TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Giáng Sinh

“Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. (Lc 2, 1-14)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Ngã Rẽ Cuộc Đời

Thứ bảy - 24/04/2021 00:06 | Tác giả bài viết: Lm Giuse Hoàng Kim Toan |   1805
Không có con đường nào đi thẳng hoài mà không có lối rẽ. Lối rẽ có khi đưa ta về đích, thế nhưng cũng có thể dẫn ta lạc đường
right way wrong way[1]
right way wrong way[1]

Ngã Rẽ Cuộc Đời

Không có con đường nào đi thẳng hoài mà không có lối rẽ. Lối rẽ có khi đưa ta về đích, thế nhưng cũng có thể dẫn ta lạc đường. Thế nên, trước khi muốn rẽ ta cần biết chắc con đường này đưa tới đâu. Ở một vài nơi ngã rẽ người ta cũng đề nghị dừng lại và suy gẫm, ý nghĩa của một ngã rẽ cuộc đời.

Ngã rẽ của con đường.

Là điểm giao thoa giữa các ngã đường, ở nơi giao thoa này, những con đường đôi khi không còn tên của mình nữa. Chỗ giao thoa, gặp gỡ, tương đồng, gợi lên một ý tưởng tính hòa đồng của các con đường nơi giao nhau. Không còn là cá biệt, mỗi cá biệt đã hòa vào trong cộng đồng để làm thành cái chung, để rồi từ ấy, phân đi các ngã. Trong đời sống đức tin của người Kitô hữu cũng có thể thấy, điểm gặp gỡ giao thoa giữa các ngã đường là nơi nhà thờ. Những con đường, lối hẻm trong một khu xóm đạo, mọi nẻo đường đều dẫn tới nhà thờ, ở đó điểm gặp gỡ: “Tôi tin và chúng tôi tin”. Niềm tin của các cá nhân gặp gỡ Đấng mời gọi tin theo và tất cả cùng đáp lại một niềm tin: “chúng tôi tin” để cùng đồng hành và đi về khắp nơi. Như kết của bộ phim “sám hối”, cụ bà hỏi cô gái trẻ: “Con đường này có dẫn đến nhà thờ không?” Cô gái đáp: “con đường này không dẫn đến nhà thờ!”. Cụ bà buông câu than thở: “con đường không dẫn tới nhà thờ, vậy làm con đường làm chi”. Những con đường nếu không dẫn tới gặp gỡ nhau, gặp gỡ Thiên Chúa, mọi con đường đều trở nên vô ích.

Ngã rẽ nơi dừng chân và suy gẫm.

Thông thường ở những nơi ngã tư, ngã ba, người ta thường thấy những bảng chỉ dẫn để hướng dẫn người đi đường. Trong thực tế, ngã rẽ là một một bước ngoặt, cần định hướng rõ rệt. Khi chuẩn bị bước vào chặng đường mới, có những nhà hướng dẫn, đòi hỏi người học viên trước khi quyết định đi vào một ngã rẽ, dừng lại bằng một khóa học định kỳ: khóa học tiền hôn nhân, định hướng, tĩnh tâm trước khi cam kết một lời khấn… Ở nơi giao thoa này, tâm hồn con người cũng được mời gọi găp gỡ Đấng thần linh để trao đổi, nhận ra con đường cần thực hiện. Mỗi một con đường của ngã rẽ đều cần đến một quyết định quan trọng và tất nhiên cũng theo đó sẽ xuất hiện hiệu quả hay hậu quả. Liều mạng đi vào lối rẽ khi chưa hiểu biết gì về nó, là một việc mạo hiểm đầy nguy cơ.

Ngã rẽ trong tâm hồn

Ngã rẽ còn là một nơi giao thoa giữa sự thiện và sự dữ. Theo Thánh Phaolô là cuộc chiến nội tâm (Rm 7, 14 – 25). Nơi đó, sự giằng co giữa sự thiện và sự dữ, và thường điều thiện muốn làm thì không làm, điều dữ không muốn làm thì lại làm. Xưa kia trong nhiều nền văn hóa, tại ngã ba hay ngã tư, người ta thường cho rằng có các thần ở đó cai quản. Ở một vài nơi người ta đặt miếu, đền hay một vài pho tượng hoặc cây Thánh giá. Mục đích nhờ các thần bảo hộ, che chở khỏi sự dữ. Theo Thánh Phaolô, cuộc chiến nội tâm trong tâm hồn mỗi con người chiến thắng nhờ sự chết và sống lại của Chúa Giêsu, chính vì vậy mà ngài đã kết thúc cuộc đấu tranh nội tâm này bằng câu: “Tôi thật là một người khốn nạn! Ai sẽ giải thoát tôi khỏi thân xác phải chết này? Tạ ơn Thiên Chúa, nhờ Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta!” (Rm 7, 24 – 25)

Ngã rẽ cũng là một điểm mời gọi sự hy sinh hãm mình. Từ bỏ một con đường rộng rãi thênh thang đưa tới cái chết để chọn lựa đi vào một lối nhỏ, đòi hỏi hy sinh hãm mình để tới sự sống (Mt 7, 13). Thông thường, người ta có thể thấy, ở lòng sông rộng dòng nước chảy, sẽ không thấy sức mạnh của nó; thế nhưng ở những đoạn hẹp, những đoạn qua các khe núi, người ta thấy rõ sức mạnh của dòng sông đang chảy. Suy nghĩ những gì ở chung quanh sẽ thấy ngay bài học thiết thực từ cuộc sống. Không ai có thể học hết mọi ngành trong khoa học, chỉ tập chú vào một vài khoa, rèn luyện và đào sâu về chuyên khoa ấy. Không ai, có thể tập được mọi nhân đức cùng một lúc, con đường tập luyện ấy từng nhân đức một. Cũng chẳng thể sống hết mình cho mọi người mà không hy sinh chính bản thân mình và đi trên con đường sự thiện mỗi ngày. Cũng chẳng thể hoàn thiện chính mình nếu không biết từ bỏ. Lối rẽ của đời sống vào con đường khổ luyện, hy sinh, quên mình vì mọi người luôn là một mời gọi đi vào ngõ hẹp để đạt tới hạnh phúc Nước Trời ngay trong hành trình trần thế.

Ngã rẽ của niềm hy vọng.

Con đường đang đi có thể không lối thoát nếu không có lối rẽ. Lối rẽ ở điểm cuối của con này tuy mở ra nhưng lại là con đường bắt buộc hay có thể là lối thoát hiểm duy nhất. Lối rẽ mở ra một niềm hy vọng tươi sáng thường sau khi con người đã tận lực trong mọi cố gắng của mình. Có rất nhiều người tưởng chừng như thua cuộc hoàn toàn, nhưng thất bại lại trở thành mẹ thành công, khi biết học từ thất bại bài học của thành công. Trong đời sống tâm linh, Thánh Têrêsa hài đồng Giêsu cũng cho thấy một cảm nghiệm: “Khi Chúa khóa hết các cửa ra vào, Chúa lại mở cho cánh cửa sổ”. Những lối đường bế tắc, trong chương trình của Chúa dành cho con người đôi khi là như thế. Chúa khóa những cánh cửa lớn để đổi thay con người, giúp họ đi qua cửa hẹp để đạt được hạnh phúc.

Con đường có những lối rẽ, và những điểm giao thoa, mang những ý nghĩa đặc biệt. Dừng lại và suy gẫm. Gặp gỡ và tìm hiểu. Đổi thay và quyết tâm. Bế tắc và hy vọng. Con đường vẫn ở phía trước  và chúng ta vẫn đang đi. Xin Chúa đồng hành và chỉ dẫn.

L.m Giuse Hoàng Kim Toan.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây