Chiến Tranh Nội Tâm
Chiến tranh theo nghĩa đen của nó là thần hủy diệt, nó là sự phá tan yên bình, mang những thảm họa trên thế giới, chiến thắng bằng gươm đao và đổ máu, những tai ương do hậu quả chiến tranh bằng gươm giáo, đại bác, tên lửa, vũ khí hạt nhân để lại...
Nghĩa tượng trưng của chiến tranh hoàn toàn ngược lại. Chiến tranh nhìn từ góc độ hòa bình có một ý nghĩa quan trọng: Đó là sự tiêu diệt cái ác, đánh tan sự dữ, tái lập trật tự, vãn hồi sự xung đột, tái lập hòa bình. Chia sẻ này nhìn với khía cạnh nội tâm.
Khía cạnh nội tâm, đó là cuộc chiến dai dẳng của những chiến binh chiến đấu với bản ngã, chiến đấu với những đam mê dục vọng. Nhìn với góc độ tương quan, đó là cuộc chiến bào mòn những góc cạnh của tương quan để ráp khít vào nhau, đó là những bàn tròn thương lượng, những bản kí kết giao ước, những cam kết tôn trọng lẫn nhau.
Khác với nghĩa hòa bình là sự thỏa hiệp, không thỏa hiệp với sức mạnh của sự dữ, không thỏa hiệp với những đam mê, không thỏa hiệp với tội lỗi, cho nên cuộc chiến đấu này lại mang danh nghĩa một cuộc chiến không đội trời chung, là một cuộc chiến loại trừ cái xấu và cái ác.
Cuộc chiến không ai giết ai và không ai bị giết được ghi lại trong sách Bhagavad – Gità diễn tả cuộc chiến xảy ra tại Kurukshôtra: “Một bên không ai giết, một bên không ai bị giết, là một cuộc chiến hành động Karmayoga, là cuộc chiến thống nhất sự sống”. Truyền thống về những cuộc chiến này thấy nhiều trong các nền văn hoá Đông Phương. Tại Trung Hoa cổ, người ta ghi nhận, đó là cuộc chiến bảo tồn sự sống, nó là cuộc chiến bằng tinh thần chứ không phải là gươm đao; nhìn với một góc cạnh khác đó là hình thức đấu tranh nội tâm và cũng là cuộc đấu tranh bất bạo động.
Có chiến tranh đòi buộc có chiến binh. Những chiến binh Đông Phương, tại Ấn Độ cổ xưa gọi là Kshatriya, thuộc đẳng cấp quý tộc, đứng sau đẳng cấp Bà La Môn. Họ là những chiến binh thực thụ bằng con đường tu luyện. Những chiến binh mặc áo giáp làm bằng ý chí đã được tôi luyện kiên cường, mặt trận của họ là cái ác và cái xấu trong nội tâm và bên ngoài thực tại tác động. Những chiến binh chiến thắng được mệnh danh là Jina. Jina là từ tiếng Phạn, biểu thị người chiến thắng, là những người giữ được hoà bình trong trái tim, họ không bị ảnh hưởng của đam mê dục vọng làm xáo trộn, họ là những con người chiến thắng cái ngã của mình. Với ý nghĩa này, Đức Phật là một Jina thực thụ, một con người đã chiến thắng cản trở nghiệp chướng, vượt qua dòng luân hồi vào cõi Niết Bàn. Đức Phật trở lại trong nhiều lần hóa kiếp để giúp các chiến binh khác cũng thành công trên con đường giải thoát của họ.
Từ những Jina thực thụ, Mahavira lập lên một đạo phi chính thống của Ấn Độ cũng gọi là Đạo Jina vào thế kỷ thứ VI Trước Công Nguyên cùng thời với Phật Giáo. Nguyên tắc chính yếu để tu luyện trong đạo Jina bao gồm hai điều chính yếu: Khổ hạnh và không sát hại bất kỳ sinh linh nào.
Trong Phật giáo có những tượng thần xem ra ghê gớm mang đầy sát khí, thế nhưng, những vị thần này mang một sứ điệp cao cả như đọc thấy trong sách Auguttara – Nikâya: “Chúng ta chiến đấu cho đức hạnh cao cả, cho nỗ lực cao siêu, cho sự anh minh siêu việt; cho nên chúng ta gọi nhau là những chiến sỹ”. Chiến binh không mang vũ khí này cũng có mặt tại Trung Hoa cổ, những chiến binh là những người tu thân luyện đức, những người dứt bỏ thực tại đi tìm chân lý. Những chiến sỹ kiên cuờng gợi nhớ hình ảnh của Kshatriya, những khuôn mặt của Samourai Nhật Bản hay một quân nhân Sioux.
Những chiến sĩ Châu Mỹ thực sự là những người chấp nhận đi vào con đường khổ hạnh, họ chấp nhận sống một năm trong rừng sâu, tu luyện để linh thị được những điều thiêng liêng. Người ở các xứ Chùa Phật thì có thời gian hiến sinh, gọi là thời gian công quả ở chùa ba năm để rèn nhân đức. Thực hiện trút bỏ đời sống thiếu niên để bước vào giai đoạn trưởng thành của cuộc sống bằng con đường khổ hạnh.
Cuộc chiến đấu với sự dữ là một cuộc chiến khốc liệt, nó là một cuộc chiến không nhượng bộ. Khởi đầu cho cuộc chiến này, người ta thường tham dự vào một buổi lễ hiến sinh. Lễ hiến sinh như một gợi nhắc cho người chiến binh việc chết đi nơi mình những đam mê dục vọng, những tỵ hiềm, ích kỷ của bản ngã, chết đi để mở ra với lòng từ bi, hỷ xả. Chết cho chính mình, như vậy là một hiến sinh cao cả của người chiến binh.
Chiến tranh và hoà bình là hai điều trái ngược nhau nhưng lại là hai mặt của một vấn đề trong cuộc chiến nội tâm. Cuộc chiến khởi đi từ việc không thoả hiệp với sự dữ, không sống chung với tội lỗi, không tìm tư lợi bất chính. Một chiến binh không gậy, không binh khí, chiến đấu bằng ý chí của mình để lướt thắng dục vọng. Người chiến sĩ mà Trung hoa gọi là người quân tử, người biết sửa mình bằng cách tu thân, người lấy đức để nhuận thân, như Chu Hy có lần nói trong ba điều đáng tiếc: “Thân này lỡ hư” là một điều đáng tiếc không để xảy ra. Đạo tu thân bắt nguồn từ những chiến binh thực thụ, không thoả hiệp với cái xấu, không làm tổn thương đến những điều tốt.
Cuộc chiến với sự dữ nằm bên trong mỗi con người theo cách gọi của Thánh Phaolô gọi là cuộc chiến nội tâm. Cuộc chiến với chính mình “Về điều tốt tôi muốn, tôi đã không làm, tôi lại làm điều xấu, tôi không muốn” (Rm 7, 19). Đó là sự trái ngược của hành động, bởi vì, con người đã mang trong mình mầm mống của tội lỗi, khi muốn làm điều thiện thì sự ác cũng theo đó xuất hiện. Cuộc chiến này xem ra thật gay go, muốn chiến thắng người chiến binh cần mặc lấy áo giáp sắt ân sủng của Thiên Chúa. Đối Thánh Ignatio, cuộc chiến này được gọi là cuộc chiến thiêng liêng, với phương pháp linh thao, áp dụng từ những bài học tập luyện ở thao trường của người chiến binh đưa vào tập huấn đời sống thiêng liêng. Phương pháp này dựa trên phương pháp căn bản: Phân biệt thần khí, đó là giai đoạn đầu để tách ánh sáng và bóng tối; giai đoạn hai là giai đoạn chọn lựa theo Ý Chúa.
Người chiến binh Kitô giáo có một thời gian đã hiểu lầm trong lịch sử, bằng cách mang gươm giáo lên đường mở những cuộc thập tự chinh. Không có cuộc chiến tranh nào bằng súng đạn, nguyên tử hay giáo mác nào gọi là cuộc chiến tranh thần thánh. Chỉ có một cuộc chiến tranh thần thánh là trong đời sống nội tâm của mỗi người. Cái thắng khó nhất là chiến thắng chính bản thân mình, người xưa đã nói thế.
Cuộc chiến nơi mỗi người vẫn tiếp diễn cho đến khi trút hơi thở cuối cùng. Đó là một cuộc chiến dài lâu, cuộc chiến nội tâm, đấu tranh với sự dữ, chống trả từng ngày, với những yếu đuối riêng biệt, một cuộc chiến xem ra chỉ kết thúc ở cuối đường. Sự dài lâu của cuộc chiến làm hao mòn sinh lực nên mỗi ngày lại càng cần nhiều lương thực bổ dưỡng thiêng liêng để chiến thắng, cần đến ân sủng để hoàn thành những nỗ lực cá nhân. Nhìn với góc cạnh của người Kitô hữu, không có chiến thắng nào, dù là một trở ngại nhỏ, đều bởi ân sủng của Chúa Thánh Thần.
Lm. Giuse Hoàng Kim Toan
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn