Một lần nọ, khi dừng xe lại ở ngã tư vì đèn đỏ, tôi bất chợt thấy hai đứa trẻ nghèo ngồi bên vệ đường, bẻ đôi chiếc bánh cho nhau và cùng ăn cách ngon lành. Bỗng dưng tôi cảm thấy xúc động. Nhìn lại bản thân, tôi mới nhận ra rằng lâu này mình vẫn sống trong “tháp ngà” và bàng quan với mọi chuyện của “thiên hạ”. Chỉ tích lũy và thu vén cho bản thân hơn là cảm thông và chia xẻ với mọi người.
Tôi thực sự là kẻ nghèo và vẫn nghèo vì bao lâu nay tôi chưa cho đi mà chỉ lo vun quén, lo tích luỹ cho mình. Dầu tôi vẫn ao ước một ngày nào đó có tiền, có dư giả tiền sẽ giúp đỡ, chia sẻ cho người nghèo, nhưng lòng tôi vẫn chưa bao giờ nghĩ mình đã giầu có dư gỉa để cho đi.
Sự dư giả và giầu có theo kiểu chẳng phải lo làm mà tiền vẫn có “tiền dư, bạc để”, vẫn có ăn, có mặc trong nhung lụa, giầu sang, chỉ khi đó chúng ta mới nghĩ đến việc cho đi.
Có lẽ, đây là hoài niệm trong vô thức của vườn địa đàng năm xưa. Thiên Chúa tạo dựng con người và cho con người hưởng dùng toàn bộ vạn vật trong vườn địa đàng. Họ không cần làm lụng nhưng những trái cây có hạt vẫn tiếp tục sinh sôi nẩy nở để mang lại lương thực cho họ. Đó là những ngày xuân vườn địa đàng. Mùa Xuân của vườn địa đàng đã bị khép lại khi con người quay lưng lại với Chúa của Mùa Xuân. Họ đã bị đuổi ra khỏi vườn xuân địa đàng vì phạm tội chống lại Thiên Chúa, chống lại Thiên Chúa của mùa xuân nên từ nay họ phải vất vả mới có cái để ăn.
Sau khi phạm tội, Thiên Chúa đã phán bảo với Ađam rằng: “Vì ngươi đã nghe lời vợ mà ăn trái Ta cấm, nên đất bị nguyền rủa vì tội của ngươi. Trọn đời, ngươi phải làm lụng vất vả mới có mà ăn. Đất sẽ mọc cho ngươi đủ thứ gai góc, và ngươi sẽ ăn rau cỏ ngoài đồng. Ngươi phải đổ mồ hôi trán mới có bánh ăn, cho đến khi ngươi trở về đất, vì ngươi từ đó mà ra.
Ra khỏi vườn địa đàng con người phải đối diện với mặt đất nắng mưa, gió bụi, đất đai khô cằn, gai góc và phải: “Có làm thì mới có ăn – Không dưng ai dễ mang phần cho ta”.
Từ ngày ấy, con người muốn có của ăn của để phải chấp nhận cuộc sống mưu sinh vất vả, phải biết vượt ra khỏi sự an nhàn để dấn thân vào cuộc sống mưu sinh đầy vất vả truân chuyên. Bên cạnh sự nỗ lực bản thân, niềm tin ky-tô giáo còn mời gọi chúng ta tin vào sự quan phòng của Chúa. Vì “Mưu sự tại nhân – Thành sự tại thiên”. Bởi lẽ: “Nếu Chúa chẳng xây nhà , thợ nề vất vả cũng bằng uổng công”.
Thế nên, ngày đầu năm mới chúng ta hướng về Đấng tạo thành để tạ ơn về một năm “mưa trời ân phúc” đã ban xuống cho trần gian. Chúng ta cũng phó dâng một năm mới cho lòng thương xót của Chúa. Xin Chúa là Đấng đầy quyền năng và đầy lòng thương xót chúc lành cho một năm mới với bao dự định, công việc được toàn vẹn như ý. Xin Chúa Xuân ở lại nơi từng gia đình để niềm vui được kéo dài vô tận trong suốt ngày sống. Amen
Lm.Jos Tạ Duy Tuyền
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn