BỆNH SĨ
Từ ngữ ôm bom, bán vũ khí, nổ tơi bời, bệnh sĩ, khoe, đánh bóng, phét lác, láo, thổi phồng, bơm bong bóng, thêu hoa, dệt gấm, buôn chuyện... có lẽ được sử dụng nhiều trong văn hóa giao tiếp. Nổ từ trong nhà ra ngoài đường, dối gian tràn lan, đi đâu cũng thấy lập thành tích.
Khoác vào mình những cái mình không có, lấy của cải để che những cái rỗng của mình. Bệnh sĩ có mặt khắp mọi nơi, trong đời sống xã hội, trong đời sống đạo đức, và ngay trong chính cá nhân tự đánh lừa mình... Bệnh sĩ, tính khoa trương, tự phụ, nó bắt nguồn từ bệnh giả dối và bệnh thành tích. Đó là hai căn bệnh trầm kha, ăn rễ sâu vào xã hội hôm nay.
Bệnh giả dối
Giả dối có mặt khắp mọi nơi, nó dựa trên những giáo điều cũ, tân trang đánh bóng thành những tư tưởng mới. Nó ẩn đằng sau những trì trệ, bộ máy hành là chính, cơ chế rườm rà, những tổ chức kinh tế, những bộ mặt gian tham... Nói dối lâu dần thành quen, quen lâu trở thành nghiện. Nói dối, làm dối, học dối, ăn dối... khắp nơi, từ học đường đến những vị trí làm trong xã hội. Gian dối, nó hiện diện như cái bẫy trong: báo cáo, tổng kết, thi đua, giá trị, thành tích, sản xuất, chào hàng, thực phẩm... Gốc của gian dối là làm sao có lợi cho mình và bất chấp thiệt hại đến người khác, nhỏ giả dối nhỏ, lớn giả dối lớn, sống “thành thật thường thua thiệt, lươn lẹo lại lên lương”.
Gian dối không chỉ với người khác mà ngay với chính mình, đôi lúc tưởng ta đây là học sâu hiểu rộng, oai phong hiển hách, thay mặt nhân dân, ra đường còi xe inh ỏi, hộ tống, hộ vệ quanh mình; thời trang xa xỉ, hàng hiệu, hàng độc; xe này, xế nọ... Tự đánh bóng mình đủ cỡ, đủ kiểu; bằng cấp, mua chức, lợi dụng chức quyền, tự dương, tự đắc, anh ba, anh tư, vua này, vua kia... Lộ diện ra, chạy bằng, chạy cấp, khai man, hối lộ, tham nhũng, lợi ích nhóm, vua lừa, vua nhái... “không có gì che giấu mà sẽ không được tỏ lộ, không có gì bí mật, mà người ta sẽ không biết” (Mt 10, 26).
Hậu quả của gian dối thì nhiều, rất nhiều, chẳng còn giá trị niềm tin, chẳng còn sống thật, chẳng còn tương lai, đánh mất con người. Xưa kia, mọi việc xây dựng trên chữ “tín” và ngay trong xã hội chữ “tín” ấy bây giờ cũng chẳng bằng chữ “tiền”. Nạn giả mạo khắp nơi từ những nghiên cứu khoa học, những luận án, cho đến hàng tôm, hàng cá. Băng hoại, và thấy gian dối như bình thường, ai cũng vậy cả, rồi tự nhủ, gian dối một tí cũng chẳng sao, cứ thế, cái chẳng sao rồi chẳng cái gì ra sao cả.
Trong đời sống đạo đức Chúa Giêsu cũng lên án cái đạo đức giả: “Họ làm mọi việc cốt để cho thiên hạ thấy. Quả vậy, họ đeo những hộp kinh thật lớn, mang những tua áo thật dài. Họ ưa ngồi cỗ nhất trong đám tiệc, chiếm hàng ghế đầu trong hội đường, ưa được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng và được thiên hạ gọi là "ráp-bi"”. (Mt 23, 5 - 7). Thích được gọi bằng “thầy”, bằng “ông” mà đời sống lại không xứng đáng bậc làm “thầy” làm “ông”. Cái nào quan trọng hơn, chức danh hay đời sống thật của mỗi người.
Bệnh thành tích.
“Làm láo, báo cáo hay”, hễ nghe đến báo cáo thì biết ngay ra thế nào cũng thành công tốt đẹp, nghe riết rồi quen, quen riết rồi phải tám, tám riết rồi thành công thức. Cứ nghe báo cáo là thấy oải vì thiếu tính trung thực của nó, hoặc cần thì hiểu ngược lại những gì báo cáo không viết. Đấy là cái bệnh thành tích được ươm từ nhỏ trong cái nôi “phê và tự phê”. Đi đâu cũng gặp thành tích, chẳng hiểu cái thành tích kia là cái gì, lúc nào cũng khoe, chẳng cần ai kiểm chứng và cũng chẳng ai kiểm chứng, bởi vì ai cũng biết đó là căn bệnh thành tích.
Cũng cái bệnh thành tích mà ở nhiều lãnh vực vẫn nghe quen quen: “trong tầm kiểm soát”, “đạt chỉ tiêu”, “tầm cao mới”, “hoàn thành trước thời hạn”, “đạt danh hiệu”... tính kết quả của thành tích là hình thức, giả dối, bao nhiêu công trình mới khánh thành đã phải đi vào sửa chữa triền miên và có khi hết khả năng sửa. Kết luận không thuốc trị.
Thành tích đúng nghĩa của nó là kết quả của thực hiện. Thực tế, “Ăn như rồng cuốn, nói như rồng leo, làm như mèo mửa”, thành tích không phải là để đánh giá mà là để khoe, để che, để lẹo.
Ở Tin Mừng Thánh Maccô, Chúa Giêsu còn chỉ rõ hơn nữa về nguyên nhân của bệnh thành tích là nuốt hết tài sản của bà góa: “Anh em phải coi chừng những ông kinh sư ưa dạo quanh, xúng xính trong bộ áo thụng, thích được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng. Họ ưa chiếm ghế danh dự trong hội đường, thích ngồi cỗ nhất trong đám tiệc. Họ nuốt hết tài sản của các bà goá, lại còn làm bộ đọc kinh cầu nguyện lâu giờ” (Mc 12, 38 – 40). Cái cuối cùng của bệnh thành tích là tài chánh, ngốn hết tài sản trong cái thành tích mà chẳng nên cơm nên cháo.
Trở về sống thực trong bối cảnh giả dối, trở về với bổn phận trong bối cảnh chiếu lệ hình thức. Mỗi người, nếu muốn môi trường tốt hơn, minh bạch hơn, thành thật hơn, hãy bắt đầu từ chính mình. “người làm lớn hãy trở thành người phục vụ” (Mt 23, 11).
Lm. Jos Hoàng Kim Toan
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn