TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật I Mùa Vọng – Năm C

“Giờ cứu rỗi các con đã gần đến” (Lc 21, 25-28.34-36)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lời Chúa THỨ BA TUẦN 32 THƯỜNG NIÊN

Chủ nhật - 07/11/2021 17:16 |   1098
Đức Giêsu nói: “Các ông cứ phá hủy Đền Thờ này đi; nội ba ngày tôi sẽ xây dựng lại.” (Ga 2, 19)

09.11.2021

THỨ BA TUẦN 32 THƯỜNG NIÊN
Cung hiến Thánh đường Latêranô

 

t3 t32tnB

Ga 2, 13-22

THANH TẨY HOẶC PHÁ HỦY

Đức Giêsu nói: “Các ông cứ phá hủy Đền Thờ này đi; nội ba ngày tôi sẽ xây dựng lại.” (Ga 2, 19)

Suy niệm: Đền thờ là nơi cầu nguyện, là nhà của Thiên Chúa, là hình ảnh Giêrusalem trên trời… Đền thờ không chỉ là ngôi nhà được xây bằng vàng bạc đá quý; đền thờ mà Chúa Giêsu muốn ám chỉ đó là chính thân mình Ngài; đền thờ còn là Giáo Hội của Chúa, là thân xác mỗi người (x. 1Cr 6, 19). Sẽ là bất kính, nếu đền thờ không giữ được sự thánh thiêng; sẽ là bất xứng, nếu đền thờ bị lạm dụng -không còn là nơi thờ phượng mà bị biến thành phương tiện để con người thỏa mãn tính ích kỷ. Chúa Giêsu đánh đuổi những người buôn bán để thanh tẩy đền thờ vì đền thờ đã bị xúc phạm. Thanh tẩy không được thì phải phá huỷ đi mà xây dựng lại. Sự xúc phạm đến đền thờ của Thiên Chúa nặng nề đến nỗi chỉ có một hy lễ có khả năng thanh tẩy đó là hy lễ của Chúa Giêsu: phá huỷ “đền thờ thân xác” của Ngài bằng cái chết trên thập giá và “xây dựng lại” bằng cuộc phục sinh.

Mời Bạn: Nếu Chúa Giêsu viếng thăm tôi lúc này, Ngài sẽ xua đuổi hoặc đánh đổ những gì? Bạn nhớ thân xác của bạn là đền thờ của Thiên Chúa; đừng biến nó thành phương tiện để thỏa mãn những đam mê, vì “không ai có thể làm tôi hai chủ.”

Sống Lời Chúa: Mỗi khi tham dự thánh lễ hoặc cầu nguyện, bạn dành ít phút hồi tâm để sám hối và xin Chúa thanh tẩy đền thờ tâm hồn mình.

Cầu nguyệnLạy Chúa, Chúa dựng nên con cho Chúa, nhưng con lại muốn đặt những ‘thứ khác’ làm chúa của mình; xin cho con can đảm, dám dẹp đi những gì còn bất xứng để mỗi lần Chúa viếng thăm, Chúa sẽ hài lòng về con. Amen.

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Cung hiến Thánh đường Latêranô

Ca nhập lễ

Tôi đã thấy thành thánh Giêrusalem mới, tự trời xuống, từ nơi Thiên Chúa: tề chỉnh như tân nương được trang điểm cho tân lang của mình

Dẫn nhập Thánh lễ

Đền Thờ được xây dựng là để cho con người có nơi tôn thờ Thiên Chúa, và là tượng trưng cho thành thánh Giêrusalem mới, là nơi Thiên Chúa ngự và là cửa tiến vào Thiên Đàng. Nơi đây Thiên Chúa tụ họp đoàn dân của Ngài, để họ ngợi khen Danh Chúa.

Hôm nay Hội Thánh kính nhớ ngày đền thờ Lateranô được cung hiến, để nhắc nhở các tín hữu nhớ rằng thân xác mỗi người là Đền Thờ của Thiên Chúa Ba Ngôi, nên hãy sống mỗi ngày tốt hơn, thiện hảo hơn để Thiên Chúa sẽ luôn luôn ngự trị nơi tâm hồn mình và ý Ngài được thể hiện như Lời Ngài phán “để Danh Ta được hiện diện khắp nơi cho đến muôn đời”.

Hiệp cùng Hội Thánh chúng ta thành tâm thống hối để tham dự Thánh Lễ sốt sáng.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, chỉ nhờ Chúa ban ơn, các tín hữu Chúa mới có thể thờ Chúa cho phải đạo, xin giúp đỡ chúng con thẳng tiến về cõi trời Chúa hứa và không bị vấp ngã trên đường. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: Ed 47, 1-2. 8-9. 12

“Tôi đã thấy nước từ bên phải đền thờ chảy ra, và nước ấy chảy đến ai, thì tất cả đều được cứu rỗi”.

Trích sách Tiên tri Êdêkiel.

Trong những ngày ấy, thiên thần dẫn tôi đến cửa nhà Chúa, và đây nước chảy dưới thềm nhà phía hướng đông, vì mặt tiền nhà Chúa hướng về phía đông, còn nước thì chảy từ bên phải đền thờ, về phía nam bàn thờ. Thiên thần dẫn tôi qua cửa phía bắc, đưa đi phía ngoài, đến cửa ngoài nhìn về hướng đông, và đây nước chảy từ bên phải. Người ấy lại nói với tôi: “Nước này chảy về phía cồn cát, phía đông, chảy xuống đồng bằng hoang địa, rồi chảy ra biển, biến mất trong biển và trở nên nước trong sạch. Tất cả những sinh vật sống động, nhờ suối nước chảy qua, đều được sống. Sẽ có rất nhiều cá và nơi nào nước này chảy đến, nơi đó sẽ trở nên trong lành, và sự sống sẽ được phát triển ở nơi mà suối nước chảy đến. Gần suối nước, hai bên bờ ở mỗi phía, mọi thứ cây ăn trái sẽ mọc lên; lá của nó sẽ không khô héo, và trái của nó sẽ không bao giờ hết; mỗi tháng nó có trái mới, vì dòng nước này phát xuất từ đền thờ; trái của nó dùng làm thức ăn, và lá của nó dùng làm thuốc uống.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 45, 2-3. 5-6. 8-9

Ðáp: Nước dòng sông làm cho thành Chúa vui mừng, làm hân hoan cung thánh Ðấng Tối Cao

Xướng: Chúa là nơi ẩn náu và là sức mạnh của chúng ta, Người hằng cứu giúp khi ta sầu khổ. Dầu đất có rung chuyển, ta không sợ chi, dầu núi đổ xuống đầy lòng biển cả.

Xướng: Nước dòng sông làm cho thành Chúa vui mừng, làm hân hoan cung thánh Ðấng Tối Cao hiển ngự. Chúa ở giữa thành, nên nó không chuyển rung, lúc tinh sương, thành được Chúa cứu giúp.

Xướng: Chúa thiên binh hằng ở cùng ta, ta được Chúa Giacóp hằng bảo vệ. Các ngươi hãy đến mà xem mọi kỳ công Chúa làm, Người thực hiện muôn kỳ quan trên vũ trụ.

Bài đọc II: 1 Cr 3, 9b-11. 16-17

“Anh em là đền thờ của Thiên Chúa”.

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.

Anh em thân mến, anh em là toà nhà của Thiên Chúa. Theo ân sủng Thiên Chúa đã ban cho tôi, tôi như một kiến trúc sư lành nghề, đã đặt nền móng, còn kẻ khác thì xây lên. Nhưng mỗi người hãy xem coi mình xây lên thế nào? Vì chưng không ai có thể xây dựng một nền tảng khác, ngoài nền tảng đã được xây dựng là Ðức Kitô.

Anh em không biết anh em là đền thờ của Thiên Chúa và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong anh em sao? Nếu ai xúc phạm tới đền thờ của Thiên Chúa, thì Thiên Chúa sẽ huỷ diệt người ấy. Vì đền thờ của Thiên Chúa là thánh mà chính anh em là đền thờ ấy.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: 2 Sb 7, 16

Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Ta đã chọn lựa và thánh hoá nơi này, để danh Ta được hiện diện khắp nơi cho đến muôn đời. – Alleluia.

Phúc Âm: Ga 2, 13-22

“Người có ý nói đền thờ là thân thể Người”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Lễ Vượt Qua của dân Do-thái gần đến, Chúa Giêsu lên Giêrusa-lem; Người thấy ở trong đền thờ có những người bán bò, chiên, chim câu và cả những người ngồi đổi tiền bạc. Người chắp dây thừng làm roi, đánh đuổi tất cả bọn cùng với chiên bò ra khỏi đền thờ, Người hất tung tiền của những người đổi bạc, xô đổ bàn ghế của họ, và bảo những người bán chim câu rằng: “Hãy đem những thứ này đi khỏi đây, và đừng làm nhà Cha Ta thành nơi buôn bán”.

Môn đệ liền nhớ lại câu Kinh Thánh: “Sự nhiệt thành vì nhà Chúa sẽ thiêu đốt tôi”.

Bấy giờ người Do-thái bảo Người rằng: “Ông hãy tỏ cho chúng tôi thấy dấu gì là ông có quyền làm như vậy”. Chúa Giêsu trả lời: “Các ông cứ phá huỷ đền thờ này đi, nội trong ba ngày Ta sẽ dựng lại”. Người Do-thái đáp lại: “Phải bốn muơi sáu năm mới xây được đền thờ này mà ông, ông sẽ dựng lại trong ba ngày ư?” Nhưng Người, Người có ý nói đền thờ là thân thể Người. Vì thế, khi Chúa Giêsu từ cõi chết sống lại, các môn đệ mới nhớ lời đó, nên đã tin Kinh Thánh và tin lời Người đã nói.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tín hữu

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Mỗi người chúng ta là đền thờ của Thiên Chúa, hãy cộng tác với ơn Chúa để gìn giữ đền thờ linh hồn khỏi vết nhơ tội lỗi, điểm trang linh hồn bằng các nhân đức xứng hợp, để thực sự trở nên nơi tôn vinh và chúc tụng Chúa, vậy chúng ta hãy thành khẩn nguyện xin :

1. “Ta sẽ cho chúng niềm vui trong nhà cầu nguyện”. – Xin ban sự thánh thiện cho Hội Thánh Chúa và các vị Chủ chăn, để Hội Thánh luôn là biểu hiện hữu hình của Giêrusalem Thiên Quốc, nơi luôn vang vọng muôn lời chúc tụng Chúa.

2. “Đừng làm nhà Cha Ta thành nơi buôn bán”. – Xin cho các Kitô hữu luôn nhớ lời Chúa dậy, để họ biết gìn giữ tâm hồn họ khỏi những bận tâm thế trần mà quên trách nhiệm phải tôn thờ Chúa.

3. “Đá vấp ngã và đá chướng ngại cho những kẻ chống lại và không tin lời Thiên Chúa”, – Ngày nay trên thế giới, có biết bao Thánh Đường đang bị xúc phạm, bị tục hóa và vắng lặng không người cầu nguyện, xin thúc đẩy nhiều tâm hồn biết mến yêu và chuyên chăm cầu nguyện, để đền tạ lòng thương xót Chúa.

4. “Sự nhiệt thành vì nhà Chúa thiêu đốt tôi” . – Xin cho các thiếu nữ trong giáo xứ chúng ta biết quí trọng sự trong sạch của tâm hồn, để dù sống trong một xã hội tục hóa, họ luôn biết tìm kiếm những giá trị siêu việt, làm cho cuộc đời họ trở nên dấu chỉ của trời mới đất mới.

Chủ tế: Lạy Chúa, qua Bí Tích Thánh Tẩy và Thêm Sức, chúng con đã được hiến thánh để trở nên đền thờ sống động của Chúa. Xin cho chúng con biết làm giầu đời mình bằng những tâm tình thờ lạy, tạ ơn, yêu mến và đền tạ liên lỉ, hầu xứng đáng là điểm tập trung lời nguyện cầu của muôn dân nước, đem lại ơn cứu độ cho muôn người, Chúa hằng sống và …

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin cho bánh rượu chúng con dâng trở nên của lễ tinh tuyền trước nhan Chúa và đem lại cho chúng con nguồn ơn phúc dồi dào. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Anh em như những viên đá sống động, hãy để Chúa xây dựng anh em nên toà nhà thiêng liêng, nên hàng tư tế thánh.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, chúng con vừa được Mình và Máu Ðức Kitô bồi dưỡng, xin Chúa tăng cường hoạt động nơi chúng con, để chúng con được sẵn sàng lãnh nhận những ơn lành Chúa hứa cho những ai tham dự bí tích này. Chúng con cầu xin….

Suy niệm


Cung Hiến Thánh Đường Latêranô

Trong những thế kỷ đầu, Hội thánh luôn bị bách hại nên không xây dựng được ngôi Thánh đường nào. Các cuộc lễ và cầu nguyện đều tổ chức trong các nhà tư hoặc trong các hang toại đạo, trên mộ các thánh tử đạo.

Mãi đến năm 324, Đức Giáo Hoàng Synvếttrô mới cung hiến cung điện Latêranô làm Đại Thánh Đường dâng kính Chúa Cứu Thế. Cung điện này do hoàng đế Côngtăntin nhường cho ngài làm nơi cư ngụ. Và ngài đã trú ngụ tại đây cho đến thế kỷ 14 mới dời về Vaticăn. Đây là ngôi Thánh Đường cổ kính nhất, được gọi là “Mẹ và Đầu của tất cả mọi Thánh đường trên thế giới”.

Thánh Đường Latêranô được gọi là mẹ tất cả các Thánh Đường vì là Thánh Đường đầu tiên được chính quyền công nhận trong đế quốc Lamã, và cũng vì đây là Vương Cung Thánh Đường của giáo phận Rôma, có ngai tòa của Đức Giáo Hoàng.

Thánh đường dài 130m, có 5 gian. Gian chính dài 87m, rộng 16m, có tượng 12 Thánh Tông Đồ bằng đá cẩm thạch trắng. Bước vào đền thờ, bên phải có đàn phong cầm vĩ đại với hai ngàn ống. Sau tòa giám quản có Giếng Rửa Tội (theo truyền thuyết, chính Hoàng Đế Côngtăntin được Đức Giáo Hoàng Synvếttrô rửa tội nơi đây). Ngoài nhà thờ, bên hông trái, có tháp bút cao nhất (47m) và cổ kính nhất ở Rôma bằng đá hoa cương đỏ của Ai Cập có từ thế kỷ 14 trước Chúa Kitô.

Để kỷ niệm ngày cung hiến Đại Thánh Đường này, Hội thánh tổ chức mừng lễ hôm nay. Ngày lễ này đáng chúng ta mừng kính, vì nó nhắc mọi người nhớ thánh đường là nhà cầu nguyện, là nhà của Thiên Chúa, là nơi Thánh và đáng kính sợ, là hình ảnh Giêrusalem trên trời và là cửa Thiên đàng. Tất cả các đồ dùng nơi đây đều được thánh hiến: giếng rửa tội là nơi chúng ta được tái sinh làm con Chúa, tòa cáo giải là nơi chúng ta được lãnh nhận ơn tha thứ của Chúa, tòa giảng giúp chúng ta nghe Lời Chúa, bàn thờ nơi dâng hiến Chiên Thiên Chúa là Đấng xóa bỏ tội lỗi thế gian, nhà tạm là nơi Vua muôn vua ẩn mình… Kể cả những viên gạch xây dựng đền thờ cũng nhắc chúng ta nhớ tâm hồn mỗi người là những viên đá sống động của ngôi thánh đường thiêng liêng, như lời thánh Xêdariô nói: “Anh em rất thân mến, hôm nay nhờ ơn Chúa, chúng ta hân hoan cử hành ngày giáp năm của đền thờ này. Nhưng chính chúng ta phải là đền thờ đích thực và sống động của Thiên Chúa. Dĩ nhiên Kitô hữu có lý để lấy lòng tin mà tôn kính ngày trọng đại của Mẹ Hội thánh, vì họ biết nhờ Mẹ Hội thánh họ đã được tái sinh một cách thiêng liêng. Bởi vì khi sinh ra lần thứ nhất, chúng ta đã là đối tượng cho cơn thịnh nộ của Thiên Chúa, còn nhờ cuộc tái sinh, chúng ta đã được trở nên đối tượng của lòng Người thương xót. Quả thế, lần sinh ra thứ nhất đưa tới sự chết, còn cuộc tái sinh gọi ta về sự sống thật…”

“Vì vậy anh em rất thân mến, nếu chúng ta muốn hân hoan cử hành ngày kỷ niệm cung hiến Đền thờ, chúng ta không được dùng những việc xấu xa phá đổ đền thờ sống động của Thiên Chúa nơi chúng ta. Nói thế là để mọi người hiểu rằng: Mỗi khi đến nhà thờ, chúng ta muốn thấy nhà thờ đó thế nào, thì ta cũng phải sửa soạn tâm hồn ta như thế”.

“Bạn muốn thấy Thánh đường sạch sẽ ư? Đừng làm linh hồn bạn nhơ nhớp vì dơ bẩn tội lỗi. Bạn muốn thấy Thánh đường trong sáng ư? Thì Thiên Chúa cũng muốn bạn đừng để tâm hồn tối tăm, nhưng hãy làm như lời Chúa nói, để ánh sáng việc lành chiếu sáng trong tâm hồn chúng ta, và Đấng ngự trên trời sẽ được hiển vinh. Bạn muốn vào nhà thờ thế nào, thì Thiên Chúa cũng muốn vào linh hồn bạn như thế, đúng như lời Người đã hứa: và Ta sẽ ở với chúng và đi lại với chúng”

+ Ghi nhớ

Hằng ngày tôi lo gìn giữ linh hồn sạch tội, trong sáng, để xứng đáng nên đền thờ Chúa ngự.

+ Lời nguyện

Lạy Chúa, Chúa đã chọn chúng con như những viên đá sống động để xây nên một ngôi đền thánh, nơi Chúa ngự muôn đời.

Xin cho Hội thánh là dân Chúa ngày càng thêm đông và dồi dào ân sủng, để trở nên thành thánh Giêrusalem trên trời.

Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô Chúa chúng con. Amen.


BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
THỨ BA TUẦN 32 THƯỜNG NIÊN

Ca nhập lễ

Xin cho lời tôi khẩn nguyện thấu đến tai Chúa; lạy Chúa, xin Chúa lắng tai nghe tiếng tôi kêu cầu.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng và nhân hậu, xin đẩy xa những gì cản bước tiến chúng con, trên đường về với Chúa, để một khi xác hồn thanh thản, chúng con được hoàn toàn tự do thực hiện ý Chúa. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: (Năm I) Kn 2, 23 – 3, 9

“Ðối với con mắt người không hiểu biết, thì hình như các ngài đã chết, nhưng thật ra các ngài sống trong bình an”.

Trích sách Khôn Ngoan.

Thiên Chúa đã tạo dựng con người giống hình ảnh Chúa để sống vĩnh viễn. Nhưng bởi ác quỷ ghen tương, nên tử thần đột nhập vào thế gian: kẻ nào thuộc về nó thì bắt chước nó.

Linh hồn những người công chính ở trong tay Chúa, và đau khổ sự chết không làm gì được các ngài. Ðối với con mắt người không hiểu biết, thì hình như các ngài đã chết, và việc các ngài từ biệt chúng ta, là như đi vào cõi tiêu diệt. Nhưng thật ra, các ngài sống trong bình an. Và trước mặt người đời, dầu các ngài có chịu khổ hình, lòng cậy trông của các ngài cũng không chết.

Sau một giây lát chịu khổ nhục, các ngài sẽ được vinh dự lớn lao, vì Chúa đã thử thách các ngài như thử vàng trong lửa, và chấp nhận các ngài như của lễ toàn thiêu. Khi đến giờ Chúa ghé mắt nhìn các ngài, các người công chính sẽ sáng chói và chiếu tỏ ra như ánh lửa chiếu qua bụi lau. Các ngài sẽ xét xử các dân tộc, sẽ thống trị các quốc gia, và Thiên Chúa sẽ ngự trị trong các ngài muôn đời.

Các ngài đã tin tưởng ở Chúa, thì sẽ hiểu biết chân lý, và trung thành với Chúa trong tình yêu, vì ơn Chúa và bình an sẽ dành cho những người Chúa chọn.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 33, 2-3. 16-17. 18-19

Ðáp: Tôi chúc tụng Thiên Chúa trong mọi lúc

Xướng: Tôi chúc tụng Thiên Chúa trong mọi lúc, miệng tôi hằng liên lỉ ngợi khen Người. Trong Thiên Chúa linh hồn tôi hãnh diện, bạn nghèo hãy nghe và hãy mừng vui.

Xướng: Thiên Chúa để mắt coi người hiền đức, và tai Người lắng nghe tiếng họ cầu. Thiên Chúa ra mặt chống người làm ác, để tẩy trừ di tích chúng nơi trần gian.

Xướng: Người hiền đức kêu cầu và Chúa nghe lời họ, Người cứ họ khỏi mọi nỗi âu lo. Thiên Chúa gần gũi những kẻ đoạn trường, và cứu chữu những tâm hồn đau thương dập nát.

Bài Ðọc I: (Năm II) Tt 2, 1-8. 11-14

“Chúng ta hãy sống đạo đức, khi trông đợi niềm hy vọng hạnh phúc và cuộc xuất hiện của Ðức Giêsu Kitô là Thiên Chúa và là Ðấng cứu độ chúng ta”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi cho Titô.

Con thân mến, con hãy giảng dạy những gì hợp với đạo lý lành mạnh. Những ông cao niên hãy sống tiết độ, đoan trang, khôn ngoan, lành mạnh trong đức tin, đức mến, đức kiên nhẫn. Các bà cao niên cũng thế, phải ăn ở thánh thiện, chớ nói hành nói xấu, chớ mê say rượu chè, nhưng biết dạy đường lành, để dạy cho các thiếu phụ biết mến chồng thương con, khôn ngoan, thanh khiết, tiết độ, chăm lo việc nhà, hiền hậu, tùng phục chồng, để lời Thiên Chúa khỏi bị xúc phạm.

Các thanh niên cũng thế, con hãy khuyên dạy cho chúng biết tiết độ. Trong mọi sự, con hãy nên gương mẫu về các việc lành, tinh tuyền trong giáo huấn, trang nghiêm, lời lẽ lành mạnh không ai bắt bẻ được, để đối phương phải xấu hổ, vì không thể nói xấu chúng ta điều gì.

Vì chưng, ân sủng của Thiên Chúa, Ðấng Cứu Ðộ chúng ta, đã xuất hiện cho mọi người, dạy chúng ta từ bỏ gian tà và những dục vọng trần tục, để sống tiết độ, công minh và đạo đức ở đời này, khi trông đợi niềm hy vọng hạnh phúc và cuộc xuất hiện sự vinh quang của Ðức Giêsu Kitô là Thiên Chúa cao cả và là Ðấng Cứu Ðộ chúng ta. Người đã hiến thân cho chúng ta để cứu chuộc chúng ta khỏi mọi điều gian ác, luyện sạch chúng ta thành một dân tộc xứng đáng của Người, một dân tộc nhiệt tâm làm việc thiện.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 36, 3-4. 18 và 23. 27 và 29

Ðáp: Người hiền được Chúa ban ơn cứu độ (c. 39a).

Xướng: Hãy trông cậy Chúa và hãy làm lành, để được cư ngụ trong đất nước, thọ hưởng an ninh. Hãy hân hoan tin tưởng vào Chúa, Người sẽ ban cho sự lòng bạn thỉnh cầu. 

Xướng: Chúa chăm lo cho mạng sống người nhân đức, và phần gia nghiệp họ còn mãi muôn đời. Nhờ ơn Chúa mà hiền nhân vững bước, và Người yểm hộ đường lối người đi.

Xướng: Hãy tránh ác và hãy làm lành, hầu được an cư tới ngàn thu. Những người hiền sẽ được đất nước, và cư ngụ ở đó tới ngàn thu. – Ðáp.

Alleluia: Cl 3, 16a và 17c

Alleluia, alleluia! – Nguyện cho lời Chúa Kitô cư ngụ dồi dào trong anh em; anh em hãy nhờ Ðức Kitô mà tạ ơn Chúa Cha. – Alleluia.

Phúc Âm: Lc 17, 7-10

“Chúng tôi là đầy tớ vô dụng: vì chúng tôi đã làm điều chúng tôi phải làm”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán: “Ai trong các con có người đầy tớ cày bừa hay chăn súc vật ngoài đồng trở về liền bảo nó rằng: “Mau lên, hãy vào bàn dùng bữa”, mà trái lại không bảo nó rằng: “Hãy lo dọn bữa tối cho ta, hãy thắt lưng và hầu hạ ta cho đến khi ta ăn uống đã, sau đó ngươi mới ăn uống”? Chớ thì chủ nhà có phải mang ơn người đầy tớ, vì nó đã làm theo lệnh ông dạy không? Thầy nghĩ rằng không.

“Phần các con cũng vậy, khi các con làm xong mọi điều đã truyền dạy các con, thì các con hãy nói rằng: “Chúng tôi là đầy tớ vô dụng, vì chúng tôi đã làm điều chúng tôi phải làm”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin mở lượng khoan hồng đoái nhìn lễ vật Hội Thánh Chúa tiến dâng; để khi cử hành lễ tưởng niệm Con Chúa chịu khổ hình thập giá, chúng con biết đem cả tâm hồn lãnh nhận ơn phục sinh. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi, trên đồng cỏ xanh rì, Người thả tôi nằm nghỉ, Người hướng dẫn tôi tới nguồn nước, chỗ nghỉ ngơi.

Hoặc đọc

Hai môn đệ đã nhận ra Chúa Giêsu khi Người bẻ bánh.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, chúng con xin hết lòng cảm tạ, vì Chúa đã dùng của ăn thánh bồi dưỡng chúng con, và tuôn đổ trên chúng con sức mạnh của Chúa, xin tiếp tục ban ơn Thánh Thần giúp chúng con bền chí sống cuộc đời ngay thẳng. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

ĐẾN ĐỂ PHỤC VỤ (Lc 17, 7-10)
Giuse Vinhsơn Ngọc Biển SSP

Qua những nguồn tin trên các trang mạng, chúng ta thấy: Đức Thánh Cha Phanxicô đang được cả thế giới tôn vinh và khen ngợi. Nhân loại ca ngợi ngài không phải ở khả năng tri thức vượt trội, cũng không phải vì những triết thuyết cao siêu, hay uy tín vốn được gắn với tước vị Giáo hoàng từ bao đời…! Nhưng người ta kính nể vì Đức Giáo Hoàng là một con người bình dân. Ngài sẵn sàng xuống đường để ôm hôn một người dị tật, lắng nghe một em bé đang muốn tâm sự. Ngài cũng khước từ những điều sang trọng cần có đối với một vị lãnh tụ tinh thần của Giáo Hội. Ngài cũng không ngần ngại đứng xếp hàng để nhận cơm tại một quán ăn và cũng không có khoảng cách khi cùng ngồi ăn với những công nhân sửa ống nước tại Vatican. Ngài còn là một người sống tinh thần nghèo khó khi lựa chọn những phương tiện đơn giản nhất, hoặc công cộng để di chuyển…

Tất cả những điều đó cho thấy: Đức Giáo Hoàng Phanxicô không ưa được dành quyền đặc lợi cho mình, mà sẵn sàng trong thái độ của người phục vụ… Ngài đã làm những chuyện đó là vì ngài muốn làm mọi việc cho vinh quang Chúa chứ không phải cho mình được nổi trội. 

Thực ra trong thế giới hôm nay, sự mong muốn được an thân, khao khát được sung sướng và thái độ cầu an cũng như mong muốn được phục vụ đang kéo dần người Kitô hữu đi theo như cơn lũ bão… Nhưng thử hỏi: liệu những cung cách đó có làm cho khuôn mặt của Đức Giêsu được sáng tỏ hay không? Phải chăng nó đã làm cho Ngài bị lu mờ qua những cái bóng của sự tự kiêu, ích kỷ…

Sứ điệp lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy cố gắng sống tốt đúng với tư cách là môn đệ của Chúa. Luôn noi gương Chúa đến để phục vụ chứ không phải để được người khác phục vụ. Luôn yêu mến đời sống đơn giản vì ích lợi cho mình và người khác. Luôn chu toàn bổn phận của mình trong tư cách là người tôi tớ.

Cần nhớ một điều rằng: chỉ khi nào chúng ta từ bỏ mình, sống tinh thần phục vụ, chúng ta mới trở nên mình hơn và giống hình ảnh của một vị Thiên Chúa đến để phục vụ vì ích lợi của con người. 

Chính Công Đồng Vaticanô II trong Hiến chế “Vui mừng và hy vọng” đã để lại một châm ngôn đáng được chúng ta suy niệm và đem ra thực hành: “Con người chỉ tìm gặp lại bản thân bằng sự hiến thân vô vị lợi mà thôi”. Điều này cũng được thánh Phanxicô Assisi đã tâm nguyện qua Kinh hòa bình: “Chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh, chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân”. 

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con ý thức được vai trò của người môn đệ, và xin cho chúng con biết can đảm lựa chọn trong tinh thần của người tôi tớ. Amen.
 

LỄ CUNG HIẾN THÁNH ĐƯỜNG LATÊRANÔ
 

tbd 061121a

(Ga 2,13-22) Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

Nói đến việc xây nhà thờ dường như Kitô hữu cách riêng khá nhạy cảm về nhiều chuyện. Đó đây qua mạng lưới thông tin người ta biết không ít chuyện tích cực lẫn chuyện tiêu cực liên quan đến việc xây dựng nhà thờ. Người ta phấn khởi vui mừng vì những nơi quê nghèo, xa xôi, vùng dân tộc thiểu số có được một cái nhà hay ít là một cái “gì đó” gọi là nhà để làm nơi thờ phượng, nơi sinh hoạt tôn giáo chung. Người ta cũng có thể thấy khó chịu khi chứng kiến các ngôi nhà thờ uy nghi lộng lẫy sừng sững giữa trời xanh, bên cạnh biết bao căn nhà thấp bé, liêu xiêu của đám đông dân chúng. Chưa kể đến chuyện xứ xứ tranh đua phá nhà thờ cũ để xây nhà thờ mới cho hoành tráng hơn xứ người. Ngoài ra còn phải kể đến chuyện “có xây thì có cất”, chuyện vốn bình thường ngoài xã hội đang lây nhiễm vào Hội Thánh nơi này nơi kia, dù có thể chỉ là thiểu số rất nhỏ.

Hôm nay ngày 09/11 Lễ Cung hiến Thánh Đường Latêranô, một Đại thánh đường được gọi là “mẹ các nhà thờ”. Đây là nhà thờ chính tòa của địa phận Rôma, nơi có ngai tòa của Đức Giáo Hoàng. “Lạy Cha, Cha đã chọn chúng con như những viên đá sống động để xây nên một ngôi đền thánh nơi Cha ngự muôn đời. Xin cho Giáo hội là dân Cha ngày càng thêm đông và dồi dào ân sủng để trở nên thành thánh Giêrusalem trên trời”. Giáo hội được thánh Công Đồng Vatican II trình bày bằng nhiều hình ảnh như “Dân Thiên Chúa; Hiền thê Chúa Kitô, Thân thể mầu nhiệm Chúa Kitô, Đền thờ Thiên Chúa, Thành Giêrusalem trên trời… (x.LG số 5-9)”. Qua lời nguyện tổng lễ, xin cùng xét suy đôi điều về Hội Thánh như là Đền thờ của Thiên Chúa.

Bài Tin Mừng Giáo hội cho trích đọc trong thánh lễ kính việc cung hiến Thánh đường Latêranô tường thuật việc Chúa Giêsu thanh tẩy Đền thờ Giêrusalem (Ga 2,13-22). Sau khi phẫn nộ dùng dây thừng làm roi đánh đuổi người bán chiên bò ra khỏi đền thờ và lật tung bàn ghế những người đổi tiền thì Chúa Giêsu đã nói: “Đem tất cả những thứ này ra khỏi đây, đừng biến nhà Cha tôi thành nơi buôn bán”. Các Tin Mừng Nhất Lãm lại ghi lời của Người có khác: “Nhà Cha Ta là nhà cầu nguỵện của mọi dân tộc mà các ngươi đã biến thành hang trộm cướp” (x.Mt 21,23; Mc 11,17, Lc 20,46).

Xây nhà thờ theo nhãn quan Kitô giáo là xây dựng một cái nhà, dù lớn hay bé, hoành tráng hay đơn sơ để làm nơi thờ phượng Thiên Chúa cách công khai và chính thức. Và nhà thờ cũng là nơi đoàn dân Thiên Chúa sống tình liên đới hiệp thông với nhau. Tuy nhiên bài Tin Mừng hôm nay cho ta hay rằng cái nhà thờ vật chất ấy có thể biến thành “nơi buôn bán” hay là “hang trộm cướp” do bởi tấm lòng vụ lợi của tín hữu và cũng có thể của các Đấng bậc Tư tế, cách này, kiểu kia. Đến nhà thờ mà chỉ mong được cái này, được điều kia cho bản thân cho gia đình mà thôi thì chưa phải là sống đức thờ phượng. Đức thờ phượng mà ta phải có đối với Thiên Chúa là nhìn nhận mọi sự ta có, ta là, đều do bởi quyền năng và tình yêu của Thiên Chúa. Sự nhìn nhận này được biểu hiện rõ nét bằng việc tạ ơn và sẵn sàng dâng lại cho Thiên Chúa những gì mình đang là, đang có để phụng sự Thiên Chúa, thực thi thánh ý Người, làm vinh danh Người.

Trong nhiều ngôn ngữ như La tinh, Anh, Pháp thì từ nhà thờ cũng là Giáo hội chỉ khác nhau chữ cái đầu viết thường hay viết hoa (ecclesia-Ecclesia, church-Church, église-Eglise). Chắc chắn khi thanh tẩy đền thờ Giêrusalem thì điều Chúa Giêsu muốn đó là thanh tẩy tâm hồn, lối sống đạo của người Do Thái giáo thời bấy giờ mà nhất là những người đang có vai vị cao trong đạo. Để cho Giáo hội xứng là bí tích của Chúa Kitô, là nơi mà nhân loại dễ dàng đến với Thiên Chúa và để cho Giáo hội xứng là bí tích của sự hiệp nhất của nhân loại, là nơi mà mọi người dễ dàng sống tình huynh đệ trong tình Cha trên trời thì thiết tưởng rằng việc thanh tẩy luôn còn đó (x.LG số 1).

Điều gì làm cho Giáo hội có thể trở thành nơi buôn bán? Đã là buôn bán thì luôn nhắm đến lợi nhuận. Và chúng ta có thể thấy được điều này qua tinh thần vụ lợi trong kiểu cách sống đức tin. Với tín hữu giáo dân thì sự vụ lợi thường mang tính thánh thiêng đó là giữ đạo để được rỗi linh hồn cho riêng mình mà nhiều khi thiếu sự liên đới với phần rỗi của tha nhân. Với một số đấng bậc thì thì sự vụ lợi đôi khi có thể lan qua cả lãnh vực vật chất, của tiền như nhiều lãnh đạo Do Thái giáo thời Chúa Giêsu.

Điều gì làm cho Giáo hội có thể trở thành hang trộm cướp? Đã là trộm cướp thì có đó sự tranh giành cách bất công, phi pháp cái gì đó. Trong hàng tín hữu giáo dân thì đã từng có đó tình trạng phe phái tranh giành chức phận “làm trùm”, “làm chánh trương”. Còn với hàng giáo sĩ thì sao? Dù không phổ biến nhưng tình trạng “phủ nâng phủ”, “huyện nâng huyện”, “con ông cháu cố”, phe phái vùng miền vẫn tồn tại nơi này nơi kia. Theo cách nói của Đức ông Giuse Maria Nguyễn Thế Thoại: “Giáo hội đi trong nhân loại”, thì chuyện luồn lách, xu nịnh, quà cáp xem ra ít nhiều vẫn còn đó, nếu thực tâm thú nhận.

Phải thanh tẩy Giáo hội liên lỷ và nhiều khi cần có những người can đảm bày tỏ sự phẫn nộ công khai. Và điều như tất nhiên, người nhiệt thành vì nhà Chúa, vì Giáo Hội đều phải gánh lấy sự bách hại như Thầy chí thánh Giêsu. Lịch sử Giáo hội cho ta thấy hiện thực này. Cuộc đời các thánh, nhất là các thánh có công thanh tẩy, canh tân Giáo hội chẳng hạn như Đaminh, Phanxicô khó khăn, Tôma Aquinô, Têrêxa Avila, Gioan Thánh Giá… thường bị bách hại do bởi người trong nhà. Và gần đây, các thần học gia có công lớn góp phần cho Công Đồng Vaticanô II canh tân Giáo hội như Yves Congar, Marie-Dominique Chenu… cũng lao đao khốn khổ tư bề. Chuyện thật dễ hiểu: việc lớn thì sức nhiều, chuyện càng hệ trọng thì công khó càng cao.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây