TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật I Mùa Vọng – Năm C

“Giờ cứu rỗi các con đã gần đến” (Lc 21, 25-28.34-36)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Phẩm giá con người.

Thứ bảy - 24/04/2021 03:55 | Tác giả bài viết: Lm Giuse Hoàng Kim Toan |   1068
lu mien trung[1]
lu mien trung[1]

Phẩm giá con người.

Câu chuyện dụ ngôn tại Lc 16, 19 - 31, đặt ra nhiều lý giải giàu nghèo trong thế giới ngày nay. Một trong những chủ đề có thể chia sẻ ở đây: Phẩm giá của con người qua câu chuyện dụ ngôn.

Người phú hộ chắc chắn không phải bị kết án vì ông giàu hoặc những tiện nghi đang dùng. Trong dụ ngôn chỉ nói đến người giàu, không nói đến giàu nhờ đâu, nhóm lợi ích, hay người có quyền hoặc từ nguồn thu bất chính, và cả nguồn thu chân chính. Điều dụ ngôn nói, nhức nhối hơn nhiều, liệu đồng tiền, của cải, đang nắm giữ có làm cho con người họ giữ được phẩm giá hay không?

Trong tìm hiểu về “Ape man” của (National Geographic Chanel), nói đến những yếu tố của con vượn đầu đàn: Nó là con to nhất, có quyền uy trên tất cả mọi con trong đàn, chiếm lãnh thổ lớn nhất, chất giọng của nó gầm gừ tỏ thị uy nhất. Là con đầu đàn, ape man luôn là con vật được nhiều quyền lợi nhất, không cần quan tâm tới con vật nào bên cạnh, sẵn sàng đánh tới chết những con nào không phục tùng, dùng lời nói “có gang có thép” để sai khiến hoặc để thị uy trước những con cái bên cạnh. Ape man có tướng đi hùng hục, bệ vệ, khi cần ra oai là dương oai dũng khí, khoe tất cả những khả năng có sẵn để khoe mẽ. Khi ape man của đàn này yếu thế hơn ape man của đàn khác, thái độ đầu tiên của nó là khúm núm trước con mạnh hơn, cúi đầu thấp hơn con có uy lực. Con quyền uy hơn khoác trên vai con yếu thế, khi bắt tay con yếu thế để bàn tay nó dưới bàn tay của con mạnh hơn. Nhìn vào thế giới nhà giàu, hay có quyền hơn, người ta cũng khảo sát những yếu tố này để tìm ra người lãnh đạo của nhóm. Những cái nhất của con đầu đàn này so sánh với người phú hộ, có những điểm tương đồng: ngày ngày yến tiệc linh đình, mặc áo lụa là, gấm vóc, chiếm không gian rộng lớn. Nhà phú hộ luôn muốn có những vệ sỹ bên cạnh, đi tới đâu hụ còi inh ỏi tới đó, có nhiều tên hầu đóm ăn tàn, lợi dung quyền thế hay sự quen biết để có lợi thế rộng rãi về đất đai, về sở hữu. Luôn có những thái độ ngang ngược nhất để minh chứng quyền uy trên mọi thứ luật. Luôn ăn nói một cách tùy tiện, thị uy, biểu hiện bạo lực với người khác.

Những đặc tính của con người gần với con ape man, cho thấy, con người gồm có hai thành phần: Chữ con và chữ người. Là con người theo nghĩa người đúng nghĩa thì chữ con cần nhỏ lại. Để chữ con lớn hơn chữ người thì con người ấy càng đánh mất phẩm giá người của mình hơn. Sống sao cho nên người ở với người, đó là cách sống theo đúng nghĩa: “con người được dựng nên, cho nhau và vì nhau”.

Phẩm giá con người được đặt vào trong tâm khảm của mỗi người, theo Kant thì đó là một trong những “luật tự thân” hay nói cách cụ thể hơn, đó là cách sống “làm lành tránh dữ”, “biết tôn trọng người khác”. Thế mà có bao người giàu ăn xài một cách hoang phí bên cạnh những người đang nghèo đói. Cư ngụ trong những biệt thự sang trọng, vừa chiếm đoạt được từ những con người bị xua đuổi ra khỏi căn nhà họ đã ở bao đời xây đắp, đẩy họ sống màn trời chiếu đất. Xả lũ một cách vô trách nhiệm ngay trong giông bão trên những người dân vô tội, vì nhân danh thủy điện để khai thác rừng đầu nguồn vô lối. Có xứng đáng không, khi làm người mà chỉ biết lo cho mình, sống hưởng thụ, bất chấp đau thương của người dân lành bị đẩy vào nghèo khổ? Có thực sự “làm lành tránh dữ” dùng bạo lực để thay thế cho phương cách đối thoại bình đẳng? Có thành thực tôn trọng người khác khi đem những trò gian trá để đạt mục đích từ ngữ mỹ miều: “tấn công tội phạm” “trấn an trật tự”…?

Phẩm giá và phẩm vị đã chẳng còn nên nhà phú hộ mới lấy cái xe siêu sang mà làm bề ngoài, lấy cái dinh thự mà điểm tô cho bản thân; lấy cái ăn, cái uống xa xỉ mà lấp đi nỗi tủi nhục. Lấy cái vỏ bọc bên ngoài gấm vóc lụa là mà che sự thối rữa bên trong. Lấy cái đạo đức giả mà che sự ác độc. Nghiên cứu về những con tinh tinh lùn trong Ape man cũng cho thấy sự chinh phục hoàn hảo hơn về những thao tác, hành vi này để đạt mục đích thụ hưởng của nó.

Phẩm vị người nghèo.

Lazarô ít ra cũng có một cái tên để gọi, đó là những con người thật sự đang sống trước cửa nhà người giàu, chung quanh các bàn tiệc linh đình. Thân mình đầy ghẻ chốc vì chịu bao nhiêu thứ gặm mòn, ăn bám trên thân thể người nghèo.

Người nghèo trong dụ ngôn không kêu than, không đưa tay xin, bằng lòng chấp nhận cuộc sống đang bị tước bỏ. Chỉ ước, cái ước ao rất bình thường, một cái gì đó cho no bữa, quyền sống nhỏ nhoi rất bình thường ấy cũng bị lấy mất đi.

Phẩm giá của người nghèo đáng quý ở những điểm:

Chấp nhận chịu đựng trong nhẫn nại để chỉ mong sống được công bằng. Như những con người chất phác của nhà nông, suốt năm “bán lưng cho trời”, nhẫn nại trên những cánh đồng, chỉ mong được mùa, được giá, có được một đời sống an vui bên cạnh những vất vả. Ước mong bình dị đó, cũng là một xa vời của những con người: bị lấy mất đất, bị ép giá nông sản, chịu mua giá cao với những phân bón, thuốc trừ sâu. Nhiều người phải bỏ ruộng vì càng làm càng thêm nợ nần. Cái phận nghèo của những con người nghèo ấy chịu bao điều nghiệt ngã, đắng cay. Họ chấp nhận ngồi một cách kiên nhẫn trước những nhà phú hộ, cửa quan, công quyền. Họ không tự biến mình thành con người trộm cắp, “ăn không nói có”, không ăn xin, không cần đến lòng thương hại. Họ chỉ xin được đối xử công bằng. Đó là ý nghĩa đầu tiên của phẩm giá người. Không có công bằng chẳng bao giờ có công lý.

Công lý của kẻ yếu. Không phải là ăn vạ trước nhà người giàu có, mà là bày tỏ thực trạng của công lý đang bị yếu ớt do sự bất công bào mòn. Tính tối thượng của công lý theo loạt bài giảng của giáo sư Michael Sandel, Đại học Harvard: “Công lý là tất cả những điều đúng phải làm, đó là hành động có trách nhiệm, lương tâm và đạo đức tối thượng”. Phải tôn trọng nhân phẩm của người khác, dù đó là hàng triệu người hay chỉ một người!”. Có rất nhiều ví dụ được đưa ra trong loạt bài giảng này. Con người nghèo kia là do ai? vấn đề là đặt ra trách nhiệm, họ không phải là những con người biếng nhác, họ là những con người không có quyền gì bởi đã bị lấy mất. Trách nhiệm thuộc về những người có quyền nhất. Trách nhiệm không thể trên danh nghĩa “thi hành đạo đức mà che đậy những lợi ích riêng tư, lợi ích nhóm, ý đồ đen tối, xấu xa”. Là người có trách nhiệm nên không thể hy sinh một số người cho một nhóm người. Mọi người đều có quyền sống ngang nhau.

Công lý của kẻ chết.

Người nghèo chết, người giàu cũng chết. Chết là trả về sự công bằng, ra đi với hai bàn tay trắng như nhau, nhưng lại khác nhau về số phận: Người giàu sống thiếu trách nhiệm thì chịu án phạt, người nghèo, sống công chính, ngay thẳng được tặng thưởng. Là công lý cuối cùng cho mọi người đó là phải “chịu trách nhiệm về chính mình”, đúng với nguyên tắc: “kẻ được ban cho nhiều thì bị đòi hỏi nhiều” (Lc 12, 48).

Tính công bằng được nói trong lương tâm của mỗi người. Khi Abraham trả lời cho nhà phú hộ xin cho Lazarô về mách bảo cho những anh em còn lại của ông, Abraham nói: “Mô-sê và các Ngôn Sứ mà họ còn chẳng chịu nghe, thì người chết có sống lại, họ cũng chẳng chịu tin." (Lc 16, 31). Cơ hội chung cho mọi người sống trên trần gian đều có chung một trách nhiệm như nhau, tiếng nói ấy đã được đặt trong tâm khảm của mỗi người. Không phân biệt mầu da, chức vụ, giàu hay nghèo, sang hay hèn, uy quyền hay thuộc cấp, tôn giáo hay không tôn giáo. Tất cả đều có một trách nhiệm: “cho nhau và vì nhau”. Người giàu bị phạt không phải vì ông giàu, cũng chẳng phải vì ông sống sung sướng, ông chịu hình phạt vì đã thiếu trách nhiệm với người khác khi ông sở hữu quá nhiều của cải mà chỉ biết cung phụng, hưởng thụ theo ích kỷ riêng mình. Người nghèo được thương cũng không phải vì nghèo, nhưng vì người nghèo đã cố gắng sống với hết khả năng phẩm vị của mình. Dù áo rách tả tơi vẫn “giấy rách giữ lấy lề” chấp nhận sự công bằng thiếu hụt vì bị đánh cắp. Cũng chẳng sống dựa dẫm vào ai, vì ông chỉ ngồi trước cửa như là nhân chứng của những con người bị tước đoạt, không kêu la, không oán trách, chỉ đòi hỏi được đối xử công bằng, một điều hiển nhiên của những lương tâm ngay thẳng.

Người nghèo có tên gọi “Lazarô” và mang ý nghĩa: Lazarô, tiếng Hípri có nghĩa là: “Thiên Chúa giúp”. Có tên gọi, điều đó nhấn mạnh trong mỗi con người đều là “hình ảnh và họa ảnh của Thiên Chúa” (Stk 1, 26), hơn nữa “Con Thiên Chúa giàu có trở nên nghèo, để người nghèo trở nên giàu có” (2 Cor 8, 9). Điều này nhắc nhở luôn luôn có những người nghèo bên cạnh, nếu mỗi con người không theo gương sống như Chúa “trở nên nghèo” để giúp cho những người nghèo, giúp cho người người nghèo sống với phẩm vị của mỗi con người được sống, thì sự kiện “Con Thiên Chúa làm người” vẫn chịu sự bách hại từ nhiều cách, nhiều phương tiện bởi sự vô tâm của những con người giàu có.

Dụ ngôn mời gọi con người hãy sống có trách nhiệm với nhau, đừng ai khinh bỉ ai, đừng ai vô cảm trước những nỗi đau khổ của con người đang chịu. Sống với chữ người hơn để nên thánh hơn.

Lm Giuse Hoàng Kim Toan

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây