TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật XXXII Thường Niên – Năm B

“Bà góa nghèo này đã bỏ nhiều hơn hết”. (Mc 12, 38-44)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lời Chúa THỨ BẢY TUẦN 27 THƯỜNG NIÊN

Thứ năm - 07/10/2021 14:59 |   1361
“Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa.” (Lc 11, 28)
09/10/2021

THỨ BẢY TUẦN 27 THƯỜNG NIÊN
Thánh Điônysiô, Giám mục – và các bạn tử đạo

Thánh Gioan Lêônarđô, Linh mục
 

t7 t27 tnB

Lc 11, 27-28

 

MỐI PHÚC CỦA CON CÁI CHÚA

Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa.” (Lc 11, 28)

Suy niệm: Đức Mẹ là mẫu gương tuyệt hảo cho chúng ta về việc lắng nghe và mau mắn thi hành Lời của Chúa. Mỗi lần Chúa muốn làm điều gì trên cuộc đời và bản thân của Mẹ, việc đầu tiên Mẹ làm là lắng nghe, rồi suy đi nghĩ lại để cho Lời Chúa được thai nghén, lớn lên trong Mẹ. Kết quả của việc nghiền ngẫm Lời Chúa khiến Mẹ bình an tâm và mau mắn thưa với Chúa: xin Chúa cứ làm cho tôi theo như Lời Người! Hiểu như vậy, thì Mẹ là người diễm phúc nhất trên trần đời này như lời Chúa nói: “Phúc thay ai lắng nghe và tuân giữ Lời Chúa.” 

Mời Bạn: Diễm phúc đó không chỉ dành riêng cho Mẹ Maria mà còn ban tặng cho những ai làm như Mẹ: sẵn sàng để cho Thiên Chúa hoạt động trong đời mình, và nhờ đó được biến đổi làm cho ta trở thành con người mới trong Đức Ki-tô, mang Lời Chúa trong tâm hồn và trên môi miệng để trở nên những nhà truyền giáo trong thế giới.

Chia sẻ: Bạn chưa thể giới thiệu Chúa cho anh chị em lương dân? Phải chăng vì Lời Chúa chưa được lắng nghe và thấm sâu trong cuộc sống của bạn? Mời bạn chia sẻ cảm nghiệm nhờ nghiền ngẫm Lời Chúa mà có thể giới thiệu Chúa Kitô cho anh em lương dân.

Sống Lời Chúa: Luôn dành thời gian mỗi ngày để suy niệm Lời Chúa.

Cầu nguyệnLạy Mẹ Maria, Mẹ thật diễm phúc vì Mẹ đã cưu mang, đã để cho Ngôi Lời lớn lên trong cung lòng của Mẹ mỗi ngày va rồi đã trao ban Chúa Giêsu cho nhân loại. Xin cho chúng con cũng noi gương Mẹ biết đón nhận và mau mắn đi vào sự hiệp thông với Lời Chúa qua việc giới thiệu và dẫn đưa anh chị em đến với Chúa. Amen.


BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
THỨ BẢY TUẦN 27 THƯỜNG NIÊN

Ca nhập lễ

Lạy Chúa, Chúa đã tác tạo mọi sự theo thánh ý Chúa, và không ai có thể chống lại thánh ý Chúa. Vì Chúa đã tạo thành mọi sự trên trời dưới đất, và cả những gì trong bầu trời; Chúa là Chúa tể mọi loài.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, tình thương Chúa thật là cao cả, vượt xa mọi công trạng và ước muốn của con người, xin rộng tình tha thứ những lỗi lầm cắt rứt lương tâm chúng con, và thương ban những ơn trọng đại, lòng chúng con chẳng dám mơ tưởng bao giờ. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: (Năm I) Ge 3, 12-21

“Các ngươi hãy tra lưỡi hái, vì mùa gặt đã tới”.

Trích sách Tiên tri Giôel.

Ðây Chúa phán: “Các dân hãy chỗi dậy và tiến đến đồng Giosaphát: vì Ta sẽ ngự nơi đó để phán xét mọi dân tộc chung quanh. Các ngươi hãy tra lưỡi hái, vì mùa gặt đã tới. Này, các ngươi hãy xuống đi, vì bàn ép đã đầy, các chum đã tràn, vì tội ác của chúng đã gia tăng.

“Có vô số dân tộc trong cánh đồng giết chóc: vì ngày Chúa đến trong cánh đồng giết chóc đã gần. Mặt trời mặt trăng đã ra tối tăm, các vì sao đã mất ánh sáng. Từ Sion, Chúa sẽ hét to, và từ Giêrusalem, tiếng Người sẽ vọng ra: trời đất sẽ rung chuyển và Chúa sẽ là niềm cậy trông của dân Người, là sức mạnh của con cái Israel. Các ngươi sẽ biết rằng Ta là Thiên Chúa các ngươi, đang ngự trên Sion, núi thánh của Ta: Giêrusalem sẽ là thành thánh và các ngoại kiều không còn lai vãng qua đó nữa.

“Trong ngày ấy, sẽ xảy ra là các núi sẽ nhỏ mật ngọt, các đồi sẽ chảy ra sữa; nước sẽ chảy qua các sông ở Giuđa, mạch nước từ đền thờ Chúa sẽ chảy ra tưới suối gai góc. Ai-cập sẽ trở nên hoang vu; Iđumê sẽ trở thành rừng bị tiêu huỷ: lý do là tại chúng ngược đãi con cái Giuđa, và đổ máu vô tội trong lãnh thổ của chúng. Còn đất Giuđa sẽ có người cư ngụ đời đời, và Giêrusalem cũng sẽ có người cư ngụ từ đời nọ tới đời kia. Ta sẽ rửa sạch máu chúng mà trước Ta chưa rửa sạch, và Chúa sẽ ngự tại Sion”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 96, 1-2. 5-6. 11-12

Ðáp: Người hiền đức, hãy mừng vui trong Chúa!

Xướng: Chúa hiển trị, địa cầu hãy hân hoan; hải đảo muôn ngàn, hãy mừng vui! Mây khói và sương mù bao toả chung quanh, công minh chính trực là nền kê ngai báu.

Xướng: Núi non vỡ lở như mẩu sáp ong trước thiên nhan, trước thiên nhan Chúa tể toàn cõi đất. Trời xanh loan truyền sự công minh Chúa, và chư dân được thấy vinh hiển của Người.

Xướng: Sáng sủa bừng lên cho người hiền đức, và niềm hoan hỉ cho kẻ lòng ngay. Người hiền đức, hãy mừng vui trong Chúa, và hãy ca tụng thánh danh Người!

Bài Ðọc I: (Năm II) Gl 3, 22-29

“Tất cả anh em đều là con cái Thiên Chúa”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Galata.

Anh em thân mến, Thánh Kinh đã giam giữ mọi loài dưới ách tội lỗi, để nhờ lòng tin vào Ðức Giêsu Kitô mà lời hứa được ban tặng cho những kẻ tin.

Nhưng trước khi đức tin chưa đến, thì chúng ta bị giam giữ dưới ách lề luật, để mong chờ đức tin sẽ được tỏ hiện. Bởi thế, lề luật là thầy dạy đưa chúng ta đến cùng Ðức Kitô, để nhờ đức tin, chúng ta được công chính hoá. Nhưng một khi đức tin đã đến, chúng ta không còn ở dưới quyền thầy dạy nữa. Bởi chưng, tất cả anh em đều là con cái Thiên Chúa nhờ tin vào Ðức Giêsu Kitô. Vì chưng, tất cả anh em đã chịu phép rửa tội trong Ðức Kitô, nên anh em đã mặc lấy Ðức Kitô. Nay không còn phân biệt người Do-thái và Hy-lạp, người nô lệ và tự do, người nam và người nữ: vì tất cả anh em là một trong Ðức Giêsu Kitô. Nhưng nếu anh em thuộc về Ðức Kitô, thì anh em là dòng dõi Abraham, những kẻ thừa tự như lời đã hứa.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 104, 2-3. 4-5. 6-7

Ðáp: Tới muôn đời Chúa vẫn nhớ lời minh ước (c. 8a).

Xướng: Hãy xướng ca, đàn hát mừng Người, hãy tường thuật mọi điều kỳ diệu của Chúa. Hãy tự hào vì danh thánh của Người, tâm hồn những ai tìm Chúa, hãy mừng vui. 

Xướng: Hãy coi trọng Chúa và quyền năng của Chúa, hãy tìm kiếm thiên nhan Chúa luôn luôn. Hãy nhớ lại những điều kỳ diệu Chúa đã làm, những phép lạ và những điều Ngài phán quyết.

Xướng: Hỡi miêu duệ Abraham là tôi tớ của Ngài, hỡi con cháu Giacóp, những người được Ngài kén chọn, chính Chúa là Thiên Chúa chúng ta, quyền cai trị của Ngài bao trùm khắp cả địa cầu. 

Alleluia: Ga 1, 14 và 12b

Alleluia, alleluia! – Ngôi Lời đã làm người và đã ở giữa chúng ta. Những ai tiếp rước Người, thì Người ban cho họ quyền làm con Thiên Chúa. – Alleluia.

Hoặc đọc:  Alleluia, alleluia! Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa – Alleluia.

Phúc Âm: Lc 11, 27-28

“Phúc cho dạ đã cưu mang Thầy”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu đang giảng cho dân chúng, thì từ giữa đám dân chúng, có một phụ nữ cất tiếng nói rằng: “Phúc cho dạ đã cưu mang Thầy và vú đã cho Thầy bú!” Nhưng Người phán rằng: “Những ai nghe và giữ lời Thiên Chúa thì có phúc hơn”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, chính Chúa đã thiết lập lễ tế này để chúng con dâng lên mà tỏ lòng thần phục tôn kính; xin Chúa thương chấp nhận và thánh hoá chúng con, xin cho chúng con được hưởng dồi dào ơn cứu chuộc. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Chúa nhân lành đối với những ai trông cậy vào Người, và đối với tâm hồn kiếm tìm Người.

Hoặc đọc:

Chỉ có một tấm bánh, nên tuy nhiều, chúng ta cũng chỉ là một thân thể, vì hết thảy chúng ta thông phần cùng một tấm bánh, và cùng một chén rượu

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, chúng con vừa lãnh nhận Mình và Máu Ðức Kitô, xin cho chúng con được nên một với Người và no say tình Chúa. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

HẠNH PHÚC THẬT Ở ĐÂU? (Lc 11, 27-28)
Giuse Vinhsơn Ngọc Biển SSP

Trong cuộc sống, không ai là người lại không muốn cho mình được hạnh phúc! Người thì cho rằng: vợ đẹp con khôn là hạnh phúc; người khác lại nghĩ có được nhà lầu xe hơi mới là hạnh phúc; lại có người nghĩ mình phải phấn đấu để được giữ chức nọ việc kia thì sẽ hạnh phúc, nhưng có người lại chỉ hy vọng rất đơn giản là làm sao có cơm ba bữa, quần áo mặc cả ngày cũng là hạnh phúc lắm rồi!

Như vậy, mỗi người đều mong cho mình được hạnh phúc, tuy nhiên quan niệm về hạnh phúc thì lại khác nhau.

Hôm nay, Đức Giêsu cho chúng ta thấy: hạnh phúc của người Tín hữu Kitô chính là việc được đón nhận hồng ân đức tin. Có được đức tin là chúng ta được sống trong tình yêu của Thiên Chúa. Đây là những người hạnh phúc đích thực.

Vì thế, Đức Giêsu rất quan tâm đến mối liên hệ trong đức tin hơn là sự liên hệ tình cảm thuần túy.

Vì thế, khi thấy được những điều kỳ diệu Đức Giêsu làm và những lời giảng dạy tuyệt vời của Ngài, một người đã thốt lên lời khen ngợi, hay nói đúng hơn là lời chúc mừng Đức Maria là người đã sinh ra và nuôi dưỡng Ngài: “Phúc cho dạ đã cưu mang Thầy và vú đã cho Thầy bú!“. Tuy nhiên, Đức Giêsu lại nói: “Những ai nghe và giữ lời Thiên Chúa thì có phúc hơn”.

Khi nói như thế, Ngài không có ý hạ thấp vai trò của Đức Maria, nhưng một cách gián tiếp, Ngài đang đề cao Mẹ Maria hơn bao giờ hết, bởi vì trong số những người lắng nghe lời Thiên Chúa, hẳn Mẹ là người trung thành và trọn vẹn nhất. Vì thế, Đức Giêsu muốn đưa Đức Maria ra làm mẫu gương về việc lắng nghe Lời Chúa.

Lời Chúa hôm nay gióng lên một hồi chuông cảnh tỉnh mỗi người chúng ta, vì: ngày nay, trong cuộc sống có quá nhiều sự bon chen, con người phải chạy đua với chúng như trò chơi đuổi nhau của bọn trẻ. Họ phỏng chiếu hạnh phúc qua lăng kính của tiền, tài, tình, quyền… Còn đứng trước lời mời gọi của Chúa qua chính Lời Ngài thì hẳn chúng ta không muốn nghe, nói gì đến việc tuân giữ!

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi mỗi người: hãy xin Chúa ban đức tin cho ta, từ đức tin đó, chúng ta cộng tác với ơn Chúa để làm cho đức tin ngày càng lớn mạnh. Dấu hiệu của người có một đức tin trưởng thành là yêu mến và tuân giữ Lời Chúa, suy đi nghĩ lại và đem ra thực hành. Được như thế, chúng ta sẽ là những người hạnh phúc.

Lạy Chúa Giêsu, xin ban thêm đức tin cho chúng con. Xin cho chúng con được yêu mến và tuân giữ Lời Chúa cách trung thành như Mẹ Maria khi xưa. Amen.

 

TÁI SINH

 

 

(Thứ Bảy sau Chúa Nhật XVII TN – Lc 11,27-28) - Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

“Tôi nói thật cho ông biết: nếu không tái sinh bởi trời, thì chẳng ai được thấy Nước Thiên Chúa” (Ga 3,3). Lời khẳng định của Chúa Giêsu với Nicôđêmô đã làm cho vị tôn sư lỗi lạc Do Thái giáo lúc bấy giờ “hoang mang lẫn ngỡ ngàng”. Ngài tôn sư chất vấn: “Một người đã già, làm sao có thể tái sinh? Không lẽ người ấy lại phải vào lòng mẹ mà sinh ra lần nữa hay sao?” Tin Mừng không ghi rõ là sau cuộc nói chuyện ấy ngài Nicôđêmô có hiểu lời của Chúa Giêsu được phần nào chăng, nhưng chắc chắn trong lòng ông đã hình thành một nỗi trăn trở về con đường lên trời, hưởng hạnh phúc vĩnh cửu. Điều này minh chứng rõ ràng chính ông vốn là một vị tôn sư nhưng vẫn chưa thật hài lòng, đúng hơn là chưa thật thỏa mãn về “lối sống đạo” trong Do Thái giáo lúc bấy giờ. Chính ông là người đã bênh vực Chúa Giêsu trước sự kết án của nhiều lãnh đạo Do thái giáo (Ga 7,50). Và ông cũng là một trong hai người đến xin Philatô cho hạ xác Chúa Giêsu xuống mà an táng (x.Ga 19,39-40). Tái sinh là gì và tái sinh như thế nào là những câu hỏi làm Nicôđêmô trăn trở. Phải thành thật thú nhận rằng trong số Kitô hữu chúng ta hiện nay vẫn còn đó nhiều người đang mù mờ về những khái niệm này.

1. Tái sinh là gì? Theo nghĩa văn tự đó là lại được sinh ra. Dĩ nhiên không ai trong chúng ta quá ngây thơ hiểu rằng đó là “chui vào lòng mẹ” để được sinh ra một lần nữa. Để hiểu khái niệm này thì trước hết chúng ta cần làm rõ việc chúng ta được sinh ra lần đầu. Lần đầu được sinh ra là chúng ta bắt đầu một cuộc hiện hữu trong một không gian và thời gian cụ thể. Sự hiện hữu này còn được xác định bởi các mối tương quan nhục thể, giới tính, sắc tộc, quốc gia. Nội hàm trong “thẻ căn cước công dân” (ID) hay bản lý lịch trích ngang cho thấy hiện thực này. Như thế việc sinh ra lần đầu là việc chúng ta hiện hữu trong những mối tương quan cụ thể và xem ra còn nhiều giới hạn. Bố mẹ có hai, ông bà có bốn, một vài anh chị em ruột thịt…

Khi nói về sự tái sinh thì Chúa Giêsu muốn Nicôđêmô và chúng ta hướng đến một sự hiện hữu mới với nhiều mối tương quan rộng lớn hơn và phổ quát nhất. Thiên Chúa là Cha của hết mọi người. Nước của Người là vương quốc của mọi dân tộc. Chính vì thế để có thể nhìn thấy Nước Thiên Chúa thì tâm trí của chúng ta phải vượt qua các giới hạn của tình huyết nhục, của nghĩa đồng bào, của cả làn ranh tôn giáo này và tôn giáo nọ…

Lần kia đang lúc giảng dạy, nghe một phụ nữ ca ngợi Mẹ của mình vì đã có công cưu mang, sinh hạ, nuôi dưỡng mình thì Chúa Giêsu đã đáp lại: “Những ai nghe và giữ lời Thiên Chúa thì có phúc hơn” (Lc 11,28). Chắc hẳn Chúa Giêsu không chối bỏ mối tương quan huyết nhục, nhưng Người muốn nhấn mạnh đến một mối tương quan phổ quát hơn. Khi nghe và giữ lời Thiên Chúa thì chúng ta lại có một gia đình vượt mọi biên giới huyết nhục, chủng tộc, ngôn ngữ, chính kiến, tôn giáo… Đây chính là sự tái sinh, nghĩa là hiện hữu với những tương quan mới.

Đã từng dí dỏm rằng giả dụ trong cuộc sống mà chúng “cạch” (loại bỏ khỏi tâm trí) một ai hay những ai đó vì họ khác màu da, sắc tộc hay khác ngôn ngữ, khác chính kiến, thậm chí khác niềm tin với chúng ta rồi khi lên thiên đàng mà gặp họ thì sao đây? Không lẽ tự ý xin ra?

2. Cách thế để tái sinh: Tuân giữ lời Thiên Chúa dưới tác động của Chúa Thánh Thần, Đấng là Thần Chân lý và là Nguồn Tinh Yêu giữa hai Ngôi cực thánh Chúa Cha và Chúa Con. Là Kitô hữu Công giáo chúng ta tin nhận Lời Thiên Chúa được lưu giữ trong kho tàng mạc khải là Thánh Kinh và Thánh Truyền. Tuy nhiên với anh chị em ngoài Công giáo thì sao, nhất là với bà con lương dân và anh chị ngoài Kitô giáo? Dưới ánh sáng đức tin chúng ta tin nhận Thiên Chúa mãi truyền phán lời của Người qua các kỳ công Người tác tạo là vũ trụ thiên nhiên. Người nói Lời của Người qua các biến cố của lịch sử. Và Lời của Người chính là tiếng lương tâm ở tận đáy lòng mọi người.

Kitô hữu công giáo Việt Nam có thói quen tốt gọi bà con không theo tôn giáo nào là lương dân, nghĩa là người tốt. Dù không theo tôn giáo nào nhưng đang có đó rất nhiều anh chị em biết sống với đồng loại theo tấm lòng son của mình. Họ thực sự là những người đang có phúc vì Chúa Giêsu nhận họ làm anh em chị em và là mẹ của Người (x.Mt 12,46-50). Đến ngày phán xét dẫu họ có xác nhận là mình có biết Chúa đâu, họ chỉ sống đạo yêu thương xuất từ con tim biết xót thương người đồng loại thôi. Thế nhưng Chúa Kitô đã phán với họ rằng: “Hỡi những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa” (x.Mt 25,31-46).  

Một nhận định có phần chủ quan: Phải chăng tại các Chủng viện, Tu viện hiện nay dường như quá chú trọng huấn luyện các ứng sinh về mặt tri thức nhiều hơn so với việc đào tạo tấm lòng? Lời của Thiên Chúa có bị “nhiễu”, bị “biến dạng” trong  lương tâm con người nói chung và Kitô hữu chúng ta hôm nay vì những lý do chủ quan hoặc khách quan nào đây? Tại giáo xứ nhà, chúng tôi khi đón nhận anh chị em “tòng giáo” chúng tôi không đòi hỏi quá nhiều về việc phải thuộc kinh kệ hay thông biết giáo lý nhưng đòi hỏi một sự đổi thay trong cung cách sống mà trước hết là với những người thân trong gia đình rồi đến những người kém phận ngoài xã hội.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây