TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật XXXII Thường Niên – Năm B

“Bà góa nghèo này đã bỏ nhiều hơn hết”. (Mc 12, 38-44)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Đùng Đùng và Cho Phép

Thứ bảy - 25/09/2021 00:48 | Tác giả bài viết: Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa |   1083
Tin Mừng thứ Hai và thứ Ba sau Chúa Nhật XXVI TN lại nói đến đề tài tham quyền chức và nạn độc quyền nơi các tông đồ (x.Lc 9,46-56).
Đùng Đùng và Cho Phép

Đùng Đùng và Cho Phép

Tin Mừng thứ Hai và thứ Ba sau Chúa Nhật XXVI TN lại nói đến đề tài tham quyền chức và nạn độc quyền nơi các tông đồ (x.Lc 9,46-56). (Ngày Chúa Nhật XXVI thì theo thánh sử Maccô). Chỉ có 12 vị được Chúa Giêsu tuyển chọn trong số các môn đệ, được Chúa hướng dẫn, dạy bảo tận tình, thế mà chước cám dỗ quyền chức vẫn mãi đeo bám các ngài. Xin được mạn bàn thêm một vài hình thức độc quyền nơi những người quyền cao chức trọng ngoài xã hội và cả trong giáo hội Công giáo.

1. Cho phép: Để thể hiện quyền lực của mình nhiều vị lãnh đạo thường bị cám dỗ bắt người dân, người thuộc quyền tuân giữ quy luật: “phải xin phép”. Dù rằng Liên Hiệp Quốc đã ghi rõ trong Bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền năm 1948 khá đầy đủ các quyền căn bản của con người. Thế nhưng để con người, nhất là người dân được hưởng những quyền lợi chính đáng ấy thì nhiều Chính phủ nhiều quốc gia bắt “phải xin phép”. Dĩ nhiên đã xin thì cần chờ được cho. Muốn được cho thì có đó nhiều điều kiện từ dễ đến khó mà dân gian gọi là “làm khó dễ”. Nhiều chuyện cười ra nước mắt có đó với đủ loại giấy tờ phải xin phép trong hoàn cảnh dịch bệnh tại nước ta thời gian qua.

Trong Giáo hội thì có tình trạng “ban phép”. Hàng tư tế thừa tác thường nghĩ rằng việc cử hành các bí tích là ban phép. Cách vô tình các ngài lầm tưởng ân sủng là cái gì đó thuộc quyền sở hữu của mình, nhưng thực ra các ngài chỉ là những thừa tác viên, những người quản lý không hơn không kém và ngay chính các ngài cũng là người cần được đón nhận. Đã là “ban phép” thì tín hữu muốn lãnh nhận cũng phải xin. Đã xin thì rồi lại phải hội đủ điều kiện mà lắm khi không cần thiết và quá khó khăn vì là do các vị đặt ra. Dù không là phổ biến, nhưng để vượt qua ải khó khăn thì thường có đó sự “luồn lách” và sau đó là “sự hậu tạ”. Đức Giáo hoàng Phanxicô đã từng nhiều lần cảnh giác các mục tử về tình trạng “làm quan thuế”, “ra quota” cho ân sủng. Thế nhưng chuyện “phép vua thua lệ làng” vẫn nhan nhản trong các tập thể tôn giáo.

2. Đùng đùng: Đây là trạng từ bà con gần đây thường dùng khi nói về chuyện “loạn văn bản” trong thời dịch. Đùng đùng ra lệnh này rồi đùng đùng đổi thay. Đùng đùng áp dụng Chỉ Thị này rồi đổi Chỉ Thị kia khiến bà con và nhiều doanh nghiệp trở tay không kịp. Cung cách hành xử “đùng đùng” là một trong những hình thức “cha chú”, độc quyền, “độc đoán”, thiếu sự tôn trọng người dân. Rất nhiều khi ra văn bản hôm nay thì ngày mai, thậm chí vài tiếng đồng hồ sau bắt người dân phải tuân giữ. Dĩ nhiên là có biện pháp chế tài qua các hình phạt tạo điều kiện cho nhiều người “thi hành công vụ” lộng quyền.

Trong Giáo hội thì có tình trạng “đùng đùng” cách tinh tế kiểu ‘đạo đức” đó là việc bổ nhiệm nhân sự. Có thể nói tại Việt Nam rất nhiều hội dòng, nhiều giáo phận có tình trạng “đùng đùng” khi thuyên chuyển nhân sự. Bề dưới thường được giáo dục nhân đức vâng phục nên dễ chấp nhận tình trạng “đùng đùng”. Mở văn thư sứ vụ ra rồi mới biết mình chuyển đi đâu. Đang ở xứ thì đùng đùng nhận lệnh làm giấy tờ thuyên chuyển mà nhiều khi không biết mình đi đâu, hoặc biết thì chỉ qua cú điện thoại dăm bảy ngày trước đó mà không thấy hỏi han hay bàn bạc, dù rằng các nhân sự thường là trên hàng “tam thập nhi lập” hay “tứ thập nhi bất hoặc”, có khi là trên cả “ngũ thập nhi tri thiên mệnh”. Tình trạng “đùng đùng” là độc đoán và nó có cơ sở trên nạn “độc quyền”.

Qua các hình trạng “cho phép” và “đùng đùng” thì hẳn chúng ta đều thấy những hậu quả đáng tiếc và đáng trách của nạn độc quyền. Mong sao người dân và đoàn tín hữu ý thức đúng và can đảm nắm lấy các quyền lợi căn bản của mình. Ước gì có được những cơ chế, luật lệ hạn chế bớt quyền hạn độc tôn của những vị lãnh đạo cao cấp. Hình thái Tam Quyền phân lập (Lập pháp-Hành pháp-Tư pháp) xem ra khá hợp lý và văn minh trong cơ chế điều hành xã hội. Phải chăng cũng nên áp dụng hình thức này trong các tập thể tôn giáo? Theo Bộ Giáo luật giáo hội Công giáo hiện nay thì vẫn còn tập trung quyền lực (tam quyền) nơi một số chức vị. Hy vọng rằng với nỗ lực phân quyền và tản quyền của Đức Phanxicô thì tình trạng này sẽ được dần đổi thay.

Bản thân đã từng nghe tâm sự nhiều lần đó là dân chúng cũng như đoàn tín hữu bên dưới ngày nay không còn phải là “đàn cừu của panurge” ngày xưa (ngu ngơ theo quán tính cách thiếu ý thức). Chẳng qua là vì trong tay không có vũ khí gì thôi nên lắm khi đành chịu vậy. May ra còn có vũ khí khá lợi hại là “ngôn luận”. Dù rằng còn đó nhiều nơi, nhiều tập thể chỉ cho được tự do khi đã được kiểm duyệt, nhưng mạng lưới xã hội và nhiều kênh độc lập khác cũng phần nào giúp họ dần dần lấy lại cái quyền căn bản này và từ đó sẽ có được những quyền chính đáng khác, để sống cho xứng với phẩm vị con người, người con cái Thiên Chúa. Hy vọng rằng những dòng thiển ý của tôi trên đây là một trong những nỗ lực ấy.

Lm Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây