳm, nhưng đồng thời, không được tách khỏi con người Giêsu lịch sử đã bị đóng đinh.

Chúa Cha yêu thương chúng ta vô ngần

Ý định cứu độ mầu nhiệm bằng cái chết của người tôi tớ công chính (Is 53,11) đã được Thiên Chúa báo trước trong Kinh Thánh như một mầu nhiệm cứu chuộc phổ quát, giải thoát con người khỏi ách nô lệ của tội lỗi (St 3,15). Thánh Phaolô quả quyết với chúng ta: Đức Kitô đã chết vì tội lỗi chúng ta, đúng như lời Kinh Thánh (1 Cr 15,3). Cái chết của Ngài hoàn tất mọi sấm ngôn về người tôi tớ đau khổ của Giavê, người có khả năng cứu chuộc những ai sống dưới chế độ lề luật, hầu chúng ta nhận được ơn làm nghĩa tử (GL 4,5). Chính Chúa Giêsu cũng đã trình bày cuộc sống và cái chết của mình dưới ánh sáng Người Tôi Tớ đau khổ. Ngài đã giải thích Kinh Thánh cho hai môn đệ trên đường về Emmaus, rồi cho các tông đồ theo lối giải thích này (Lc 24,16-27; 44-47).

Thiên Chúa biểu lộ chương trình của Người đối với chúng ta, là chương trình tình yêu nhân hậu đi trước mọi công trạng của chúng ta. Thánh Gioan khẳng định: “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16). Quả thật, “Không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Người đã yêu thương chúng ta, và sai Con của Người đến làm của lễ đền tội cho chúng ta” (1 Ga 4,10). Thiên Chúa đã cho Chúa Giêsu làm người, để liên đới và cứu vớt chúng ta là những tội nhân. “Thiên Chúa đã không tha Con Một Người, nhưng đã phó nộp Ngài vì chúng ta hết thảy” (Rm 8,32) để chúng ta được giao hòa với Người nhờ sự chết Con của Người (Rm 5,10).

Chúa Giêsu yêu thương chúng ta vô ngần

Chúa Giêsu là Đấng chẳng hề biết tội là gì, nhưng Thiên Chúa đã biến Ngài trở thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta, để biến chúng ta thành những người công chính như Ngài (2 Cr 5,21). Vì yêu, Ngài đã vâng phục thánh ý Chúa Cha, đã đến trần gian để cứu chuộc tội lỗi của chúng ta. Con người đã phạm tội, và tiền công của tội lỗi là sự chết (Rm 6,23) và sự phân cách giữa con người và Thiên Chúa. Do đó, con người cần phải có một của lễ giao hòa xứng đáng để đền trả cho tội lỗi, nhưng không thể đền bù nỗi, vì đã bị tước mất vinh quang Thiên Chúa (Rm 3,23). Chính vì thế, chỉ có của lễ của Chúa Giêsu, Đấng vô tội, vừa là Thiên Chúa thật vừa là con người thật, mới đền bù được mà thôi (Dt 4,51; 1 Pr 3,18; 1 Ga 3,5).

Quả thật, chỉ mình Chúa Giêsu mới có đủ tư cách để giao hòa thế gian với Thiên Chúa, vì “Thiên Chúa đã đặt Người làm hy lễ xá tội nhờ máu của Người cho những ai có lòng tin. Như vậy, Thiên Chúa cho thấy Người là Đấng công chính” (Rm 3,25). Bởi đó, Chúa Giêsu đã trở nên giống anh em mình về mọi phương diện để trở thành một vị thượng tế nhân từ và trung tín trong việc thờ phượng Thiên Chúa, hầu đền tội cho dân (Dt 2,17). Chính Ngài là của lễ đền bù tội lỗi không chỉ cho chúng ta mà thôi, nhưng còn cho cả thế gian nữa (1 Ga 2,2). Chúa Giêsu không chỉ là một con người hoàn hảo nhưng còn là Con Thiên Chúa, và là Chúa (1 Tm 2, 5-6). Do đó, của lễ giao hòa của Ngài là hoàn hảo và có giá trị vĩnh viễn (Rm 5, 18-21).

Tóm lại, cái chết của Chúa Giêsu vừa là hy lễ vượt qua hoàn tất sự cứu chuộc loài người bởi Chiên Con vô tỳ tích - Đấng gánh tội trần gian (Ga 2,18), vừa là hy tế của Giao Ước Mới, mang lại cho con người sự hiệp thông với Chúa Cha, và giao hòa con người với Thiên Chúa nhờ việc đổ máu ra cho muôn người được tha tội (Mt 26,28). Hy tế của Ngài là duy nhất, hoàn hảo và vượt trên mọi hy lễ. Vì lẽ, đó vừa là hồng ân của Chúa Cha, vừa là sự tự nguyện dâng hiến của Chúa Con, nhờ Chúa Thánh Thần hằng hữu thúc đẩy (Dt 9,14).

Ý nghĩa của hy lễ giao hòa của Chúa Giêsu

Để hiểu được ý nghĩa của hy lễ giao hòa của Chúa Giêsu, chúng ta phải hiểu được ý nghĩa của lễ vật hy sinh và ơn tha tội trong Cựu Ước. Theo Cựu ước, các tư tế phải tiến dâng những con vật làm lễ hy sinh dâng lên Thiên Chúa để đền tội lỗi của toàn dân. Họ lấy cái chết của con vật để thay thế cho bản án tử hình mà con người đáng phải chịu vì đã bất tuân phục và phạm tội với Thiên Chúa. Chính hy lễ này đã đưa toàn dân trở lại trong tình hiệp thông tốt đẹp với Thiên Chúa (Lv 1-10.)

Thư gửi các tín hữu Do Thái đã chứng minh cho chúng ta thấy Chúa Kitô đã trở thành của lễ hy sinh dâng lên Chúa Cha, đúng như luật Môsê. Trong Giao ước cũ, thầy thượng tế thường hiến dâng những con vật hy sinh để đền tội thay cho toàn dân. Cũng vậy, Chúa Kitô đã trở thành thầy thượng tế mới, hiến dâng chính mình như con chiên vô tỳ tích để làm của lễ hy sinh để đền tội cho mọi người thuộc mọi thời đại. Giao ước cũ đòi phải có những của lễ hy sinh tiếp diễn không ngừng, thì Chúa Giêsu chỉ dâng lễ hy sinh là chính Người, một lần là đủ cho tất cả, không bao giờ phải làm lại: “Ngài vào cung thánh, không phải với máu các con dê, con bò, nhưng với chính máu của mình. Người vào chỉ một lần mà thôi, và đã lãnh nhận được ơn cứu chuộc vĩnh viễn cho chúng ta.” (Dt 9,12)

Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo số 599 cũng cho chúng ta thấy rằng cái chết ghê rợn của Chúa Giêsu không phải là hậu quả tình cờ của những biến cố xảy ra ngẫu nhiên của lịch sử, nhưng đó là một phần trong kế hoạch cứu độ huyền nhiệm của Thiên Chúa. Điều khiến chúng ta khó chịu nhất, dường như là nghịch lý gây cớ vấp phạm nhất, đó là: tại sao Thiên Chúa, Đấng đầy tình yêu và giàu lòng thương xót lại có thể kết án chính Con Một của mình mà chịu một số phận như thế? Câu trả lời duy nhất chỉ có thể là vì TÌNH YÊU. Nào có ai hiểu nỗi sức mạnh sáng tạo của tình yêu, và sự “điên dại” của những người đang yêu? Chúng ta có thể la lên rằng: Thiên Chúa yêu con người đến mức “điên dại” và “bất chấp”.

Vì yêu chúng ta sâu thẳm, Chúa Cha đã tự nguyện hiến dâng Con Một của mình trên thập giá để làm một việc mà chúng ta không bao giờ tự mình làm được: tự cứu lấy mình. Vì yêu chúng ta sâu thẳm, Chúa Giêsu đã tự nguyện nhận lấy án phạt mà chúng ta đáng phải lãnh nhận. Ngài đã vâng lời Chúa Cha cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập giá cách trần truồng ô nhục, để trở nên phương thế tha thứ tội lỗi của chúng ta trước mặt Chúa Cha. Nhờ đó, chúng ta được tha thứ tội lỗi qua sự đau khổ, cái chết và phục sinh của Ngài.

Vì thế, hình tượng Chúa Giêsu chịu đóng đinh trên thập giá, mặc dù ghê rợn và tàn khốc, nhưng đó lại chính là hình ảnh mạnh mẽ nhất diễn tả một tình yêu tới mức điên dại, và sự sáng tạo vô biên mà Thiên Chúa đã dành cho chúng ta. Con người đã phạm tội, đáng phải chết, nhưng trái tim yêu thương của Thiên Chúa đã không bỏ rơi con người. Thập giá là bằng chứng hùng hồn về tình yêu lớn lao đó (Ga 3,17), vì quả thật, không có tình yêu nào lớn lao hơn tình yêu của người dám hy sinh mạng sống vì người mình yêu (Ga 15,13).

3. Cuộc khổ nạn, cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu có liên quan gì đến tôi

Chúng ta đã rảo qua rất nhiều chứng từ của Kinh Thánh, dù không phải là toàn bộ, nhưng chừng đó cũng đã đủ, để giúp chúng ta phần nào có được câu trả lời cho những vấn nạn đã được đặt ra ngay từ đầu. Đến cuối cuộc hành trình, chúng ta phải hồi tâm và tự hỏi: Cuộc khổ nạn, cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu có sinh hiệu quả gì cho cuộc đời của tôi không? Phải chăng đó chỉ là một mớ lý thuyết thần học cao vời, không có ý nghĩa gì, không đụng chạm gì đến bản thể của tôi? Nếu câu trả lời là chưa đụng chạm gì, tôi sống và cứ sống theo quán tính vậy thôi, thì có lẽ, tôi chưa thực sự hiểu được tình yêu của Thiên Chúa dành cho tôi lớn lao như thế nào, và chưa thể đáp trả cho cân xứng.

Người ta thường nói vô tri bất mộ, không hiểu biết thì không thể yêu thương được. Nói cách khác, tôi phải biết, phải hiểu thì mới yêu mới quý, mới trân trọng và giữ gìn được. Nếu tôi không hiểu được Thiên Chúa đã yêu tôi đến mức nào, thì làm sao tôi có thể đáp trả cho trọn vẹn tình yêu ấy. Đó là một sự khập khiễng, và chính sự khập khiễng ấy làm cho chúng ta cảm thấy mình không thực sự hạnh phúc trọn vẹn trong đời sống ơn gọi của mình. Đôi khi chén cơm hạnh phúc của chúng ta có “sạn”, và điều đó khiến một số trong chúng ta cảm thấy ê răng, cay đắng, sống hai lòng, đi hai lối, thờ hai chủ. (Lạy Chúa, trong đó có con!). Chúng ta có thể đổ lỗi cho ngoại cảnh, nhưng thực ra hạnh phúc của chúng ta là do chính chúng ta tự quyết định và chọn lựa. Chắc chắn Thiên Chúa luôn ban khả năng để chúng ta sống hạnh phúc. Điều quan trọng là chính chúng ta phải biết cách giữ hạnh phúc và sống hạnh phúc với Chúa, mặc kệ thế thái nhân tình đổi thay, khen hay chê, vui hay buồn, nắng hay mưa. Có lẽ đó là sự khác biệt duy nhất giữa thánh nhân và tội nhân. Chúng ta cần ân sủng để có thể đi trọn hành trình hạnh phúc, vì không có thầy anh em chẳng làm gì được. Có khao khát thì may ra chúng ta mới có thể có được thứ hạnh phúc ấy, vì ai xin thì sẽ được, ai tìm thì sẽ gặp.

Nếu hạnh phúc được xem là một cuộc hành trình, thì rất có thể chúng ta sẽ không bao giờ đạt tới đích. Nhưng điều đó không quan trọng cho bằng cách chúng ta luôn luôn nỗ lực trên hành trình hiệp hành đi tìm hạnh phúc với Thiên Chúa. Thiên Chúa đã yêu thương tôi và đã hiến mình vì yêu tôi một cách mầu nhiệm.

Câu hỏi được đặt ra là làm sao để chúng ta có thể đáp trả lại tình yêu vô bờ bến của Thiên Chúa được, một tình yêu mà chúng ta đã gọi là điên dại và bất chấp? Có lẽ chị Thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu đã gợi mở cho chúng ta câu trả lời hay nhất. Tình yêu chỉ có thể được đáp trả bằng tình yêu. Nói cách khác, tình yêu của chúng ta phải được chứng tỏ bằng việc chúng ta làm. Chị thánh đã sánh ví tình yêu như một con thác cuốn đi hết những gì nằm trên dòng nước chảy qua. Sẽ đến lúc Thiên Chúa ban thưởng cho các việc tôi làm vì yêu mến Người, tuy nhiên, hẳn Người sẽ rất bối rối vì tôi chẳng làm được gì cả? Suy cho cùng, hình như các việc tôi làm cho đến giờ phút này là cho chính tôi hơn là cho Thiên Chúa. Quả thật, nếu không có tình yêu, tất cả các việc làm sẽ không là gì cả, ngay cả những việc sáng chói nhất, như việc làm cho kẻ chết sống lại hoặc việc hoán cải các dân tộc.

Chị thánh cũng đề nghị với chúng ta một sự cân bằng tuyệt vời: thông thường, chúng ta yêu thương theo khả năng của mình và tìm cách thể hiện tình yêu bằng hành động, nhưng khi lực bất tòng tâm, chúng ta không thể đạt được điều mình mong muốn thì hãy tin vào tình yêu vô hạn của Thiên Chúa. Nếu chúng ta để Thiên Chúa chạm tới nơi sâu thẳm nhất của lòng mình, nơi mà chỉ chính chúng ta và Thiên Chúa biết được, thì khi ấy tình yêu của chúng ta mới triển nở. Bất chấp mọi hoàn cảnh xung quanh là thuận lợi hay o ép, chúng ta vẫn sẽ cảm thấy mình hạnh phúc thực sự trong lòng. Và sự thường, chúng ta hay ngăn cản những tia sáng tình yêu của Thiên Chúa đang muốn vươn tới những “góc riêng tư nhất” trong “cung cấm” của lòng mình; và đó chính là lý do khiến chúng ta bị đau khổ và cay đắng trong cuộc sống.

Suy cho cùng, Thiên Chúa đã đặt để niềm hạnh phúc thực sự hệ tại nơi chính con tim của chúng ta, chứ không do những tác động bên ngoài, mặc dù, chúng có thể tác động rất mạnh mẽ lên chúng ta. Nói cách khác, mấu chốt của hạnh phúc chính là sự kết hợp giữa tình yêu của chúng ta với tình yêu của Thiên Chúa, chứ không hệ tại nơi các yếu tố bên ngoài tác động lên chúng ta. Sự kết hợp càng chặt chẽ, chúng ta càng hạnh phúc. Dù là người hay vật, dù là sự kiện tinh thần hay thể lý, dù mức độ tác động có lớn đến đâu, tất cả không thể ngăn cản được dòng suối tình yêu dạt dào mà Thiên Chúa đang dành cho chúng ta. Điều quan trọng là chúng ta có đủ vững tin và cắm rễ đủ sâu, đủ chặt vào dòng nước yêu thương ấy hay không. Đó chắc hẳn là con đường nên thánh của các thánh, và đó cũng chính là con đường nên thánh của mỗi người trong chúng ta.

Lạy Chúa, Chúa đã cho con nhận ra con đường nên thánh và bí quyết sống hạnh phúc với Chúa giữa thế gian này. Con biết con phải phó thác hoàn toàn cho Thiên Chúa, chứ không thể cậy trông vào kết quả hay sự thành công của thế gian. Con biết con phải trải qua một quá trình gần như cả đời người để đạt được, chứ không thể chỉ một ngoáy cái là xong. Có lẽ con cần phải trải qua nhiều thất vọng, nhiều thất bại mới khám phá được thế nào là hy vọng, mới hiểu được lòng Thiên Chúa vẫn luôn yêu con và muốn con hạnh phúc, mới biết mở rộng tâm hồn con cho Thiên Chúa của sự sống và sự thánh thiện. Xin cho con vững tin vào tình yêu Cha, dù con không hiểu hết những gì Cha làm cho đời con. Amen.

Giuse Hạt Bụi Tro

 

 

Thư Mục Tham Khảo

 

Bùi Văn Đọc. “Ý nghĩa cứu chuộc của cái chết của Đức Giêsu.” Truy cập ngày 19.3.2022. http://www.simonhoadalat.com/hochoi/THANHOC/DucKyto/Chuong7.htm
 

 

Cal Christiansen. “Why did Jesus have to die on the cross.” Trong Northwest Catholic số 1 quyển 5 (Tháng 2, 2017). Truy cập ngày 19.3.2022. https://nwcatholic.org/voices/cal-christiansen/why-did-jesus-have-to-die-on-the-cross
 

 

Kinh thánh, ấn bản 2011. Bản dịch do Nhóm phiên dịch các Giờ kinh Phụng vụ. Hà Nôi: NXB Tôn Giáo, 2011.
 

 

Trần Ngọc Anh. “Bài đọc thêm số 8: Kinh nghiệm của thánh nữ Têrêsa thành Lisieux.” Nhân Học Kitô giáo, tập 2, Ân Sủng. Hà Nội: NXB Tôn Giáo, 2020. 388-392.

Văn Minh. “Hiệu Quả Phát Sinh từ Cái Chết của Chúa Giêsu.” Truy cập ngày 19.3.2022. http://giaophanthanhhoa.net/than-hoc/hieu-qua-phat-sinh-tu-cai-chet-cua-chua-giesu---lm-van-minh-csjb-33658.html.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây