Có một bài hát mang tựa đề “The Sound of the Silence” (tạm dịch “âm thanh thầm lặng”). Chắc chắn tác giả bài hát không chủ ý “chơi chữ”, bởi lẽ “âm thanh” hay “tiếng” không chỉ đơn thuần là cái ta nghe được bằng đôi tai. Như “đài phát tuyến” chẳng hạn, phải có “tai” điện tử (Radar) mới bắt được, chứ tai thường kể như... điếc.
Nhưng còn “tiếng lòng” thì đến Radar cũng chịu trở thành vô dụng thôi!
Thật vậy, chỉ có lòng mới “bắt”, mới “nghe”, và “hiểu” được tiếng lòng. Đây là một loại ngôn ngữ đặc biệt, rất phong phú, sâu sắc và rất riêng tư. Mỗi cõi lòng có tần số phát âm ra và nhận tín hiệu hoàn toàn cá biệt, không trùng hợp với bất kỳ “máy” nào khác, hay nói cho đúng hơn chỉ trực tiếp “nối mạng” với một “Máy chủ” duy nhứt. Tuy nhiên do cùng nối vào một mạng chính, nên cũng vẫn có sự giao lưu, trao đổi thông tin giữa các “đài” với nhau.
Kinh Thánh không nói nhiều về Thánh Giuse. Không một lời nào của Ngài được các thánh sử thuật lại. Từ đó, ta có thể thấy được chiều sâu thăm thẳm nơi con người Thánh cả, chiều sâu nơi sự thinh lặng để chiêm ngắm màu nhiệm cao cả mà Người đã cộng tác. Để từ đó, tất cả các trang Tin mừng tập trung vào Chúa Giêsu là tâm điểm của hoạch định Cứu độ.
Trước tâm điểm này, Thánh Giuse đã khiêm tốn lui vào thinh lặng hoàn toàn để Đức Giêsu được bừng sáng lên tựa vầng hồng, như lời Thánh Gioan: “Người phải lớn lên còn tôi phải lu mờ đi.” Đoạn tin mừng hôm nay tiếp sau biến cố truyền tin của Đức Maria, trong đó Thánh Mátthêu cho biết Thánh Giuse không hiểu những gì đang xảy ra nơi bạn đời của mình. Tuy nhiên, thay vì tố cáo vợ mình trước công luận thì người đi vào trong thinh lặng. Ở đây, thái độ thinh lặng không phải là để buông xuôi, nhưng là để lắng nghe và thi hành Thánh ý Thiên Chúa. Thật vậy, trong lúc lòng trí rối bời trước những gì xảy ra trước mắt, Thánh ý Thiên Chúa đến với Thánh nhân trong đêm đen. Chính trong sự đặt nặng niềm tin vào Thiên Chúa, Thánh nhân đã đón nhận mặc khải về mầu nhiệm hạ sinh Ngôi Lời nhập thể của Thiên Chúa. Ở đây, câu trả lời của Người là thực thi mọi lời Thiên Chúa phán qua sứ thần, cho nên những điều người truyền đạt trong đêm tối không còn là một giấc mơ, vốn sẽ mất khi tỉnh giấc. Nhưng đây là đời sống thực đang diễn ra khi người mau mắn thực hành ý Chúa. “Thánh Giuse là gương mầu của những con người khiêm tốn mà Kitô giáo có thể dẫn đưa đến những vận mệnh lớn lao. Thánh Giuse là bằng chứng cho thấy rằng, để là môn đệ tốt và đích thật của Đức Kitô, không cần thiết phải có những kỳ công “mà chỉ cần những nhân đức thông thường”, nhân bản, đơn sơ, nhưng phải là những nhân đức thật sự và đích đáng”.[1]
Chính trong sự thầm lặng, ngài đã phải chịu đựng nỗi khổ, vì biết Đức Maria có thai. Thế nhưng, ngài không thuộc số những kẻ vội vàng tìm cách trút bỏ nỗi niềm bằng cách kể lể với người khác để vơi đi nỗi sầu. Rồi trong lúc bối rối lúc đòi phải quyết định, ngài cũng chỉ suy đi tính lại trong lòng, bởi chưa biết hết mọi góc cạnh của sự việc. Chính sự thầm lặng của ngài đã bảo toàn thanh danh cho Đức Maria. Đây là nét cao cả của “đức thầm lặng”. Chính trong sự thầm lặng đầy niềm tin, Thánh Giuse đã đón nhận mặc khải về việc đầu thai nhiệm lạ của Chúa Giêsu và lời thiên thần mời gọi ngài cư xử như là cha của con trẻ. Ở đây, ta thấy câu trả lời của ngài là thực thi mọi lời Thiên Chúa phán qua miệng thiên thần.
Hành động của Thánh Giuse chẳng phải là nêu gương cho chúng ta trong việc đón nhận Thành ý Chúa hay sao? Có những biến cố xảy ra trong đời khiến cho chúng ta sụp đổ, và phản ứng bình thường của chúng ta là kêu gào trách móc, thậm chí là bỏ Chúa. Chúng ta dễ dàng loại trừ Thiên Chúa bởi Đấng ấy không mang lại lợi ích gì trước mắt cho chúng ta. Có chăng là một mớ lề luật ràng buộc chúng ta phải tuân giữ hàng ngày. Hãy nhớ, trong đêm đen và khủng hoảng, Thánh Giuse đã đón nhận được Thiên ý nhờ việc thinh lặng và lắng nghe Tiếng Chúa.
Bài đọc 1 sách Samuel thuật lại giao ước giữa Đức Chúa và Vua Đavít rằng “Chúa sẽ cho nhà ngươi một dòng dõi hùng cường và dòng dõi sẽ bền vững muôn đời”. Dòng dõi nhà Vua đã trải qua những thăng trầm của lịch sử với những kinh nghiệm phản bội và sám hối của lưu đày và hồi hương, để rồi hôm nay lời hứa ấy được thành toàn nơi Thánh cả Giuse, con cháu vua Đavít, khi người trân trọng đón nhận và trở thành người dưỡng nuôi Đấng Cứu Thế.
Bài đọc 2 làm sáng lên hình ảnh tổ phụ Abraham xứng danh là cha của những kẻ tin, còn bài Tin Mừng làm nổi bật lên hình ảnh người công chính. Thánh cả Giuse là như vậy, Ngài làm sáng lại hình ảnh tổ phụ Abraham, người đã thi hành Thánh ý Thiên Chúa hết lần này đến lần khác qua việc đón nhận các lệnh truyền của Chúa giữa đêm đen và mang ra thực hành giữa ban ngày. Đức tin nơi người công chính được thanh luyện trong một hành trình dài và gương sáng của Thánh Giuse là bài học cho chúng ta đón nhận ý Chúa trong mọi nghịch cảnh, khi chúng ta biết chừa đường biết dọn đường để chúa dẫn chúng ta đi.
Cũng trong thầm lặng, ngài đã chứng kiến biến cố lớn lao tại Bêlem : Đức Giêsu sinh ra. Thánh Giuse đã đã đón tiếp Con Trẻ trong sự thầm lặng của một cuộc chiêm niệm ngây ngất, khác hẳn với sự “xôn xao” khi người ta đón tiếp Gioan Tiền Hô (Lc 1, 58). Và rồi, vui mừng trước hồng ân quá lớn lao Chúa đã làm cho mình, ông Dacaria đã nói lên “bài thánh ca chúc tụng” (Lc 1, 67-79). Người ta có thể gán cho Giuse thái độ lạnh lùng vô cảm, nhưng thật ra đối với ngài, sự thầm lặng ấy đã là một “bài thánh ca không lời”. Rồi, im lặng cùng với Đức Maria, ngài dâng Con trẻ Giêsu trong đền thờ. Đây không chỉ là một sự im lặng thờ phượng, nhưng còn là một sự im lặng hiến tế nữa, bởi phải mang lấy sức nặng nỗi đớn đau do lời ông Simêon tiên báo. Cùng một lúc với việc dâng Con Trẻ, Ngài muốn dâng lên Chúa lời đáng sợ mà tai ngài vừa nghe.
Khác với Đức Maria vốn là người nữ đồng hành với Đức Giêsu suốt hành trình dương thế, cuộc đời của Thánh cả Giuse khép lại trong thâm trầm tĩnh lặng. “Một sự thinh lặng cho thấy được một cách đặc biệt con người nội tâm của thánh Giuse. Các sách Tin mừng chỉ nói đến những gì “thánh Giuse làm”, nhưng cũng giúp chúng ta khám phá được “trong những hành động” luôn luôn thấm nhuần sự thjinh lặng của Người có một bầu khí chiêm niệm sâu xa. Hằng ngày thánh Giuse tiếp xúc với “mầu nhiệm được giấu kín từ bao thế hệ”, mầu nhiệm đã “cư ngụ” dưới mái gia đình của thánh Giuse”.[2] Người đã dưỡng nuôi bảo vệ Đấng cứu thế sau đó trân trọng trao vào vòng tay nhân loại để rồi lặng lẽ rút lui vào phía sau. Tuy nhiên, chúng ta vẫn một niềm xác tín rằng Đấng gìn giữ cho Chúa Cứu Thế hiện đang hưởng vinh phúc bên con chí ái của Người và người hàng chuyển cầu cho toàn thể nhân loại như người đang tha thiết kêu xin.
Đức Hữu
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn