TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Tiếng Gầm Bên Kia Sự Thinh Lặng

Thứ sáu - 08/03/2024 03:48 | Tác giả bài viết: Đức Hữu |   529
Nếu biết giữ thinh lặng, kẻ ngu cũng được kể là người khôn ngoan; nếu biết ngậm môi, kẻ đó được coi là người thông hiểu” (Cn 17, 28).
Tiếng Gầm Bên Kia Sự Thinh Lặng

TIẾNG GẦM BÊN KIA SỰ THINH LẶNG

Nhân ngày lễ Thánh cả Giuse, bậc thầy của việc “tôn trọng một cõi riêng tư”, gương mẫu của “thinh lặng” làm câu nói “Người ta mất hai năm để học nói, nhưng mất cả cuộc đời để đi tìm sự thinh lặng” bỗng dưng văng vẳng nơi suy tư vụn dại, muốn tuôn trào tựa nụ hoa nhỏ bé tìm gặp ánh nắng để bung những cánh hoa tô điểm cuộc đời.

Geogre Eliot từng viết: Nếu chúng ta có một cái nhìn và một cảm xúc nhạy bén với cuộc sống bình thường này, chẳng hạn nghe được tiếng cỏ mọc, nghe được nhịp tim của chú sóc, thì tiếng gầm bên kia của sự thinh lặng có thể làm ta chết ngất.[1] 

Sáng sớm, giữa chốn phố thị ồn ào, tôi đến với một thân xác bất động đang nằm trong quan tài (tham dự Thánh lễ an táng). Đứng lặng nhìn người đã khuất, tâm hồn tôi bị tấm thân bất động kia chất vấn: Ồn ào một đời rồi cuối cùng cũng về lặng im? Hãy sống im để không bị bỡ ngỡ khi cuộc đời một mai mãi xa lìa với nôn nao, ồn ào, huyên náo.

Một con người lặng im sống với những giá trị căn cốt của đời người xem ra họ đang bắn một mục tên trúng hai đích: Đầu tiên là họ để mình giống xác chết mỗi ngày để ý thức rằng mình phải sống cho tốt, cho trọn giây phút hiện tại và thứ đến là giúp người khác nghe được tiếng lệ rơi của tha nhân, nghe được tiếng thở của đêm dài và nụ cười của ban mai.

Thiết nghĩ chữ viết thì đúng là tiền đề để con người giao tiếp, nhưng đôi khi cũng nên “đập nát” chữ viết ra hầu để những gì đang im lặng được lên tiếng trong sự lặng im của mình. Hai người nghĩa thiết đúng là chỉ thân thật khi đi cùng nhau một hành trình dài mà không cần nói gì nhưng vẫn hiểu đối phương đang cần gì, muốn gì, không phải là thân là lúc nào cũng hỏi thăm, lải nhải với nhau.

Ngồi ngắm đất trời khi những ngôn từ “không lời” ấy cứ trào tràn đâu đây và những tán lá lao xao bên ban công cùng chìm vào trong tiếng nhạc chốn riêng phòng. Đã cạn bao chén mà không hay mình đã thưởng thức khúc tình ca ấy nhiêu lần. Mỗi người có một cách để giải quyết nỗi niềm. Có người mê mẩn trong những ly rượu lon bia, người khác ôm trọn chúng vào tâm hồn nhạy cảm của mình để rồi đến lúc nào đó tất cả được dồn nén lại và chuyển thành những tiếng khóc nghẹn ngào. Giữa bộn bề của kiếp sống, đôi khi có một chút riêng tư, có một chút “lặng”, niềm vui sẽ mỉm cười!

Dom Dysmas đã đúng khi nhấn mạnh rằng: “Giữ thinh lặng với cái miệng của chúng ta thì không khó; chỉ cần dùng ý chí là được. Giữ thinh lặng trong những suy nghĩ lại là vấn đề khác… Thật ngược đời, sự thinh lặng và cô độc bên ngoài, với mục đích thúc đẩy sự thinh lặng trong tâm hồn, bắt đầu từ việc làm lộ ra tất cả những sự ồn ào cư ngụ trong chúng ta.” Thinh lặng không phải là im lặng, bởi im lặng là hành vi của giác quan, chúng ta chỉ cần không nói, không gây ra tiếng ồn là đã đạt được trạng thái im lặng. Còn thinh lặng ở một cảnh giới cao hơn, đó là sự bình an nội tâm, là trạng thái nghỉ ngơi của tâm hồn, là “Tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến”. Thinh lặng thực sự không đơn thuần là sự thụ động, nhưng là một thực tại tích cực dẫn đến sự gặp gỡ và hiệp nhất.

Đức hồng y Robert Sarah, một bậc thầy về tâm linh, ngài nói với chúng ta về sự thâm sâu của thinh lặng với Thiên Chúa[2]. Theo Ngài, thinh lặng được biểu thị ở hai nghĩa: nghĩa thứ nhất, thinh lặng bên ngoài là sự thiếu vắng những âm thanh. Sự thinh lặng bên ngoài gồm có sự thinh lặng về lời nói và hành động; nói một cách khác là sự vắng mặt của những tiếng ồn ào của cửa nhà, xe cộ, búa khoan, máy bay, ngay cả tiếng ồn của máy chụp hình thường kèm theo ánh sáng bừng lóe lên của đèn flash, và kể cả khu rừng kinh khủng của điện thoại di động phát ra ngay cạnh mình thậm chí trong các giờ phụng vụ Thánh Thể. Nghĩa thứ hai, về sự tĩnh lặng trong tâm hồn, nó có thể đạt được qua sự thiếu vắng những ký ức, những kế hoạch, những thì thầm trong lòng, những lo lắng,những bất an… Điều còn quan trọng hơn, nhờ vào hành vi của ý chí, nó có thể là kết quả của sự thiếu vắng những tình cảm lộn xộn hay những khát khao quá mức. [3]

Lật dở những trang Kinh Thánh, Tiên tri Issaia đã nói lên những lời vàng ngọc rằng: “Thinh lặng là hoa trái của đức công chính” ( Is 32,17); hay trong sách châm ngôn “nói nhiều không tránh khỏi tội (Cn 13, 3) và cả sách huấn ca “ai nói nhiều thì làm tổn thương linh hồn mình” (Hc 20, 8). Đặc biệt trong Tin Mừng, Chúa Giêsu cũng nhắn nhủ chúng ta: “Đến ngày phán xét người ta phải trả lẽ với tất cả những lời nói vô ích mình đã nói” (Mt 12, 36). Như thế, thinh lặng vừa mang yếu tố ngoại tại nhưng đồng thời trong chiều kích nội tại, nó là khao khát ẩn tàng trong mỗi chúng ta. Vậy trong bối cảnh xã hội hôm nay, chúng ta có thể tìm thấy sự thinh lặng thực sự cho cuộc đời của mình?

Dần dà, mỗi người cần nhận ra rằng, khi thực sự có một tâm hồ thinh lặng, , chúng ta sẽ nắm giữ sức mạnh lớn gấp bội phần so với khi đón nhận sự ồn ào. Như Baba Ram Dass đã khẳng định “Càng trong thinh lặng, càng nghe thấy nhiều”. Bởi thế, ngày nay người ta vẫn quan niệm rằng, người xuất chúng là người giúp người khác tìm được đường trở về với sự thinh lặng.

Cuộc đời bây giờ, mọi sự đều ồn ào kinh khiếp. Phải chăng vì thế, mọi sự cũng hời hợt, nghèo nàn, chán ngắt. Nhưng mình cũng hơn gì. Nếu có phát nguyện đóng góp chút gì cho cuộc đời, thì nguyện đóng góp chút lặng thinh, như một “tiếng nói” trầm hùng tha thiết, và như một đoá hoa lặng lẽ toả hương.

Xin đưa con vào trung tâm im lặng của Ngài, để rót đầy Tiếng Hát vào trái tim con... (Tagore)

Đức Hữu


[1] Timothy Radcliffe,O.P, Sống sinh động và dồi dào trong Thiên Chúa, Học viện Đaminh chuyển ngữ.

[2] Hồng y Rober Sarah, với Nicolas Diat, The Power of Silence: Against the Dictatorship of Noise, Dg. Michael J. Miller (San Francisco: Ignatius Press, 2017), Sức mạnh của Thinh Lặng: Chống lại sự độc tôn của thế giới  ồn ào, NXB Đồng Nai

[3] Hồng y Rober Sarah, Tự đáy lòng chúng tôi, Học Viện Đaminh chuyển ngữ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây