TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

CN34TNb - Đức Giêsu Kitô, Vua Vũ Trụ

“Quan nói đúng: Tôi là Vua”. (Ga 18, 33b-37)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Thánh Kinh - Thánh Thể: nơi gặp Giê-su

Thứ bảy - 16/04/2022 05:35 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   1107
“Nếu Đức Giê-su không trỗi dậy, thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng, và cả đức tin anh em cũng trỗng rỗng” (1Cor 15, 14).
Thánh Kinh - Thánh Thể: nơi gặp Giê-su

Chúa Nhật Lễ Phục Sinh

 

Thánh Kinh - Thánh Thể: nơi gặp Giê-su

Trong Kinh Tin Kính chúng ta tuyên xưng rằng, Đức Giê-su: “Người chịu khổ hình và mai táng, ngày thứ ba Người sống lại như lời Thánh Kinh”.

Đức Giê-su đã sống lại thật, và đó là lý do hôm nay toàn thể Giáo Hội mừng kính trọng thể Lễ Phục Sinh.

Thánh Phao-lô, người đã từng bách hại những người tin vào sự sống lại của Đức Giê-su, sau khi trở lại đã có lời, rằng: “Nếu Đức Giê-su không trỗi dậy, thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng, và cả đức tin anh em cũng trỗng rỗng” (1Cor 15, 14).

Ngài Phao-lô cũng đã khẳng định với cộng đoàn Corinto rằng: “Trước hết, tôi đã truyền cho anh em điều mà chính tôi đã lãnh nhận, đó là: Đức Ki-tô đã chết vì tội lỗi chúng ta, đúng như lời Kinh Thánh, rồi Người được mai táng, và ngày thứ ba đã trỗi dậy, đúng như lời Kinh Thánh. Người đã hiện ra với ông Kê-pha, rồi với Nhóm Mười Hai… sau hết, Người cũng đã hiện ra với tôi, là kẻ chẳng khác nào đã sinh non”.

Trong lời khẳng định này, thánh Phao-lô có nhắc đến “ông Kê-pha”. Kê-pha tức là Phê-rô, một cái tên Đức Giê-su đã đặt cho “ông Simon, con ông Gio-an”.

Ông Kê-pha và người bạn đồng môn là tông đồ Gio-an chính là những người đầu tiên trong nhóm Mười Hai hiện diện tại ngôi mộ táng xác Đức Giê-su. Và, điều các ông thấy, chỉ là một “ngôi mộ trống”. Chỉ là một ngôi mộ trống và tông đồ Gio-an đã xem đó như là dấu chỉ về việc Thầy Giê-su Phục Sinh. Sự kiện này được tông đồ Gio-an ghi lại chi tiết, và như lời ngài nói: “là để anh em tin”.

**

Vâng, sự kiện thánh thiêng này xảy ra vào “Sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, lúc trời còn tối”. Hôm ấy, lúc trời còn tối thì “bà Maria Mác-đa-la đi đến mộ”.

Bà Maria Mác-đa-la là ai? Thưa, bà ta chính là người đã được Đức Giê-su trừ quỷ và chữa bệnh. Vào hôm Đức Giê-su bị bắt và bị giết, bà ta đã theo chân Người suốt con đường từ dinh Philato đến tận đồi Golgotha. Chính mắt bà chứng kiến cảnh hành hình và cái chết của Ngài.

Và, cũng ngày hôm đó, lúc ông Giosep, người Arimathe, được tổng trấn Phi-la-tô cho phép nhận thi hài Đức Giê-su để chôn, “bà và một bà khác cũng tên là Maria…” có mặt ở đó.

Bà thấy ông ta ôm xác Đức Giê-su “lấy tấm vải gai sạch mà liệm và đặt vào ngôi mộ mới, đã đục sẵn trong núi đá…”. Sau đó, ông ta “lăn tảng đá to lấp cửa mồ, rồi ra về” (x. Mt 27, 59-61).

Thế mà hôm nay, lạ chưa! Hôm nay, bà ta thấy “tảng đá đã lăn ra khỏi mộ”. Sau một phút bàng hoàng, bà ta chạy về. Người đầu tiên bà gặp, chính là “ông Simon Phêrô và một người môn đệ Đức Giê-su thương mến”. Đứng trước mặt hai ông, bà lắp ba lắp bắp, nói: “Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ; và chúng tôi chẳng biết họ để Người ở đâu.” (Ga 20, 2).

Sau khi nghe xong lời tường trình của bà Maria Mác-đa-la, mặc dù chưa biết thực hư thế nào, nhưng nguồn tin đã đem lại cho ông Phê-rô và Gio-an niềm hy vọng về điều Đức Giêsu đã nói với các ông khi Ngài còn sống, rằng, “Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người, và ba ngày sau khi bị giết chết, Người sẽ sống lại”.

Hôm nay, tính từ hôm thứ sáu, ngày Thầy Giêsu bị đóng đinh trên thập giá tại Golgotha, đã là ngày thứ ba…

Đã là ngày thứ ba! Vậy, phải đi ra mộ ngay thôi. Nghĩ như thế, tông đồ Phêrô và môn đệ kia vội vàng đi ra mộ.

Câu chuyện được kể tiếp rằng: “Cả hai ông cùng chạy”. Khi tới ngôi mộ, nơi Thầy Giêsu đã được mai táng. Một cảnh tượng khác thường đã xảy ra. Hai ông không thấy xác Thầy Giêsu, hai ông chỉ thấy “những băng vải để ở đó, và khăn che đầu Đức Giêsu. Khăn này không để lẫn với các băng vải, nhưng cuốn lại, xếp riêng ra một nơi” (Ga 20,…7).

Có một sự kiện thật khó hiểu. Vâng, thật khó hiểu khi những “băng vải tẩm thuốc thơm quấn thi hài Đức Giêsu” hôm mai táng Ngài, nay đã được “xếp riêng ra một nơi…”, xếp rất ngay ngắn.

Đức Giê-su đâu? Các ông không thấy. Ai đã tạo ra sự kiện khác thường này! Các ông không biết. Nhưng, khi đã thấy những sự khác thường này, tông đồ Gio-an đã tin. Kinh Thánh ghi lại rằng: “Ông đã thấy và đã tin”. Mang niềm tin đó, “Các môn đệ lại trở về nhà”. (x.Ga 20, 10).

***

Các ông “đã thấy” gì, để rồi các ông “đã tin”! Xin thưa, các ông chẳng thấy gì cả. Chẳng thấy Đức Giêsu Phục Sinh. Có chăng, các ông chỉ thấy khăn liệm, băng vải đã được xếp ngay ngắn và “ngôi mộ trống”.

Vâng, chính ngôi-mộ-trống, như là nguồn “ánh sáng Phục Sinh”, một nguồn ánh sáng sẽ giúp các ông “hiểu rõ hơn” về những điều Kinh Thánh đã chép, rằng “Đức Giêsu phải trỗi dậy từ cõi chết”. (Ga 20, 9).

Mà, thật vậy, khi “chưa hiểu” những điều Kinh Thánh đã chép về sự Phục Sinh của Đức Giê-su, đã có lần khi Ngài hiện ra: “đứng giữa các ông… (thế mà) các ông kinh hồn bạt vía, tưởng là thấy ma” (Lc 24, 36-37).

Các môn đệ, chỉ thật sự tin và (sau này) công bố niềm tin của mình trước bàn dân thiên hạ là nhờ Đức Giê-su. Nhờ Đức Giê-su trong bốn mươi ngày sau khi Phục Sinh, đã hiện ra nhiều lần để củng cố đức tin các ông và “mở trí cho các ông hiểu Kinh Thánh”.

Tác giả sách Công Vụ Tông Đồ có cho biết, rằng Đức Giêsu, “Người lại còn dùng nhiều cách để chứng tỏ cho các ông thấy là Người vẫn sống sau khi đã chịu khổ hình: trong suốt bốn mươi ngày, Người đã hiện ra nói chuyện với các ông về Nước Thiên Chúa” (x.Cv 1,3) .

Và, khi đã được mở trí để hiểu Kinh Thánh, niềm tin về một Giê-su Phục Sinh, đối với các ông, không hề lay chuyển.

Chuyện kể rằng: dù phải đối mặt với các tư tế, các kỳ mục, các kinh sư, ông Phêrô và Gioan vẫn không sợ hãi mà tuyên xưng: “Đức Giêsu Kitô, người Nazareth, Đấng mà quý vị đã đóng đinh vào thập giá, và Thiên Chúa đã làm cho trỗi dậy từ cõi chết” (Cv 4,10).

****

“Đức Giêsu Kitô, người Nazareth, Đấng mà quý vị đã đóng đinh vào thập giá, và Thiên Chúa đã làm cho trỗi dậy từ cõi chết” (Cv 4,10). Vâng, đó cũng là niềm tin của chúng ta hôm nay, một niềm tin chúng ta quen gọi là “tông truyền”.

Niềm tin tông truyền có đáng để chúng ta “tin”? Thưa, có. Có là bởi niềm tin này không chỉ được nói đến bằng “lời”, nhưng còn bằng “cái chết” chết cho lời chứng của mình. Người đầu tiên đã chết cho lời chứng của mình chính là tông đồ Gia-cô-bê.  

Sách Công Vụ Tông Đồ có kể rằng: Hồi ấy có rất nhiều người tin vào Đức Giê-su. Những người này đã bị “Vua Hê-rô-đê ra tay ngược đãi…” Ông vua này, không chỉ ra tay ngược đãi, mà còn “đã cho chém đầu ông Gia-cô-bê là anh ông Gio-an.” (x.Cv 12, 2).

Không chỉ tông đồ Gia-cô-bê, hơn hai ngàn năm trôi qua, có rất nhiều… nhiều người, đã chấp nhận hy sinh thân mình cho niềm tin Đức Giê-su: “Người chịu khổ hình và mai táng, ngày thứ ba Người sống lại như lời Thánh Kinh”.

Đó là những chứng nhân sống động. Thế nên, đừng để niềm tin này chao đảo trước những thủ đoạn, như thủ đoạn của các thượng tế và kỳ mục ngày xưa, đạp đổ niềm tin Đức Giêsu Phục Sinh bằng cách hối lộ “cho lính một số tiền lớn” để họ vu khống lên rằng, “các môn đệ của (Giêsu) đã đến lấy trộm xác”.

Đừng vì vài cuốn cuốn sách, dăm ba bài báo phản bác sự Phục Sinh của Đức Giê-su, mà mất đi niềm tin Đức Giê-su đã sống lại từ cõi chết.

Thật ra, “đi tìm chứng cứ Đức Giê-su sống lại dễ hơn tìm chứng cứ phản bác sự sống lại của Ngài”

Đây, chúng ta cùng nghe Chuck Colson, khi ông ta “mượn” scandal Watergate trong thời Tổng thống Nixon, để minh chứng về sự Phục Sinh của Đức Giê-su.

Chuck Colson nói: “Tôi biết rằng sự sống lại là sự thật, và Watergate đã chứng minh cho tôi thấy điều đó. Bằng cách nào ư? Vì 12 người đã làm chứng rằng họ đã nhìn thấy Chúa Giê-su từ kẻ chết sống lại, và sau đó họ công bố lẽ thật đó trong 40 năm, không một lần chối bỏ nó. Từng người đều bị đánh đập, tra tấn, ném đá, bỏ tù và chết. Họ sẽ không cam chịu vậy nếu đó không là sự thật. Watergate có liên quan đến 12 người có quyền lực nhất thế giới - và họ không thể giữ nổi lời nói dối đó trong ba tuần. Bạn muốn nói 12 môn đồ giữ vững lời một lời nói dối trong suốt 40 năm sao? Hoàn toàn không thể.” (nguồn: internet).

Frank Morison là một luật sư người Anh, ông đã nghi ngờ về sự phục sinh của Đức Giê-su. Vì thế, ông đã bỏ ra nhiều năm tháng để tìm bằng chứng sự phục sinh của Đức Giê-su, hoặc là một huyền thoại hoặc là một vụ lừa đảo, và ông bắt đầu nghiên cứu để viết một cuốn sách hầu bác bỏ nó.

Thế nhưng, càng tìm kiếm bằng chứng để phủ nhận, ông lại càng tìm ra nhiều bằng chứng đáng tin cậy để nói lên rằng: Chúa Giê-su thực sự phục sinh. Năm 1970, ông cho ra đời tác phẩm: “Who moved the stone – Ai đã lăn hòn đá”. Ai-đã-lăn-hòn-đá, như để xác tín, rằng: “Đức Giê-su Ki-tô thực đã sống lại”.

Nói tắt một lời, có phần chắc chắn, nếu không có sự Phục Sinh của Đức Giê-su, Ki-tô giáo không thể có đến ngày nay. Trái lại, nó đã chết ngay bên thềm thập tự giá cùng với Đức Giê-su tại Golgotha, trong khi các người môn đệ của Ngài trốn chạy để giữ lấy mạng sống. Nhưng các môn đệ vẫn tiếp tục sứ mạng rao truyền về một Giê-su: “Người chịu khổ hình và mai táng, ngày thứ ba Người sống lại như lời Thánh Kinh” và phát triển một Hội Thánh: “Duy Nhất - Thánh Thiện - Công Giáo - Tông Truyền”.

Ngày xưa, ngôi-mộ-trống chính là dấu chỉ Đức Giê-su đã sống lại. Nhưng hôm nay, dấu chỉ sống động nhất đó chính là Thánh Kinh và Thánh Thể.

Vâng, Thánh Kinh và Thánh Thể chính là phương cách để chúng ta nhận ra Đức Giê-su Phục Sinh.  

Câu chuyện hai môn đệ trên đường Emmau như là một điển hình và là mẫu mực để chúng ta noi theo. (x. Lc 24, 12-32).

Chuyện là thế này: Buồn đời vì Thầy đã chết. Hai người môn đệ này về quê. Về quê với tâm trạng thất vọng não nề. Cho tới khi gặp Đức Giê-su, nghe Ngài giải thích Thánh Kinh, một sự giải thích khiến lòng hai vị “bừng cháy lên”, rồi sau đó, cùng Ngài ăn bữa tối, và khi nhìn thấy Ngài “cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra trao cho họ” (Thánh Thể), hai vị mới “nhận ra Người”.

Họ đã được biến đổi. Thánh Kinh và Thánh Thể đã biển đổi con người họ. Thánh Kinh và Thánh Thể đã cho họ nhận ra một Giê-su… một Giê-su Phục Sinh.

Thế nên, hôm nay, để nhận ra Đức Giê-su Phục Sinh, sẽ không còn là chuyện dựa vào hình ảnh một ngôi-mộ-trống, với “những băng vải để ở đó, và khăn che đầu Đức Giêsu. Khăn này không để lẫn với các băng vải, nhưng cuốn lại, xếp riêng ra một nơi”, nhưng phải là dựa vào Thánh Kinh và Thánh Thể.

Thánh Kinh và Thánh Thể phải được xếp ngay ngắn trong ngôi-mộ-tâm-hồn của mỗi chúng ta. Bởi, chỉ có như thế, chúng ta mới có thể được chạm, được thấy, được nghe chính Đức Giê-su Phục Sinh.

Thánh Kinh và Thánh Thể chính là nơi chúng ta gặp Giê-su Phục Sinh.

Petrus.tran

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây