TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật IV Mùa Vọng -Năm C

“Bởi đâu tôi được Mẹ Thiên Chúa đến viếng thăm tôi”. (Lc 1, 39-45)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Cứng Lòng Tin (Mc 6,1-6)

Thứ tư - 03/07/2024 09:14 | Tác giả bài viết: Lm. Thái Nguyên |   393
“Họ vấp ngã vì Người”.

CỨNG LÒNG TIN
Chúa Nhật 14 Thường niên năm B: Mc 6,1-6

LmTN 030724a

 

Suy niệm

Khi trở về Nagiarét, Đức Giêsu đã tự đặt mình vào một trường hợp chịu thử thách nghiêm trọng. Ngài vào hội đường và giảng dạy, nhưng người ta không tiếp nhận lời giáo huấn của Ngài, trái lại còn tỏ vẻ hiềm thù. “Họ vấp ngã vì Người”. Họ bực bội vì một người xuất thân từ một hoàn cảnh tầm thường như Đức Giêsu, mà lại nói năng và hành động như kẻ có quyền. Dựa vào sự quen biết và cái nhìn bề ngoài nên họ khinh thường Ngài, đồng thời phát sinh thái độ ghen tỵ khi nghe thấy Ngài làm được những việc lạ lùng. Ghen tỵ và thành kiến là một trong những nguyên nhân khiến “không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình” (Lc 4, 24). Đó là thói đời, thời nào cũng thế, nên chẳng ai lạ gì với câu thành ngữ: “Gần chùa gọi bụt bằng anh”.

Tất cả đều bị tầm thường hóa dưới cái nhìn quá quen biết, “Quen quá hóa nhàm”. Tệ hơn nữa với những con người có tâm hồn hẹp hòi, thô thiển, họ chẳng cảm thấy gì khi đứng trước bậc thánh nhân, mà còn hung hăng đả kích. Phải chăng họ nhìn người kia bằng chính tâm trạng của mình? Coi thường hoặc nghi ngờ người khác là thái độ của một người muốn tránh né bản thân, chưa trưởng thành, chưa có tình yêu đồng loại. Mc. Kenzie có nói một câu thật hay: “Người có tình yêu nhìn bằng viễn vọng kính, còn người ghen tỵ nhìn bằng kính hiển vi”.

Con Thiên Chúa đã làm người, nhưng Ngài không đòi hỏi một miễn trừ nào. Ngài bằng lòng nhận lấy cuộc đời với mọi trắc trở. Tuy nhiên, những may rủi về gia thế, giàu nghèo và phổ hệ chẳng có gì quan trọng đối với một nhân cách, nhưng người đời lại dựa vào đó để đánh giá nhau. Chúng ta cũng dễ bị phụ thuộc vào những thứ đó mà đánh mất giá trị của chính mình. Đó là cái nhìn sai lạc đã tạo nên thành kiến, là một tật xấu làm cứng đọng tâm khảm, cũng như chặn đứng khả năng đón nhận Chúa và mọi người. Chính vì thành kiến mà những người đồng hương với Đức Giêsu đã không nhận ra khuôn mặt thật của Ngài. Họ không tin Ngài là một tiên tri, càng không thể tin Ngài là Đấng Cứu Thế. Họ không tin vì thấy quá khứ rất thường tình của Ngài, vì thấy hiện tại của Ngài không chút hào quang, vì thấy Ngài chỉ là bác thợ mộc nghèo nàn trong đám dân dã. Vì không tin nên họ đã không thấy.

Tác giả thư Do thái đã xác quyết: “Đức tin là bảo đảm cho những gì ta hy vọng, là bằng chứng cho những gì ta không thấy” (Dt 11,1). J. Woodbridge cũng xác tín: “Đức tin là con mắt để nhìn thấy Chúa, là bàn tay để nắm lấy Ngài, là sức mạnh giúp ta tự hiến cho Ngài”.

Cho dù Thiên Chúa là Đấng toàn năng, Người có thể làm được mọi sự, nhưng Ngài phải bó tay trước sự cứng lòng của con người. Ngài đã trở nên bất lực trước những kẻ không muốn tin. Thế mới biết con người có khả năng cản trở Thiên Chúa, và có toàn quyền từ chối quà tặng của Ngài. Nếu phép lạ là quà tặng của Thiên Chúa, ta cần phải đón nhận bằng đức tin, nhưng đức tin là ân huệ của Thiên Chúa, ta chỉ có thể nhận được khi tha thiết cầu xin. Nhà bác học kiêm triết gia Pascal đã nói: “Để có đức tin con người phải quì gối cầu xin”.

Nhờ mạc khải, chúng ta biết rõ hơn về mầu nhiệm Chúa làm người, nhưng chưa chắc chúng ta đã khá hơn người làng Nadarét xưa. Chúng ta vẫn có thể bị đóng khung trong cái nhìn bó hẹp về Ðức Giêsu, khiến ta chỉ thấy một phần khuôn mặt của Ngài. Cũng vậy, có những người sống bên cạnh, nhưng ta chẳng thể hiểu họ. Những gì ta biết về họ là đúng, nhưng không đủ. Mỗi người là một mầu nhiệm cần khám phá suốt đời. Cần phải ra khỏi mình, ra khỏi cái nhìn khô cứng để gặp được mầu nhiệm tha nhân, để thấy người khác bằng cái nhìn luôn luôn mới.

Buồn thay, Chúa Giêsu đã không thể làm được phép lạ nào cho dân làng mình. Phải chăng cũng có những điều lạ lùng Thiên Chúa định làm cho ta mà Ngài không làm được, vì không được làm. Thiên Chúa chúng ta quá dễ thương, nhưng bản thân ta lại thương không dễ. Ước chi ta sớm nhận ra điều này, để Chúa được tự do hoạt động nơi mình, làm nên những công trình mà Ngài mong ước cho cuộc sống ta.

Trước sự cứng lòng tin của những người đồng hương, Chúa Giêsu lấy làm lạ, nhưng vẫn an nhiên và tiếp tục ra đi rao giảng Tin Mừng. Cần nhìn ngắm thái độ hiền hậu của Ngài, để ta cũng sẵn sàng chấp nhận khi bị phủ nhận, khi nỗ lực và thiện chí của ta bị khước từ ngay nơi những người thân quen. Ta cứ an vui trong tự do và thanh thoát, không bị cản trở bởi lòng dạ con người, để chu toàn mọi việc theo ý Chúa, để sống với bổn phận bình thường, nhưng với một tình mến phi thường.

Cầu nguyện

Lạy Chúa!
Đức tin dạy cho con biết,
mọi sự bởi Chúa mà ra,
mọi loài do Chúa mà có,
mọi việc nhờ Chúa mà thành.


Đức tin mời con phải vượt qua lý trí,
song nhờ lý trí để hiểu biết đức tin.

Đức tin không lý trí,
có nguy cơ xa rời thực tế.

Lý trí không đức tin,
có nguy cơ rơi vào ảo tưởng.

Đức tin và lý trí là quà tặng cao quí,
mà Chúa đã thông ban cho mỗi người.

Tin không phải là biết,
dù cần sự hiểu biết trong đức tin.

Trong chiều sâu của đời sống nhân-linh,
không chỉ có cái biết của lý trí,
nhưng còn cái biết của con tim,
của lòng khao khát Chân Thiện Mỹ,
là khát vọng thâm sâu của con người,
mà lý trí cuối cùng phải dừng lại.


Xin cho con một nhãn giới mới,
để nhìn thấy Chúa qua đức tin,
để nhận ra Chúa qua lý trí,
Đấng thật huyền bí rất diệu kỳ.


Tâm hồn con khao khát một mình Chúa,
chỉ Ngài làm no thỏa trí tâm con. 
Cuộc sống rồi cũng chẳng có gì còn,
chỉ còn mình Chúa cho con yên hàn. Amen.

Lm. Thái Nguyên

 

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây