Người ta có thể CHỌN nhiều thứ cho cuộc đời mình, trừ hai thứ: Cha mẹ và nơi sinh. Cha mẹ nào cũng có điều đặ biệt riêng với con cái, nếu không thì làm gì có cha mẹ. Cha mẹ mà tuyệt vời như thế, huống chi Thiên Chúa. Chúa nhật thứ ba trong Tháng Sáu là Ngày Hiền Phụ. Bạn còn cha? Bạn thật hạnh phúc. Bạn không còn cha? Thật bất hạnh: “Còn cha gót đỏ như son, Đến khi cha chết gót con lấm bùn” (Ca dao). Vậy đó, nhưng khi cha còn sống, con có nhiều cách nhìn về người cha của mình… Sự hối hận thường đồng nghĩa với sự muộn màng!
Tôi vẫn thắc mắc rằng không biết có ai phá kỷ lục viết thư của cha tôi hay không. Khi còn là sinh viên, tôi rất nhớ nhà. Suốt ba năm ròng rã, cha tôi cứ cách một ngày lại viết cho tôi một lá thư. Viết là chuyện quá dễ đối với cha tôi, thế nhưng cứ cách ngày lại viết thư suốt ba năm thì quả là “tâm phục, khẩu phục”.
Thư của cha tôi luôn nâng đỡ tôi, khích lệ tôi, và an ủi tôi. Thư luôn mở đầu bằng câu: “Shuet, con gái yêu dấu nhất của cha”. Còn hạnh phúc nào hơn với một sinh viên xa nhà như tôi chứ? Cha tôi luôn viết trên loại giấy có in hoa hồng lớn như thể hiện tình thương của người dành cho tôi.
Cha tôi tên là Kwok-Chi Tam, một con người tự lập, giỏi lịch sử Trung quốc và văn chương Tây phương, nhưng cũng rất giỏi văn chương Trung quốc. Người thường làm anh Paul và tôi “quê độ” bằng cách trích ra những bài thơ mà chúng tôi quên tiệt. Đã đi dạy nhiều năm, cha tôi quen nhiều sinh viên. Các sinh viên đều nói cha tôi khả dĩ bật một mẩu phấn tào thành âm thanh thú vị.
Ban ngày cha tôi đi dạy, ban đêm viết kịch bản phim. Tôi biết cha tôi mệt mỏi nhưng không bao giờ than phiền. Căn hộ chật hẹp, cha mẹ ngủ trong buồng, còn anh em tôi ngủ trên sàn nhà. Vào những dịp sinh nhật, anh em tôi được ăn thịt gà, và thực sự cảm thấy hạnh phúc bên cha mẹ. Được học hết tú tài, ai học được nữa thì cha mẹ vẫn cho đi học, và luôn động viên học chứ không hề trách mắng. Chúng tôi hiểu giá trị của sự giáo dục và kiến thức, nhất là mang ý nghĩa từ những hy sinh của cha mẹ.
Khi cuộc sống tạm ổn, cha mẹ đỡ vất vả, anh em tôi đã có nghề nghiệp, lại là lúc cha tôi bị ung thư tuyến tụy bất khả trị. Năm 1981, gia đình có ba người sinh nhật vào tháng Năm, nhưng không tổ chức vì buồn khi thấy cha tôi bệnh nặng như thế. Và rồi định mệnh cũng cướp mất cha tôi vào năm sau.
Đám tang cha tôi được tổ chức rất lớn. Rất nhiều người đến phúng điếu, đường phố chật người đưa tiễn và đứng chào tỏ lòng thương tiếc khi linh cữu cha tôi đi qua. Tôi hãnh diện vì uy tín của cha tôi đối với mọi người ở mọi lứa tuổi.
Một năm sau, tôi sinh con gái đầu lòng, đặt tên là Laura. Khi Laura bốn tuổi, tôi sinh con trai đặt tên là Paul. Khi chúng đủ hiểu biết, tôi luôn kể cho các con biết về ông ngoại của chúng, luôn yêu thương và quan tâm vợ con dù ông rất vất vả.
Đó là bài học cha tôi đã dạy tôi bằng chính cuộc sống mẫu mực của người: Tận tụy với gia đình, cần cù lao động, và kiến thức sâu rộng. Cha tôi nghiêm nghị mà không khắt khe, ít nói mà vẫn dễ gần gũi, thương yêu mà không nhu nhược, khắt khe với chính mình mà lại nhân hậu với người khác. Một ngày nào đó, khi các con khôn lớn, tôi sẽ cho chúng đọc những lá thư mà cha tôi đã viết cho tôi ngày xưa. Đó là gia bảo của người cha kính yêu đã để lại cho tôi. Quả là gia sản vô giá!
Tôi quyết tâm sống xứng đáng là con của cha tôi, và tôi sẽ giáo dục cac con cũng noi gương sống tốt của ông ngoại: Nói ít, làm nhiều.
MO-SHUET TAM
TRẦM THIÊN THU (Chuyển ngữ từ Reader’s Digest)