TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật I Mùa Vọng – Năm C

“Giờ cứu rỗi các con đã gần đến” (Lc 21, 25-28.34-36)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lời Chúa THỨ HAI TUẦN 33 THƯỜNG NIÊN

Thứ bảy - 13/11/2021 18:40 |   1094
“Anh muốn tôi làm gì cho anh?” (Lc 18, 41)

15.11.2021
THỨ HAI TUẦN 33 THƯỜNG NIÊN
Thánh Albertô Cả, Giám mục, tiến sĩ Hội Thánh

 

Lc 18, 35-43

ĐIỀU QUAN TRỌNG LÀ MUỐN

“Anh muốn tôi làm gì cho anh?” (Lc 18, 41)

Suy niệm: Trong quyển Thức Tỉnh, cha Antony de Mello chia sẻ một suy nghĩ đại ý thế này: Con người đi tìm hạnh phúc, nhưng không muốn sống hạnh phúc. Cũng giống như chúng ta đi tìm sự thật, nhưng chúng ta không muốn sống chân thật. Như thế, “muốn” rất quan trọng, là điểm bắt đầu của sự biến đổi. Cũng vậy, Chúa Giêsu làm cho chúng ta trở nên đáng yeu hơn, đời sống chúng ta sẽ tốt đẹp hơn nếu chúng ta đáp lại: Con muốn. “Anh muốn tôi làm gì cho anh? – Lạy Ngài, xin cho tôi được thấy.” Và phép lạ đã xảy ra. “Anh hãy thấy đi! Lòng tin của anh đã cứu chữa anh.” Phép lạ xảy ra nhờ sự thành tâm, lòng khao khát muốn được chữa lành của anh. Đám đông không dập tắt được tiếng kêu van của anh, cuộc sống tự lập của ngày mai không làm anh chùn bước, vì quả thật, anh muốn được chữa lành.

Mời Bạn: Bạn có một thói xấu thâm căn cố đế, bạn còn khao khát muốn sửa đổi không? Mong muốn Chúa thay đổi tấm lòng của mỗi thành viên để gia đình được thuận hòa, bạn có còn tha thiết nài xin, và cầu nguyên liên lỉ chưa? Chúa nói: “Lòng tin của con cứu chữa con.” Ước mong tất cả chúng ta hết lòng tin Chúa.

Sống Lời Chúa: Tôi sẽ tha thiết cầu nguyện để cầu xin Chúa ban ơn lành cho cho Giáo Hội, thế giới, gia đình, hay cho một người nhờ tôi cầu nguyện.

Cầu nguyệnLạy Chúa! Rất nhiều lần con đã sai lỗi nhưng lại chấp nê không muốn được Chúa chữa lành. Vì thế con cứ ở lỳ trong tội và không được hạnh phúc. Xin cho con một lần dám mạnh dạn thưa: “Con muốn” để con được Chúa chữa lành. Amen.

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
THỨ HAI TUẦN 33 THƯỜNG NIÊN

Ca nhập lễ

Chúa phán: Ta nghĩ đến bình an, chớ không nghĩ đến gian khổ; các người kêu cầu Ta, và Ta nhậm lời các ngươi, Ta dẫn dắt các ngươi từ mọi nơi các người bị nô lệ trở về.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Thiên Chúa là nguồn phát sinh mọi điều thiện hảo, được phụng sự Chúa quả là một hạnh phúc tuyệt vời: xin cho chúng con tìm được niềm vui khi hết dạ trung thành với Chúa. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: (Năm I) 1 Mcb 1, 11-16. 43-45. 57-60. 65-67

“Dân Israel phải chịu một cơn thịnh nộ khủng khiếp”.

Trích sách Macabê quyển thứ nhất.

Trong những ngày ấy, bởi dòng các vua Hy-lạp sinh ra một mầm mống tội lỗi, là Antiôcô Êpiphan, con vua Antiôcô, trước kia bị bắt làm con tin tại Rôma; năm vương quốc Hy-lạp một trăm ba mươi bảy, ông lên ngôi vua.

Thời đó từ Israel cũng xuất hiện một số người bất lương mê hoặc được nhiều người, chúng nói rằng: “Này, ta hãy giao ước với các dân ở chung quanh chúng ta, vì từ ngày chúng ta đoạn giao với các dân ấy, chúng ta đã gặp nhiều tai hoạ”. Họ cho lời nói ấy là đúng. Một số trong dân chúng hối hả đi yết kiến nhà vua và được nhà vua cho phép tuân giữ các luật lệ của dân ngoại. Họ liền xây cất một thao trường ở Giêrusalem theo tập quán của dân ngoại; họ tìm cách huỷ bỏ vết tích của phép cắt bì, chối bỏ Giao Ước thánh để rồi giao ước với kẻ ngoại. Họ tự bán mình để làm sự dữ.

Vua Antiôcô ra chiếu chỉ khắp nước truyền cho mọi dân hợp thành một dân và mỗi dân phải bỏ tục lệ riêng mình; tất cả các dân ngoại đều tuân lệnh nhà vua. Nhiều người Israel cũng sẵn sàng theo việc phượng tự của nhà vua, họ liền hiến tế cho ngẫu tượng và phế bỏ ngày sabbat.

Ngày rằm tháng Kislêu, năm một trăm bốn mươi lăm, vua Antiôcô đặt một ngẫu tượng ghê tởm ngay trên bàn thờ dâng của lễ toàn thiêu. Người ta cũng lập nhiều bàn thờ khác trong các thành lân cận của Giuđa: người ta đốt hương cúng tế trước cửa nhà và ở các công trường. Hễ gặp thấy sách luật nào, họ xé nát và đem đốt đi. Nếu người ta bắt gặp sách giao ước trong nhà người nào hoặc bắt gặp kẻ nào giữ Luật Chúa, thì kẻ ấy sẽ bị xử tử theo đúng chiếu chỉ của nhà vua. Nhưng cũng có nhiều người Israel tỏ ra kiên quyết, và nhất định không ăn của gì dơ nhớp; họ thà chết chẳng thà làm cho mình ra ô uế bởi của ăn dơ và phạm đến Giao Ước thánh, và quả thực họ đã chết. Dân Israel phải chịu một cơn thịnh nộ khủng khiếp.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 118, 53. 61. 134. 150. 155. 158

Ðáp: Lạy Chúa, xin bảo toàn cho con sống, và con sẽ tuân giữ lời nghiêm huấn của Ngài

Xướng: Con nổi cơn uất hận vì những người tội lỗi, bọn chúng bỏ rơi luật pháp của Ngài.

Xướng: Thừng chão bọn ác nhân đã trói buộc con, nhưng con chẳng lãng quên luật pháp của Ngài.

Xướng: Xin Chúa cứu con khỏi người ta áp bức, để con tuân giữ các huấn lệnh của Ngài. –

Xướng: Những kẻ bách hại con cách độc ác đang tiến lại gần, bọn chúng sống xa pháp luật của Chúa.

Xướng: Ơn cứu độ của Chúa xa bọn ác nhân, vì chúng chẳng lo giữ những thánh chỉ của Ngài.

Xướng: Nhìn thấy những kẻ phản bội mà con chán nản, vì chúng không tuân giữ lời sấm của Ngài.

Bài Ðọc I: (Năm II) Kh 1, 1-4; 2, 1-5a

“Hãy nhớ lại ngươi đã sa sút từ mức nào và hãy hối cải”.

Khởi đầu sách Khải Huyền của Thánh Gioan Tông đồ.

Mạc khải của Ðức Giêsu Kitô mà Thiên Chúa đã ban cho Người, để Người tỏ cho các tôi tớ Người các điều sắp xảy ra. Vậy Người đã sai thiên thần loan báo cho tôi tớ người là Gioan, và Gioan làm chứng rằng tất cả những gì ông đã thấy là lời của Thiên Chúa và lời chứng của Ðức Giêsu Kitô. Phúc cho ai đọc và nghe các lời tiên tri này, cùng tuân giữ những điều đã chép trong đó, vì thời giờ đã gần.

Gioan kính gởi bảy Giáo đoàn ở Tiểu Á. Nguyện chúc ân sủng và bình an cho anh em do từ Ðấng đang có, đã có và sẽ đến và do từ bảy thần linh đứng trước ngai của Người.

Tôi nghe Chúa phán bảo tôi: “Hãy viết cho thiên thần Giáo đoàn Êphêxô rằng: ‘Ðây là lời của Ðấng cầm bảy ngôi sao trong tay hữu và đi giữa bảy chân đèn bằng vàng. Ta biết việc làm của ngươi nổi bật và lòng kiên nhẫn của ngươi; Ta biết ngươi không thể dung kẻ bất lương; ngươi đã thử thách những kẻ tự cho mình là tông đồ, mà kỳ thực thì không phải, nhưng ngươi đã thấu rõ họ là hạng gian dối. Ngươi có lòng kiên nhẫn, ngươi đã chịu đựng vì danh Ta mà không sờn lòng. Nhưng Ta trách ngươi điều này, là ngươi đã bỏ lòng yêu mến thuở ban đầu. Vậy hãy nhớ lại xem ngươi đã sa sút từ mức nào, hãy ăn năn hối cải và làm lại những việc thuở ban đầu’ “.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 1, 1-2. 3. 4 và 6

Ðáp: Ta sẽ cho kẻ thắng trận ăn trái cây sự sống (Kh 2, 7b).

Xướng: Phúc cho ai không theo mưu toan kẻ gian ác, không đứng trong đường lối những tội nhân, không ngồi chung với những quân nhạo báng, nhưng vui thoả trong lề luật Chúa, và suy ngắm luật Chúa đêm ngày. – Ðáp.

Xướng: Họ như cây trồng bên suối nước, trổ sinh hoa trái đúng mùa: lá cây không bao giờ tàn úa. Tất cả công việc họ làm đều thịnh đạt. – Ðáp.

Xướng: Kẻ gian ác không được như vậy: họ như vỏ trấu bị gió cuốn đi, vì Chúa canh giữ đường người công chính, và đường kẻ gian ác dẫn tới diệt vong. – Ðáp.

Alleluia: Lc 16, 31

Alleluia, alleluia! – Các con hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, để có thể xứng đáng đứng vững trước mặt Con Người. – Alleluia.

Hoặc đọc: Alleluia, alleluia! Chúa nói: Tôi là ánh sáng thế gian. Ai theo tôi sẽ nhận được ánh sáng đem lại sự sống. – Alleluia.

Phúc Âm: Lc 18, 35-43

“Ngươi muốn Ta làm gì cho ngươi? – Lạy Ngài, xin cho tôi được xem thấy”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi Chúa đến gần thành Giêricô, thì có một người mù ngồi ăn xin bên vệ đường. Khi nghe tiếng đám đông đi qua, anh liền hỏi có chuyện gì đó. Người ta nói cho anh biết có Ðức Giêsu Nazareth đang đi qua. Bấy giờ anh liền kêu lên rằng: “Lạy ông Giêsu con vua Ðavít, xin thương xót tôi!” Những người đi trước mắng bảo anh nín đi, nhưng anh lại càng kêu lớn tiếng hơn: “Lạy con vua Ðavít, xin thương xót tôi!” Vậy Chúa Giêsu dừng lại, truyền dẫn anh đến cùng Người. Khi anh đến gần bên Người, Người hỏi anh: “Ngươi muốn Ta làm gì cho ngươi?” Anh thưa: “Lạy Ngài, xin cho tôi được xem thấy”. Chúa Giêsu bảo anh: “Hãy nhìn xem, lòng tin của ngươi đã cứu chữa ngươi”. Tức khắc anh thấy được và anh đi theo Người, và ca tụng Thiên Chúa. Thấy vậy toàn dân liền ca ngợi Thiên Chúa.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, chúng con thành kính dâng lên Chúa lễ vật này, xin vui lòng chấp nhận, và giúp chúng con trung thành phụng sự Chúa, để mai ngày đạt tới phúc trường sinh. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Việc tôi kết hợp với Thiên Chúa, và việc tôi đặt niềm cậy trông vào Chúa là Thiên Chúa, thì tốt đẹp biết bao.

Hoặc đọc:

Chúa phán: Thầy bảo thật các con: Tất cả những gì các con cầu xin, hãy tin rằng các con sẽ được, thì các con sẽ được những điều đó.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, chúng con vừa cử hành lễ tế tạ ơn để tưởng nhớ Ðức Kitô Con Chúa, như lời Người truyền dạy, và chúng con đã được rước Mình và Máu Thánh Người; cúi xin Chúa nhận lời chúng con khẩn nguyện và ban cho chúng con được thêm lòng yêu mến. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

ÁNH SÁNG ĐỨC TIN (Lc 18, 35-43)
Giuse Vinhsơn Ngọc Biển SSP

Có một câu chuyện kể về hai người đàn bà điếc: buổi sáng nọ, một trong hai bà hỏi người kia rằng: “Chị đi chợ à?”, vì điếc, nên không hề nghe thấy người kia hỏi gì, chỉ nhìn miệng và đoán ý mà thôi. Tuy nhiên, người này đã đoán đúng ý và đáp lại: “Vâng! Em đi chợ”. Bà kia thốt lên: “Thế mà em cứ tưởng là chị đi chợ!”. Câu chuyện thật buồn cười, nhưng đây là cuộc sống thực của những người điếc nói chuyện với nhau.

Cuộc đời, sứ vụ và lời rao giảng của Đức Giêsu cũng bị các môn đệ hiểu sai, nên không lạ gì khi Ngài nói một đàng, các ông hiểu một nẻo theo kiểu: “Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”!

Con mắt tâm linh, đức tin của các ông không còn đủ độ nhạy bén để nhận ra Thầy của mình là Thiên Chúa và Ngài đến để loan báo về triều đại của Thiên Chúa chứ không thiết lập một đất nước và vương quốc theo kiểu trần gian. Như vậy, mắt thể lý của các  ông thì sáng, nhưng con mắt tâm linh thì lại mù.

Biết được cách nhìn và lối hiểu sai lạc của các tông đồ, nên Đức Giêsu đã tìm mọi cách để giúp cho các ông hiểu rõ sứ vụ của mình mà mai đây chính họ là những người tiếp bước, vì thế, Ngài quyết định đi lên thành Giêrusalem để thực hiện sứ vụ cứu chuộc nhân loại bằng chính cái chết.

Trên hành trình ấy, Đức Giêsu đã gặp anh mù thành Giêricô. Lạ lùng thay, những người sáng mắt thì không nhận ra Đức Giêsu là Đấng Cứu Thế, còn anh mù, anh ta lại nhận ra Đức Giêsu chính là Đấng Giải Thoát! Khi gặp Ngài, anh ta đã biểu lộ niềm tin tuyệt đối khi cất tiếng kêu xin: “Lạy Con Vua Đavít, xin thương xót con”. Thấy được sự tín thác của anh, Đức Giêsu đã ra tay cứu giúp khi phán: “Đức Tin của anh đã cứu anh”.

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy có thái độ khiêm tốn để nhận ra Chúa như anh mù Giêricô khi xưa. Chỉ có thái độ khiêm nhường, tin tưởng tuyệt đối vào Thiên Chúa, thì con mắt đức tin của chúng ta mới thực sự sáng để xác tín và đi theo Chúa trọn vẹn.

Câu hỏi của Đức Giêsu với anh mù thành Giêricô khi xưa cũng là câu hỏi cho mỗi người chúng ta hôm nay: “Anh muốn Tôi làm gì cho anh?”. Khi được hỏi như thế, chúng ta sẽ trả lời Chúa như thế nào? Mong được khỏi bệnh? Được giàu có? Được sung sướng? Hay mong cho được ơn nghĩa đức tin?

Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa cho chúng con được thêm niềm xác tín mạnh mẽ nơi Chúa như anh mù khi xưa. Xin cho chúng con được biến đổi nhờ được gặp Chúa. Amen.
 

LẠY CHÚA XIN THƯƠNG XÓT CON
 

(Thứ Hai sau Chúa Nhật XXXIII TN- Lc18,35-43) Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

Câu chuyện Chúa Giêsu chữa lành cho anh mù thành Giêricô Giáo hội cho chúng ta nghe trích đọc vào Chúa Nhật XXX TN theo Tin Mừng thánh Maccô. Nay sau ba tuần chúng ta lại được nghe câu chuyện này theo thánh sử Luca tường thuật. Các chi tiết câu chuyện không khác gì nhau, dù thánh sử Luca không nói rõ tên của người mù là Bactimê con ông Timê như thánh sử Maccô (x.Mc 10,46-52). Trong khi đó theo Tin Mừng thánh Matthêu tường thuật thì có đến hai người mù và chi tiết thì ít hơn (x.Mt 20,29-34). Bỏ qua những điểm khác nhau, xin có đôi cảm nghĩ về những điểm chung giữa ba bài tường thuật của các thánh sử Tin Mừng Nhất Lãm.

1. Nghe tin Chúa Giêsu đi ngang qua thì (hai) người mù kêu lên: “Lạy Ngài (ông Giêsu), Con vua Đavít, xin thương xót (chúng) tôi”. Khi một người cất lên lời: “xin thương xót tôi” là họ không chỉ ý thức mà còn cảm nghiệm sâu xa sự khốn khổ, bất hạnh cùng cực mà mình đang gánh chịu. Đây là nỗi khốn cùng mà bản thân họ đang bất lực và tha nhân cũng đành bó tay không thể giải gở. Chỉ có Thiên Chúa hay Đấng Người sai đến (Đấng Thiên Sai) mới có thể cứu chữa họ khỏi nỗi bất hạnh khốn khổ này. Trong đức tin Kitô giáo thì chỉ có tội lỗi mới thực là nỗi khốn cùng nhất. Chính vì thế lời khẩn xin: “Xin Chúa thương xót chúng con” (Kyrie, eleison - Lord, have mercy – Seigneur, prends pitié) trước tiên là lời thú nhận về tình trạng bất lực của mình trước món nợ vượt quá khả năng chi trả, tức là tội lỗi (x.Mt 6,12). Đồng thời lời khẩn xin này còn là lời tuyên xưng đức tin rằng chỉ có một mình Thiên Chúa mới có quyền tha tội, giải thoát nhân loại chúng ta ra khỏi cảnh tình khốn cực bi thương (x.Mc 2,7).

2. Cả ba Tin Mừng Nhất lãm đều tường thuật chi tiết là đám đông dân chúng quát nạt người mù im đi. Dễ dàng đoán rằng số người có thiện ý đến báo tin cho người mù biết Đức Giêsu đang đi qua có lẽ nhỏ hơn số người quát nạt bảo im đi. Hầu chắc những người quát nạt không hẳn là có dã tâm nhưng rất có thể họ đang đặt niềm vui, sự hào hứng hay lợi ích gì đó của họ khi đi theo Chúa Giêsu lên trên nỗi bất hạnh của người mù. Và họ đã chưng hửng trước thái độ của Chúa Giêsu, Đấng yêu thương mọi người, nhưng không bao giờ bỏ qua một tâm hồn bé mọn đang cần đến lòng thương xót của mình. Sẽ chẳng bao giờ có mùa xuân nếu không có từng cánh én nhỏ được nâng lên trên bầu trời xanh. Đức Phật dạy: “cứu một mạng người thì hơn xây bảy tòa tháp (ngôi chùa)”. Với Chúa Giêsu thì tìm được một con chiên thất lạc cả thiên giới vui mừng hơn là vì 99 con khác không thất lạc (x.Lc 15,7).

3. “Anh muốn Ta làm gì cho anh? -Xin cho tôi được thấy”. Có phải Chúa Giêsu hỏi một câu “hơi bị thừa” không? Dĩ nhiên không chỉ Chúa Giêsu mà cả đám đông hôm ấy thừa hiểu ước muốn của người mù. Thế nhưng khi hỏi câu ấy và đợi câu trả lời của anh mù thì Chúa Giêsu một mặt giúp anh ta trân quý một chi thể được ví như “cửa sổ của tâm hồn” và mặt khác Người nhắc nhở đám đông rằng dù họ đang có mắt nhưng chưa chắc đã là thấy tức là nhìn nhận sự vật hiện tượng với tâm hồn trong sáng, lành mạnh, ngay thẳng và đầy lòng nhân. Cụ thể là hôm ấy có biết bao người chưa thấy được nỗi khổ của đồng loại nơi người ngồi ăn xin mù lòa.

“Lạy Chúa, xin thương xót con. Lạy Chúa, xin cho con được thấy”. Xin thương xót con vì con đã không thấy nỗi khổ về thể lý và nhất là về tinh thần của nhiều người đang vương cảnh dịch bệnh. Xin thương xót con vì con đã không thấy nhiều quan chức lớn bé đối xử với người nhiễm bệnh như là người có tội, như là người phung cùi. Xin thương xót con vì đã không thấy nhiều chính sách chống dịch thiếu tình người và nhiều khi vừa thái quá, vừa bất cập và cả bất công. Nói với các em thiếu nhi rằng khi đi đường chúng con thấy một viên đá lớn ở giữa đường mà chúng con đi luôn thì đã là thấy chưa và các em đồng thanh trả lời là chưa. Biết dừng lại lượm viên đá, bỏ vào lề đường để người khác đi khỏi bị vấp mới thực sự gọi là thấy.

Xét mình lại xem phản ứng của mình trước các hiện tượng từ trong gia đình ra ngoài xã hội và cả trong Giáo hội thì sẽ biết mình có thấy hay không hay là có mắt vẫn như mù. “Lạy Chúa xin thương xót con, xin cho con được thấy”. Lời khẩn xin này nói lên rằng việc mù lòa tâm hồn hay việc giả mù vì bất cứ lý do gì đều là tội lỗi, là món nợ vượt quá khả năng chi trả của chúng ta.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây