TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

CN34TNb - Đức Giêsu Kitô, Vua Vũ Trụ

“Quan nói đúng: Tôi là Vua”. (Ga 18, 33b-37)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Đấng phải đến

Chủ nhật - 12/12/2021 18:38 | Tác giả bài viết: Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa |   1428
“Thầy có thật là Đấng phải đến không, hay chúng tôi còn phải đợi ai khác” (Lc 7,20)
Đấng phải đến

ĐẤNG PHẢI ĐẾN

(Thứ Tư sau Chúa Nhật III Mùa Vọng – Lc 7,19-23)

Câu chuyện thánh Gioan Tẩy Giả sai hai môn đệ đến hỏi Chúa Giêsu: “Thầy có thật là Đấng phải đến không, hay chúng tôi còn phải đợi ai khác” (Lc 7,20) đã khiến nhiều người mộ mến thánh nhân thấy “khó chấp nhận” nên tìm cách giải thích theo hướng tích cực, với ý ngay lành. Họ không thể nào nhìn nhận việc một đại ngôn sứ như Gioan vốn đã từng giới thiệu Chúa Giêsu là Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa bỏ tội trần gian cho dân chúng mà nay lại nghi ngờ (x.Ga 1,29). Vì thế họ cho rằng khi sai hai môn đệ đi hỏi Chúa Giêsu là Gioan có ý qua đó để củng cố đức tin cho các môn đệ. Đây là một lối giải thích xem ra hữu tình theo cái nhìn tu đức, tuy nhiên dường như nó không hữu lý trong bối cảnh mà Tin Mừng tường thuật và nhất là qua câu trả lời của Chúa Giêsu: “Các anh cứ về thuật lại cho ông Gioan những điều mắt thấy tai nghe: người mù được thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc nghe được, người chết chỗi dậy, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng, và phúc thay người nào không vấp ngã vì tôi” (Lc 7,22-23).

Trước đó, một lần khi vào Hội đường người ta trao cho Chúa Giêsu Sách Thánh và Người đã mở ra gặp ngay đoạn Sách ngôn sứ Isaia: “Thần khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa”. Sau khi đọc sách thì Chúa Giêsu khẳng định rằng: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe” (x.Lc 4,16-22). Chúng ta phải ngạc nhiên vì sao khi trả lời cho các môn đệ Gioan thì Chúa Giêsu lại bỏ qua các chi tiết “giải thoát kẻ bị giam cầm, trả tự do cho người bị áp bức”.

Đây có thể là nguyên nhân khiến Gioan Tẩy Giả cách nào đó bị thử thách đức tin. Can đảm vạch trần sự sa đọa, loạn luân của vua Hêrôđê, thánh nhân đã bị giam cầm cách bất công. Trong ngục tối lâu ngày, lòng ngài hẳn khát mong Đấng Thiên Sai sẽ làm ứng nghiệm lời ngôn sứ Isaia giải thoát mình khỏi cảnh cùm gông, ngục tù. Thế mà sao Người vẫn chưa ra tay, hay là Người chưa hẳn là Đấng phải đến? Hành trình đức tin luôn có đó nhiều khoảng tăm tối. Phận lữ hành là thế. Ngay cả Con Thiên Chúa làm người phút giây hấp hối trên thập giá cũng đã từng trải qua: “Lạy Thiên Chúa, Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?” (Mc 15,34).

Đường lối của Thiên Chúa nào ai suy thấu. Đến thế gian này, sứ mạng của Đức Kitô là giải thoát nhân loại ra khỏi cùm gông, ngục tù của thần dữ. Tin rằng rồi có lúc thánh Gioan Tẩy Giả sẽ hiểu dù mình thân ở trong ngục nhưng vẫn thực sự tự do vì đã can đảm sống và công bố sự thật. Sự thật đã giải thoát ông (x.Ga 8,32). Chính Hêrôđê mới là người cần được giải thoát khỏi gông cùm nô lệ, vì ông đang là tù nhân của sự trụy lạc và gian ác.

Chúng ta thích Đấng Thiên Sai đến thực hiện công trình cứu độ theo cách thế của mình. Thế nhưng đã là Đấng Thiên Sai thì phải thực thi sứ vụ theo cách của Đấng sai Người. Chúa Giêsu cũng đã nhiều lần xao xuyến và đổ mồ hôi pha lẫn máu trong vườn dầu để có thể thân thưa với Cha trên trời: “Lạy Cha, nếu có thể thì xin cất khỏi con chén đắng này. Nhưng xin đừng theo ý con, một theo ý Cha” (x. Lc 22,41-44).

Khi nói với các môn đệ mà Gioan sai đến: “Phúc thay người nào không vấp ngã vì tôi” chắc hẳn Chúa Giêsu hiểu rằng sẽ có đó nhiều người vấp ngã vì cách thế cứu độ mà Người chọn theo ý Cha trên trời. Người hiểu vì đó là phận phàm hèn và Người không bao giờ bỏ rơi họ. Chúng ta tin rằng có lẽ chỉ mình Mẹ Maria mới được cái phúc này với thế dáng đứng thẳng dưới chân thập giá (x.Ga 19,25-27). Cả tập thể nhóm Mười Hai đều đã vấp ngã như lời Chúa Giêsu tiên báo trong đêm Tiệc Ly: “Đêm nay, tất cả anh em sẽ vấp ngã vì Thầy” (Mt 26,31). Tuy nhiên Người đã luôn hiện diện bên họ để yêu thương, che chở và giúp họ chỗi dậy.

Đêm tối đức tin là lẽ thường tình của kiếp nhân sinh. Nhận ra hiện thực này mong sao chúng ta biết đồng cảm với nhau hơn trong mọi trạng huống cuộc đời, nhất là nhưng khi vấp ngã. Chúa Kitô mãi hiện diện và đồng hành với chúng ta “mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20). “Ơn của Người luôn đủ cho chúng ta” (x.2Cr 12,9). Hãy biết giúp nhau thêm xác tín rằng chúng ta không bao giờ lẻ loi, đơn côi một mình để rồi lại chỗi dậy sau những lần vấp ngã, “quên đi chặng đường đã qua, để lao mình về phía trước” (x.Pl 3,13).

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây