TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật XXXII Thường Niên – Năm B

“Bà góa nghèo này đã bỏ nhiều hơn hết”. (Mc 12, 38-44)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Đừng sợ!

Thứ năm - 06/05/2021 19:13 | Tác giả bài viết: Lm Giuse Hoàng Kim Toan |   707
jesus nazareth 580[1]
jesus nazareth 580[1]

Đừng sợ!

 

Sợ hãi dường như đã là thuộc tính của con người. Có biết bao điều phải sợ, sợ hãi trước thiên tai, dịch bệnh đối với mệnh trời. Đối với mệnh người, sợ hãi đói khát, thiếu ăn, thiếu mặc, sợ hãi thân này lỡ hư, sợ hãi những tai ương do mình và cũng có khi chẳng do mình gây nên. Đối với người khác, sợ hãi bị phản bội, lừa dối, lòng ma dạ quỷ… Cuộc sống bao vây bằng sợ hãi mọi nơi mọi lúc.

Gốc rễ của sợ hãi.

Sợ hãi đến từ gốc rễ con người vốn yếu đuối. Yếu đuối về nhiều mặt: trước sức mạnh của thiên nhiên, trước sự dữ đến từ con người, đau khổ vì tha nhân. Hết cái sợ này đến cái sợ khác vây bọc con người. Con người đã trượt ngã thảm thương rơi vào trong tội. Không ai không là tội nhân, luôn thấy những yếu đuối, luôn thấy những bất hạnh ập đến bất cứ lúc nào, con người không thể tự thân ra khỏi những tội lỗi của mình, luôn bị rình rập trong sợ hãi. Con người vốn sợ hãi trước chính mình: “Tìm củi ba năm đốt trong một giờ”.

Sợ hãi do sợ mất những gì mình đang có: Con người vốn dĩ có quyền sở hữu nhưng cũng chính vì quyền sở hữu mà lại phát sinh ra nguyên nhân sợ hãi. Sợ mất danh dự, sợ mất chỗ đứng, vị thế, mất cửa nhà, ruộng vườn. Những cái sợ rất sợ trước những lần trắng tay, nhục nhã, ngậm đắng nuốt cay, sợ mất tất cả. Đó là những cái sợ rất sợ của con người.

Sợ những ước mong lại không đến. Con người vốn không chỉ sống ở quá khứ, hiện tại mà con người còn hướng tới tương lai. Tương lai dù có được chuẩn bị kỹ lưỡng trong hiện tại, song vẫn không chắc bảo đảm tương lai được thực hiện. Con người khó học nhất là bài học chữ ngờ. Không ngờ, bất ngờ luôn là mối đe dọa ở tương lai trở thành hiện thực. Không có một bảo đảm chắc chắn ở tương lai nên con người đầy những sợ hãi.

Sợ người khác: Nỗi sợ hãi không thể không tránh khỏi, vì người khác luôn có người chống đối lại mình. Sợ hãi đến từ dư luận, chẳng biết đúng hay không đúng, nhưng luôn làm tổn thương đến chính người bị khủng bố. Sợ hãi trước sự ranh ma của con người, sợ ngay cả việc “làm ơn mắc oán”. Sợ hãi đến nỗi con người phát sợ trước tha nhân và đôi khi dẫn đến chỗ quá đáng “tha nhân chính là hỏa ngục”[1] .

Sợ hãi trước thiên nhiên: Người tính không bằng trời tính, con người cảm thấy mình bé nhỏ trước nhiều vấn đề thiên nhiên. Một thiên nhiên chống lại con người thường xuyên do chính con người khai thác tận diệt thiên nhiên. Con người đi trong sợ hãi nhưng vẫn phải sống trong môi trường thiên nhiên.

Giải quyết sợ hãi:

- Đối với tội lỗi: Thiên Chúa giàu lòng thương xót đến con người tội lỗi và luôn lên án tội lỗi. Tội lỗi căn nguyên của mọi sợ hãi, nếu con người tránh xa tội thì tránh được hầu hết những sợ hãi. Thế nhưng, con người vẫn là một tội nhân, vẫn phạm tội và cần trở về để thưa cùng Chúa: “Vâng, con biết tội mình đã phạm, lỗi lầm cứ ám ảnh ngày đêm. Con đắc tội với Chúa, với một mình Chúa, dám làm điều dữ trái mắt Ngài. Như vậy, Ngài thật công bình khi tuyên án, liêm chính khi xét xử. Ngài thấy cho: lúc chào đời con đã vương lầm lỗi, đã mang tội khi mẹ mới hoài thai. Nhưng Ngài yêu thích tâm hồn chân thật, dạy con thấu triệt lẽ khôn ngoan”[2].

Thật tâm sống với Chúa, và thật lòng sám hối là con đường không còn lo sợ, bởi trong tình yêu không có sợ hãi. Nhận biết Tình yêu và sống trong tình yêu Thiên Chúa là một phương cách sống cho mọi người. Tình yêu khiến cho lựa chọn trở nên chủ động, thay vì giữ lề luật vì sợ tội, việc giữ luật trở nên vì lòng yêu mến Thiên Chúa mà sống những điều Thiên Chúa muốn. Thái độ tiêu cực trở nên thái độ tích cực nhờ tình yêu đáp trả. Thánh Phaolô cảm nghiệm: "Ơn của Thầy đã đủ cho anh, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối." Thế nên tôi rất vui mừng và tự hào vì những yếu đuối của tôi, để sức mạnh của Đức Ki-tô ở mãi trong tôi. Vì vậy, tôi cảm thấy vui sướng khi mình yếu đuối, khi bị sỉ nhục, hoạn nạn, bắt bớ, ngặt nghèo vì Đức Ki-tô. Vì khi tôi yếu, chính là lúc tôi mạnh”[3].

- Sợ Mất: Đừng sợ mất những gì mình đang có vì một lẽ là được Chúa Kitô. Thánh Phaolô nhìn mọi sự trong hồng ân được chính Thiên Chúa, nên cũng không còn lo sợ: “Hơn nữa, tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Ki-tô Giê-su, Chúa của tôi. Vì Người, tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như rác, để được Đức Ki-tô và được kết hợp với Người”[4]. Cái được và cái mất không còn quan trọng trên cuộc đời này, nếu chúng ta biết Chúa Kitô và sống với Người. Chúa không để những ai trông cậy vào Người phải tủi hổ, nhục nhã và đói kém.

- Sợ tương lai: Nếu không còn vọng không còn tưởng thì không còn phát triển. Còn phát triển nên còn chấp nhận mạo hiểm, mạo hiểm để tìm hướng đường phát triển. Nếu con người đặt hy vọng vào thành bại thì hẳn sẽ có thất vọng và thành tựu. Chấp nhận nghĩa là biết rằng nó là điều tất yếu của cuộc sống nên thản nhiên mà sống, nỗ lực kiến tạo, vươn tới, đón nhận tất cả ngay cả thất vọng, và nhận thất bại là bài học thành công. Làm việc với tư cách của một con người và trông cậy vào Thiên Chúa như con người tùy thuộc vào Thiên Chúa: “Tôi vững vàng tin tưởng sẽ được thấy ân lộc Chúa ban trong cõi đất dành cho kẻ sống. Hãy cậy trông vào Chúa, mạnh bạo lên, can đảm lên nào! Hãy cậy trông vào Chúa”[5].

- Sợ tha nhân: Con đường đến với tha nhân là con đường của Đức ái: “Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả. Đức mến không bao giờ mất được”[6]. Nhận Lãnh Chúa Thánh Thần để được sai đến với anh chị em, thế nên người Kitô hữu sẽ mang hoa trái của Chúa Thánh Thần là: “bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà, tiết độ. Không có luật nào chống lại những điều như thế”[7]. Không còn sợ hãi mà là lòng mến yêu.

- Sợ thiên nhiên: Thiên nhiên là người giúp việc cho con người, con người cần học cách để sử dụng thiên nhiên theo đúng cách của nó mà phục vụ cho phẩm giá con người được sống và sống dồi dào. Con người Kitô hữu chỉ có thể sống hài hòa với thiên nhiên nếu con người biết sống cùng với Chúa Giêsu, nghĩa là con người đi trong đường lối yêu thương của Thiên Chúa để thiên nhiên không còn phải: “rên siết và quằn quại như sắp sinh nở”[8].

- Đừng sợ: Đó là lời mời gọi của Chúa hôm nay, đi cùng với Chúa, sống là sống cho Ngài và chết cũng là chết cho Ngài nên chẳng còn gì sợ hãi. Hãy can đảm lên!

Lm Giuse Hoàng Kim Toan

________________________________________
[1] Jean Paul Sartre.
[2] Tv 50, 5 - 8
[3] 2Cor 12, 9 - 10
[4] Pl 3, 8
[5] Tv 27 13 - 14
[6] 1Cor 13, 3 - 8
[7] Gal 5, 22 - 23
[8] Rm 8, 22

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây