TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật IV Mùa Vọng -Năm C

“Bởi đâu tôi được Mẹ Thiên Chúa đến viếng thăm tôi”. (Lc 1, 39-45)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Coi chừng chúng ta là Giuđa thời hiện đại!

Thứ tư - 27/03/2024 07:02 | Tác giả bài viết: Lm. Anmai, CSsR |   543
Câu chuyện Giuđa mãi mãi là câu chuyện của mỗi chúng ta. Không khéo thì chúng ta cũng đi bán anh chị em đồng loại với cái giá quá bèo.
Coi chừng chúng ta là Giuđa thời hiện đại!
CẨN TRỌNG! COI CHỪNG CHÚNG TA LÀ GIUĐA THỜI HIỆN ĐẠI!
 

“Muốn theo vết xe đổ có được đâu!” Đó chính là phản hồi sau bài chia sẻ với tựa đề: “Đừng theo vết xe đổ của Giuđa”. Chuyện là ý của người phản hồi là làm gì có chuyện Giuđa bán Chúa như xưa vào thời nay nữa.

Thật vậy, ngày hôm nay làm gì có chuyện như ngày xưa là có một Giuđa và có một Thầy Giêsu để mà bán. Thế nhưng trong thực tế của cuộc sống có rất nhiều phiên bản Giuđa hay là Giuđa thời hiện đại.

Lòng tham khiến cho người ta không dừng được ham muốn. Người trắng tay muốn tiền vào tay mình nhanh nhất. Người có tiền muốn có thêm thật nhiều tiền nữa. Sẽ chẳng có gì đáng bàn nếu họ thực hiện ham muốn đó bằng việc nỗ lực kiếm tiền một cách chân chính. Nhưng thật đáng lên án khi vì lòng tham mà họ bất chấp mọi thủ đoạn để có được đồng tiền.

Đồng tiền là chiếc gương phản ánh tính cách con người: "Mảnh giấy nhỏ" vừa là thiên thần, vừa là ác quỷ chi phối cuộc sống của con người.

Khởi đi từ lòng tham và từ tiền bạc, Giuđa đã bán Thầy và bán với cái giá rẻ mạt. Tưởng chừng cái kinh nghiệm ấy giúp cho mọi người và mọi thời học như là bài học cho đời mình nhưng không. Ngày hôm nay, với cái xã hội phát triển kinh tế và đồng tiền lên ngôi thì nhiều người lại cứ đi theo vết xe đổ của Giuđa ngày xưa ấy.

Bản thân tôi, trong giao tiếp hạn hẹp của mình, tôi thấy phảng phất đâu đó con người ta phản bội nhau, lật lọng nhau, tráo trở với nhau cũng chỉ vì tiền mà thôi. Và lắm lúc tôi tự hỏi tiền nó là gì mà để cho người ta bán đi nhân cách của họ với giá rẻ như thế.

Có lẽ ít nhiều gì trong chúng ta cũng hơn một lần kinh nghiệm về chuyện mua bán. Cha mẹ bán con cái, con cái bán cha mẹ, anh chị em bán lẫn nhau với cái giá quá rẻ.

Bản thân đồng tiền không có lỗi, mà vấn đề là người sử dụng, mục đích sử dụng tiền. Dân gian có câu: “Tiền dùng đúng, tiền hiền như Phật. Bạc xài lầm, bạc ác hơn ma”.

Ai trong chúng ta cũng biết, sự dữ đi vào lòng người ngang qua những túi tiền. Những cám dỗ cỏn con lỗi đức khó nghèo là thương tích của các thành viên trong thân mình cộng đoàn thánh hiến. Lời khấn khó nghèo tuân theo Quy Luật, theo Hiến Pháp của mỗi Hội Dòng không giống nhau. Quy Luật dạy, “Luật chúng ta không cho phép điều này; luật dòng không ban phép điều kia”, nhưng luôn luôn có một điểm chung là tinh thần nghèo khó và chúng ta không cần bàn cãi điều này. Không có đức khó nghèo, chúng ta sẽ không bao giờ có khả năng phân định đúng đắn những gì đang xảy ra trong thế giới hôm nay.

Sự cám dỗ của đồng tiền không phải khiến ai cũng trở thành tội phạm, thành kẻ giết người. Nhưng nếu không đủ bản lĩnh, không đủ rèn luyện đạo đức, không đủ để có những định hướng đúng đắn sẽ khiến một số kẻ - không đơn giản chỉ là lầm đường lạc lối, mà còn trở thành hiện thân của tội ác, trở thành quỷ dữ. Và một khi bị đền tội, thì đồng tiền cũng đâu còn có ích.

Đồng tiền có quan trọng cho cuộc sống? Câu trả lời dĩ nhiên là có. Một người bạn của tôi, trong một hoàn cảnh rất ngặt nghèo phải thử thách giữa lương tâm và sự cám dỗ của đồng tiền, đã nói như vầy: “Tiền rất cần cho cuộc sống, nhưng không cần phải bán rẻ lương tâm để có được nó”.

Có rất nhiều trường hợp, con người bại hoại, mất tư cách, bị chôn vùi bởi đồng tiền. Nhưng cũng không thiếu con người ánh lên vẻ đẹp, bộc lộ phẩm chất cao đẹp trước đồng tiền. Thái độ của mọi người đối với tiền bạc chính là chiếc gương phản chiếu tính cách con người: Những người bị ám ảnh bởi tiền sẽ không bao giờ cảm thấy đủ.

Trong mắt của kiểu người này chỉ có tiền, coi tiền là chuẩn mực để giải thích tất cả các hoạt động ý nghĩa của con người, tiền là mục tiêu của cuộc sống và là mục tiêu cần có trong tất cả các hoạt động của kiểu người này.

Họ đặt mình vào việc kiếm tiền, tiết kiệm, đuổi theo, giành lấy và bị mất tất cả cũng vì tiền bạc. Nếu có tiền, họ sẽ hạnh phúc. Và mục tiêu kiếm tiền của họ không phải là cải thiện chất lượng cuộc sống, mà để tận hưởng cảm giác có tiền, và đếm tiền như một thú vui.

Kiểu người này không chỉ keo kiệt với người khác, mà còn hà tiện với chính bản thân mình. Ngoài những nhu cầu sống còn cơ bản, họ không bao giờ chi tiêu một xu nào. Họ trở thành nô lệ của tiền bạc. Cuối cùng vì quá keo kiệt, họ không thể là người giàu có thực sự. Ngoại trừ việc có tiền, họ nghèo về mọi thứ.

Những người bị ám ảnh về đồng tiền thực sự sẽ không bao giờ cảm thấy đủ. Họ luôn sống trong cảm giác thiếu thốn và sẽ chẳng thể nào có một ngày thảnh thơi.

Xét cho bằng cùng, thái độ của chúng ta đối với tiền bạc xác định và thể hiện thái độ của chúng ta đối với cuộc sống. Không thể dựa vào quan niệm về tiền bạc để đánh giá ai đó hoàn toàn tốt, hoàn toàn xấu hay đạt chuẩn mực đạo đức cao hay không. Cuộc sống có rất nhiều mặt, hãy lựa chọn và chú tâm vào điều phù hợp nhất với bạn là đủ.

Không thể phủ nhận giá trị của đồng tiền trong cuộc sống. Mỗi chúng ta tự do chọn lựa cho mình thái độ sống trước đồng tiền. Chỉ nên thận trọng và cố gắng điều khiển lòng mình tránh khỏi lòng tham bởi lẽ từ lòng tham, không khéo chúng ta cũng đi theo vết xe đổ ngày xưa của Giuđa là bán Thầy với cái giá rẻ mạt.

Câu chuyện Giuđa mãi mãi là câu chuyện của mỗi chúng ta. Không khéo thì chúng ta cũng đi bán anh chị em đồng loại với cái giá quá bèo. Chính vì thế chúng ta phải hết sức thận trọng trong cuộc sống của chúng ta nhất là với tiền bạc.

Lm. Anmai, CSsR

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây