TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật XXXI Thường Niên -Năm B

“Yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức lực, và yêu người thân cận như chính mình” (Mc 12,28b-34)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lời Chúa THỨ BA TUẦN 31 THƯỜNG NIÊN

Chủ nhật - 31/10/2021 19:29 |   1138
“Tất cả những ai thấy người Con và tin vào người Con, thì được sống muôn đời.” (Ga 6, 40)

02.11.2021

THỨ BA TUẦN 31 THƯỜNG NIÊN
Cầu cho các tín hữu đã qua đời



Ga 6, 37-40

“CHÍNH LÚC CHẾT ĐI, LÀ KHI VUI SỐNG MUÔN ĐỜI”

“Tất cả những ai thấy người Con và tin vào người Con, thì được sống muôn đời.” (Ga 6, 40)

Suy niệm: Chúng ta thường nói “sinh ký tử quy”: sống ở đời này chỉ là “tạm trú”, chết là về cõi vĩnh hằng. Nhưng cõi vĩnh hằng là gì, đó mới là điều quan trọng. Chắc một điều là không ai mong chết rồi phải đi về một “cõi âm” im lìm lạnh lẽo, cõi mà “cô hồn các đẳng” sống vật vờ vất vưởng. Chúa Giêsu dạy chúng ta cõi vĩnh hằng ấy là cõi sống hạnh phúc tròn đầy và vĩnh viễn dành cho những ai tin vào Ngài, là Đấng đã chết để đền bù tội lỗi chúng ta và đã sống lại để dẫn đưa chúng ta vào sự sống đó. Chính vì tin như thế mà thánh Phanxicô Átxidi đã ca lên rằng: “Chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời”.

Mời Bạn: Giáo Hội dành cả tháng 11 hằng năm để cầu nguyện cho “các đẳng linh hồn” trong đó có ông bà tổ tiên, thân bằng quyến thuộc chúng ta đã qua đời đang phải chịu thanh luyện chưa được hưởng hạnh phúc tròn đầy ở cõi vĩnh hằng. Chúng ta còn đang sống ở chốn dương thế này, nhờ lòng tin vào Chúa Giêsu Kitô và nhờ tham dự thánh lễ, cầu nguyện, làm việc bác ái hy sinh, có thể chuyển cầu cho các vị sớm được hưởng

Chia sẻ: Nhiều người lương dân vẫn quan niệm rằng “đi đạo Công giáo là bỏ ông bỏ bà.” Việc kính nhớ, cầu nguyện cho ông bà tổ tiên trong Tháng Các Đẳng này có thể giúp xoá đi sự hiểu lầm đó không? Bằng cách nào?

Sống Lời Chúa: Viếng nhà thờ hoặc nghĩa trang cầu nguyện theo ý Giáo hội để chuyển cầu cho các đẳng linh hồn.

Cầu nguyện: Đọc một Kinh Vực Sâu cầu cho các đẳng linh hồn.


BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Cầu cho các tín hữu đã qua đời

Dẫn nhập Thánh lễ

Tín điều các thánh thông công hôm nay giúp chúng ta xác tín vào sự hiệp thông trong Hội Thánh. Đó là niềm cậy trông và hi vọng của mỗi người Kitô hữu chúng ta.

Hôm nay Hội Thánh mời gọi chúng ta hướng về những người đang an giấc ngàn thu, đợi chờ ngày Đức Kitô trở lại trong vinh quang để kết hợp hồn xác lại mà hưởng phúc trường sinh vĩnh cửu.

Bổn phận chúng ta là những người còn đang lữ hành trên trần thế, phải tích cực cộng tác vào chương trình cứu rỗi của Đức Kitô, nhờ công nghiệp của Người hi sinh trên Thập Giá, giờ đây được tái diễn qua Thánh lễ Misa.

Vậy chúng ta hãy kết hợp mọi hi sinh của chúng ta với cuộc khổ nạn của Đức Kitô tái diễn trên bàn thờ, để cứu giúp các Đẳng linh hồn đã qua đời, cho họ được hưởng ơn cứu độ Phục Sinh của Người, mà họ đang chờ đợi từng giây từng phút.

Để những hi sinh và lời cầu nguyện của chúng ta được Chúa chấp nhận, chúng ta hãy thành tâm thống hối.

Ca nhập lễ

Như Chúa Giêsu đã chết và sống lại thế nào, thì Thiên Chúa cũng sẽ đem họ đến làm một với Người như vậy. Và cũng như mọi người đều phải chết nơi Adam thế nào, thì mọi người cũng sẽ được tác sinh trong Đức Kitô như vậy.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, Con Một Chúa từ cõi chết sống lại đã tăng cường niềm tin của chúng con. Giờ đây, xin Chúa thương nhận lời chúng con khẩn nguyện mà làm cho lòng chúng con luôn trông vậy vững vàng: chính Ðức Giêsu sẽ cho các tín hữu đã lìa cõi thế được phục sinh vinh hiển. Người là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.

Bài Ðọc I: Rm 6, 3-9

“Chúng ta phải sống đời sống mới”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.

Anh em thân mến, tất cả chúng ta đã chịu phép rửa trong Ðức Giêsu Kitô, tức là đã chịu phép rửa trong sự chết của Người. Và chúng ta đã cùng chịu mai táng với Người, bởi được thanh tẩy trong sự chết của Người, để như Ðức Kitô nhờ vinh hiển của Chúa Cha mà sống lại từ cõi chết thế nào, thì cả chúng ta cũng phải sống đời sống mới như thế. Vì nếu chúng ta được liên kết với Người trong cùng một cái chết, giống như cái chết của Người, thì chúng ta cũng được hợp nhất với Người, trong sự sống lại giống như vậy.

Nên biết điều này: con người cũ của chúng ta đã cùng chịu đóng đinh khổ giá, để xác thịt tội lỗi bị huỷ đi, hầu cho chúng ta không còn làm nô lệ tội lỗi nữa, vì con người đã chết, tức là được giải thoát khỏi tội lỗi. Mà nếu chúng ta đã chết với Ðức Kitô, chúng ta tin rằng chúng ta cũng sẽ cùng sống với Người, vì biết rằng Ðức Kitô một khi từ cõi chết sống lại, Người không chết nữa, sự chết không còn làm chủ được Người nữa.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 22, 1-3a. 3b-4. 5. 6

Ðáp: Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi

Hoặc đọc: Dù bước đi trong thung lũng tối, con không lo mắc nạn, vì Chúa ở cùng con

Xướng: Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi; trên đồng cỏ xanh rì, Người thả tôi nằm nghỉ. Tới nguồn nước, chỗ nghỉ ngơi, Người hướng dẫn tôi; tâm hồn tôi, Người lo bồi dưỡng.

Xướng: Người dẫn tôi qua những con đường đoan chính, sở dĩ vì uy danh Người. – Dù bước đi trong thung lũng tối, con không lo mắc nạn, vì Chúa ở cùng con. Cây roi và cái gậy của Ngài, đó là điều an ủi lòng con. 

Xướng: Chúa dọn ra cho con mâm cỗ, ngay trước mặt những kẻ đối phương: đầu con thì Chúa xức dầu thơm, chén rượu con đầy tràn chan chứa.

Xướng: Lòng nhân từ và ân sủng Chúa theo tôi, hết mọi ngày trong đời sống; và trong nhà Chúa, tôi sẽ định cư cho tới thời gian rất ư lâu dài.

Alleluia: Ga 11, 25-26

Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Hỡi những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến, hãy lãnh lấy phần gia nghiệp là Nước Trời đã chuẩn bị cho các ngươi từ khi tạo dựng vũ trụ”. – Alleluia.

Phúc Âm: Ga 6, 51-59

“Thịt Ta thật là của ăn, và máu Ta thật là của uống”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng dân Do-thái rằng: “Ta là bánh hằng sống từ trời xuống; ai ăn bánh này, thì sẽ sống đời đời. Và bánh Ta sẽ ban, chính là thịt Ta, để cho thế gian được sống”. Vậy người Do-thái tranh luận với nhau rằng: “Làm sao ông này có thể lấy thịt mình cho chúng ta ăn được?”

Bấy giờ Chúa Giêsu nói với họ: “Thật, Ta bảo thật các ngươi: Nếu các ngươi không ăn thịt Con Người và uống máu Ngài, các ngươi sẽ không có sự sống trong các ngươi. Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta thì có sự sống đời đời, và Ta, Ta sẽ cho kẻ ấy sống lại ngày sau hết. Vì thịt Ta thật là của ăn, và máu Ta thật là của uống. Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta, thì ở trong Ta, và Ta ở trong kẻ ấy. Cũng như Cha là Ðấng hằng sống đã sai Ta, nên Ta sống nhờ Cha, thì kẻ ăn Ta, chính người ấy cũng sẽ sống nhờ Ta. Ðây là bánh bởi trời xuống, không phải như cha ông các ngươi đã ăn manna và đã chết. Ai ăn bánh này thì sẽ sống đời đời”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tín hữu

Chủ tế: Anh chị em thân mến, Thiên Chúa là Cha toàn năng, đã cho Đức Giêsu, Con của Người, được sống lại từ cõi chết. Chúng ta hãy khẩn cầu Thiên Chúa cho mọi người còn sống và đã qua đời được hưởng ơn cứu độ.

1. Chúng ta hãy cầu xin Chúa cho OBACE T. đã lãnh nhận bí tích thánh tẩy mà nay đã qua đời, được chung hưởng vinh quang bất diệt cùng các thánh.

2. Chúng ta hãy cầu xin Chúa cho các thân bằng quyến thuộc và các ân nhân của chúng ta được hưởng hạnh phúc vĩnh cửu sau cuộc đời vất vả lầm than.

3. Chúng ta hãy cầu xin Chúa cho mọi người đã an nghỉ chờ ngày sống lại được vui hưởng ánh sáng Tôn Nhan.

4. Chúng ta hãy cầu xin Chúa cho mọi người đang tin tưởng và sốt sáng tụ họp nơi đây, được sum họp trong Nước Chúa muôn đời.

Chủ tế: Lạy Chúa, xin cho lời cầu nguyện của chúng con đem lại lợi ích cho tất cả các tín hữu. Xin Chúa thương giải thoát họ khỏi tội lỗi và cho họ được tham dự vào ơn cứu chuộc muôn đời. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô Chúa chúng con.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin thương nhìn đến lễ vật chúng con dâng và cho mọi tín hữu đã qua đời vào chung hưởng vinh quang với Con Một Chúa. Ðấng đã dùng bí tích yêu thương liên kết chúng con nên một. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.

Lời tiền tụng cầu cho các tín hữu đã qua đời

Ca hiệp lễ

Chúa phán: Ta là sự sống lại và là sự sống; ai tin Ta dầu có chết cũng sẽ được sống, và kẻ nào sống mà tin Ta sẽ không chết muôn đời.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, chúng con vừa cử hành bí tích Vượt Qua để cầu cho anh chị em tín hữu đã qua đời. Xin thương đón nhận họ vào nhà Chúa, nơi đầy tràn ánh sáng và bình an. Chúng con cầu xin…

——————————– 

Lễ II

Ca nhập lễ

Lạy Chúa, xin cho các linh hồn được nghỉ yên muôn đời, và cho ánh sáng ngàn thu chiếu soi trên các linh hồn ấy.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa là niềm vinh hạnh của người tín hữu, là sự sống của bậc chính nhân, Chúa đã muốn cho con Chúa chịu chết và sống lại để cứu chuộc chúng con. Xin thương đến những người tín hữu khi còn sống đã tin nhận mầu nhiệm phục sinh mà ban cho họ được vinh phúc muôn đời. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: Kn 3, 1-9

“Chúa chấp nhận các ngài như của lễ toàn thiêu”.

Trích sách Khôn Ngoan.

Linh hồn những người công chính ở trong tay Chúa, và đau khổ sự chết không làm gì được các ngài. Ðối với con mắt người không hiểu biết, thì hình như các ngài đã chết và việc các ngài từ biệt chúng ta, là như đi vào cõi tiêu diệt. Nhưng thật ra các ngài sống trong bình an. Và trước mặt người đời, dầu các ngài đã chịu khổ hình, lòng cậy trông của các ngài cũng không chết. Sau một giây lát chịu khổ nhục, các ngài sẽ được vinh dự lớn lao: vì Chúa đã thử thách các ngài như thử vàng trong lửa, và chấp nhận các ngài như của lễ toàn thiêu.

Khi đến giờ Chúa ghé mắt nhìn các ngài, các người công chính sẽ sáng chói và chiếu tỏ ra như ánh lửa chiếu qua bụi lau. Các ngài sẽ xét xử các dân tộc, sẽ thống trị các quốc gia, và Thiên Chúa sẽ ngự trị trong các ngài muôn đời. Các ngài đã tin tưởng ở Chúa, thì sẽ hiểu biết chân lý, và trung thành với Chúa trong tình yêu, vì ơn Chúa và bình an sẽ dành cho những người Chúa chọn.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 24, 6-7bc. 17-18. 20-21

Ðáp: Lạy Chúa, con vươn linh hồn con lên tới Chúa

Hoặc đọc: Lạy Chúa, phàm ai trông cậy Chúa, ắt chẳng hổ ngươi

Xướng: Lạy Chúa, xin nhớ lòng thương xót của Ngài, lòng thương xót tự muôn đời vẫn có. Xin hãy nhớ con theo lòng thương xót của Ngài, vì lòng nhân hậu của Ngài, thân lạy Chúa.

Xướng: Xin cho lòng con được nhẹ bớt lo âu, và giải thoát con khỏi cảnh ưu tư phiền muộn. Xin Chúa coi cảnh lầm than khốn khổ của con, và tha thứ hết mọi điều tội lỗi.

Xướng: Xin gìn giữ mạng sống con và giải thoát con, đừng để con bẽ bàng vì đã tìm nương tựa Chúa. Nguyện cho lòng con vô tội và trung thứ bảo vệ con, vì con trông cậy vào Ngài, thân lạy Chúa.

Alleluia: 2 Tm 2, 11-12a

Alleluia, alleluia! – Nếu chúng ta cùng chết với Chúa Kitô, thì chúng ta cùng sống với Người; nếu chúng ta kiên tâm chịu đựng, chúng ta sẽ cùng thống trị với Người. – Alleluia.

Phúc Âm: Lc 23, 33. 39-43

“Hôm nay ngươi sẽ ở trên thiên đàng với Ta”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi đã đến nơi gọi là Núi Sọ, chúng đóng đinh Người vào thập giá cùng với hai tên trộm cướp, một đứa bên hữu một đứa bên tả Người. Bấy giờ Chúa Giêsu than thở rằng: “Lạy Cha, xin tha cho chúng, vì chúng không biết việc chúng làm”. Rồi chúng rút thăm mà chia nhau áo Người. Một trong hai kẻ trộm bị đóng đinh trên thập giá cũng sỉ nhục người rằng: “Nếu ông là Ðấng Kitô, ông hãy tự cứu ông và cứu chúng tôi nữa”.

Ðối lại, tên kia mắng nó rằng: “Mi cũng chịu đồng một án mà mi chẳng sợ Thiên Chúa sao? Phần chúng ta, như thế này là đích đáng, vì chúng ta chịu xứng với việc chúng ta làm, còn ông này, ông có làm gì xấu đâu?” Và anh ta thưa cùng Chúa Giêsu rằng: “Lạy Ngài, khi nào về nước Ngài, xin nhớ đến tôi”. Chúa Giêsu đáp: “Quả thật, Ta bảo ngươi: ngay hôm nay, ngươi sẽ ở trên thiên đàng với Ta”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, chúng con xin dâng lễ vật này để cầu cho anh chị em tín hữu đã lìa cõi thế. Xưa Chúa đã lấy nước thanh tẩy họ, nay nhờ Ðức Kitô đã đổ máu ra làm lễ tế giao hoà, xin mở lòng khoan dung rửa họ cho sạch mọi vết nhơ tội lỗi. Chúng con cầu xin…

Lời tiền tụng cầu cho các tín hữu đã qua đời

Ca hiệp lễ

Lạy Chúa, xin cho ánh sáng vĩnh cửu chiếu soi trên các linh hồn, cùng với các thánh của Chúa đến muôn đời, vì Chúa là Đấng hay xót thương. Lạy Chúa, xin cho các linh hồn được nghỉ yên muôn đời, và cho ánh sáng ngàn thu chiếu soi trên các linh hồn ấy, cùng với các thánh của Chúa đến muôn đời, vì Chúa là Đấng hay xót thương.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, trong bí tích Vượt Qua này, Chúa đã cho chúng con nên một với Ðức Kitô, đấng toàn thắng tội lỗi và thần chết. Xin cho anh chị em tín hữu đã qua đời đuợc thoát khỏi vòng tội lỗi, để cùng Người hưởng vinh quang phục sinh. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.

 —————————–

Lễ III

Ca nhập lễ

Thiên Chúa đã làm cho Đức Giêsu Kitô từ cõi chết sống lại, cũng cho xác phàm hay chết của chúng ta sống lại nhờ Thánh Thần Người ngự trong chúng ta.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Chúa đã cho Ðức Kitô Con Chúa chiến thắng tử thần mà về với Chúa. Xin cho các tín hữu đã qua đời được cùng Ðức Kitô chiến thắng vẻ vang và muôn đời chiêm ngưỡng Chúa là Ðấng tạo thành và giải thoát họ. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: Rm 5, 5-11

“Chúng ta đã nên công chính trong Máu của Người, và nhờ Người chúng ta được cứu khỏi cơn thịnh nộ”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.

Anh em thân mến, tình yêu của Thiên Chúa tuôn đổ trong tâm hồn chúng ta nhờ Thánh Thần đã ban cho chúng ta. Chúa Kitô theo kỳ hẹn mà chịu chết vì chúng ta là kẻ tội lỗi. Ít có ai chết thay cho người công chính, họa chăng mới có người dám chết vì kẻ lành. Nhưng Thiên Chúa chứng tỏ tình yêu của Người đối với chúng ta, nghĩa là trong lúc chúng ta còn là tội nhân, thì theo kỳ hẹn, Chúa Kitô đã chết vì chúng ta.

Vậy phương chi bây giờ, chúng ta đã nên công chính trong máu của Người, và nhờ Người chúng ta sẽ được cứu khỏi cơn thịnh nộ. Bởi chưng nếu khi chúng ta còn là thù nghịch, mà chúng ta đã được giao hoà cùng Thiên Chúa nhờ cái chết của Con Ngài, thì huống chi khi đã được giao hoà, ắt chúng ta sẽ được cứu độ trong sự sống của chính Chúa Kitô. Và không những thế, chúng ta còn được vinh hiển trong Thiên Chúa nhờ Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, nhờ Người mà bây giờ chúng ta được lãnh ơn giao hoà.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 26, 1. 4. 7 và 8b và 9a. 13-14

Ðáp: Chúa là sự sáng và là Ðấng cứu độ tôi

Hoặc đọc: Tôi tin rằng tôi sẽ được nhìn xem những ơn lành của Chúa trong cõi nhân sinh

Xướng: Chúa là sự sáng, là Ðấng cứu độ, tôi sợ chi ai? Chúa là Ðấng phù trợ đời tôi, tôi sợ gì ai?

Xướng: Có một điều tôi xin Chúa, một điều tôi kiếm tìm, đó là tôi được cư ngụ trong nhà Chúa suốt đời tôi, hầu vui hưởng sự êm đềm của Chúa, và chiêm ngưỡng thánh điện của Người.

Xướng: Lạy Chúa, xin nghe con kêu cầu, xin thương xót và nhậm lời con. Và lạy Chúa, con tìm ra mắt Chúa. Xin Chúa đừng ẩn mặt xa con.

Xướng: Tôi tin rằng tôi sẽ được nhìn xem những ơn lành của Chúa trong cõi nhân sinh. Hãy trông đợi Chúa, hãy sống can trường, hãy phấn khởi tâm hồn và trông đợi Chúa.

Alleluia: Ga 6, 39

Alleluia, alleluia! – Chúa phán: “Ý của Cha là hễ sự gì Người đã ban cho Ta, Ta chẳng để mất, nhưng ngày sau hết Ta sẽ cho nó sống lại”. – Alleluia.

Phúc Âm: Ga 17, 24-26

“Con muốn rằng Con ở đâu, chúng cũng ở đấy với Con”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, (Chúa Giêsu ngước mắt lên trời cầu nguyện rằng:) “Lạy Cha, những kẻ Cha ban cho Con thì Con muốn rằng Con ở đâu chúng cũng ở đấy với Con, để chúng chiêm ngưỡng vinh quang mà Cha đã ban cho Con, vì Cha đã yêu mến Con trước khi tạo thành thế gian. Lạy Cha công chính, thế gian đã không biết Cha, nhưng Con biết Cha, và những người này cũng biết rằng Cha đã sai Con. Con đã tỏ cho chúng biết danh Cha, và Con sẽ còn tỏ cho chúng nữa, để tình Cha yêu Con ở trong chúng, và Con cũng ở trong chúng nữa”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Thiên Chúa từ bi nhân hậu, xin thương nhận của lễ chúng con dâng để cầu cho những người thuộc về Ðức Kitô mà nay đã chết. Nhờ lễ tế vô song này, xin giải thoát họ khỏi tử thần giam hãm và cho họ được sống muôn đời. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Chúng ta mong đợi Đấng cứu chuộc là Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, Người sẽ biến đổi thân xác hèn hạ của chúng ta, nên giống như thân xác sáng láng của Người.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, Chúa vừa chấp nhận lễ tế chúng con dâng. Xin mở lượng từ bi nhân hậu thương đến anh chị em tín hữu đã qua đời. Nhờ bí tích thánh tẩy, Chúa đã ban cho họ phúc làm con Chúa, xin cũng cho họ được hưởng niềm vui muôn đời. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

Hãy cầu nguyện cho các linh hồn
Jos. Vinc. Ngọc Biển

Người Á Đông chúng ta nói chung và người Việt nam nói riêng, rất coi trọng chữ hiếu. Nhiều nước còn đưa chữ hiếu lên thành đạo. Nói về lòng biết ơn, người ta thường nhắc con cháu ngược dòng lịch sử để nhớ về cội nguồn: “Con người có cố có ông, như cây có cội như sông có nguồn”. Hay: “con ai chẳng là con cha, cháu ai là chẳng cháu bà cháu ông” (ca dao tục ngữ Việt Nam). Vì thế, việc tôn kính ông bà tổ tiên là bổn phận phải làm đối với thế hệ hậu sinh.

Người Tây phương, họ không nâng lên thành đạo, nhưng họ lại không dừng lại ở chữ hiếu, mà con dành riêng ra hai ngày để nói lên lòng biết ơn đối với bậc sinh thành, đó là ngày của mẹ (mother’s. day) vào ngày Chúa nhật thứ hai trong tháng năm và ngày của cha (father’s. day) vào ngày Chúa Nhật thứ ba trong tháng sáu.

Còn với Đạo Phật, người ta dành ngày rằm tháng 07 âm lịch và Mùa Vu Lan báo hiếu để nói lên lòng biết ơn Tam Bảo và hiếu nghĩa với mẹ cha.

Với đạo Công Giáo, trong vai trò Giáo Huấn của mình, Giáo Hội luôn nhắc con cái của mình hãy nhớ công sơn sinh thành dưỡng dục của tổ tiên: “Con ơi giữ lấy lời cha, chớ quên lời mẹ, nhớ mà ghi tâm. Đèn soi trong chốn tối tăm, ấy là chính những lời răn, lệnh truyền.Nhớ cầu cho bậc tổ tiên, khắc ghi công đức một niềm tri ân”(Cn 6,20,23). Vì thế, Giáo Hội Công Giáo, đã dành trọn tháng 11 hằng năm, để cầu nguyện cho các linh hồn. Trong tháng 11 này, nhiều hoạt động mang tính hiếu nghĩa được thực hiện như: xin lễ cầu cho ông bà tổ tiên, viếng nghĩa địa (vườn thánh), chỉnh trang những ngôi mộ cho mới hơn và nếu thuận tiện thì nhiều gia đình cũng tảo mộ nữa….

Thánh Công Đồng Vatican II cũng nói trong hiến chế về Mầu Nhiệm Giáo Hội như sau: “Giáo Hội lữ hành hết lòng kính nhớ, dâng lời cầu cho những người đã chết, vì cầu nguyện cho họ được giải thoát khỏi tội lỗi là một việc lành thánh…”; “Khi được về quê Trời và hiện diện trước nhan Chúa, nhờ Người, với Người và trong Người, các thánh lại không ngừng cầu bàu cho chúng ta bên Chúa Cha…”. Sự trao đi nhận lại này nói lên tinh thần hiệp thông, bổn phận và đức ái.

Hôm nay, Giáo Hội hoàn vũ dâng lễ cầu nguyện cho các linh hồn, tại Việt Nam, nhiều nơi có truyền thống dâng thánh lễ tại nghĩa địa (vườn thánh). Khi tham dự thánh lễ ngoài nghĩa địa như thế, chúng ta quây quần bên cạnh các ngôi mộ của người thân. Hẳn lòng không khỏi bùi ngùi khi thắp que nhang, cây nến để tưởng nhớ người đã khuất. Rồi sốt sắng tham dự thánh lễ để cầu nguyện cho các ngài sớm được về nơi hạnh phúc và bình an. Lời bài hát mà mỗi khi thánh lễ an táng được cử hành, chúng ta thường hay hát: “Lạy Chúa, xin cho các linh hồn được nghỉ yên muôn đời và cho ánh sáng ngàn thu chiếu soi trên các linh hồn ấy”. Khi hát như thế, chúng ta biểu hiện niềm tin của mình thật mạnh mẽ vào sự sống đời sau, vì chết không phải là hết. Chết chỉ là cửa ngõ để bước vào sự sống vĩnh cửu. Khi cầu nguyện như thế, ấy là lúc chúng ta đang sống niềm tin của mình vào Đấng đã Phục Sinh từ cõi chết và, mong sao người thân của chúng ta đã lìa đời cũng được phục sinh như vậy. Tuy nhiên, Giáo lý Công Giáo dạy chúng ta rằng: có thiên đàng để thưởng người lành, có hoả ngục để phạt kẻ dữ, và có luyện ngục để thanh tẩy các linh hồn còn vướng mắc các tội nhẹ chưa đền hết. Như vậy, khi ở bên nấm mồ của người đã khuất, gợi cho chúng ta ý thức về sự linh thiêng và hiệp thông sâu xa trong mầu nhiệm Các Thánh cùng thông công.

Khi sống mầu nhiệm hiệp thông này, có lẽ không gì quý hơn là chúng ta cầu nguyện cho các ngài, bởi vì các ngài chưa được về cùng Chúa, nên các ngài còn bị giam cầm trong luyện ngục để thanh luyện cho tinh ròng trước khi được diện kiến tôn nhan Chúa cách trọn vẹn.

Các linh hồn chính là những người trước đó đã từng sống với chúng ta. Các ngài là cha mẹ, ông bà, tổ tiên, là những người ân nhân, thân nhân, là ông hàng xóm, là bà bán rau, là cháu học sinh… Các ngài là những người đã ra đi trước chúng ta để trở về với nơi mà từ bụi đất mình đã là khởi điểm kiếp người. Khi cầu nguyện cho các linh hồn, chúng ta thể hiện lòng biết ơn, là sống tinh thần hiệp thông, liên đới trong đức ái. Không lẽ chúng ta bỏ mặc các ngài trong khi các ngài không thể làm gì hơn được nữa để cứu lấy chính mình?.

Cầu nguyện cho các linh hồn còn là một bổn phận mà xét theo sự liên đới đây thì đây chính là lẽ công bằng, bởi vì biết bao điều tốt đẹp các ngài đã làm cho chúng ta khi còn sống, đôi khi vì chúng ta, mà các ngài phải chịu liên lụy và phải đền bù trong luyện ngục. Như vậy, trong thiếu xót, bất toàn của các ngài, chúng ta một phần có trách nhiệm, nên việc cầu nguyện cho các linh hồn chính là lẽ công bằng buộc chúng ta phải làm vì lòng biết ơn các ngài… Sự hy sinh của các ngài thật lớn lao, không bút nào viết cho hết, không miệng nào kể cho xuể. Quả thật, chúng ta được lớn khôn và nên người là nhờ vào sự vất vả một nắng hai sương, suốt ngày bán mặt cho đất, bán lưng cho trời của cha mẹ, ông bà…. Từ những đêm thức trắng lo toan, ‘ Gió mùa thu mẹ ru con ngủ – Năm canh chày thức đủ trọn năm” đến những ngày ngược xuôi bươn trải để kiếm cho con cháu chén cơm ăn cho ấm lòng, chiếc áo ấm che thân khi trời lạnh, mấy đồng xu cho ta học hành, thuốc thang… Cha mẹ chấp nhận tất cả để miễn sao cho con cái có tiếng cười, được hạnh phúc và bình an. Như vậy trong sự sung túc, niềm vui của chúng ta có đau khổ (sự chết) của đấng sinh thành.

Hãy cầu nguyện cho các linh hồn vì đây là việc làm có giá trị hơn hết, bởi vì trong Giáo Hội, chúng ta sống mầu nhiệm hiệp thông. Hôm nay chúng ta dâng lễ, những hy sinh, lời cầu nguyện cho các linh hồn sớm được siêu thoát, để các ngài trở nên những vị thánh trước tòa Chúa, các ngài lại cầu nguyện cho chúng ta.

Và mỗi khi đứng trước nghĩa địa, trước các phần mộ của người thân, hay chứng kiến một đám tang nào đó, ta hãy nhớ rằng một ngày nào đó tôi cũng sẽ phải chết như họ. Nghĩ được như thế, ấy là dịp chúng ta nghĩ đến thân phận mong manh của kiếp người. Nghĩ được như thế, là ta chuẩn bị cho hành trang về với Chúa qua những cái giấy thông hành được kết tinh từ những những việc lành phúc đức, những hy sinh… Nghĩ được như vậy, là ta đang tiến dần đến sự sống. Nói như thánh Phaolô thì: “Mỗi ngày tôi phải đối diện với cái chết”. Đối diện với nó để ta chuẩn bị cho ngày cái chết đến rước chúng ta về với Chúa trong thanh thản và bình an.

Lạy Chúa, mỗi khi chúng con đứng trước nấm mộ của người thân, xin cho chúng con biết nhớ đến các linh hồn để cầu nguyện cho các ngài, và xin cũng cho chúng con ý thức được thân phận mỏng manh của kiếp người để sám hối và chuẩn bị cho cuộc ra đi của mình có ý nghĩa. Ước gì mai sau chúng con cũng được hợp cùng các bậc tổ tiên để ca ngợi Chúa không ngừng trên Thiên Quốc. Amen.

 

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
THỨ HAI TUẦN 31 THƯỜNG NIÊN

Ca nhập lễ

Lạy Chúa, là Thiên Chúa chúng tôi, xin đừng bỏ rơi tôi, và xin đừng lìa xa tôi. Lạy Chúa là quền lực phần rỗi tôi, xin phù  giúp tôi.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, chỉ nhờ Chúa ban ơn, các tín hữu Chúa mới có thể thờ Chúa cho phải đạo, xin giúp đỡ chúng con thẳng tiến về cõi trời Chúa hứa và không bị vấp ngã trên đường. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: (Năm I) Rm 12, 5-16

“Kẻ này là chi thể của người kia”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.

Anh em thân mến, chúng ta tuy nhiều người, nhưng cũng chỉ là một thân thể trong Ðức Kitô, và tương quan với mỗi người, kẻ này là chi thể của người kia. Nhưng chúng ta được những ân huệ khác nhau tuỳ theo ân sủng đã ban cho chúng ta: nếu là ơn nói tiên tri, thì hãy xử dụng sao cho xứng đối với đức tin; nếu là chức phận giúp việc, thì hãy chuyên cần giúp việc; nếu là thầy dạy, hãy lo dạy dỗ; nếu là khuyên bảo, hãy lo khuyên bảo; nếu là người phân phát, hãy có lòng chân thành; nếu là người cai quản, hãy cần mẫn; nếu là kẻ thương giúp, hãy vui vẻ.

Ðức ái không được giả hình. Hãy chê ghét điều ác và trìu mến điều lành. Hãy thương yêu nhau trong tình bác ái huynh đệ: Hãy nhân nhượng tôn kính nhau. Hãy siêng năng, chớ biếng nhác: hãy sốt mến trong tâm thần và phụng sự Chúa. Hãy hân hoan trong niềm cậy trông, nhẫn nại trong gian truân và kiên tâm cầu nguyện. Hãy giúp đỡ các thánh khi họ thiếu thốn, và ân cần tiếp khách đỗ nhà. Hãy chúc phúc cho những kẻ bắt bớ anh em: Hãy chúc phúc, chứ đừng chúc dữ. Hãy vui mừng với kẻ vui mừng, và khóc lóc với kẻ khóc lóc. Hãy đồng tâm hiệp ý với nhau: đừng tự cao tự đại, một hãy ưa thích những sự hèn kém. Ðừng tự đắc cho mình là khôn.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 130, 1. 2. 3

Ðáp: Lạy Chúa, xin giữ linh hồn con trong bình an của Chúa.

Xướng: Lạy Chúa, lòng con không tự đắc, và mắt con chẳng liếc nhìn cao, con cũng không lo nghĩ những việc lớn lao hay là những điều quá tầm trí mọn.

Xướng Nhưng con lo giữ linh hồn cho thinh lặng và thanh thản. Như trẻ thơ sống trong lòng thân mẫu, linh hồn con cũng như thế ở trong con.

Xướng: Israel hãy cậy trông vào Chúa, tự bây giờ và cho tới muôn đời.

Bài Ðọc I: (Năm II) Pl 2, 5-11

“Người đã tự hạ mình, vì thế Thiên Chúa đã tôn vinh Người”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Philipphê.

Anh em thân mến, anh em hãy cảm nghĩ trong anh em điều đã có trong Ðức Giêsu Kitô: Người tuy là thân phận Thiên Chúa, đã không nghĩ phải giành cho được ngang hàng với Thiên Chúa; trái lại, Người huỷ bỏ chính mình mà nhận lấy thân phận tôi đòi, đã trở nên giống như loài người với cách thức bề ngoài như một người phàm.

Người đã tự hạ mình mà vâng lời cho đến chết, và chết trên thập giá. Vì thế, Thiên Chúa đã tôn vinh Người, và ban cho Người một danh hiệu vượt trên mọi danh hiệu, để khi nghe tên Giêsu, mọi loài trên trời dưới đất và trong địa ngục phải quỳ gối xuống, và mọi miệng lưỡi phải tuyên xưng Ðức Giêsu Kitô là Chúa để Thiên Chúa Cha được vinh quang.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 21, 26b-27. 28-30a. 31-32

Ðáp: Lạy Chúa, bởi Chúa mà lời con ca ngợi vang lên trong Ðại hội (c. 26a).

Xướng: Bởi Chúa mà lời con ca ngợi vang lên trong Ðại hội. Con sẽ làm trọn những lời khấn hứa của con, trước mặt những người tôn sợ Chúa. Bạn cơ bần sẽ ăn và được no nê, những kẻ tìm kiếm Chúa sẽ ca khen Chúa: “Tâm hồn các bạn hãy vui sống tới muôn đời”. 

Xướng: Thiên hạ sẽ ghi lòng và trở về với Chúa, khắp cùng bờ cõi địa cầu; và toàn thể bá tánh chư dân sẽ phủ phục trước thiên nhan Chúa. Bao người ngủ trong lòng đất sẽ tôn thờ duy một Chúa. 

Xướng: Miêu duệ con sẽ phục vụ Ngài, sẽ tường thuật về Chúa cho thế hệ tương lai, và chúng kể cho dân hậu sinh biết đức công minh Chúa, rằng: “Ðiều đó Chúa đã làm”. 

Alleluia: Tv 147, 12a và 15a

Alleluia, alleluia! – Giêrusalem, hãy ngợi khen Chúa, Ðấng đã sai lời Người xuống cõi trần ai. – Alleluia.

Phúc Âm: Lc 14, 15-24

“Anh hãy ra ngoài đường ngoài ngõ, và cố ép người ta vào cho đầy nhà tôi”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, một người đồng bàn thưa cùng Chúa Giêsu rằng: “Phúc cho kẻ sẽ được ăn tiệc trong nước Thiên Chúa”. Người phán cùng kẻ ấy rằng: “Có một người kia dọn tiệc linh đình, và đã mời nhiều thực khách. Tới giờ dự tiệc, ông sai đầy tớ đi báo cho những kẻ được mời để họ đến, vì mọi sự đã dọn sẵn sàng rồi. Nhưng mọi người đồng thanh xin kiếu. Người thứ nhất nói với ông rằng: “Tôi mới tậu một thửa ruộng, tôi cần phải đi xem đất, nên xin ông cho tôi kiếu”. Người thứ hai nói: “Tôi mới mua năm đôi bò, và tôi phải đi thử chúng, nên xin ông cho tôi kiếu”. Người khác lại rằng: “Tôi mới cưới vợ, bởi đó tôi không thể đến được”.

“Người đầy tớ trở về thuật lại những điều đó cho chủ mình. Bấy giờ chủ nhà liền nổi giận, bảo người đầy tớ rằng: “Anh hãy cấp tốc đi ra các công trường và các ngõ hẻm thành phố mà dẫn về đây những người hành khất, tàn tật, đui mù và què quặt”. Người đầy tớ trở về trình rằng: “Thưa ông, lệnh ông ban đã được thi hành, thế mà hãy còn dư chỗ”. Ông chủ lại bảo người đầy tớ rằng: “Anh hãy ra ngoài đường ngoài ngõ và cố ép người ta vào cho đầy nhà tôi. Vì tôi bảo cho các người biết: không một ai trong những kẻ đã được mời, sẽ được nếm bữa tiệc của tôi”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin cho bánh rượu chúng con dâng trở nên của lễ tinh tuyền trước nhan Chúa và đem lại cho chúng con nguồn ơn phúc dồi dào. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Lạy Chúa, xin chỉ cho tôi biết đường lối trường sinh, và xin cho tôi no đầy hoan hỉ trước thiên nhan.

Hoặc đọc:

Chúa phán: cũng như Cha là Đấng hằng sống đã sai Ta, nên Ta sống nhờ Cha, thì kẻ ăn Ta chính người ấy cũng sống nhờ Ta.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, chúng con vừa được Mình và Máu Ðức Kitô bồi dưỡng, xin Chúa tăng cường hoạt động nơi chúng con, để chúng con được sẵn sàng lãnh nhận những ơn lành Chúa hứa cho những ai tham dự bí tích này. Chúng con cầu xin….

Suy niệm

HẠNH PHÚC CHỈ CÓ ĐƯỢC KHI TA ĐẾN DỰ TIỆC (Lc 14, 15-24)
Giuse Vinhsơn Ngọc Biển SSP

Nói theo ý hướng chủ quan: ngày chúng ta lãnh nhận Bí tích Rửa Tội, ấy là lúc chúng ta tạm cầm chiếc vé để vào Nước Trời, tuy nhiên, điều đó có thành hiện thực hay không lại phụ thuộc vào thái độ, cung cách sống kế tiếp của chúng ta.

Tại sao lại thế? Thưa là vì nhiều người lầm tưởng rằng: đã lãnh Bí tích Rửa Tội là chắc chắn được vào Nước Trời, nên không hề lo lắng gì đến chuyện sống ra sao và phải làm những gì? Những người như thế, họ chẳng khác gì những cô trinh nữ khờ dại có đèn mà không có dầu; hay như những người đầy tớ ngủ mê nên không biết ngày nào, giờ nào chủ họ sẽ về; hoặc như gia chủ không tỉnh thức nên đã để kẻ trộm đào ngạch khoét vách và lấy đi những thứ trong nhà…

Họ thật giống những người Dothái hôm nay khi được mời dự tiệc, họ đã không thèm đếm xỉa tới lời mời thịnh tình của Chủ, nên cuối cùng họ đã không đến, mà ngược lại, những người tội lỗi, nghèo khổ, những người thấp cổ bé họng, những người bên lề xã hội lại được vào chung vui tiệc cưới của ông Chủ.

Ngày nay, sự dửng dưng vô cảm với bàn tiệc Nước Trời vẫn còn đó nơi người Kitô hữu chúng ta. Vì thế, không lạ gì khi vẫn có những người thích ăn chơi, nhậu nhẹt, chè chén say xưa; hay vẫn tin vào những chuyện mê tín dị đoan; hoặc những chân lý nửa vời nên không màng chi đến chuyện đạo đức, lễ lạy…, nên người ta dễ bỏ qua những việc bác ái, đạo đức thường ngày… Chúng ta nhiều khi sẵn sàng đặt để vai trò của Chúa xuống hàng thứ yếu, nhưng khi được hỏi thì vẫn nói là mến Chúa trên hết mọi sự! Ôi thật là một sự giả hình!

Tin Mừng hôm nay cho thấy, chủ tiệc đã dọn sẵn cỗ bàn để đãi khách. Thiệp mời cũng đã được gửi đi, nhưng niềm vui chỉ có được khi khách đến hiện diện nơi bàn tiệc mà thôi.

Thật thế, những người được mời đâu đoái hoài gì đến thiện ý của Chủ tiệc, nên đã đặt những chuyện cá nhân lên trên và viện cớ: nào là đi tậu đất, thăm trại, mua bò và mới cưới…

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta một mặt hãy có lòng nhân từ như Thiên Chúa là Đấng yêu thương hết thảy mọi người, không phân biệt họ là ai… đồng thời cũng dạy cho chúng ta bài học về sự mau mắn đáp lại lời mời gọi của Chúa và thi hành những điều Chúa dạy để được sống đời đời. Niềm vui sẽ nên trọn khi chúng ta để cho tình yêu của Thiên Chúa phủ lấp trên mình và chi phối nơi cuộc sống của chúng ta.

Lạy Chúa Giêsu, xin tha thứ vì những lần chúng con khước từ tình yêu của Chúa dành cho chúng con. Xin cho chúng con biết mau mắn đáp lại lời mời gọi yêu thương của Chúa để được hưởng sự sống đời đời. Amen.
 

MẦU NHIỆM THỰC TẠI LUYỆN HÌNH
(Ngày 02-11) Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

 

tbd 301021a


Chẳng thể biết rõ để mà so sánh với các nước khác trên thế giới, chỉ biết rằng ở quê Việt thì có thể nói là mặc dù bậc lễ không trọng bằng lễ Các Thánh Nam Nữ ngày 01-11, nhưng bầu khí thánh thiêng của ngày lễ 02-11 xem ra thâm trầm và sâu đậm hơn. Có nhiều người lý giải rằng dân Việt chúng ta vốn gắn bó với đạo hiếu như xương với tủy. Chính vì thế khi được dịp hướng về những người đã qua đời, nhất là trong đó có tổ tiên ông bà cha mẹ thì người ta không tiếc xót của hay công. Nghĩa tử, nghĩa tận. Việc phải làm, việc đáng làm cho người đã khuất là việc phải làm, đáng làm cho đến cùng. Dù đã được giải thích về ân xá, thế mà vẫn còn đó nhiều người đi vô, đi ra, viếng nhà thờ, viếng nghĩa trang trên cả chục lần để tận thu ân xá cho các đẳng linh hồn. Có người so sánh ngày 02-11 trong Công giáo như là ngày lễ Vu Lan trong Phật giáo. Hẳn nhiên có nét tương đồng nào đó về việc sống thảo hiếu với người đã qua đời nhất là với mẹ cha, ông bà và với cả các “vong hồn”. Tuy nhiên nội hàm của Lễ cầu cho các tín hữu đã qua đời hay còn gọi là Lễ Các Đẳng vốn có nét khác biệt căn bản so với Lễ Vu Lan và Lễ Xá tội vong nhân. Không dám mạo muội làm một tiểu “tiểu luận” so sánh tôn giáo về đề tài này, chỉ mong góp một cái nhìn về mầu nhiệm luyện hình.

Xin lược trích vài nét về Lễ Vu Lan và Lễ ngày xá tội vong nhân qua các bài viết đã đăng trên các trang Web với cùng một nội dung:

Xuất xứ lễ Vu Lan

Xuất phát từ sự tích về Tôn giả Mục Kiền Liên đại hiếu đã cứu mẹ của mình ra khỏi kiếp ngạ quỷ. Vu Lan là ngày lễ hằng năm để tưởng nhớ công ơn cha mẹ (và tổ tiên nói chung) - cha mẹ của kiếp này và của các kiếp trước.

Theo kinh Vu Lan thì ngày xưa, Mc Kiền Liên đã tu luyện thành công nhiều phép thần thông. Mẫu thân ông là bà Thanh Đề đã qua đời, ông tưởng nhớ và muốn biết bây giờ mẹ như thế nào nên dùng mắt phép nhìn khắp trời đất để tìm. Thấy mẹ mình, vì gây nhiều nghiệp ác nên phải sanh làm ngạ quỷ, bị đói khát hành hạ khổ sở, ông đã đem cơm xuống tận cõi quỷ để dâng mẹ. Tuy nhiên do đói ăn lâu ngày và có thể vì ích kỷ, nên mẹ của ông khi ăn đã dùng một tay che bát cơm của mình đi, tránh không cho các cô hồn khác đến tranh cướp, vì vậy khi thức ăn đưa lên miệng thức ăn đã hóa thành lửa đỏ.

Mục Kiền Liên quay về tìm Phật để hỏi cách cứu mẹ, Phật dạy rằng: “dù ông thần thông quảng đại đến đâu cũng không đủ sức cứu mẹ ông đâu. Chỉ có một cách nhờ hợp lực của chư tăng khắp mười phương mới mong giải cứu được. Ngày rằm tháng bảy là ngày thích hợp để vận động chư tăng, hãy sắm sửa lễ cúng vào ngày đó”. 

Làm theo lời Phật, mẹ của Mục Kiền Liên đã được giải thoát. Phật cũng dạy rằng chúng sanh ai muốn báo hiếu cho cha mẹ cũng theo cách này (Vu Lan Bồn Pháp). Từ đó ngày lễ Vu Lan ra đời.

Sự tích ngày xá tội vong nhân

Sự tích lễ cúng cô hồn như sau: Cứ theo “Phật Thuyết Cứu Bạt Diệm Khẩu Ngạ Quỷ Ðà La Ni Kinh” mà suy thì việc cúng cô hồn có liên quan đến câu chuyện giữa ông A Nan Ðà, thường gọi tắt là A Nan, với một con quỷ miệng lửa (diệm khẩu) cũng gọi là quỷ mặt cháy (diệm nhiên). Có một buổi ti, A Nan đang ngồi trong tịnh thất thì thấy một con ngạ quỷ thân thể khô gầy, c nhỏ mà dài, miệng nhả ra lửa bước vào. Quỷ cho biết rằng ba ngày sau A Nan sẽ chết và sẽ luân hồi vào cõi ngạ quỷ miệng lửa mặt cháy như nó. A Nan sợ quá, bèn nhờ quỷ bày cho phương cách tránh khỏi khổ đồ. Quỷ đói nói: “Ngày mai ông phải thí cho bọn ngạ quỷ chúng tôi mỗi đứa một hộc thức ăn, lại vì tôi mà cúng dường Tam Bảo thì ông sẽ được tăng thọ mà tôi đây cũng sẽ được sanh về cõi trên”. 

A Nan đem chuyện bạch với Ðức Phật. Phật bèn đặt cho bài chú gọi là “Cứu Bạt Diệm Khẩu Ngạ Quỷ Ðà La Ni”, đem tụng trong lễ cúng để được thêm phước. Phật tử Trung Hoa gọi lễ cúng này là Phóng diệm khẩu, tức là cúng để bố thí và cầu nguyện cho loài quỷ đói miệng lửa, nhưng dân gian thì hiểu rộng ra và nói trại đi thành cúng cô hồn, tức là cúng thí cho những vong hồn vật vờ không nơi nương tựa, vì không có ai là thân nhân trên trần gian cúng bái. Vì tục cúng cô hồn bắt nguồn từ sự tích này, cho nên ngày nay người ta vẫn còn gọi cúng cô hồn là Phóng diệm khẩu. Có khi còn nói tắt thành Diệm khẩu nữa. Diệm khẩu, từ cái nghĩa gốc là quỷ miệng lửa, nay lại có nghĩa là cúng cô hồn. Ðiều này góp phần xác nhận nguồn gốc của lễ cúng cô hồn được trình bày trên. Phóng diệm khẩu mà nghĩa gốc là “thả quỷ miệng lửa”, về sau lại được hiểu rộng thêm một lần nữa thành “tha tội cho tất cả những người chết”. Vì vậy, ngày nay mới có câu: “Tháng bảy ngày rằm xá tội vong nhân”.

Lễ cúng cô hồn khác với lễ Vu Lan dù được cử hành trong cùng Ngày Rằm. Một đằng là để cầu siêu cho cha mẹ nhiều đời được siêu thoát, một đằng là để bố thí thức ăn cho những vong hồn chưa được siêu thoát, những vong hồn không nơi nương tựa, không người cúng kiếng.

Nguồn gốc của thánh Lễ Cầu cho Các Đẳng Linh hồn (02-11) (Trần Văn Trí)

Lễ có nguồn gốc từ Dòng Bênêđíctô là nơi các Tu Sĩ có lòng tưởng nhớ và cầu nguyện cho các Tu Sĩ đã qua đời. Từ đó phát sinh thêm việc cầu nguyện cho các Đẳng Linh Hồn. Tại Tây Ban Nha, thời Thánh Isidore (qua đời năm 636) lập ngày lễ cầu hồn vào Chúa Nhật trước Lễ Hiện Xuống. Tại Đức, vào cuối thế kỷ X, có lễ cầu cho các tín hữu vào ngày 1 tháng 10. Khoảng đầu thế kỷ XI, Linh Mục Odilon (về sau được phong Thánh), Bề Trên thứ năm của Dòng Cluny ở Pháp, buộc các Tu Viện Bênêđíctô phải tưởng nhớ đến các tín hữu đã qua đời bằng Thánh Lễ trọng thể ngày 2 tháng 11. Tại Milan, Ý, Giám Mục Otricus (1120 – 1125) lập Lễ Cầu Hồn ngày 15 tháng 10. Cũng ngày đó, ở Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Châu Mỹ La-tinh, các Linh Mục dâng 3 Thánh Lễ cầu nguyện cho các Đẳng Linh Hồn.

Năm 1922, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XV (1914 – 1922) mở rộng lễ trong Giáo Hội hoàn vũ và mỗi Linh Mục dâng 3 Thánh lễ Lễ Cầu Cho Các Tín Hữu Đã Qua Đời. Đức Thánh Cha lưu ý đến cả hằng chục triệu người đã hy sinh trong thời Đệ nhất Thế Chiến (1914 – 1918).

Ngoài ra, cũng như Thánh Odilon nhắc lại truyền thống đã có từ thế kỷ VI, trong các Nhà Dòng Bênêđíctô, có tục lệ tưởng nhớ đến các huynh đệ Tu Sĩ đã qua đời bằng cách ghi tên các tu sĩ đã qua đời vào sổ đặc biệt của Dòng. Mỗi ngày trong tháng các Đẳng cầu nguyện cho một Tu Sĩ quá cố. Vì thế trọn tháng 11, ngày nào cũng tưởng nhớ và cầu cho các Đẳng Linh Hồn. Hội Thánh theo tinh thần đạo đức tốt đẹp ấy nên đã dành trọn tháng 11 làm Tháng Cầu Cho các Đẳng Linh Hồn.

Theo giáo huấn của Hội thánh, xin được góp một cái nhìn:

Hội Thánh qua Công Đồng Florence và Trentô dạy rằng những người chết mà còn mắc tội nhẹ hay chưa đền trả hết hình phạt các tội đã được tha khi còn ở trần gian, thì cần phải được thanh luyện một thời gian cho tương xứng với sự thánh thiện vô biên của Thiên Chúa. Đây là tình trạng các linh hồn trong chốn luyện hình. Giáo lý về luyện hình được xây dựng trên một số đoạn Kinh thánh Cựu Ước như việc ông Giuđa Macabêô “xin dâng lễ đền tội cho những người đã chết, để họ được giải thoát khỏi tội lỗi” (2 Mcb 12,46), hay như việc các con của ông Gióp đã được thanh luyện nhờ việc hiến lễ của cha (x.G 1,5). Trong Tân Ước thì có một vài đoạn thánh thư có ám chỉ đến việc thanh luyện (x.Cr 3,15 ; 1P 1,7 ) (GlCG chung số 1030-1032).

Mầu nhiệm Hội Thánh Thông Công dạy chúng ta rằng các tín hữu còn lữ thứ có thể chuyển thông công nghiệp của mình cho các linh hồn nơi luyện hình. Ngày 02 tháng 11 và nguyên tháng 11 là thời gian đặc biệt, đoàn tín hữu được mời gọi sống hiệp thông với các đẳng linh hồn trong cùng một sự sống và một đức ái của Thân Thể mầu nhiệm Chúa Kitô.

Nếu nhìn với cái nhìn theo chiều ngang thì nội hàm của Lễ Vu Lan, Lễ xá tội vong nhân và Lễ cầu cho các Đẳng linh hồn dường như không khác nhau. Tất cả đều phát xuất từ tấm lòng thảo hiếu của cháu con dành cho tổ tiên, ông bà cha mẹ đã qua đời và từ tấm lòng từ bi hỉ xả của tín hữu dành cho các vong nhân hay các linh hồn không có hay ít có người nhớ đến và thương giúp, độ trì. Nét tương đồng này còn biểu hiện qua niềm tin rằng những linh hồn đã qua đời có thể hưởng nhờ ân phúc người tại thế bằng những hy sinh, những việc lành, lời kinh nguyện cầu của cháu con nhất là của những người đức cao, đạo trọng.

Tuy nhiên có sự khác biệt căn bản giữa hai niềm tin trên đó là nguồn gốc của việc sống hiệp thông với người đã qua đời. Trong khi giáo lý nhà Phật không giải thích vì sao và bởi đâu mà có sự hiệp thông ấy thì Kitô giáo, cách riêng Công giáo lại thực hành mầu nhiệm hiệp thông ấy dựa trên các chân lý nền tảng sau:

Thiên Chúa, Đấng là căn nguyên và cùng đích của mọi vật mọi loài chính là Đấng Thánh, Đấng ngàn trùng chí thánh. Thiên Chúa là Đấng Thánh, Người tỏ mình là Thánh qua các kỳ công Người thực hiện. Người là Chúa các đạo binh, trời đất đầy vinh quang của Người. Thiên Chúa là Thánh không nguyên chỉ vì Người đầy uy quyền mà còn vì Người là Đấng đầy tình lân ái (x.Ez 38,21tt; Tv 33,21; Am 2,7). Chúa Giêsu là Đấng Thánh (x.Lc 1,35; Mt 1,18). Người là Đấng Thánh của Thiên Chúa (x.Mc 1,24). Thiên Chúa Ngôi Ba là Chúa Thánh Thần. Để có thể hiệp thông trọn vẹn với Đấng Chí Thánh thì con người phải thanh sạch hoàn toàn. Và sự thanh sạch tinh tuyền này đòi hỏi có sự thanh luyện của linh hồn sau khi đã qua đời, nếu còn vấn vương tội nhẹ hay chưa đền trả xong các hình phạt của những tội đã được tha.

Thiên Chúa là Đấng công bình vô cùng. Dù tội lỗi con người đã được tha khi họ có lòng ăn năn sám hối, thú tội, nhưng vẫn họ phải đền trả theo sự đòi hỏi của đức công bình. Chưa kể đến những thiệt hại vật chất cụ thể, khi chúng ta làm thiệt hại thanh danh một ai đó, nếu chúng ta thành thật xin lỗi và đã được họ bỏ qua, tha thứ, thì chúng ta còn phải có bổn phận đền trả là phục hồi danh dự của người ấy cách tương xứng theo khả năng. Tương tự như thế, đức tin dạy ta rằng mọi tội lỗi đều xúc phạm đến Thánh Danh Thiên Chúa thì dù đã được thứ tha thì chúng ta cũng còn phải đền trả. Việc thanh luyện còn minh chứng sự công bình của Thiên Chúa, Đấng sẽ trả cho từng người theo những gì họ đã sống, đã làm ở trần gian. Sự thanh luyện của các linh hồn ở đây không phải là một sự báo thù của Thiên Chúa nhưng là một hệ lụy của tình yêu. Tình yêu đòi hỏi có sự đáp đền tương xứng một cách nào đó. Như thế sự thanh luyện xuất phát bởi bản chất của tội, nghĩa là dù đã được tha thứ nhưng vẫn cần phải được thanh tẩy những hậu quả xấu xa mà nó di hại (x.GLCG chung số 1472).

Thiên Chúa là Tình yêu, là Đấng từ bi nhân hậu vô biên. Thiên Chúa không xử với chúng ta như chúng ta đáng tội và không trả cho chúng ta theo lỗi tội của ta. Người là Cha giàu lòng thương xót, nên Người không thể bỏ chúng ta, ngoại trừ chúng ta tự ý, cố tình chối bỏ Người. Người tạo mọi dịp thuận lợi, bằng mọi cách thế để chúng ta được cứu thoát. Ngay cả chính Con Một Người mà Người cũng phó nộp vì chúng ta thì còn gì mà Người lại không ban cho chúng ta. Không có gì tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Người trong Đức Giêsu Kitô (x.Rm 8,31-38).

Thoạt xem ra khó dung hòa giữa sự công bình và tình lân ái của Thiên Chúa. Phận người chúng ta, loài thọ tạo, quả là khó luận suy rạch ròi những phạm trù thuộc Đấng Tạo Thành. Niềm tin của chúng ta chủ yếu dựa vào lời mạc khải và truyền thống của Hội Thánh. Tuy nhiên niềm tin ấy dù vượt lên trên tầm luận lý của trí khôn nhưng không hề phi lý hay vô lý. Bằng phương pháp loại suy, chúng ta có thể đón nhận chân lý một cách vững tâm và an bình. Thánh nữ Têrêxa Hài Đồng đã cho chúng ta một hình ảnh để loại suy về sự tương hợp giữa sự công bình vô cùng của Thiên Chúa và tình yêu vô biên của Người. Mỗi người chúng ta là một cái chai, giống nhau về độ lớn bên ngoài. Nếu được hưởng kiến thánh nhan Thiên Chúa cách trọn hảo thì cái chai nào cũng đầy tràn nước mưa từ trời, nhưng lượng nước mưa trong mỗi chai thì vẫn có lượng ít nhiều khác nhau tùy cái độ rỗng của từng cái chai.

Thực tại luyện hình không phải là sự luận phạt con người vì tội lỗi gây ra. Chính Chúa Giêsu đa từng khẳng định rằng:”Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một mình, để tất cả những ai tin Con Ngài thì không phải hư mất, nhưng được sống đời đời, vì Thiên Chúa không sai Con của Ngài giáng trần để luận phạt thế gian, nhưng để thế gian nhờ Con Ngài mà được cứu độ” (Ga 3,16-17). Trong đức tin, luyện hình là công lý của tình yêu. Ngày nay nhiều thần học gia đồng thuận với nhau về khái niệm nỗi khổ đau của các linh hồn chốn luyện hình. Cũng nên và phải bỏ dần những hình ảnh rắn rết, bò cạp, vạc dầu sôi, lửa hỏa diệm sơn khi diễn tả về luyện hình. Nỗi khổ đau của các linh hồn ở đây chính là sự cách ly và khát khao đợi chờ của tình yêu. Trong hoàn cảnh dịch bệnh Covid-19 đang hoành hành, chắc hẳn rất nhiều người thấm thía nỗi cô đơn và đau khổ khi bị cách ly. Đã từng hỏi nhiều người diện F1 về tâm trạng và họ trả lời là đếm từng ngày, mong từng giờ được đoàn tụ với gia đình, với cộng đồng. Khi cảm nhận được tình yêu giữa mình với Đấng Tối Cao mà phải “bị cách ly”, phải đợi chờ thì quả là khổ đau khó tả. Không phải Thiên Chúa trừng phạt nhưng các linh hồn hiểu rằng vì họ chưa sẵn sàng đủ để sống hiệp thông trọn vẹn với Thiên Chúa.

Vì là hình ảnh và là họa ảnh của Thiên Chúa, loài người được dựng nên không phải là những ngôi vị đơn độc, biệt lập, nhưng có tính cộng đoàn, tính xã hội, nghĩa là có tính hiệp thông liên vị. Nhờ ân ban này mà những người còn sống có thể chuyển thông công nghiệp cho những linh hồn đã qua đời trong cảnh luyện hình và ngược lại các linh hồn cũng có thể cầu bàu cho người đang còn lữ thứ. Sự khả thể này là ân ban của Thiên Chúa Tình Yêu. Mầu nhiệm hiệp thông này đã được Chúa Giêsu nói rõ cách đặc biệt qua hình ảnh cây nho và cành nho (x.Ga 15,1-8). Và thánh Tông đồ dân ngoại triển khai thêm qua hình ảnh các thành phần chi thể trong cùng một thân thể là Chúa Kitô (x.1Cr 12,12-21).

Tháng 11 lại về, một tháng đặc biệt trong năm để chúng ta không chỉ sống đạo thảo hiếu với mẹ cha, tổ tiên ông bà đã qua đời, sống tình bác ái đối với các linh hồn ít ai nhớ tới vốn quen được gọi là các “linh hồn mồ côi” hay “các đẳng”, mà còn là tháng chúng ta thể hiện tình liên đới hiệp thông cách thiết thực và sâu đậm. Cùng chung một sự sống thì khi một chi thể cằn cỗi, bệnh tật, thì sẽ ảnh hưởng xấu đến các chi thể khác và ngược lại nếu một chi thể lành mạnh, đầy sức sống, thì các chi thể khác cũng sẽ được hưởng nhờ phúc ân. Động lực và sức mạnh để chúng ta sống tình hiệp thông liên đới với các đẳng linh hồn không dừng lại ở các nguyên nhân là tình cảm huyết nhục của tình đạo hiếu hay là lòng xót thương nhân bản tự nhiên mà còn đặc biệt xuất phát bởi niềm tin vào Đấng mà chúng ta tôn thờ là Đấng ngàn trùng chí thánh, Đấng công bình vô cùng và đầy tình yêu thương bao la.

Một sự hiệp thông liên đới được hướng dẫn bởi đức tin chân chính, trưởng thành và chuẩn mực một cách nào đó, thì sẽ sâu xa và vững bền đồng thời cũng tránh được những biến tướng sai lạc do vụ lợi hay mê tín.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây