TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

CN34TNb - Đức Giêsu Kitô, Vua Vũ Trụ

“Quan nói đúng: Tôi là Vua”. (Ga 18, 33b-37)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Theo từng giai đoạn

Thứ hai - 27/12/2021 23:15 | Tác giả bài viết: Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa |   1244
“Còn Hài Nhi ngày càng lớn lên, thêm vững mạnh, đầy khôn ngoan, và hằng được ân nghĩa cùng Thiên Chúa” (Lc 2,40).
Theo từng giai đoạn

THEO TỪNG GIAI ĐOẠN

 

(Ngày 30/12 – Lc 2,36-40)

Bản tường thuật của thánh sử Luca về việc Mẹ Maria và thánh Giuse sau khi làm lễ cắt bì và đặt tên cho Hài Nhi thì đến ngày lễ thanh tẩy đã tiến dâng Hài Nhi cho Chúa theo luật dạy. Sau khi hai ông bà đã thi hành mọi việc như Luật Chúa truyền thì trở về định cư tại Nagiarét. Và Tin Mừng kết thúc giai đoạn ấu thơ của Hài Nhi bằng câu: “Còn Hài Nhi ngày càng lớn lên, thêm vững mạnh, đầy khôn ngoan, và hằng được ân nghĩa cùng Thiên Chúa” (Lc 2,40). Sau đó khi tường thuật chuyện Chúa Giêsu bước vào thời niên thiếu với biến cố Người ở lại đền thờ Giêrusalem để học hỏi Kinh Thánh thì thánh sử cũng kết với câu tương tự: “Còn Đức Giêsu ngày càng thêm khôn ngoan, thêm cao lớn và thêm ân nghĩa đối với Thiên Chúa và người ta” (Lc 2,52).

Chúng ta nhìn nhận công ơn sinh thành và nuôi dưỡng của Mẹ Maria và thánh cả Giuse. Tuy nhiên công ơn và cách thế giáo dục của các Ngài thật đáng cho chúng ta nghĩ suy và học hỏi. Cả hai Đấng đã vuông tròn bổn phận “đặt tên” là giáo dục Con Trẻ. Qua các dữ liệu Tin Mừng tường thuật chúng ta nhận ra cách thế giáo dục của các Ngài, cách riêng Mẹ Maria, theo từng giai đoạn phát triển của Con Trẻ.

1. Thời thơ ấu: Đã từng có bạn trẻ hỏi tôi rằng sao bố mẹ Công giáo không đợi con cái trưởng thành rồi mới để nó quyết định theo đạo hay không mà lại xin cử hành bí tích Thánh Tẩy (vào đạo) cho nó khi nó còn bé? Làm như vậy có vẻ không tôn trọng sự tự do của chúng? Tôi trả lời thẳng thừng rằng khi con cái còn nhỏ không ai hỏi chúng thích dùng sữa mẹ hay sữa bò, thích mặc áo này hay áo kia. Nếu hỏi trẻ bé có thích đi học không thì nhà trường đóng cửa hết! Con cái còn bé thì bố mẹ không hành xử trên chúng dựa vào sự tự do của chúng mà dựa vào tình yêu, tinh thần trách nhiệm và sự hiểu biết của mình. Thương con, thấy điều gì tốt nhất thì bố mẹ làm cho con cái, thế thôi. Các việc làm của Mẹ Maria và thánh cả Giuse cho Hài Nhi thời thơ ấu cũng vậy. Hai ông bà đã làm tất cả những gì tốt nhất cho Con Trẻ theo luật Chúa dạy.

2. Thời niên thiếu: Dạy bảo con cái nhưng vẫn để cho con cái một chút khoảng tự do để con cái tự thân vận động và phát triển. Câu chuyện cả gia đình lên Giêrusalem dự Lễ là một đan cử. Để con có chút tự do nhưng không xa vòng tay của bố mẹ. Sau một ngày thất lạc con, hai ông bà đã trở lại Giêrusalem kiếm tìm. Việc sửa dạy là chuyện đương nhiên phải có vì con cái đang còn tuổi thiếu niên. Mẹ Maria đã phiền trách Con Trẻ, nhưng rồi khi nghe Con Trẻ trả lời thì Mẹ đã biết lắng nghe để tìm hiểu con hơn. Tuy nhiên khi Tin Mừng tường thuật rằng Con Trẻ ở tuổi thiếu niên hằng luôn vâng phục bố mẹ nói lên nghĩa vụ giáo dục của các bậc phụ huynh luôn mang tính quyết định khi con cái chưa đến tuổi trưởng thành.

3. Thời trưởng thành: Tin Mừng không tường thuật dữ liệu nào khi Chúa Giêsu bước vào tuổi trưởng thành, tức là 18 tuổi trở lên. Dù khác nhau vể văn hóa nhưng đa số các nước trên thế giới đều nhìn nhận rằng vào tuổi này, con cái có quyền tự quyết định rất nhiều việc liên quan đến chúng mà nhiều khi cha mẹ phải tôn trọng. Tin Mừng tường thuật khi Chúa Giêsu trạc ba mươi tuổi, Người ra đi rao giảng Tin Mừng (x.Lc 3,23). Vào thời kỳ này, có lẽ thánh Giuse đã qua đời. Còn Mẹ Maria thì chúng ta thấy Mẹ vẫn luôn theo sát bước chân của con nhưng lại ẩn mình đi.

Khi con cái lập thân, lập nghiệp thì bố mẹ phải dừng chân, ẩn mình đi để con cái lập thân và tự trách nhiệm với sự nghiệp của mình. Đây như là quy luật tất nhiên của việc giáo dục. Ba năm rao giảng của Chúa Giêsu không thấy Mẹ Maria trực tiếp “xía tay” vào công việc của Con mình, duy chỉ một lần lúc khởi đầu sứ vụ của Chúa tại Cana, Mẹ đã tế nhị xin Người cứu giúp gia đình đôi tân hôn (Ga 2,1-12). Tin Mừng có ghi chuyện Mẹ và các anh em đôi lần muốn gặp Chúa, nhưng Mẹ lại không trực tiếp ra mặt (x.Mc 3,31-35).

Khi con cái hay người cộng tác đến độ tuổi nào đó, chẳng hạn tuổi ba mươi mà bố mẹ hay bề trên cứ mãi hành xử kiểu “cầm tay chỉ việc” thì quả là phản giáo dục. Giáo hội Công giáo khẳng định tầm quan trọng của “Nguyên tắc bổ trợ” (Subsidiarity) trong các tương quan xã hội cũng như gia đình (HTXHCG số 185-188). Không tuân giữ nguyên tắc này thì chúng ta dễ rơi vào tình trạng chuyên quyền, độc đoán, quan liêu, bao cấp. Nguyên tắc này giúp cấp trên biết tôn trọng cấp dưới và tạo điều kiện để cấp dưới thêm trưởng thành và phát huy khả năng cũng như tinh thần trách nhiệm của mình.

Chúng ta dễ nhận ra hiện tượng này nơi các xã hội độc tài, toàn trị, chuyên chế. Trong các tập thể tôn giáo thì cũng tồn tại dưới nhiều hình thức, ngay cả trong Công giáo. Phải chăng vì quá đề cao đức vâng phục cách “triệt để”, “cũ kỹ” và có khi là “ấu trĩ” mà còn đó tình trạng các nam nữ tu sĩ, linh mục tuổi đời đã quá ba mươi mà vẫn còn thi hành sứ vụ kiểu “sai đâu đánh đó”, “biểu gì làm nấy”? Cũng thật đáng buồn trong tình hình đại dịch đang diễn ra thì có đó không ít giáo phận bề trên lại ra văn thư cho các linh mục với những hướng dẫn, quy định quá chi tiết, cụ thể kiểu “cầm tay chỉ việc”!

Hãy để cho con cái, cho người thuộc quyền ở độ tuổi lập thân có điều kiện phát huy khả năng và đồng thời phải chịu trách nhiệm với việc mình làm. Nếu được vậy thì chắc chắn sẽ không còn cảnh một vài giáo phận trên thế giới phải “khai phá sản” (bankruptcy). Bố mẹ mãi luôn đồng hành, liên đới với con cái nhưng phải để chúng trưởng thành. Mẹ Maria và thánh cả Giuse đã làm như vậy với Con Thiên Chúa làm người.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây