Chúa Nhật Lễ Lá - B
Hãy thờ Chúa hết tâm tình…
Để cho cuộc sống được tồn tại, con người cần ăn uống, như chúng ta thường nói: “ăn để sống”. Không chỉ ăn để sống, con người còn cần không khí để thở.
Vâng, cuộc sống về phương diện thể xác là vậy. Tuy nhiên ngoài phương diện thể xác, cuộc sống của con người còn liên quan đến tinh thần. Ở phương diện tinh thần, có những điều còn quan trọng hơn cả ăn và uống, bởi không có nó, con người “chẳng buồn ăn và chẳng thèm uống”. Những điều quan trọng đó, chính là: tình yêu và niềm hy vọng.
Đúng vậy, như sách có câu: “Cuộc sống không có tình yêu khác nào khu vườn không có ánh nắng” và Thomas Fuller thì nói: “Nếu không phải nhờ hy vọng, trái tim sẽ tan vỡ”.
Nói tắt một lời, sống mà không có tình yêu và niềm hy vọng thì sống cũng bằng như chết. Cảm nghiệm được điều này, nhà thơ Xuân Diệu đã thổn thức thốt lên: “Làm sao sống được mà không yêu. Không nhớ, không thương một kẻ nào?” (Bài ca tuổi nhỏ).
Thổn thức rồi, ông Xuân Diệu trải lòng mình, rằng: “Tôi đã yêu từ khi chưa có tuổi. Lúc chưa sinh vơ vẩn giữa luân hồi. Tôi sẽ yêu khi đã hết tuổi rồi. Không xương xóc chỉ huyền hồ bóng dáng.” (Đa tình).
Hơn hai ngàn năm xa trước đó. Có một người “đã yêu từ khi chưa (xuống thế)”. Người “đã yêu”, yêu thế gian đến nỗi, “không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự.” (Pl 2, 6-8).
Người đó chính là Đức Giê-su Ki-tô. Sự kiện lịch sử này đã được ghi lại trong các sách Tin Mừng: Mát-thêu, Mác-cô, Lu-ca và Gio-an. Và hôm nay, Giáo Hội không chỉ tuyên xưng, rằng: “Tôi tin kính Đức Giê-su Ki-tô là Con Một Đức Chúa Cha cùng là Chúa chúng tôi, bởi phép Đức Chúa Thánh Thần mà Người xuống thai, sinh bởi Bà Maria đồng trinh: chịu nạn đời quan Phong-xi-ô Phi-la-tô, chịu đóng đanh trên cây Thánh giá, chết và táng xác; xuống ngục tổ tông, ngày thứ ba bởi trong kẻ chết mà sống lại…”, mà còn tưởng niệm cuộc thương khó của Ngài, vào Chúa Nhật Lễ Lá và thứ sáu Tuần Thánh, hằng năm.
**
Theo Tin Mừng thánh Mác-cô, cuộc thương khó của Đức Giê-su xảy ra trong dịp “Lễ Vượt Qua và lễ Bánh Không Men”. Đó là những ngày lễ lớn của người Do Thái.
Hôm ấy, Đức Giê-su cùng với các môn đệ lên Giê-ru-sa-lem để dự lễ. Và khi Đức Giê-su vào Giê-ru-sa-lem, không ai có thể tưởng tượng được, một rừng người cầm nhành lá thiên tuế ra đón Người và reo vang: “Hoan hô! Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Đức Chúa. Chúc tụng triều đại đang tới, triều đại vua Đa-vít, tổ phụ chúng ta”.
Ngoài hè phố thì dân chúng hoan hô và chúc tụng. Trái lại, tại dinh Thượng Hội Đồng “các thượng tế và kinh sư bàn mưu tính kế bắt Đức Giê-su để giết Người.” (Mc 14, 1).
Vâng, thật may mắn cho quý ông thượng tế và kinh sư. Chuyện là thế này: “Giu-đa Ít-ca-ri-ốt, một người trong Nhóm Mười Hai, đi gặp các thượng tế để nộp Người cho họ.”
Sau khi “Nghe hắn nói, họ rất mừng và hứa cho tiền.” Về chuyện này, thánh sử Mát-thêu cho biết: “Họ quyết định cho hắn ba mươi đồng bạc” (Mt 26, …15).
Các môn đệ, không ai biết âm mưu của Giu-đa. Nhưng Đức Giê-su biết. Trong bữa tiệc lễ Vượt Qua. Đang khi dùng bữa, Người nói: “Thầy bảo thật anh em, có người trong anh em sẽ nộp Thầy, mà lại là người đang cùng ăn với Thầy.”
Nghe thế, các môn đệ “buồn rầu quá sức”. Các ông, lần lượt hỏi Đức Giê-su: “Chẳng lẽ con sao?” Đức Giê-su đáp rằng: “Chính là một trong Nhóm Mười Hai đây, mà là người chấm chung với Thầy.”
“Nén đau thương, vương ngậm ngùi sẽ kể. Niềm đau đớn vô biên như trời bể.” Huy Thông, thi sĩ Huy Thông đã mô tả nỗi u buồn của Hạng Vũ, khi sắp sửa tự kết liễu đời mình, như thế.
Với Đức Giê-su! Vâng, Ngài cũng đã “buồn hiu hắt buồn”. Ngài cũng đã nén-đau-thương trước nỗi buồn bị phản bội và nói: “Đã hẳn, Con Người ra đi theo như lời đã chép về Người. Nhưng khốn cho kẻ nào nộp Con Người: thà kẻ đó đừng sinh ra thì hơn!” (Mc 14, 21).
Bị phản bội, tất nhiên ai cũng cay đắng. Nhưng, Đức Giê-su thì không. Hôm ấy, Ngài đã lập một giao-ước-mới. “Máu giao ước vĩnh cửu”, để nhiều người được cứu độ.
Vâng, chuyện được ghi lại rằng: “Cũng đang bữa ăn, Đức Giê-su cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, rồi bẻ ra, trao cho các ông và nói: ‘Anh em hãy cầm lấy, đây là mình Thầy’. Rồi, Người cầm chén rượu, dâng lời tạ ơn, rồi trao cho các ông, và tất cả đều uống chén này. Người bảo: Đây là Máu Thầy, máu Giao Ước, đổ ra vì muôn người,” (Mc 14, 22-24).
Với Giao Ước mới, một ai đó có lời chia sẻ, rằng: “Hai ngàn năm đã qua, chúng ta tiếp tục sống lại tất cả tiến trình của mầu nhiệm Vượt Qua, mầu nhiệm mà từ đó Hội Thánh đã được khai sinh. Thật vậy, trong mọi cử hành Thánh Thể, chúng ta đều trở về với Tam Nhật Vượt Qua một cách thiêng liêng. Chúng ta sống lại cảnh Chúa cùng với các môn đệ rời khỏi phòng Tiệc Ly đến tại Vườn Cây Dầu, để rồi chứng kiến những giọt máu hoà lẫn với mồ hôi rơi xuống.” (x.Lc 22, 14).
***
Vâng, hôm ấy, rời-khỏi-phòng-tiệc-ly, “Đức Giê-su và các môn đệ đến một thửa đất gọi là Ghết-sê-ma-ni”. Trong thinh lặng của nguyện cầu, Ngài “bắt đầu cảm thấy hãi hùng xao xuyến”. (Mc 14, …33).
Rồi, Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an là ba người được Đức Giê-su đem đi theo. Ba vị môn đệ nghe rõ lời Thầy Giê-su nói: “Tâm hồn Thầy buồn đến chết được. Anh em ở lại đây mà canh thức.”
Nói với các môn đệ xong, “Người đi xa hơn một chút, sấp mình xuống đất mà cầu xin cho mình khỏi phải qua giờ ấy, nếu có thể được.” Đức Giê-su đã cầu xin rằng: “Áp-ba, Cha ơi, Cha làm được mọi sự, xin cất chén này xa con. Nhưng xin đừng làm theo ý con, mà làm điều Cha muốn.”
Lời cầu xin của Đức Giê-su phảng phất nỗi sầu-vạn-cổ. Còn các vị môn đệ thì buồn, các ông “buồn ngủ”. Ba lần… ba lần Đức Giê-su đã nhắc nhở các ông về chuyện này. Nhưng, “các ông chẳng biết trả lời làm sao với Người.”
Và rồi… “Giờ đã điểm”. Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Đứng dậy, ta đi nào! Kìa kẻ nộp Thầy đã tới!” (x.Mc 14, 42).
****
Kẻ-nộp-Thầy-đã-tới. VIA DOLOROSA - Chặng Đường Khổ Đau của Đức Giê-su cũng tới theo. Chuyện kể rằng: “Ngay lúc đó, khi Người còn đang nói, thì Giu-đa, một người trong Nhóm Mười Hai, xuất hiện.”
“Cùng đi với hắn, có một đám đông mang gươm giáo gậy gộc. Họ được các thượng tế, kinh sư và kỳ mục sai đến.”
Tên phản bội đã cho đồng bọn một ám hiệu: “Tôi hôn ai thì chính là người đó. Các anh bắt lấy và điệu đi cho cẩn thận”.
Ba năm công khai rao giảng Tin Mừng, đây không phải lần đầu tiên Đức Giêsu bị họ truy bắt. Đã nhiều lần họ đe dọa, ném đá và tìm cách giết Ngài. Nhưng một phần họ sợ dư luận và một phần là vì Đức Giêsu tìm cách lánh đi.
Nhưng hôm nay, Đức Giêsu đứng lặng “lòng xao xuyến bởi địch thù gào thét, bởi ác nhân hà hiếp”. (Tv 55).
Kinh Thánh chép rằng: “Không gì nham hiểm và bất trị như lòng người”. (Gr 17, 9). Vâng, quả đúng ở trường hợp Giuđa. Đó là nụ hôn nham hiểm của y. Nụ Hôn Của Thần Chết!
Trở lại câu chuyện: “Vừa tới, Giu-đa tiến lại gần Người và nói: ‘Thưa Thầy!’, rồi hôn Người.” Giu-đa vừa hôn xong. Lập tức, “Họ liền tra tay bắt Người.”
Có một hành động chống cự đơn lẻ của một người môn đệ của Đức Giê-su. Người này “tuốt gươm ra, chém phải tên đầy tớ của thượng tế, làm nó đứt tai.” Nhưng, Đức Giê-su không hài lòng về hành động của người môn đệ này.
Tin Mừng thánh Mát-thêu cho chúng ta biết, rằng Đức Giê-su bảo người ấy: “Hãy xỏ gươm vào vỏ, vì tất cả những ai cầm gươm, sẽ chết vì gươm. Hay anh tưởng là Thầy không thể kêu cứu với Cha Thầy sao? Người sẽ cấp ngay cho Thầy hơn mười hai đạo binh thiên thần! Nhưng như thế, thì lời Kinh Thánh ứng nghiệm sao được? Vì theo đó mọi sự phải xảy ra như vậy.” (x.Mt 26, 52-53).
Hôm ấy, chuyện đã xảy-ra-như-vậy. Đức Giê-su bị bắt. Các môn đệ thì “bỏ Người mà chạy trốn hết.”
*****
Ghết-sê-ma-ni trở về trong thinh lặng. Nhưng tại dinh Thượng Hội Đồng thì rất xôn xao. Người ta đã “điệu Đức Giê-su đến vị thượng tế”. Bá quan văn võ tề tựu đông đủ.
Tại đây, Đức Giêsu đã phải hứng chịu suốt đêm màn tố khổ, đầy bất công và tàn nhẫn. Thế nhưng, tất cả những lời tố cáo “lại không ăn khớp với nhau”. Nhiều... nhiều người tố cáo lắm, nhưng “chứng của họ cũng không ăn khớp với nhau” (x.Mc 14, 59).
Muốn tên Giê-su phải chết, thì phải làm sao, bây giờ? Vâng, một “cái bẫy” được đặt ra. Một vị thượng tế đã hỏi Đức Giê-su, rằng: “Ông có phải là Đấng Ki-tô, Con của Đấng Đáng Chúc Tụng không?” Không một chút ngần ngại, Đức Giê-su đáp lời: “Phải, chính thế.”
Chính thế! Chính tại sông Gio-đan, nơi “Tôi” được-ông-Gio-an-làm-phép-rửa, chẳng phải là khi “vừa lên khỏi nước… Thần Khí như chim bồ câu ngự xuống… Lại có tiếng từ trời cao phán: Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con”, đó sao!
Vâng, hôm ấy, dù đang trong vai trò là một kẻ bị tố khổ, Đức Giê-su vẫn lớn tiếng cảnh cáo ông thượng tế, cũng như toàn thể Thượng Hội Đồng, lời cảnh cáo rằng: “Rồi các ông sẽ thấy Con Người ngự bên hữu Đấng Toàn Năng và ngự giá mây trời mà đến.”
Rõ… Nghe rất rõ. Thế nhưng, cái “rõ” mà các vị thượng tế cần “rõ”, rằng Đức Giê-su chính là Ngôi Lời. Và, “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta”, thì các ông lại “không rõ”.
Cái “rõ” mà các ông cho là “rất rõ” chính là Đức Giê-su “nói phạm đến Thiên Chúa”. Hôm ấy: “Tất cả đều kết án Người.”
******
Vâng, chúng ta sẽ trở lại cuộc thương khó của Đức Giê-su. Chúng ta sẽ tiếp tục đi trên CHẶNG ĐƯỜNG KHỔ ĐAU của Ngài. Chúng ta sẽ cùng Ngài đến dinh quan tổng trấn Phi-la-tô. Chúng ta sẽ cùng vác thập giá với Ngài… vào thứ sáu Tuần Thánh.
Còn hôm nay, ngay bây giờ, hãy để tâm hồn mình chìm vào trong thinh lặng, và hãy tự hỏi lòng mình rằng: Tôi có bán Chúa? Tôi có chối Chúa? Tôi có bỏ Chúa? Vâng, phải “tự hỏi” thôi! Bởi vì, có thể chúng ta không trực tiếp nhưng gián tiếp thực hiện.
Tôi đâu có bán Chúa! Tôi chỉ bán lương tâm của mình. Bởi vì “lương tâm không bằng lương tháng”. Tôi đâu có “bỏ” điều răn thứ năm Chúa truyền dạy: “Chớ giết người”! Tôi chỉ “hút điều hòa kinh nguyệt” thôi mà! Tôi đâu có “chối” Chúa! Tôi chỉ ngại làm chứng về Chúa, qua cách sống của mình trước bàn dân thiên hạ, trong xã hội hôm nay v.v… và v.v…
Ron Rolheiser, OMI, trong bài “Viết lại cuộc xử án của chúng ta” đã nhận xét: “Có vẻ như, chẳng có nhiều thay đổi trong thế giới ngày hôm nay. Vẫn còn không ít người chọn lựa cách hành xử như cách hành xử của những người trong cuộc xử án và kết án Đức Giêsu năm xưa. Vẫn còn không ít người, vì mù quáng, vì lợi lộc thế gian, sẵn sàng ‘bán đứng’ đức tin của mình. Vẫn còn không ít người, vì danh vọng, vì quyền lực do thế gian ban cho, sẵn sàng la to, rằng: Hắn nói phạm đến Thiên Chúa!”
Đúng vậy. Ngày nay, cách này cách khác, đã có không ít người trong chúng ta lớn tiếng chỉ trích, chống đối Giáo Hội Của Chúa, rằng thì-là-mà Giáo Hội Của Chúa “Phạm đến quyền tự do của con người”. Giáo Hội Của Chúa phạm đến quyền tự do phá thai, quyền tự do hôn nhân đồng tính v.v…
Này! Những quyền tự do đó chính là một thứ “Văn hóa Cain - Văn hóa sự chết”. Đừng để mình bị mê hoặc, đừng để mình bị cám dỗ bởi những lời lẽ, bởi những chiêu trò PR của giới truyền thông, cho rằng “chẳng chết chóc gì đâu”, mà hò reo cổ vũ!
Thực tế, những quyền tự do đó, chỉ làm băng hoại sự đạo đức, giết chết tình yêu thương, đỗ vỡ hôn nhân gia đình. Nói tắt một lời, chỉ dẫn con người đến “thung lũng âm u của nghi ngờ và chết chóc”.
Vâng, phải tỉnh thức. Đức Giê-su đã truyền dạy như thế. Ngài dạy rằng: “Anh em hãy canh thức và cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ. Vì tinh thần thì hăng hái, nhưng thể xác lại yếu đuối.”
Chỉ… chỉ khi “canh thức và cầu nguyện”, chỉ khi đó, chúng ta mới có thể có được sức mạnh của Thần Khí, một sức mạnh giúp chúng ta: quyết không bán Chúa, quyết không chối Chúa, quyết không bỏ Chúa. Nói theo cách nói của Lm. Hoài Đức: “Quyết từ nay thờ Chúa hết tâm tình.”
Nói ngắn gọn: Hãy thờ Chúa hết tâm tình.
Petrus.tran
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn