TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

CN34TNb - Đức Giêsu Kitô, Vua Vũ Trụ

“Quan nói đúng: Tôi là Vua”. (Ga 18, 33b-37)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Sứ điệp ĐTC gửi Hội nghị Thanh niên châu Âu

Thứ ba - 12/07/2022 19:03 | Tác giả bài viết: |   782
Trong sứ điệp, trước hết Đức Thánh Cha mời gọi các bạn trẻ biến “lục địa già” thành “lục địa mới”.
Sứ điệp ĐTC gửi Hội nghị Thanh niên châu Âu

Đức Thánh Cha mời gọi các bạn trẻ làm việc vì một châu Âu mới

Đức Thánh Cha gửi sứ điệp đến Hội nghị Thanh niên châu Âu diễn ra từ ngày 11 đến 13/7 ở Praha, Cộng hoà Séc. Tập trung vào Hiệp ước Toàn cầu về Giáo dục, ngài khuyến khích các bạn trẻ hướng đến một nền giáo dục huynh đệ hơn, một nền giáo dục không chỉ nhằm hiểu biết chính mình và người khác, nhưng còn hiểu công trình sáng tạo và Chân lý, chỉ như thế châu Âu mới được biến đổi.

Trong sứ điệp, trước hết Đức Thánh Cha mời gọi các bạn trẻ biến “lục địa già” thành “lục địa mới”. Sở dĩ Đức Thánh Cha đưa ra lời mời gọi như vậy vì ngài biết thế hệ trẻ hiện nay là những người chu đáo, ít bị đồng hoá với những ý thức hệ, quen với việc học tập ở các nước châu Âu, cởi mở với hoạt động tình nguyện và nhạy cảm với các vấn đề môi trường. Đó là niềm hy vọng của Đức Thánh Cha nơi giới trẻ.

Hiệp ước Toàn cầu về Giáo dục

Nhắc đến Hiệp ước Toàn cầu về Giáo dục được đưa ra vào tháng 9/2019, Đức Thánh Cha nói cam kết đầu tiên của Hiệp ước là lắng nghe trẻ em, thanh thiếu niên người trẻ. Vì thế, ngài khuyến khích các bạn trẻ hãy la lớn tiếng để tiếng nói của họ được lắng nghe. Người trẻ có mọi quyền để nói về những gì liên quan đến tương lai của mình. Điều này tương tự trong một lớp học, khi có nhiều học sinh đòi hỏi, yêu cầu, chăm chỉ thì giáo viên sẽ làm việc tích cực và chuẩn bị bài tốt hơn.

Đức Thánh Cha nhấn mạnh đến hai điểm quan trọng trong Hiệp ước và cũng là hai khía cạnh được Hội nghị khai triển. Đó là cởi mở để đón nhận và các giá trị của sự bao gồm. Ngài viết: “Các bạn đừng để bản thân bị lôi cuốn vào những ý thức hệ thiển cận muốn chỉ cho người khác thấy những người khác biệt với chúng ta là kẻ thù. Kinh nghiệm của hàng triệu sinh viên châu Âu tham gia Dự án Erasmus minh chứng cho thực tế rằng những cuộc gặp gỡ giữa những người khác biệt giúp mở mắt, tâm trí và con tim”.

Tiếp tục đề cập đến Hiệp ước Giáo dục, Đức Thánh Cha nhận xét rằng, mục tiêu chính của tài liệu là giáo dục mọi người sống một cuộc sống huynh đệ hơn. Một cuộc sống không dựa trên sự cạnh tranh nhưng dựa trên tình liên đới. Vì thế, khi phải lựa chọn môi trường giáo dục, các bạn trẻ không nên chọn những nơi chỉ những người có nhiều tiền mới được vào. Các tổ chức đào tạo như thế thường quan tâm đến hiện trạng để bảo đảm rằng hệ thống hoạt động theo đúng cách của nó. Trái lại, những ngôi trường hoạt động kết hợp chất lượng giáo dục với việc phục vụ người khác cần được coi trọng, vì mục đích của giáo dục là sự phát triển con người hướng tới công ích. Những trải nghiệm liên đới này sẽ thay đổi thế giới, không phải là một kinh nghiệm “độc quyền” và loại trừ của những ngôi trường ưu tú. Chúng là những ngôi trường xuất sắc, nhưng không dành cho mọi người, chỉ cho một số ít.

 Chăm sóc ngôi nhà chung

Sứ điệp của Đức Thánh Cha được tiếp tục với đề nghị chăm sóc ngôi nhà chung. Ngài cảnh báo rằng, nếu các bạn trẻ không quan tâm đến việc ngôi nhà chung đang bị huỷ hoại thì trong tương lai người khác rất khó làm điều này. Vì thế, đừng để bản thân bị quyến rũ bởi những tiếng nói đề nghị một cuộc sống xa hoa dành riêng cho một phần nhỏ của thế giới. Thay vào đó, hãy có “cái nhìn rộng lớn” có thể thu hút phần còn lại của thế giới, vốn lớn hơn nhiều so với lục địa nhỏ châu Âu.

Đức Thánh Cha ước mong các bạn trẻ biết khát khao một cuộc sống xứng nhân phẩm và điều độ, không xa hoa và lãng phí, để mọi người trên thế giới có thể tận hưởng một cuộc sống xứng nhân phẩm.

Để có thể làm điều này tốt hơn, Đức Thánh Cha khuyên các bạn trẻ đọc Thông điệp Laudato si’, vì trong đó cả các tín hữu và những người không tin đều có thể tìm được động lực để dấn thân vào một hệ sinh thái toàn diện. Giáo dục không chỉ nhằm mục đích hiểu biết chính mình và người khác, nhưng còn hiểu cả công trình sáng tạo.

Chiến tranh cho thấy cần cấp bách giáo dục sống tình huynh đệ

Đối với tình hình chiến sự trên thế giới, Đức Thánh Cha cho rằng cần phải tái khởi động khái niệm tình huynh đệ và nhấn mạnh rằng châu Âu thống nhất được sinh ra từ một khao khát hoà bình. Ngài viết: “Nếu thế giới được những người trẻ điều hành, sẽ không có nhiều cuộc chiến tranh xảy ra. Những người có cả một cuộc sống trước mắt không muốn phá bỏ thế giới nhưng muốn sống một cách tràn đầy. Bây giờ tất cả chúng ta phải cam kết chấm dứt sự tàn phá này của cuộc chiến tranh, nơi mà thường một vài người có quyền lực quyết định và gửi hàng ngàn người trẻ đi chiến đấu và chết. Trong những trường hợp như thế này, sự nổi loạn là hợp pháp”.

Tìm kiếm Chân lý

Kết thúc sứ điệp, Đức Thánh Cha nhắc lại rằng "sau sự hiểu biết về chính mình, về người khác và về thụ tạo, cuối cùng là sự hiểu biết về sự khởi đầu và kết thúc của mọi sự". Ngài khuyến khích các tham dự viên Hội nghị tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống, ngước mắt nhìn, về nguồn gốc và về kết thúc, "bởi vì các bạn không thể sống nếu các bạn không tìm kiếm Chân lý". Ở điểm này, Đức Thánh Cha mời gọi bước đi "với đôi chân vững chắc trên đất, nhưng với một cái nhìn rộng mở, hướng đến chân trời”. Ngài ước mong người trẻ “có khả năng tạo ra những ý tưởng, tầm nhìn mới về thế giới, kinh tế, chính trị, chung sống xã hội; nhưng không chỉ có những ý tưởng mới, trên tất cả là những con đường mới, để cùng nhau theo đuổi”.

Ngọc Yến - Vatican News

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây