TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật XXXIII thường Niên -Năm B

“Bấy giờ thiên hạ sẽ thấy Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến.” (Mc 13,24-32)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Hãy nghe tiếng Chúa và theo Chúa

Thứ bảy - 07/05/2022 06:06 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   1803
“Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi, tôi biết chúng và chúng theo tôi. Tôi ban cho chúng sự sống đời đời; không bao giờ chúng phải diệt vong và không ai cướp được chúng khỏi tay tôi”. (Ga 10, 27-30).
PhucSinhIV
PhucSinhIV

Chúa Nhật IV – PS – C

 

Hãy nghe tiếng Chúa và theo Chúa

“Chúa chiên lành người thương dắt tôi đi. Tôi không sợ chi, tôi không thiếu gì. Trên đồng cỏ xanh Người cho tôi được nghỉ ngơi. Bên dòng suối mát Người tăng sức cho tâm hồn.”

Những dòng chữ trên đây là điệp khúc bài thánh ca mang tên “Chúa Chiên Lành”, tác giả Lm Kim Long.

Vâng, Chúa Chiên Lành, đó là một từ ngữ rất quen thuộc với người Công Giáo chúng ta. Và, tất cả chúng ta đều hiểu rằng, vị Chúa đó chính là Đức Giê-su.

Trong những ngày còn tại thế, Đức Giê-su đã tuyên bố: “Tôi chính là mục tử nhân lành”. Hồi ấy, có một số người Do Thái chia rẽ nhau vì những lời tuyên bố của Đức Giê-su. Thế nhưng, Ngài vẫn một mực không phủ nhận lời mình tuyên bố. Trái lại, Đức Giê-su còn tuyên bố mạnh mẽ hơn thế nữa. Những lời tuyên bố này đã được ghi lại trong Tin Mừng thánh Gio-an.

**

Theo thánh sử Gio-an cho biết: trong ba năm thực thi sứ vụ loan báo Tin Mừng, Đức Giêsu luôn chứng tỏ cho mọi người thấy rằng, Ngài chính là Thiên Chúa, Thiên Chúa của tình yêu, một Thiên Chúa như là Người Mục Tử nhân lành.

Trong một lần xuất hiện tại Giêrusalem, Đức Giêsu đã xác định điều đó qua một bài giảng đầy nhân bản. Ngài đã ví mình chính là một người Mục Tử, một người Mục Tử dám “hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên”. Hôm đó, trước đám đông cử tọa, Đức Giêsu đã nói một cách cương quyết, rằng “Tôi chính là Mục Tử nhân lành”.

Thế nhưng... đáng tiếc thay! lời nói của Đức Giêsu lại là cớ làm cho người Do Thái chia rẽ nhau. Đã có người xầm xì nói Ngài bị “quỷ ám và điên khùng”. Nhưng cũng có người phản đối cho rằng “Người bị quỷ ám đâu có nói được như vậy! Quỷ có thể mở mắt cho người mù được sao?”

Dù người Do Thái có sự chia rẽ về lời tuyên bố của Đức Giê-su, nhưng trước những phép lạ Ngài đã thực hiện, tất cả họ đều nghĩ rằng, Ngài phải là Đấng Kitô, chứ ai lại là một người “chăn chiên”!

Cho nên, để cho rõ “trắng đen”, khi thấy “Đức Giêsu đi đi lại lại... tại hành lang Salômôn”, họ tìm đến Ngài và muốn Ngài cho họ được biết sự thật, sự thật rằng, Ngài có phải là “Đấng Kitô” mà lâu nay đã khiến “lòng trí họ phải thắc mắc”. (Ga 10, 24).

Đối với Đức Giêsu, không quá khó để trả lời những gì họ thắc mắc. Nhưng, nếu có khó, như lời Đức Giêsu đã nói, khó là bởi, họ “không (muốn) thuộc về đoàn chiên” của Ngài.

Với những ai thuộc đoàn chiên của Ngài, Đức Giê-su nói cho người Do Thái biết: “Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi, tôi biết chúng và chúng theo tôi. Tôi ban cho chúng sự sống đời đời; không bao giờ chúng phải diệt vong và không ai cướp được chúng khỏi tay tôi”. (Ga 10, 27-30).

Ai có thể ban cho sự sống đời đời, chẳng phải chính là Thiên Chúa, sao! Mà, Đức Giêsu đã nói gì nhỉ! Thưa, Ngài nói: “Cha tôi, Đấng đã ban chúng cho tôi, thì lớn hơn tất cả, và không ai cướp được chúng khỏi tay Chúa Cha. Tôi và Chúa Cha là một”.

“Là một”... Vâng, “Tôi và Chúa Cha là một” là-một-thông-điệp Đức Giêsu muốn gửi đến mọi người, rằng, Ngài chính là “Đấng Kitô, là Chúa, là người Mục Tử nhân lành”.

***

Với lời tuyên bố của Đức Giê-su: “Tôi chính là mục tử nhân lành”, nó gợi cho ta nhớ tới Thánh Vịnh 100, 3: “Chính Người đã dựng nên ta, ta thuộc về Người, ta thuộc dân Người, là đoàn chiên Người dẫn dắt”.

Ở một chương khác, cũng sách Thánh Vịnh, chúng ta được nghe “…ta là dân Người lãnh đạo, là đoàn chiên tay Người dẫn dắt” (Tv 95, 7).

Vâng, đây là một hồng phúc. Một hồng phúc Thiên Chúa ban cho con người.

Xưa, vua David, nhận ra hồng phúc này nên đã thốt lên, rằng: “CHÚA là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì. Trong đồng cỏ xanh tươi, Người cho tôi nằm nghỉ”.

David từng là người chăn chiên, ông ta biết cuộc sống của chiên sẽ như thế nào là do người chăn như thế nào. Mà, người chăn, là một Thiên Chúa nhân lành, thì sao lại không là hồng phúc!

Và, nay là phần của chúng ta. Hãy để tâm hồn mình một phút trong thinh lặng và tự hỏi: Tôi có thuộc về Chúa! Và Chúa có phải là mục tử chăn dắt tôi! Tôi đã có được những giây phút “nghe tiếng Ngài gọi!”

Hay tôi đang bị “bao vây” bởi rất nhiều tiếng mời gọi khác, của thế gian này!

Vâng, thế gian hôm nay, thật hỗn loạn với rất nhiều tiếng mời gọi. Nơi đây là tiếng mời gọi hứa hẹn một cuộc sống giàu sang phú quý, một cuộc sống có quyền hành, quyền lực, nếu chúng ta chấp nhận bán rẻ lương tâm mình. Chỗ kia là tiếng mời gọi dẫn dắt chúng ta đến với hận thù, chia rẽ, bè phái, ganh tỵ, tranh chấp! Và chỗ nọ là tiếng mời gọi đòi hỏi sự tự do, tự do luyến ái, tự do phá thai, tự do hôn nhân đồng tính!

Chúng ta, nếu đã là một Ki-tô hữu, phải làm gì đó để nhận ra, đâu là tiếng gọi của Thiên Chúa, đâu là tiếng gọi của thế gian.

Vâng, điều chúng ta phải làm gì đó, ngài Ron Rolheiser,OMI chia sẻ, đó là: “Có nhiều nguyên tắc từ Chúa Giê-su, Thánh Kinh, và từ những mạch nguồn sâu thẳm của truyền thống Ki-tô của chúng ta vốn có thể giúp ích cho chúng ta”

Và rồi ngài Ron Rolheiser kết luận: “Tiếng gọi của Thiên Chúa được nhận ra trong những lời thì thầm và giọng khẽ, cũng như trong sấm chớp và bão giông”.

Đúng vậy, Samuel như một mẫu mực điển hình, cho chúng ta. Kinh Thánh kể rằng, đã có lần Đức Chúa thì thầm gọi Samuel trong đêm thanh vắng. Lần đầu tiên, Samuel không nhận ra. Sau, nhờ lời chỉ dẫn của Thầy Ê-li, Samuel đã nhận ra, nghe lời thầy dạy, Samuel cất tiếng nói với Chúa: “Lạy Đức Chúa... tôi tớ Ngài đang lắng nghe”.

Và Thánh Kinh, cũng vậy, đó chính là nơi có rất nhiều “tiếng gọi” của Chúa mà chúng ta sẽ được nghe, nếu chúng ta tiếp cận. Bởi từ Thánh Kinh, chúng ta sẽ được biết, rằng: có một người Mục Tử Nhân Lành, người đó chính là Đức Giê-su, một Giê-su Phục Sinh, đã hy sinh chính mạng sống mình vì “đàn chiên”, một Giê-su Phục Sinh, vẫn đứng đó, nơi bàn Tiệc Thánh và cất tiếng mời gọi những “con chiên” yêu dấu của mình, rằng: hãy đến để nhận lấy một thứ cỏ, không phải là thứ cỏ dại, nhưng là thứ cỏ đem lại sự sống đời đời, thứ cỏ mang tên “Mình Máu Thánh Chúa Ki-tô”.

Đây cũng là một hồng phúc. Hồng phúc là bởi, một khi chúng ta ăn thứ cỏ mang tên “Mình Máu Thánh Chúa Ki-tô”, chúng ta sẽ thuộc về “ràn chiên của Chúa”.

Một khi đã thuộc về ràn-chiên-của-Chúa, chúng ta sẽ được đứng trong hàng ngũ “đoàn người thật đông đảo không tài nào đếm nổi, thuộc mọi dân, mọi chi tộc, mọi nước và mọi ngôn ngữ… đứng trước ngai Con Chiên, mình mặc áo trắng, tay cầm nhành lá thiên tuế… lớn tiếng tung hô: Chính Thiên Chúa chúng ta, Đấng ngự trên ngai, và chính Con Chiên đã cứu độ chúng ta” (x.Kh 7, 9-10).

“Đứng trước ngai Con Chiên… và chính Con Chiên đã cứu độ chúng ta”, đó chẳng phải là một niềm hạnh phúc, sao! Vâng, muốn được hưởng niềm hạnh phúc này, ngay hôm nay, bây giờ, chúng ta “hãy nghe tiếng Chúa và theo Chúa.”

Petrus.tran

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây