Chúa Nhật – Lễ Thánh Gia Thất
Hãy biết làm đẹp lòng Chúa
Trước Lễ Giáng Sinh tám ngày, VOA Tiếng Việt loan báo một bản tin, như sau: “Một thiếu nữ 15 tuổi hôm 16/12 đã nổ súng tại một trường học ở tiểu bang Wisconsin, bắn chết một bạn học, một giáo viên, làm bị thương sáu người khác trước khi tự sát bằng súng lục. Thiếu nữ nổ súng là một học sinh tại trường, cảnh sát xác định là Natalie Rupnow, còn được gọi là Samantha.”
Ba tháng trước, tháng 9/2024, VOA Tiếng Việt cũng đã loan báo một vụ xả súng khác tại trường Apalachee ở Winder, Georgia. “Một học sinh 14 tuổi giết chết hai bạn học, hai giáo viên, đồng thời làm bị thương 9 người nữa trong một vụ xả súng tại một trường trung học ở bang Georgia hôm thứ Tư 4/9, chỉ vài tuần sau ngày khai giảng, các nhà chức trách cho biết. Đây là vụ nổ súng đầu tiên trong năm học mới tại Hoa Kỳ. Nghi phạm học tại trường được xác định danh tính là Colt Gray, 14 tuổi. Cậu ta đã bị giam giữ, sẽ bị khởi tố và bị xét xử như một người trưởng thành, Chris Hosey, giám đốc Cục Điều tra Georgia nói”.
Ông Donald Trump, khi nhận được tin, đã viết trên mạng xã hội rằng: “Chúng tôi xin chia buồn với các nạn nhân và người thân của những người bị ảnh hưởng bởi sự kiện bi thảm ở Winder, Georgia. Những trẻ em đáng yêu đã bị một tên quái vật bệnh hoạn và mất trí cướp đi khỏi chúng ta quá sớm”. (nguồn: VOA Tiếng Việt).
Đó… đó chỉ là hai bản tin, trong hàng ngàn bản tin, trẻ vị thành niên phạm tội giết người.
Vâng, thật dễ để gọi nhóc tỳ Colt Gray là “một tên quái vật bệnh hoạn và mất trí”. Cái khó là tìm xem nguyên nhân nào, “động cơ” nào thúc đẩy (những) tên tội phạm nhí “ăn chưa no, lo chưa tới” này, phạm pháp!
Các nhà tội phạm học, xã hội học, tâm lý học đã đưa ra nhiều nguyên nhân. Nguyên nhân được nói tới nhiều nhất là do thiếu sự quan tâm (tình yêu thương) của gia đình, nặng nề nhất là ở những gia đình cha mẹ ly dị, ly hôn. Hoặc do những biến động của xã hội như chiến tranh. Và, cũng có thể là do ảnh hưởng của những chủ thuyết lệch lạc, đại loại như: chủ thuyết hiện sinh, chủ thuyết vô thần, và gần đây là sự cổ vũ cho một lối sống tự do, tự do phá thai, tự do hôn nhân đồng tính.
Tất cả những lý do nêu trên, đúng… nhưng chưa đủ. Cái “chưa đủ”, đó là: con người thiếu vắng sự hiện diện của Thiên Chúa, trong tâm hồn mình. Không có sự hiện diện của Thiên Chúa, con người sẽ không tuân giữ lề luật Chúa. Không tuân giữ lề luật Chúa, con người sẽ dễ phạm tội (phạm pháp), thế thôi!
Kinh Thánh có ghi nhiều bài học cay đắng khi một gia đình nào đó từ chối sự hiện diện của Thiên Chúa. Gia đình nguyên tổ Adam và Eva, chắc hẳn ai trong chúng ta đều biết, chỉ vì “(bỏ) trốn… để khỏi giáp mặt ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa”, sau khi phạm tôi bất tuân, một thảm cảnh đã xảy ra, hai người con là Cain và Abel trở thành thù nghịch. Hậu quả, người anh Cain giết chết em mình là Abel.
Chúa Giê-su đã được sinh ra trong một gia đình có cha, có mẹ. Đây là một gia đình với những con người thật. Người cha tên là Giu-se và người mẹ tên là Maria.
Như các gia đình khác trên thế gian này, gia đình Chúa Giê-su cũng đã phải đối diện với nhiều nan đề, chẳng hạn như: cơm-áo-gạo-tiền, hoặc là những mâu thuẫn nội tại v.v… trong cuộc sống thực tế của mình.
Thế nhưng, tất cả những nan đề đó đều được các thành viên trong gia đình giải quyết một cách tốt đẹp, trong tinh thần “có sự hiện diện của Thiên Chúa”.
Câu chuyện “Đức Giê-su ngồi giữa các bậc thầy Do-thái”, được ghi trong Tin Mừng thánh Luca, như một minh chứng.
**
Vâng, chuyện được thánh sử Luca ghi lại như sau: “Hằng năm, cha mẹ Đức Giê-su trẩy hội đền Giê-ru-sa-lem mừng lễ Vượt Qua”.
Tưởng chúng ta nên biết, lễ Vượt Qua là một ngày lễ rất quan trọng theo truyền thống phụng tự Do-thái giáo. Người Do Thái được dạy rằng: “Các ngươi phải lấy ngày đó làm ngày tưởng niệm, ngày đại lễ mừng ĐỨC CHÚA. Qua mọi thế hệ, các ngươi phải mừng ngày lễ này: đó là quy luật cho đến muôn đời.” (Xh 12, 14).
Năm ấy: “(Đức Giê-su) được mười hai tuổi”. Vì là-quy-luật-cho-đến-muôn-đời, thế nên “cả gia đình cùng lên đền, như người ta thường làm trong ngày lễ”.
“Xong kỳ lễ…” tức là sau một tuần trẩy hội, chuyện kể tiếp rằng: “hai ông bà trở về, còn cậu bé Giêsu thì ở lại Giêrusalem, mà cha mẹ chẳng hay biết”. (Lc 2, 43).
Vì sao cha mẹ Đức Giê-su chẳng-hay-biết? Thưa, chuyện là thế này, Đền thờ Giêrusalem có bốn cổng, hai cổng dành cho nữ và hai cổng dành cho nam. Khi vào, nam và nữ phải đi đúng cổng quy định. Riêng trẻ em, có thể đi bên nào tùy thích.
(Điều này, cũng giống như ngày xưa, ở miền nam Việt Nam hồi thập niên 60, thế kỷ trước, vào nhà thờ dự thánh lễ, nam ngồi một bên, nữ ngồi một bên, con cái còn nhỏ muốn ngồi bên nào cũng được).
Trở lại câu chuyện ông bà Giuse-Maria, hôm ấy hai ông bà “cứ tưởng là cậu về chung với đoàn lữ hành”. Thế rồi, “sau một ngày đường, (ông bà) mới đi tìm kiếm giữa đám bà con và người quen thân…”
Buồn thay! “không thấy con đâu”. Trong nỗi buồn-hiu-hắt-buồn, “hai ông bà trở lại Giê-ru-sa-lem” tìm con.
Sau ba ngày… Vâng, chuyện kể tiếp rằng: “…hai ông bà mới tìm thấy con trong Đền Thờ…” Trong Đền Thờ, hai ông bà nhìn thấy cậu bé Giê-su “Đang ngồi giữa các thầy dạy, vừa nghe họ, vừa đặt câu hỏi”.
Chỉ là cậu bé mười hai tuổi, thế mà “ai nghe cậu nói cũng ngạc nhiên về trí thông minh và lời đối đáp của cậu”.
Tìm thấy con và thấy con mình được những ông thầy dạy nơi Đền Thờ ca ngợi, thế mà chẳng thấy hai ông bà “hớn hở vui mừng”! Trái lại, Đức Maria và thánh Giu-se “sửng sốt”.
Sửng sốt nhìn con yêu, Đức Maria nói: “Con ơi, sao con lại xử với cha mẹ như vậy? Con thấy không, cha con và mẹ đây đã phải cực nhọc tìm con!”
Cớ gì Đức Maria lại “phàn nàn” với con mình như thế! Phải chăng lời tiên tri của ông Si-mê-ôn đang văng vẳng bên tai Mẹ: “Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Israel ngã xuống hay đứng lên. Cháu còn là dấu hiệu cho người đời chống báng, và như vậy, những ý nghĩ từ thâm tâm nhiều người sẽ lộ ra.”!!!
Hôm nay, họ khen con đấy! Ngày mai, họ sẽ đòi đóng đinh con thì sao! Lúc đó, chẳng phải lời ông Si-mê-ôn nói về Mẹ, ứng nghiệm: “Còn chính bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà”, đó sao!
Tất cả… tất cả những điều trình bày trên đây, chỉ là trí tưởng tượng của tôi (người viết).
Trở lại với Đức Maria, chuyện kể rằng, nghe Mẹ mình hỏi, Đức Giê-su hỏi lại một câu hỏi khác: “Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?” (Lc 2, 49).
Có một sự thinh lặng đáng tiếc. Bởi vì: “ông bà không hiểu lời Người vừa nói.”
Như chúng ta thường thấy, trong gia đình khi cha mẹ và con cái “không hiểu” nhau, thì đó là một thảm họa. Thảm họa ra sao, chắc hẳn ai trong chúng ta cũng biết rồi.
Thế mà, đối với gia đình Chúa Giê-su, dù cha mẹ không hiểu con, nhưng không vì thế mà thảm họa xảy ra. Tại sao! Thưa, vì có sự hiện diện của Chúa.
Thật vậy, theo lời kể của thánh Luca: “Sau đó, (Đức Giê-su) đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Na-da-rét, và hằng vâng phục các ngài. Riêng mẹ Người thì hằng nhớ tất cả những điều ấy trong lòng. Còn Đức Giê-su ngày càng thêm khôn ngoan, thêm cao lớn và thêm ân nghĩa đối với Thiên Chúa và người ta.”
Con thì hằng-vâng-phục… vâng phục cha mẹ. Mẹ thì hằng-ghi-nhớ… nhớ những điều con mình nói về Chúa Cha, chẳng phải đó là một gia đình có sự hiện diện của Chúa, sao!
***
Thánh lễ Chúa Nhật hôm nay (29/12/2024) gọi là Lễ Thánh Gia. “Thánh gia hay còn gọi là Thánh gia thất, (tiếng Anh: Holy Family) là cụm từ để chỉ về một gia đình gồm ba thành viên, trong đó người cha là Giuse, người mẹ là Maria và người con trai là Giêsu.” (nguồn: internet).
Hôm nay, qua phần Phụng Vụ Lời Chúa, chúng ta được “nhìn lại” một phần nhỏ sự sinh hoạt trong gia đình Đức Giê-su. Chỉ là một-phần-nhỏ, nhưng nó đủ làm cho (người khó tính mấy) cũng phải nhìn nhận, đây là một thánh-gia-thất.
Thánh-gia-thất không “thánh” qua những vầng hào quang “bởi do” các họa sĩ thường vẽ trên những bức chân dung của ba vị, nhưng là “bởi vì” đời sống của ba vị là một đời sống “vâng phục và vâng lời” Thiên Chúa.
Với người cha là thánh Giu-se, ngài đã rất nhiều lần “vâng lời và vâng phục” lời sứ thần Chúa truyền dạy.
Lần thứ nhất, ngài Giu-se đã “làm như sứ thần Chúa dạy và đem vợ về nhà”.
Lần thứ hai, sau khi “sứ thần Chúa hiện ra báo mộng: Này ông, dậy đem Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai Cập, và cứ ở đó cho đến khi tôi báo lại, vì Hê-rô-đê sắp tìm giết Hài Nhi đấy” Ông Giu-se vâng lời.
Lần thứ ba. Sau khi Hê-rô-đê băng hà, sứ thần Chúa lại hiện ra báo mộng cho ông: “Này ông, dậy đem Hài Nhi và Mẹ Người về đất Ít-ra-en, vì những kẻ tìm giết Hài Nhi đã chết rồi”. Ông cũng đã vâng lời.
Còn với Đức Maria ư! Chúng ta biết rồi. Câu chuyện “Truyền tin cho Đức Maria” được ghi trong Tin Mừng Thánh Luca, đã cho chúng ta thấy một Maria, rất can trường, không sợ gian khổ hiểm nguy (có thể bị ném đá chết), cất tiếng nói: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc 1,38).
Cuối cùng là Đức Giê-su. Thánh Phao-lô, người được mệnh danh là tông đồ dân ngoại, đã mô tả sự vâng lời và vâng phục của Đức Giê-su đầy đau thương: “Đức Giê-su Ki-tô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (x.Pl 21, 6-8).
Vâng lời và vâng phục lời Chúa truyền dạy… Khó quá! Phải không, thưa quý vị!
****
Trở về đời sống thường nhật, chúng ta được biết, ở Hoa Kỳ có một ngày gọi là “American Family Day - Ngày tôn vinh vai trò quan trọng của gia đình tại Mỹ”.
“American Family Day” khuyến khích các gia đình dành thời gian cho nhau. Không giống như một số ngày lễ gia đình khác, việc tuyên bố ngày này không khuyến khích việc tặng quà. Thay vào đó, nó như một lời nhắc nhở các thành viên trong gia đình dành thời gian để chia sẻ, tâm sự, quan tâm và động viên lẫn nhau”(nguồn: internet).
Là một Ki-tô hữu, nên chăng chúng ta xem ngày Lễ Thánh Gia là “ngày gia đình của các Ki-tô hữu!” Vâng, chắc chắn là vậy rồi.
Thế nên, Chúa Nhật hôm nay, hãy nghĩ thật nhiều đến gia đình mình. Nghĩ đến và tự hỏi, gia đình chúng ta có là bản sao gia đình Na-da-rét!
Không… không quá khó đâu! Để trở thành bản sao gia đình Na-da-rét, chúng ta chỉ cần “vâng phục và vâng lời” những gì Thiên Chúa truyền dạy.
Và đây, đối với vợ chồng, Chúa Giê-su truyền dạy: “Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly”.
Với người vợ, Thiên Chúa, qua môi miệng thánh Phao-lô, truyền dạy rằng: “Người làm vợ hãy tùng phục chồng như tùng phục Chúa… Như Hội Thánh tùng phục Đức Ki-tô thế nào, thì vợ cũng phải tùng phục chồng trong mọi sự như vậy”.
Còn người chồng ư! “Người làm chồng, hãy yêu thương vợ, như chính Đức Ki-tô yêu thương Hội Thánh và hiến mình vì Hội Thánh… Chồng phải yêu vợ như yêu chính mình”.
“Yêu vợ là yêu chính mình”. Thánh Phao-lô đã nói rất rõ ràng như thế, thưa quý anh em trong Chúa, của tôi!
Còn nữa, nói tới gia đình, chúng ta còn phải nói tới con cái. Về điều này, tuy thánh Phao-lô sống vào thời đại uy quyền của người gia trưởng (người cha) là số một. Thế nhưng, ngài có một lời khuyên rất phù hợp với thời đại của chúng ta ngày nay, lời khuyên rằng: “Người làm cha mẹ đừng làm cho con cái tức giận, nhưng hãy giáo dục chúng thay mặt Chúa bằng cách khuyên răn và sửa dạy” (x.Ep 6, 4).
Khó… rất khó để chúng ta thực thi những lệnh truyền nêu trên, trong một xã hội không còn tôn ti trật tự, như hôm nay. Thế nhưng, đã là một Ki-tô hữu, chúng ta không thể không làm cho gia đình mình như là một bản sao của gia đình Na-da-rét, năm xưa.
Bởi vì, khi gia đình chúng ta như là một bản sao của gia đình Na-da-rét, khi đó gia đình chúng ta “Anh em hòa thuận. Vợ chồng ý hợp tâm đầu.” Đó là chưa nói tới, hàng xóm của chúng ta sẽ là những người “láng giềng thân thiết”.
Hãy biết rằng, nếu được như thế, KinhThánh nói, gia đình chúng ta là một gia đình biết làm đẹp… “đẹp lòng Đức Chúa” (x.Hc 25, …1).
Vâng, ngay hôm nay, bây giờ…chúng ta: Hãy biết làm đẹp lòng Chúa.
Petrus.tran
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn