TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật XXXIII thường Niên -Năm B

“Bấy giờ thiên hạ sẽ thấy Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến.” (Mc 13,24-32)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Hoàn hảo

Thứ hai - 10/05/2021 07:51 |   615
Hoàn hảo

Hoàn hảo

Ở đời ai cũng muốn đi tìm cái hơn. Muốn giàu có hơn, học hành giỏi hơn, có bằng cấp cao hơn. Lấy vợ gả chồng đôi khi cũng nhằm chỗ cao hơn mà tính. Thật không may, người ta chỉ đi tìm cái hơn về vật chất bằng mọi giá, ngay cả bằng những cách bất chính mà không kể gì đến những giá trị đạo đức tinh thần. Gần đây tôi đọc được bài thơ trào phúng “Cha, con và… sự đời” của Nguyễn Văn Thắm trên báo Tuổi Trẻ Cười nói lên cái tâm trạng đó của con người.

Cha:  Con ơi! Lấy vợ xem tông,
  Lấy chồng chọn giống… mới mong sang giàu.
  Chồng mà chức trọng quyền cao,
  Phong bì, quà biếu… cửa sau rộn ràng.
  Vợ mà con cái nhà quan,
  Mình đi xin việc dễ dàng như chơi.

Con gái:  Thôi… con sợ lắm cha ơi!
  Quan mà tham nhũng người đời dèm pha!

Cha:  Dèm pha mặc kệ dèm pha,
  Có xe đời mới, có nhà tầng cao.
  Còn hơn cơm mắm, canh rau,
  Nhà tranh, vách lá chui vào… chui ra!

Con trai:  Con quan phung phí xa hoa,
  Thời trang đủ kiểu, cưới mà làm chi!
  Tối ngày kẻ mắt, cắt mi,
  Môi son, má phấn… lấy gì nuôi con?

Cha:  Mày tưởng có bằng là ngon?
  Thử đi xin việc, cúi lòn… còm lưng!
  Quà thì tay xách, tay bưng
  Tới lui mỏi gối, mòn chân… hết tiền!

Trong bài Phúc âm hôm nay, khi Chúa Giêsu chú ý thấy hai người môn đệ của Gioan đi theo Ngài, Ngài quay lại và hỏi họ, “Các ngươi đi tìm gì?” Họ trả lời: “Thưa Thầy, Thầy ở đâu?” Họ đang là môn đệ của Gioan, lại muốn bỏ Gioan mà đi theo Chúa Giêsu, để tìm “cái hơn”. Giống như chúng ta, họ cũng muốn sống một đời sống đầy đủ hơn. Nhưng khác chúng ta, chúng ta đi tìm kiếm đời sống vật chất cao hơn, còn Anrê và Philip lại đi tìm một đời sống tinh thần cao hơn. Họ muốn có một đời sống đích thực! Và chính Gioan, thầy của họ đã chỉ cho họ thấy khi Chúa đi ngang qua: “Đây là Chiên Thiên Chúa”.

Có một chàng thanh niên đeo đuổi một cô gái trẻ, đẹp đang đi dạo ngoài công viên. Chàng bắt đầu đi theo sát sau lưng cô gái. Đi được một đoạn, cô gái quay lại đối chất với anh: “Tại sao anh cứ đi theo tôi hoài vậy?” “Bởi vì cô đẹp quá”, anh trả lời thẳng thừng. “Tôi yêu cô muốn điên dại và ước gì cô là của tôi”. Cô gái nhanh trí trả lời, “Nhưng tại sao anh không quay lại nhìn về phía sau lưng anh xem. Cô em gái tôi còn đẹp hơn tôi rất nhiều”. Chàng thanh niên bèn quay một vòng, nhưng chẳng thấy ai cả, đành nói, “Cô đánh lừa tôi. Cô nói dối!” Cô gái trả lời, “Nếu anh thực sự yêu tôi muốn khùng điên, tại sao anh quay lại nhìn về phía đàng sau làm chi?”

Hôm nay nếu Chúa Giêsu hỏi chúng ta: “Các ngươi đi tìm gì?” thì câu trả lời của chúng ta là gì? Đẹp đẽ hơn? Giàu sang hơn? Bằng cấp hơn? Danh vọng hơn? Hạnh phúc hơn? Hay thánh thiện hơn?

Trong một lớp giáo lý tân tòng, một thiếu nữ trẻ đang học đạo để lập gia đình, chia sẻ tâm tình và sự lựa chọn của cô như sau. Trong cuộc đời cô, cô chưa bao giờ nghe biết hay được học hỏi điều gì về tôn giáo cả. Gia đình cô rất ghét đạo Công giáo. Nhưng chàng và nàng lại yêu thương nhau tha thiết. Khi chàng ngỏ ý muốn cưới nàng làm vợ với điều kiện cả hai phải có cùng một niềm tin tôn giáo, nàng chấp nhận ngay. Cô nói: “Tôi muốn có cái mà anh ấy có”. Cô chia sẻ rằng cô nhận thấy, đối với chàng đức tin là điều quan trọng nhất trong cuộc đời và chi phối toàn bộ cuộc đời chàng. Trong đức tin chàng có sự bình an và hạnh phúc. Đó là điều cô cũng đang đi tìm kiếm thì tại sao cô lại không chấp nhận được. Trong khi đó chàng không có nhiều tiền bạc, nhưng rất hài lòng về cuộc sống của mình, và chu toàn những bổn phận hằng ngày. Cuộc sống phản ảnh đức tin mà chàng và cô muốn là một phần của niềm tin đó.

Cô đã chọn lựa “cái hơn” của đức tin, của tình yêu và hạnh phúc nơi Đức Giêsu Kitô. Đây cũng chính là điều mà Anrê và Philip muốn tìm khi họ bỏ Gioan Tẩy Giả để theo Chúa Giêsu. Họ không những chỉ muốn “cái hơn” mà thôi, nhưng còn là sự sung mãn nhất, đầy đủ nhất và hoàn hảo nhất nơi Đức Giêsu Kitô.

Tất cả chúng ta được sinh ra với một ước muốn tự nhiên và lòng khao khát đi tìm hạnh phúc và sự sung mãn. Tin Mừng hôm nay nói với chúng ta rằng cái mà chúng ta đang ước muốn, đang đi tìm, đang chờ mong, đang cố gắng đạt cho được bằng mọi cách, ở bất cứ thời đại nào hay thế hệ nào, chỉ tìm thấy đầy đủ nơi Chúa Giêsu Kitô. Khi xưa Chúa Giêsu đã mời hai môn đệ: “Hãy đến mà xem”, Ngài cũng mời chúng ta không chỉ “đến mà xem”, nhưng còn “ở lại với Người” để trở nên môn đệ của Người.

“Vị La-ma ở phương Nam thỉnh cầu vị Đại La-ma ở phương Bắc phái một tu sĩ khôn ngoan và thánh thiện đến để huấn luyện tập sinh. Trước sự ngạc nhiên của mọi người, vị Đại La-ma ở phương Bắc đã phái đi năm tu sĩ thay vì một. Đối với những người muốn biết tại sao, ngài đã nói một cách khó hiểu: “Nếu chỉ có một tu sĩ đến được với vị La-ma ở phương Nam thì là may mắn lắm rồi”.
Năm tu sĩ lên đường được vài ngày, một sứ giả chạy theo và nói: “Vị sư trụ trì làng xã chúng tôi vừa viên tịch. Chúng tôi cần người thay thế”. Làng đó ở vào một nơi cảnh trí ngoạn mục và bổng lộc cho sư trụ trì lại hậu. Một trong các tu sĩ cảm thấy ưu tư đối với vấn đề mục vụ cho dân làng nên nói: “Tôi sẽ không phải là một Phật tử, nếu tôi không phục vụ những người nầy”. Vì vậy, thầy đã tách ra khỏi đoàn.

Vài ngày sau, họ tạm trú trong lâu đài của một vị vua có lòng hâm mộ một trong các tu sĩ nên ngài đã phán: “Khanh hãy ở lại đây với trẫm và làm phò mã. Khi trẫm băng hà, khanh sẽ nối ngôi”. Tu sĩ đó đã bị hấp dẫn bởi vẻ hào nhoáng của ngai vàng nên nói: “Có cách nào tốt hơn để ảnh hưởng dân nước này cho bằng lên ngôi hoàng đế? Tôi sẽ không phải là một Phật tử, nếu tôi không nhân cơ hội này để hoằng dương đạo pháp”. Thầy cũng tách ra khỏi đoàn.

Một đêm kia, trong vùng đồi núi, họ tới một chòi tranh lẻ loi mà chỉ có một cô gái trẻ đẹp tiếp đón họ và cảm ơn Trời Phật đã cho họ có mặt. Cha mẹ của cô vừa bị bọn cướp ở trên núi xuống giết chết, còn lại một mình cô sống trong phập phồng lo sợ. Ngày hôm sau, khi đến giờ chia tay, một tu sĩ tuyên bố: “Tôi sẽ ở lại nơi đây. Tôi sẽ không phải là một Phật tử, nếu tôi không có lòng trắc ẩn đối với cô gái này”.

Hai tu sĩ còn lại cuối cùng đã tới một làng Phật giáo và cảm thấy đau lòng khi khám phá ra rằng dân làng đã hoàn toàn bỏ đạo dưới ảnh hưởng của một thần học gia Ấn Độ. Một tu sĩ nói: “Tôi mang nợ đối với những người này và đối với chính Đức Phật Tổ nên tôi phải đem họ trở về với đạo pháp”. Cuối cùng tu sĩ thứ năm đã tới được với vị La-ma ở phương Nam.

Nhiều lần, tôi đã tách riêng ra vì những lý do chính đáng nhất trên đời: nào là để cải tổ phụng vụ, để thay đổi cơ cấu của Giáo Hội, để cập nhật hóa việc nghiên cứu Thánh Kinh và để thích nghi hóa khoa thần học. Sinh hoạt đạo giáo là cách thoát ly khỏi Chúa Giêsu được tôi thích nhất”. (Bản dịch của Đỗ Tân Hưng và Trần Duy Nhiên).

Ơn gọi làm môn đệ Chúa Giêsu là sự chọn lựa giữa việc đến gặp gỡ Chúa Giêsu và các lý do chính đáng khác trên đời. Gặp gỡ và gắn bó với Chúa Giêsu là mục đích tối hậu của người môn đệ. Sau đó những công việc mục vụ và rao truyền Tin Mừng sẽ là thành quả của việc gặp gỡ này.

Theo William Barclay, Anrê là một nhân vật luôn luôn giới thiệu người khác đến với Chúa Giêsu. Ba lần Anrê được nhắc đến trong Phúc âm của Gioan với vai trò này: đưa Phêrô đến với Chúa Giêsu; đưa bé trai với năm chiếc bánh và hai con cá đến cho Chúa Giêsu; đưa mấy người Hy Lạp đến gặp Chúa Giêsu. Anrê là con người với trái tim truyền giáo.

Và sau này cả Philip nữa, sau khi đã gặp Chúa Giêsu rồi, cũng đi mời Nathanael đến với Ngài. Giới thiệu Chúa Giêsu đi vào cuộc đời của tha nhân là thành quả của sự kết hiệp mật thiết và cá nhân giữa ta với Chúa.

Vào thế kỷ thứ XI, vua Henry III của vương quốc Bavaria, nay là một tiểu bang thuộc vùng Tây Nam nước Đức, đã chán ngán làm vua và trở nên quá mệt mỏi trong việc điều hành đất nước nên ngài ao ước được sống ẩn dật trong một tu viện. Nhà vua đi tới một tu viện gần đó để xin ý kiến của vị tu viện trưởng. Cha tu viện trưởng nhận ra ngài là vua đã quen với việc điều hành và ra những chỉ thị nên nói với vua rằng: “Nếu vào sống trong tu viện như một tu sĩ thì việc trước hết là vua phải vâng lời cha bề trên tu viện trưởng và phải làm theo lệnh truyền của ngài”. Vua Henry III nhận thấy điều đó quá dễ dàng, không thành vấn đề. Vua sẵn lòng vâng lời cha bề trên trong bất cứ chuyện gì. Cha bề trên mới nói: “Vậy thì tốt lắm, tôi sẽ chỉ cho nhà vua điều phải làm. Nhà vua hãy trở về hoàng cung và phục vụ đất nước trong ngôi vị mà Thiên Chúa đã định đặt cho ngài”.

Theo ý vua Henry III, “cái hơn” là vào tu viện sống đời cầu nguyện và chiêm niệm như một tu sĩ. Nhưng cha bề trên đã giúp cho ngài nhận ra không phải chỉ là “cái hơn” mà là cái hoàn hảo nhất, sung mãn nhất. Đó là gặp gỡ Đức Kitô ngay trong cuộc sống của mình, rồi giới thiệu Chúa đến với tha nhân qua việc chu toàn bổn phận mà Thiên Chúa đã xếp đặt cho ngài: xây dựng một xã hội công bằng, an bình, mang lại ích lợi cho toàn dân.

Vua Henry III đã trở về với công việc bổn phận để gặp gỡ Chúa Giêsu và trở nên người môn đệ chân chính của Ngài.

Sưu tầm

 Tags: Hoàn hảo

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây