TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

CN34TNb - Đức Giêsu Kitô, Vua Vũ Trụ

“Quan nói đúng: Tôi là Vua”. (Ga 18, 33b-37)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lời Chúa THỨ TƯ TUẦN 28 THƯỜNG NIÊN

Thứ hai - 11/10/2021 18:46 |   1277
“Các người nộp thuế thập phân về bạc hà, vân hương và đủ thứ rau cỏ, mà xao lãng lẽ công bình và lòng yêu mến Thiên Chúa.” (Lc 11, 42)
13/10/2021

THỨ TƯ TUẦN 28 THƯỜNG NIÊN
 

t4 t28 tnB

Lc 11, 42-46

 

SỐNG CÔNG BẰNG YÊU THƯƠNG

Các người nộp thuế thập phân về bạc hà, vân hương và đủ thứ rau cỏ, mà xao lãng lẽ công bình và lòng yêu mến Thiên Chúa.” (Lc 11, 42)

Suy niệm: “Không ít bạn trẻ vì muốn ‘long lanh’ hơn dưới mắt bạn bè đã khoác lên mình nhiều loại ‘nước sơn’ vật chất dễ dàng ‘bong tróc’, ” Thái Bình nhận định trên báo Tuổi Trẻ ngày 2/9 vừa qua. Không chỉ các bạn trẻ mà nhiều người ngày nay cũng sính mua sắm hàng hiệu, xe đời mới, điện thoại di động đắt tiền, v.v… để khẳng định mình là đẳng cấp khác biệt, là sành điệu. Ngay cả trong đời sống tôn giáo, nhiều người cũng có xu hướng chuộng hình thức, làm đầy đủ các nghi lễ bề ngoài rình rang cho mọi người thấy: đi nhà thờ đều đặn, thường xuyên đọc Kinh Thánh, lần hạt, làm việc bác ái… nhưng bên trong tâm hồn họ có thể là tối tăm như địa ngục, có thể là thiếu hẳn tình yêu thương và đức công bình, bởi lẽ tâm hồn họ chất chứa tính kiêu ngạo, khinh người, đối xử bất công với đồng loại… Chúa đã lên án lối sống vụ hình thức đó, và đề cao một lối sống công bình và yêu thương phục vụ.

Mời Bạn: Biết bao lần bạn đã vô tình hay cố ý chạy theo trào lưu xã hội chuộng hình thức bên ngoài; còn việc sống đạo thì chỉ dừng lại ở mức tối thiểu: làm cho vừa đủ những điều khoản luật buộc mà thôi. Nếu như thế bạn đã bỏ quên căn tính cốt lõi của lề luật là công bình và yêu thương rồi đó.

Sống Lời Chúa: Xác tín việc thực thi công bình và phục vụ trong yêu thương là cốt lõi của việc sống đạo và loan báo Tin Mừng.

Cầu nguyệnLạy Chúa, xin dạy con biết sống quảng đại, biết phụng sự Chúa cho xứng đáng, biết cho đi mà không cần tính toán. Amen.

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
THỨ TƯ TUẦN 28 THƯỜNG NIÊN


Ca nhập lễ

Lạy Chúa, lạy Chúa, nếu Chúa nhớ hoài sự lỗi, nào ai chịu nổi được ư? Vì lạy Thiên Chúa Is-ra-el, Chúa thường rộng lượng thứ tha.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng ước gì ân sủng Chúa vừa mở đường cho chúng con đi, vừa đồng hành với chúng con luôn mãi, để chúng con sốt sắng thực hành những điều Chúa truyền dạy, Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: (Năm I) Rm 2, 1-11

“Người sẽ trả lại cho ai nấy theo công việc họ đã làm, trước là những người Do-thái, sau là những người Hy-lạp”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.

Hỡi con người kia, hễ ngươi xét đoán, thì ngươi không thể chữa mình được đâu. Vì ngươi xét đoán kẻ khác thế nào, thì ngươi tự lên án mình như vậy: bởi lẽ ngươi cũng phạm điều ngươi lên án. Chúng ta đều biết Thiên Chúa căn cứ theo chân lý mà xét đoán những kẻ hành động như thế.

Hỡi con người kia, ngươi xét đoán những kẻ hành động thể ấy, mà chính mình ngươi cũng làm, ngươi nghĩ rằng: ngươi thoát khỏi án phạt của Thiên Chúa được sao? Hay là ngươi khinh thị lòng nhân hậu, nhẫn nại và khoan dung của Người? Ngươi chẳng biết rằng lòng nhân lành của Thiên Chúa phải thối thúc ngươi hối cải sao?

Thật bởi lòng ngươi chai đá, không chịu hối cải, ngươi chỉ tích trữ cho mình cơn thịnh nộ trong ngày thịnh nộ, ngày sẽ tỏ ra thẩm phán công bình của Thiên Chúa, Ðấng sẽ trả lại cho ai nấy tuỳ theo công việc họ đã làm, vì hễ những ai bền đỗ làm lành, tìm kiếm vinh quang, danh dự và ơn bất tử, thì sẽ được sống đời đời; còn những ai ương ngạnh, không vâng phục chân lý, mà lại tin theo sự gian ác, thì sẽ gặp cơn thịnh nộ và giận dữ.

Hễ kẻ nào làm sự dữ, thì mắc phải gian nan phiền muộn, trước là những người Do-thái, sau là những người Hy-lạp: vì Thiên Chúa không thiên tư tây vị ai cả.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 61, 2-3. 6-7. 9

Ðáp: Lạy Chúa, Chúa sẽ trả công mỗi người theo như việc họ làm (c. 13b).

Xướng: Duy nơi Thiên Chúa, linh hồn tôi được an vui; do chính mình Người, tôi được ơn cứu độ. Phải, chính Chúa là Ðá tảng, là ơn cứu độ của tôi, Người là chiến luỹ của tôi, tôi sẽ không hề nao núng. 

Xướng: Nơi Thiên Chúa, linh hồn tôi ơi, hãy an vui, vì do Người, tôi được điều tôi trông đợi. Phải, chính Chúa là Ðá tảng, là ơn cứu độ của tôi, Người là chiến luỹ của tôi, tôi sẽ không hề nao núng.

Xướng: Hỡi dân tộc, hãy trông cậy Người luôn mọi lúc, hãy đổ giốc niềm tâm sự trước nhan Người, vì Thiên Chúa là nơi ta nương náu. 

Bài Ðọc I: (Năm II) Gl 5, 18-25

“Những ai thuộc về Ðức Kitô, thì đóng đinh xác thịt cùng với các dục vọng vào thập giá”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Galata.

Anh em thân mến, nếu anh em được Thánh Thần hướng dẫn, anh em không còn ở dưới chế độ lề luật nữa. Vả chăng người ta thừa hiểu sự nghiệp của xác thịt là: tà dâm, ô uế, phóng đãng, buông tuồng, thờ lạy thần tượng, phù phép, thù hằn, kình địch, ghen tương, giận dữ, cãi lẫy, bất bình, bè phái, giết người, say sưa, mê ăn uống, và những điều khác giống như vậy. Tôi bảo trước cho anh em hay, như tôi đã từng nói rằng: hễ những ai phạm các điều lỗi đó, sẽ không được thừa hưởng Nước Thiên Chúa.

Còn hoa quả của Thánh Thần là: yêu thương, vui mừng, bình an, nhẫn nại, nhân từ, hiền lành, khoan dung, dịu hiền, trung trực, đức hạnh, tiết độ, trinh khiết. Lề luật không chống lại các điều ấy. Vả chăng, những ai thuộc về Ðức Kitô, thì đã đóng đinh xác thịt cùng với các dục vọng và đam mê vào thập giá. Nếu chúng ta sống nhờ Thánh Thần, chúng ta cũng hãy ăn ở theo Thánh Thần.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 1, 1-2. 3. 4 và 6

Ðáp: Lạy Chúa, ai theo Chúa sẽ được ánh sáng ban sự sống (c. Jo 8,12).

Xướng: Phúc cho ai không theo mưu toan kẻ gian ác, không đứng trong đường lối những tội nhân, không ngồi chung với những quân nhạo báng, nhưng vui thoả trong lề luật Chúa, và suy ngắm luật Chúa đêm ngày. 

Xướng: Họ như cây trồng bên suối nước, trổ sinh hoa trái đúng mùa; lá cây không bao giờ tàn úa. Tất cả công việc họ làm đều thịnh đạt. 

Xướng: Kẻ gian ác không được như vậy, họ như vỏ trấu bị gió cuốn đi; vì Chúa canh giữ đường lối người công chính, và đường kẻ gian ác dẫn tới diệt vong. 

Alleluia: Mt 4, 4b

Alleluia, alleluia! – Người ta sống không nguyên bởi bánh, nhưng bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra. – Alleluia.

Phúc Âm: Lc 11, 42-46

“Khốn cho các ngươi, hỡi những người biệt phái, và khốn cho các ngươi, hỡi những tiến sĩ luật”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa phán rằng: “Khốn cho các ngươi, hỡi những người biệt phái! Vì các ngươi nộp thuế thập phân, bạc hà, vân hương, và các thứ rau, mà lại bỏ qua đức công bình và lòng yêu mến Thiên Chúa: Phải thi hành những điều này, và không được bỏ những điều kia. Khốn cho các ngươi, hỡi những người biệt phái! Vì các ngươi ưa thích ngồi ghế nhất trong các hội đường, và ưa thích được chào hỏi ngoài phố chợ. Khốn cho các ngươi, vì các ngươi giống những mồ mả không rõ rệt, người ta bước đi ở trên mà không hay biết!”

Có một tiến sĩ luật trả lời Người rằng: “Thưa Thầy, Thầy nói như thế là Thầy sỉ nhục cả chúng tôi nữa”. Người đáp lại rằng: “Hỡi những tiến sĩ luật, khốn cho các ngươi nữa! Vì các ngươi chất lên người ta những gánh nặng không thể vác được, mà chính các ngươi dù một ngón tay cũng không động tới”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin chấp nhận những lời cầu xin và lễ vật chúng con dâng tiến, để làm cho thánh lễ chúng con đang sốt sắng cử hành mở đường dẫn chúng con tới quê trời vinh hiển. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Bọn giàu sang đã sa cơ nghèo đói; nhưng người tìm Chúa chẳng thiếu chi thiện hảo.

Hoặc đọc:

Khi Chúa tỏ mình ra, thì chúng ta sẽ giống như Người, vì Người thế nào, chúng ta sẽ thấy như vậy.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng cao cả. Chúa đã lấy Mình và Máu Ðức Kitô làm của ăn nuôi dưỡng chúng con; chúng con nài xin Chúa cho chúng con được chia sẻ chức vị làm con Chúa với Người, Người hằng sống và hiển trị muôn đời…

Suy niệm

HÃY THI HÀNH TRƯỚC, DẠY NGƯỜI KHÁC SAU (Lc 11 , 42- 46)
Giuse Vinhsơn Ngọc Biển SSP

Bài Tin Mừng hôm nay đặt trong khung cảnh của một bữa ăn tại nhà một người Pharisêu.

Đức Giêsu được mời dự tiệc và Ngài đã bị các người Pharisêu để ý đến việc Ngài không rửa tay trước khi ăn. Họ bắt bẻ Đức Giêsu và cho rằng Ngài bỏ qua tập tục của tiền nhân… Tuy nhiên, lại một lần nữa, Ngài đã tố cáo lối sống bề ngoài của họ.

Thật vậy, những người người Pharisêu thì chỉ lo giữ luật theo mặt chữ, còn thực chất tinh thần thì đã chết khi họ nhất nhất bám vào từng dấu chấm, dấu phẩy. Họ sống vì luật, nên chỉ quan tâm đến chuyện đúng sai bề ngoài, không hề có sự công bằng và yêu thương. Họ luôn coi trọng hình thức trước đám đông ,vì thế, luôn thích được chào hỏi nơi công cộng.

Bên cạnh đó, những Tiến Sĩ Luật cũng bị khiểm trách nặng nề vì họ luôn bắt người khác phải làm chuyện này chuyện kia… nhưng thực ra bản thân họ thì không hề có một chút gì quan tâm đến việc phải làm nơi mình. Họ chất lên vai người ta đủ thứ, còn chính họ thì dù chỉ một chút nhỏ cũng không hề đụng ngón tay vào.

Ngày hôm nay, trong xã hội, người ta ít quan tâm đến việc đạo đức! Nếu có ai thực tâm sống tốt lành thì sẽ bị người ta dè bửu… Ngược lại, họ quan tâm đến kiến thức, coi trọng việc đào tạo trí thức, hay kỹ thuật để sau này kiếm sao được nhiều tiền chứ không mảy may quan tâm đến chuyện kiếm tiền như thế nào cho phù hợp với lương tâm. Nói cách khác, xã hội và con người ngày hôm nay quan tâm đến cái đầu chứ đâu có màng chi đến trái tim! … Như vậy, lối sống hình thức, giả tạo là điều đương nhiên có mặt trong thời buổi này; đồng thời sự vô cảm, dửng dưng, bất nhân xuất hiện nhan nhản trong xã hội là lẽ thường tình.

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy biết coi trọng tiếng nói của Lương Tâm. Biết quan tâm đến đời sống nội tâm hơn là hình thức. Biết sống liên đới và lo cho anh chị em của mình được hạnh phúc thực sự. Biết nêu gương sáng trong đời sống hằng ngày trước khi hướng dẫn ai đó về đường đạo đức.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con hiểu rằng: với Chúa, bề ngoài không nhất thiết quan trọng, nhưng điều cần thiết chính là bề trong, nơi sâu thẳm tâm hồn. Xin cho chúng con được sống theo đường lối của Chúa muốn. Amen.
 

DIỄN GIẢI - VẼ VỜI
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

 

“Khốn cho các ngươi nữa, hỡi các nhà thông luật! Các người chất lên vai kẻ khác những gánh nặng không thể gánh nổi, còn chính các ngươi, thì dù một ngón tay cũng không đụng vào” (Lc 11, 46). Những lời lẽ gay gắt trên đây của Chúa Giêsu là nhắm đến giới kinh sư hay còn gọi là luật sĩ Do Thái giáo thời bấy giờ. Họ là những ai? Thưa là những vị thông thuộc Thánh Kinh đang nắm giữ nhiều vai vị cao trong Do Thái giáo. Họ đúng thật là các chuyên gia Kinh Thánh và đảm nhận vai trò giảng dạy dân chúng. Trong giáo hội Công giáo thì có thể xem tương đương như những thần học gia và các giám mục vốn được gọi là đấng “làm thầy dạy chân lý”. Xin có vài thiển ý về lời phê phán nghiêm khắc của Chúa Cứu Thế.

Chân lý xét như là chính nó (cái thực, điều đúng) thì trong sáng và khách quan. Tuy nhiên thực tiễn cho thấy do bởi sự khác nhau của các cách thế tiếp cận chân lý và lối trình bày diễn giải chân lý vì thế nhiều khi hóa thành rối rắm, bất nhất và dễ xa rời sự thật. Chuyện ngụ ngôn về các ông mù sờ voi là một đan cử. Những bản tường thuật các sự kiện trên thông tin quê nhà Việt Nam cũng cho thấy điều này chẳng hạn như chuyện “gạt tay trúng má, giơ chân chạm người…”.

Chước cám dỗ của tổ tiên xưa mà Thánh Kinh trình bày qua câu chuyện “Sáng thế” mãi còn đó với nhân loại mọi thời. Tội của Ađam-Evà không phải là muốn tìm hiểu chân lý, phân biệt điều đúng sai, phải trái, vì đây là điều chính đáng và phải đạo, đạo làm người. Tội của hai ông bà là muốn tự mình khẳng định chân lý theo quan điểm (góc nhìn) của mình và dĩ nhiên trên các tiêu chí chủ quan của mình. Và như thế cách mặc nhiên tổ tiên loài người tự cho mình là chủ của chân lý. Chước cám dỗ này càng tinh vi hơn khi ẩn nấp trong các kiểu cách diễn giải chân lý và áp dụng chân lý vào các hoàn cảnh cụ thể.

Sự sai lầm của nhiều nhà tiến sĩ luật thời Chúa Giêsu là ở điểm này. Việc giải thích hay cách áp dụng chân lý chỉ là những phương thế phục vụ chân lý thế nhưng nhiều khi vì quá chi li nên không chỉ đi lệch xa trọng tâm chân lý mà còn vô tình hay hữu ý đặt chúng trên cả chân lý. Chúa Giêsu đã từng lên án các tiến sĩ luật bấy giờ vì họ đã đề cao truyền thống là luật lệ của họ mà bỏ qua lề luật của Thiên Chúa vốn là chính chân lý (x.Mc 7,1-13). Đây là tình trạng mà Chúa Giêsu gọi là: “gạn lọc con muỗi nhưng lại nuốt con lạc đà” (Mt 23,24).

Khi diễn giải chân lý cách quá chi ly và vẽ vời quá chi tiết các kiểu áp dụng chân lý thì chúng ta sẽ dễ rơi vào chước cám dỗ làm những điều ấy vì “lợi ích của bản thân hay của tập thể mình”. “Lợi ích nhóm” là cụm từ đang phổ thông hiện nay nói về tình trạng nhiều người nắm quyền ra các cơ chế, luật lệ thường là có lợi cho tập thể của họ hơn là để phục vụ người dân. Chúa Giêsu đã minh nhiên vạch trần sự sai trái của nhiều tiến sĩ luật: “Khốn cho các ngươi, hỡi những kẻ dẫn đường đui mù! Vì các ngươi nói rằng: Ai lấy đền thờ mà thề, thì không có giá trị gì, nhưng ai lấy vàng trong đền thờ mà thề, thì mắc lời thề. Hỡi kẻ ngu ngốc và đui mù, chớ thì vàng hay là đền thờ thánh hoá vàng, cái nào trọng hơn? Các ngươi còn bảo rằng: Ai lấy bàn thờ mà thề, thì không giá trị gì, nhưng ai lấy của lễ để trên bàn thờ mà thề, thì mắc lời thề. Hỡi những kẻ đui mù, chớ thì của lễ hay là bàn thờ thánh hoá của lễ, cái nào trọng hơn? (Mt 23,16-19). Đã là người thì ít nhiều cũng có khi thất hứa, lỗi lời thề. Lấy vàng, lấy của lễ mà thề thì khi sai lỗi thì phải dâng của lễ, dâng vàng mà đền tạ. Thế là những người đặt ra lề luật được hưởng lợi một cách hợp luật!

Phải chăng việc diễn giải chân lý cách chi ly và việc vẽ vời đủ thứ trong các luật lệ và lễ nghi tôn giáo đã, đang tồn tại và phát triển dưới nhiều hình thức? Xã hội càng phát triển thì các mối tương quan càng đa dạng vì thế cần có thêm nhiều cơ chế luật lệ để điều hòa. Tuy nhiên chước cám dỗ luôn còn và có đó vì ma quỷ không hề biết nghỉ ngơi. Một vị giáo sư Kinh Thánh chuyên về môn chú giải các thư thánh Phaolô hóm hỉnh với các chủng sinh đang học rằng: nếu thánh Phaolô sống lại liệu ngài có nhận ra các bức thư của ngài khi đã qua lăng kính của nhiều nhà chú giải không? Một chủng sinh dí dỏm lại: “Thưa cha giáo nếu thánh Phaolô cùng học với chúng con đây không biết ngài thi có đủ điểm trung bình không hè?” Và nếu trở lại thì chính Chúa Giêsu có nhận ra cung cách sống đức tin mà Người đã truyền cho các tông đồ và môn đệ năm xưa chăng? (x.Lc 18,8).

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây