TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật XXXIII thường Niên -Năm B

“Bấy giờ thiên hạ sẽ thấy Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến.” (Mc 13,24-32)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Này con xin đến

Thứ năm - 13/05/2021 21:30 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   786
Này con xin đến

Chúa Nhật III - TN - A

Này con xin đến

Bạn là môt Ki-tô hữu? Vậy, bạn biết gì về Đức Giê-su? Hay, bạn có càng ngày càng tiến đến việc biết rõ về Ngài? Nếu chưa, thì làm thế nào để chúng ta tiến đến việc biết Chúa! Thưa, đó chính là, không chỉ tin, mà còn phải “theo Chúa”, bởi chính việc theo Chúa chúng ta mới có thể biết rõ về Ngài.

Nhớ, xưa kia, hai người môn đệ của ông Gio-an (Tẩy Giả), nhờ đi theo Chúa, nên biết rõ “chỗ Người ở”, và cuối cùng, nhờ đó, hai ông biết Đức Giê-su chính là “Đấng Messia” (x.Ga 1, 35-41).

Nói đến việc theo Chúa, thật ra, không đợi chúng ta theo Chúa, nhưng chính Ngài là người“đi bước trước”. Chính Ngài là người luôn cất tiếng mời gọi: “Hãy theo ta – Hãy đến cùng Ta”.

Câu chuyện “Đức Giê-su kêu gọi bốn môn đệ đầu tiên”, được ghi lại trong Tin Mừng thánh Mát-thêu, như một phác họa rõ nét cho lời mời gọi của Ngài.

**

Thật vậy, ngay từ khi khởi sự ra đi rao giảng Tin Mừng, ngoài lời kêu gọi mọi người “sám hối”, việc đầu tiên của Đức Giê-su, đó là cất tiếng mời gọi một số người theo Ngài.

Chuyện kể rằng: một ngày nọ, khi Đức Giê-su đang đi dọc theo biển hồ Ga-li-lê, thì thấy ông Phê-rô và ông An-rê. Họ là hai anh em. Họ là những ngư phủ và họ “đang quăng chài xuống biển”.

Thưa bạn, bạn có bao giờ nhìn thấy hình ảnh người ngư phủ quăng chài xuống biển? Rất đẹp, đó là vẻ đẹp của cơ bắp, của sức mạnh, của sự cần cù, của sự nhẫn nại, nơi người ngư phủ.

Và, hôm đó, Đức Giê-su chính là vị khán giả đứng nhìn hai chàng ngư phủ Phê-rô và An-rê. Thế nhưng, vị khán giả Giê-su không chiêm ngưỡng hai chàng ngư phủ với đôi mắt của phàm nhân, mà là với nhãn giới của một Đấng Cứu Thế.

Vâng, với nhãn giới của Đấng “đến thế gian không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ (Ngài), mà được cứu độ”, hôm ấy, nhìn sự cần mẫn của hai chàng ngư phủ trước công việc liên quan đến cuộc sống thuộc thể, Đức Giê-su liên tưởng đến công việc liên quan đến cuộc sống thuộc linh. Và, thế là một lời mời đầy chân tình đã được Ngài gửi đến hai ông: “Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá” (x.Mt 4, 19)

“Thành những kẻ lưới người như lưới cá” ư! Các ông có hiểu được lời mời gọi này! Vâng, không thấy thánh sử Mát-thêu nói đến. Chỉ biết rằng: “Lập tức, hai ông bỏ chài lưới mà đi theo Người”.

Chưa dừng ở đây, “Đi một quãng nữa, (Đức Giê-su) thấy hai anh em con ông Dê-bê-đê, là Gia-cô-bê và người em là Gio-an. Hai người này không quăng chài, nhưng họ đã cùng người cha của mình “vá lưới ở trong thuyền”. Và, lời mời gọi của Đức Giê-su cũng được gửi tới hai vị này. Chuyện kể rằng: “Lập tức, các ông bỏ thuyền, bỏ cha lại mà theo Người”.

***

“Các anh hãy theo tôi”

Chỉ có năm chữ, rất giản dị, thế mà các ông Simon, An-rê, Gia-cô-bê và Gio-an đã “bỏ lưới, bỏ thuyền, bỏ cha lại mà theo Người”.

Phải chăng, các ông vội vã “mù quáng” khi đi theo Đức Giêsu? Thưa không, hãy nhớ rằng, trước khi là môn đệ của Đức Giêsu, các ông cũng đã từng là môn đệ của Gioan Tẩy Giả, các ông đã được Gioan Tẩy Giả giới thiệu về Đức Giêsu. Hơn nữa, An-rê, một trong bốn người, đã đến xem chỗ Đức Giêsu ở và đã ở lại với Người.

Chính vì thế, hôm đó, khi Đức Giêsu gọi, không có gì phải ngỡ ngàng, các ông sẵn sàng đáp lời mời gọi, sẵn sàng bỏ hết mọi sự đi theo Đức Giêsu. Đó là một hành động có suy xét, không thể xem là “mù quáng” mà phải nói rằng, các ông sẵn sàng cho một tương lai, tương lai mình sẽ trở thành “những kẻ lưới người như lưới cá”.

Thưa bạn, bạn có điều gì để bình luận về bốn vị ngư phủ nêu trên? Nên chăng, lời bình luận của ta với họ là: các ông quả là những tấm gương mạnh mẽ về việc: “Đáp lời mời gọi và tôi theo Ngài”!

Vâng, các ông đã thật sự bỏ hết mọi sự và đi theo Đức Giê-su. Các ông đã thật sự trở thành “những kẻ lưới người”. Mẻ “lưới người”đầu tiên, nếu được phép gọi như thế, đã được các ông “cất” gọn trong ngày lễ Ngũ Tuần, mẻ lưới đó được ghi nhận là “ba ngàn người”.

****

Chúng ta vừa mới nghe câu chuyện Đức Giê-su kêu gọi các môn đệ đầu tiên.

Và, hôm nay, Đức Giê-su vẫn tiếp tục kêu gọi chúng ta. Khi chúng ta chịu phép Rửa, Lm. Charles E. Miller chia sẻ: “đó chính là lúc Đức Giê-su, qua vị linh mục chủ sự, gọi đích danh ta.”

Ta cũng sẽ như các môn đệ xưa, “bỏ hết mọi sự” và đi theo Ngài?

Đừng quá sợ hãi mà nghĩ rằng, “bỏ hết mọi sự” đồng nghĩa với việc ta phải bỏ sự nghiệp, bỏ gia đình, bỏ thân bằng quyến thuộc để đi theo Chúa, như các ông Simon, Anrê, Giacôbê và Gioan đã thực hiện năm xưa.

Chúa không quá nghiệt ngã với chúng ta như thế. Vấn đề là chúng ta cần hiểu thế nào là “bỏ hết mọi sự”.

“Bỏ hết mọi sự”… vâng, đó là chúng ta dám sống một cuộc sống hy sinh, ngay cả bản thân của mình, cho chân lý mà chúng ta tin theo.

“Bỏ hết mọi sự”, đó là chúng ta dám sống một đời sống phục vụ, cho một lý tưởng, mà chúng ta đã chọn lựa.

“Bỏ hết mọi sự”, chính là bỏ “cái tôi” của mình, cái tôi của ích kỷ, của nóng giận, của bất hòa, của ghen tuông, của ganh tỵ, của tranh chấp, của bè phái v.v…

“Bỏ hết mọi sự” trong một ý nghĩa sâu xa hơn, đó là cách ta cất lên tiếng nói, một tiếng nói quyết định, quyết định cho sự lựa chọn của mình.

Cho nên, hãy để một phút hồi tâm và tự hỏi mình, rằng: bao năm qua, tôi đã tin Chúa, nhưng tôi có thật sự “bỏ hết mọi sự và đi theo Ngài”!...

*****

Vâng, trong niềm tin, chúng ta tin rằng, Chúa vẫn luôn gọi đích danh chúng ta. Ngài không chỉ gọi ta qua phép Rửa mà còn gọi ta nơi bàn tiệc Thánh Thể. Qua vị linh mục chủ sự, Đức Giê-su gọi ta “đến dự tiệc Chiên Thiên Chúa”.

Và, quan trọng hơn cả, đó là vào ngày sau hết, ngày Đức Giê-su sẽ trở lại trong vinh quang. Ngày mà mọi đầu gối trên mặt đất này sẽ phải quỳ, mọi môi miệng sẽ phải thốt lên rằng: Ngài là Đấng Ki-tô. Vào ngày vinh quang đó, Chúa Giê-su sẽ gọi đích danh ta… từng tên… từng tên một. Lúc đó, Ngài không cần chúng ta trả lời. Ngài không nghe câu trả lời của chúng ta.

Thưa bạn, bạn có sợ lúc đó Đức Giê-su gọi bạn và nói rằng: này B “đứng bên trái”, này C “ta không biết ngươi”? Bạn có biết rằng, những người “đứng bên trái” chính là những người bị “nguyền rủa”, phải gánh chịu “lửa đời đời, nơi dành sẵn cho tên Ác Quỷ và các sứ thần của nó”? (x.Mt 25, 41)

Hay bạn mong rằng, Đức Giê-su sẽ gọi đích danh mình, rằng: này con, sang bên phải mà đứng, là bên được Chúa “chúc phúc” và được “thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho (ta) ngay từ thuở tạo thiên lập địa?

Đã là một Ki-tô hữu, có phần chắc tôi và bạn, không ai muốn “đứng bên trái”. Muốn đứng-bên-phải ư! Dễ thôi! Ngay hôm nay, chúng ta hãy cất tiếng đáp lời mời gọi của Đức Giê-su, rằng: “Này con xin đến để thực thi ý Ngài”.

Vâng, chỉ cần một cử động của tâm hồn và nói: “Lạy Chúa! Này con xin đến”.

Petrus.tran

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây