TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật XXXIII thường Niên -Năm B

“Bấy giờ thiên hạ sẽ thấy Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến.” (Mc 13,24-32)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Thánh Thần! khấn xin ngự đến!

Thứ ba - 11/05/2021 01:01 | Tác giả bài viết: Petrus.tran |   1437
Thánh Thần! khấn xin ngự đến!

Thánh Thần! khấn xin ngự đến!

Lịch Phụng Vụ Công Giáo có bốn ngày lễ lớn: Lễ Giáng Sinh – Lễ Phục Sinh – Lễ Thăng Thiên và Lễ Hiện Xuống. Bốn ngày lễ này có thể ví như những toa tàu không thể thiếu trên “con tàu cứu rỗi” trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa đối với nhân loại.

Chúa Giêsu giáng sinh xuống thế làm người là “vì loài người chúng ta và để cứu độ chúng ta” bằng chính cái chết của Người trên thập giá tại đồi Golgotha.

Chúa Giêsu phục sinh “Người sống lại như lời Thánh Kinh” là để chứng tỏ Người có quyền năng trên sự chết, quyền năng cứu nhân loại.

Chúa Giêsu thăng thiên là để dọn chỗ ở cho chúng ta như lời Người đã phán “Trong nhà Cha Thầy có nhiều chỗ ở… Thầy đi dọn chỗ cho anh em”.

Và Chúa Thánh Thần hiện xuống là để ở với các môn đệ và cũng ở với mỗi người Kitô hữu hôm nay.

Có một thực tế là đa số tín hữu Công Giáo coi sự hiện diện của Chúa Thánh Thần trong đời sống đức tin là điều không mấy hệ trọng. Đa số tín hữu Công Giáo chỉ biết đến Chúa Thánh Thần trong ngày “lễ thêm sức”, rồi sau đó, khi trưởng thành thì thường lãng quên vai trò của Chúa thánh Thần trong đời sống đức tin của mình.
…..

Ngay những ngày đầu ra đi loan báo Tin Mừng cứu độ, Đức Giêsu đã cho mọi người thấy tầm quan trọng của Chúa Thánh Thần.

Thật vậy, trong một lần nói chuyện về Nước Thiên Chúa, Đức Giêsu đã nói với ông Nicôđêmô rằng, “Thật, tôi bảo thật ông: không ai có thể vào Nước Thiên Chúa, nếu không sinh ra bởi nước và Thánh Thần”. 

Riêng với các môn đệ, ngay trong bữa tiệc ly, Đức Giêsu đã hé mở cho các ông biết vai trò quan trọng của Chúa Thánh Thần trong đời sống đức tin như thế nào. Ngài đã nói với các môn đệ rằng: “Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em” (Ga 14, 26)

Nhìn thấy những xao xuyến của các môn đệ trước sự ra đi của Ngài, Đức Giêsu nói tiếp “Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác để ở với anh em luôn mãi”.

Lời hứa đó đã được Đức Giêsu thực hiện ngay sau khi Ngài phục sinh.

Vâng, hôm đó đúng “vào chiều ngày thứ nhất trong tuần”, Đức Giêsu đã hiện đến với các môn đệ trong một ngôi nhà “các cửa đều đóng kín”. Lúc đó, thế quyền Roma và thần quyền Do Thái vẫn tiếp tục toa rập nhau để tìm cách hãm hại nhóm môn đệ của Ngài. Sự toa rập đó đã khiến cho nhóm mười một ngại xuất hiện trước công chúng. Các ông “sợ người Do Thái” (Ga 20, 19).

Người đời có câu “tránh voi chẳng xấu mặt nào”. Vì thế, việc đóng kín cửa nơi các ông cư ngụ là điều chẳng ngạc nhiên.

Tuy nhiên, các môn đệ không thể không hoang mang về việc “truyền thông nhà nước” vẫn ra rả vu khống các ông đã lợi dụng ban đêm lén đến “lấy trộm xác” rồi phao tin rằng Thầy của họ đã sống lại từ cõi chết.(Mt 28, 13).

Đang lúc sự hoang mang dâng lên cao độ, Đức Giêsu hiện đến. Sự hiện đến của Ngài đã làm tan biến những lời huyền hoặc của truyền thông thế quyền Roma lẫn thần quyền Do Thái. Thay vào đó các ông cảm nhận được sự “Bình An” do chính Thầy của mình đem lại. Sự bình an đó không chỉ dựa vào lời chúc của Đức Giêsu: “Bình an cho anh em”. Nhưng còn được củng cố bởi Thánh Thần Chúa khi Đức Giêsu “Thổi hơi vào các ông và bảo: Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần” (Ga 20, 22).

Năm mươi ngày sau, các ông đã hiểu tại sao việc Thầy Giêsu “ra đi thì có lợi” cho các ông. Chính vì thế, các ông đã giữ đúng lời “Đức Giêsu truyền cho các ông không được rời khỏi Giêrusalem nhưng phải ở lại mà chờ đợi điều Chúa Cha đã hứa” (Cv 1,4).

Và quả thật, điều Chúa Cha hứa đã trở thành sự thật. Hôm đó, vào ngày lễ Ngũ Tuần, không ai có thể tưởng tượng được “từ trời phát ra một tiếng động, như tiếng gió mạnh ùa vào đầy cả căn nhà, nơi họ đang tụ họp”.

Vâng, những đôi mắt ẩn chứa một sự kinh ngạc của các môn đệ đã nhìn thấy “những hình lưỡi giống như lưỡi lửa tản ra đậu xuống từng người một”. Và như có một nguồn sống mới len lỏi vào tâm hồn các môn đệ, mọi người đều cảm nhận rằng mình đã “được tràn đầy ơn Thánh Thần” (Cv 2, 4). 

Một chút tâm tình

Có bao giờ chúng ta tự hỏi: tại sao Chúa Thánh Thần lại hiện xuống vào ngày lễ Ngũ Tuần mà không phải vào ngày khác?

Để trả lời cho câu hỏi này, trước hết chúng ta thử tìm hiểu xem lễ Ngũ Tuần là lễ gì? Vâng, lễ Ngũ Tuần là một trong ba ngày lễ quan trọng của người Do Thái. Ba ngày lễ đó là: lễ Lều Tạm, lễ Vượt Qua và lễ Ngũ Tuần.

Ngũ Tuần không có nghĩa là “ngủ cả tuần” nhưng có nghĩa là năm mươi ngày. Năm mươi ngày được bắt đầu tính từ sau ngày lễ Vượt qua. Lễ Ngũ Tuần còn gọi là lễ mùa màng hay lễ mùa gặt. Sách Lêvi dạy: “các ngươi phải tính bảy tuần, bảy tuần chẵn. Các ngươi phải tính năm mươi ngày cho đến hôm sau ngày sabát thứ bảy, và các ngươi sẽ tiến dâng một lễ phẩm mới lên Đức Chúa” (Lv 23, 15-16).

Biết được điều này, chúng ta mới thấy việc Chúa Thánh Thần hiện xuống trong ngày lễ ngũ tuần, mà không phải ngày lễ khác, có một ý nghĩa đặc biệt của nó. Ý nghĩa đặc biệt đó chính là, hôm nay, một “mùa gặt mới” bắt đầu, một mùa gặt mới không phải “gặt lúa” nhưng là “gặt người”.

Đặc biệt hơn nữa, khi hôm nay, lễ Ngũ Tuần còn được nhìn nhận như là ngày khai sinh Giáo Hội. Một Giáo Hội với những vị “chủ chăn” đầu tiên thực thi quyền “tha tội” mà chính Chúa Giêsu trao ban khi Ngài hiện đến và nói: “anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ”.

Vâng, hôm đó, sau khi tông đồ Phêrô kêu gọi mọi người “hãy sám hối, và mỗi người hãy chịu phép rửa nhân danh Đức Giêsu Kitô để được ơn tha tội”. Các môn đệ đã gặt được “khoảng ba ngàn người” (Cv 2, 41).

Một phút suy tư

Trở lại với sách Công Vụ tông đồ. Vâng, sách đã ghi lại rằng, Chúa Thánh Thần hiện đến như “những hình lưỡi giống như lưỡi lửa tản ra đậu xuống từng người một”. Chúa Thánh Thần còn cho các môn đệ “nói các thứ tiếng khác, tuỳ theo khả năng Thánh Thần ban cho”. (Cv 2, 4).

Khi còn là một chú bé, vào năm được chịu phép thêm sức, lúc cúi đầu trước vị Giám Mục để lãnh nhận Bí Tích Thêm Sức”, tôi… (vâng, xin phép được dùng chữ tôi) nghĩ rằng, sau khi vị Giám Mục đặt tay, chắc thế nào cũng có hình lưỡi lửa đậu trên đầu mình.

Hồi quý vị chịu phép thêm sức, có lửa đậu trên đầu quý vị không? Riêng trường hợp của tôi thì có… Quí vị có tin không?

Đúng là có lưỡi lửa, nhưng là lưỡi lửa bằng vải. Các soeurs phụ trách hôm đó đã lấy một miếng vải màu đỏ được hồ cứng, cắt thành hình lưỡi lửa và cài bằng kim gút lên túi áo trái mỗi em. Vâng, thật là ý nghĩa, khi làm như thế, các soeurs như muốn tỏ ý cầu xin Chúa Thánh Thần ngự ngay trong con tim các em.

Ngày nay liệu Chúa Thánh Thần cũng đến với mỗi chúng ta bằng những tiếng động phát ra từ trời! Bằng những tiếng rít của những cơn gió lốc… bằng những hình lưỡi lửa như những năm xưa?... 

Hơn hai ngàn năm lịch sử Kitô giáo, chưa thấy điều này tái xảy ra.

Nhưng có một điều chúng ta cần nhớ, đó là xưa kia Chúa Giêsu có nói với ông Nicôđêmô rằng: “Gió muốn thổi đâu thì thổi; ông nghe tiếng gió, nhưng không biết gió từ đâu đến và thổi đi đâu. Ai bởi Thánh Thần mà sinh ra thì cũng vậy” (Ga 3, 8)

Như thế, phải chăng Chúa Thánh Thần sẽ đến với chúng ta bằng những tiếng thì thầm… thì thầm…?

Thật ra, có cần phải biết Chúa Thánh Thần sẽ đến với chúng ta bằng phương thế nào không? Xin thưa là không. Điều quan trọng là chúng ta có sẵn sàng “nhận lấy Chúa Thánh Thần” hay không mà thôi.

Vâng, bất cứ một Kitô hữu nào cũng phải có Chúa Thánh Thần. Bởi vì như Tông đồ Phaolô đã nói: “không ai có thể nói rằng: Đức Giêsu là Chúa, nếu không phải bởi Chúa Thánh Thần” (1Cor 12,…3).

Hơn thế nữa, một Kitô hữu không chỉ có Chúa Thánh Thần nhưng còn phải “đầy dẫy Chúa Thánh Thần” (Ep 5, 18).

Lời tông đồ Phaolô thật phù hợp với lời nguyện giáo dân trong thánh lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống năm nay. Hôm nay, cả cộng đồng dân Chúa, sau bài giảng của vị chủ tế, đống thanh cất tiếng nguyện xin, xin cho toàn thể cộng đồng trong Giáo Hội, không loại trừ ai, được “tràn đầy ơn Thánh Thần”.

Vâng, nếu không cầu nguyện cho những vị mục tử “tràn đầy ơn Thánh Thần” thì làm sao họ có thể ra đi “đem chân lý vào chốn lỗi lầm… đem tin kính vào nơi nghi nan… chiếu trông cậy vào nơi thất vọng… dọi ánh sáng vào nơi tối tăm… đem niềm vui đến chốn u sầu”!

Nếu không cầu nguyện cho toàn thể dân Chúa “tràn đầy ơn Thánh Thần” thì làm sao họ tràn đầy “hoa trái của Thánh Linh là: bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà, tiết độ” (Gl 5, 22)!

Hãy nhớ rằng “hoa trái của Thánh Linh” không chỉ là nền tảng cho đời sống đức tin mà còn là nhân tố quyết định cho hạnh phúc gia đình.

Khi còn là một chú bé được chịu Bí Tích Thêm Sức, có phần chắc là ai trong chúng ta cũng mong muốn “nhận lấy Thánh Thần”. Và hôm nay, đã là một Kitô hữu trưởng thành, điều mong muốn đó sẽ được nhân đôi, nhân bốn chăng?

Thánh Thần Chúa, qua miệng lưỡi tông đồ Phaolô, truyền dạy rằng: “Ai không có Thánh Thần của Đức Kitô, thì không thuộc về Đức Kitô” (Rm 8, 9).

Vậy, đã là một Kitô hữu, nếu chưa có Chúa Thánh Thần, sao chúng ta lại không cùng nhau cất tiếng nguyện xin: “Thánh Thần! khấn xin ngự đến! Hồn con đang mong chờ Ngài”!...

Petrus.tran

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây