TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Giáng Sinh

“Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. (Lc 2, 1-14)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

GIÁO LÝ DỰ TÒNG 277 Câu Hỏi Thưa

Thứ tư - 25/05/2022 20:28 | Tác giả bài viết: Nguyễn Thái Hùng |   13795
GIÁO LÝ DỰ TÒNG 277 Câu Hỏi Thưa được biên soạn theo sách Giáo Lý Dự Tòng của giáo phận Xuân Lộc.
Theo CGS
Theo CGS
 
GIÁO LÝ DỰ TÒNG
277 Câu Hỏi Thưa
được biên soạn theo sách Giáo Lý Dự Tòng của giáo phận Xuân Lộc.

Gb. Nguyễn Thái Hùng
 

277 Câu Trắc Nghiệm GIÁO LÝ DỰ TÒNG




Phần mở đầu

01. Hỏi: Thiên Chúa là Đấng nào?
        -Thưa: Thiên Chúa là Đấng dựng nên trời đất muôn vật, Đấng ban hạnh phúc cho muôn loài, Đấng làm chủ muôn loài.

02. Hỏi: Con người còn dùng nhiều danh xứng khác để gọi Thiên Chúa, là gì?
        -Thưa: Đức Chúa Trời, Thượng Đế, Tạo Hóa, Hóa Công, Đấng Tối Cao…

03. Hỏi: Loài người dựa vào đâu để tìm biết Thiên Chúa?
        -Thưa: Dựa vào thiên nhiên, dựa vào những khát vọng chính đáng trong lòng người và dựa vào tôn giáo.

04. Hỏi: Nhìn vào trời đất với trật tự lạ lùng của tinh tú, với muôn vàn điều kỳ diệu của trời đất, tháng năm, con người nhận ra phải có Đấng Sáng Tạo và điều khiển vũ trụ. Cách nhận biết này gọi là nhận biết theo điều gì?
        -Thưa: Luật nhân quả.

05. Hỏi: Tự đáy lòng, con người cảm thấy mình luôn khao khát điều gì?
        -Thưa: Khao khát điều chân thật, điều tốt, điều đẹp.

06. Hỏi: Vì sao đạo Công giáo khẳng định mình giúp loài người tìm kiếm Thiên Chúa là con đường chắc chắn?
        -Thưa: Đạo Công giáo do chính Thiên Chúa thiết lập, chính Ngài sai Đức Kitô, Con của Ngài xuống trần gian, tỏ cho loài người con đường phải đi để gặp được Ngài.

07. Hỏi: Cùng với việc chỉ đường dẫn lối, Thiên Chúa còn làm gì cho loài người trên con đường tìm kiếm Ngài?
        -Thưa: Thiên Chúa giúp cho trí khôn nhận định sáng suốt, giúp cho ý trí kiên trì và giúp cho tâm hồn phấn khởi.

08. Hỏi: Thiên Chúa dùng nhiều cách thức để tỏ mình cho loài người, nhưng cách rõ ràng nhất là gì?
        -Thưa: Thánh Kinh.

09. Hỏi: Bộ sách được linh ứng ghi chép ý định và hành động cứu chuộc của Thiên Chúa gọi là gì?
        -Thưa: Thánh Kinh.

10. Hỏi: Thánh Kinh trọn bộ (Cựu Ước - Tân Ước) gồm có bao nhiêu cuốn?
        -Thưa: 73 cuốn.

11. Hỏi: Cựu Ước là những sách viết về giao ước xưa giữa Thiên Chúa và ai?
        -Thưa: Dân tộc Ítraen.

12. Hỏi: Cựu Ước gồm có bao nhiêu cuốn sách?
        -Thưa: 46 cuốn.

13. Hỏi: Tân Ước là những sách viết về giao ước ký kết giữa Thiên Chúa và loài người qua ai?
        -Thưa: Chúa Kitô.

14. Hỏi: Tân Ước gồm có bao nhiêu cuốn sách?
        -Thưa: 27 cuốn.

15. Hỏi: Nội dung Thánh Kinh là chương trình và hành động cứu độ của Thiên Chúa được ai thực hiện?
        -Thưa: Chúa Giêsu Kitô.

16. Hỏi: Thiên Chúa đã tỏ cho loài người cách chắc chắn qua Thánh Kinh. Nhờ Thánh Kinh, chúng ta biết được điều gì?
        -Thưa: Thiên Chúa là ai, Người yêu thương chúng ta thế nào và chúng ta phải làm gì để đáp lại tình thương ấy.

17. Hỏi: Chúng ta phải đón nhận Thánh Kinh trong tâm tình nào?
        -Thưa: Tâm tình vui mừng, tạ ơn và ước muốn được dạy dỗ.

18. Hỏi: Tại sao ta lại ước muốn được dạy dỗ khi đón nhận Thánh Kinh?
        -Thưa: Vì Thánh Kinh dạy ta cách chắc chắn, trung thành những chân lý thánh ký ghi lại vì phần rỗi chúng ta; và vì Thánh Kinh có ích lợi cho việc sửa dạy, biện bác, sửa trị và rèn luyện trong công chính để trở nên trọn hảo và thực hiện mọi việc lành.

19. Hỏi: Chúng ta phải đọc Thánh Kinh như thế nào?
        -Thưa: Phải đọc Thánh Kinh trong đức tin và trong Hội Thánh.

Phần I
THIÊN CHÚA – ĐẤNG TẠO HÓA

20. Hỏi: Trời đất muôn vật bởi đâu mà có?
        -Thưa: Bởi Thiên Chúa dựng nên.

21. Hỏi: Loài người là loài có linh hồn và thể xác, được Thiên Chúa dựng nên giống hình ảnh Ngài và ban cho điều gì?
        -Thưa: Làm chủ vũ trụ và hưởng hạnh phúc đời đời.

21. Hỏi: Loài người là hình ảnh của Thiên Chúa nhờ có điều gì?
        -Thưa: Nhờ có lý trí, ý chí và tự do.

23. Hỏi: Nhờ có lý trí, ý chí và tự do nên con nngười phải chịu điều gì với các hành vi của mình?
        -Thưa: Phải chịu trách nhiệm.

24. Hỏi: Nếu hành động của ta tốt thì được thưởng, trái lại, hành động của ta xấu thì sẽ bị gì?
        -Thưa: Bị phạt.

25. Hỏi: Hôn nhân là cách thế tự nhiên giúp đôi bạn làm gì?
        -Thưa: Phát triển nhân cách, xây dựng xã hội và Hội Thánh.

26. Hỏi: Trước mặt Thiên Chúa, người nữ thế nào?
        -Thưa: Người nữ cùng phẩm giá và bình đẳng với người nam.

27. Hỏi: Loài người làm chủ thế giới hữu hình do Thiên Chúa dựng nên, do đó, với Thiên Chúa loài người phải thế nào?
        -Thưa: Nhận biết, tôn thờ và yêu mến Thiên.

28. Hỏi: Với nhau, loài người phải như thế nào để được hạnh phúc đời đời?
        -Thưa: Yêu thương và hòa thuận.

29. Hỏi: Thiên Chúa còn dựng nên loài vô hình là các thiên thần. Đúng hay sai?
        -Thưa: Đúng.

30. Hỏi: Các thiên thần được Thiên Chúa dựng nên có nghĩa vụ gì?
        -Thưa: Tôn thờ Thiên Chúa và thực hành mệnh lệnh của Ngài.

31. Hỏi: Ma quỷ cũng do Thiên Chúa dựng nên. Đúng hay sai?
        -Thưa: Sai.

32. Hỏi: Các thiên thần phản loạn gọi là ma quỷ, nên bị phạt thế nào?
        -Thưa: Hỏa ngục.

33. Hỏi: Ai đã xúi giục nguyên tổ Ađam – Evà phạm tội gây nên tình trạng khổ cực cho ông bà và con cháu?
        -Thưa: Ma quỷ.

34. Hỏi: Sau khi dựng nên loài người, Thiên Chúa ban cho con người cuộc sống được làm con Chúa và nhiều đặc ân khác như là gì?
        -Thưa: Trí khôn minh mẫn, ý chí luôn hướng về điều lành, không phải đau khổ, không phải chết.

35. Hỏi: Sau khi phạm tội, hai ông bà nguyên tổ và con cháu chịu hậu quả thế nào?
        -Thưa: Mất tình thuận thảo với Thiên Chúa, mất hy vọng sống hạnh phúc mai sau, phải trầm luân hỏa ngục đời đời.

36. Hỏi: Tội là gì?
        -Thưa: Tội là hành vi xúc phạm đến Thiên Chúa, gây tổn thương cho bản thân, mất bình an của tâm hồn và làm đổ vỡ tình liên đới với tha nhân.

37. Hỏi: Tội là lỗi luật Chúa và Hội Thánh ở những điểm nào?
        -Thưa: Trong tư tưởng, lời nói, việc làm và những điều thiếu sót.

38. Hỏi: Có mấy loại tội?
        -Thưa: Thưa có hai loại tội: Một là tội trọng, hai là tội nhẹ.

39. Hỏi: Thế nào là tội trọng?
        -Thưa: Tội trọng là cố tình phạm luật Chúa, trong những điều quan trọng mà chúng ta đã kịp suy biết.

40. Hỏi: Tội trọng làm hại chúng ta thế nào?
        -Thưa: Tội trọng cắt đứt tình nghĩa với Chúa, và nếu không hối cải thì sẽ phải xa cách Chúa đời đời.

41. Hỏi: Thế nào là tội nhẹ?
        -Thưa: Tội nhẹ là phạm một điều luật nhẹ hoặc một điều quan trọng nhưng chưa kịp suy biết hay chưa hoàn toàn ưng theo.

42. Hỏi: Tội nhẹ làm hại chúng ta thế nào?
        -Thưa: Tội nhẹ làm chúng ta bớt lòng yêu mến Thiên Chúa và dễ phạm tội trọng hơn.

43. Hỏi: Tội phản bội của hai ông bà nguyên tổ gọi là tội gì?
        -Thưa: Tội tổ tông (Tội nguyên tổ).

44. Hỏi: Tội tổ tông tác hại khủng khiếp trên con cháu thế nào?
        -Thưa: Làm mất vinh dự làm con Chúa, không được thừa hưởng gia nghiệp mai sau, làm cho lý trí tối tăm, ý chí suy nhược, tình dục nổi loạn.

45. Hỏi: Con người ngày càng tiếp tục làm trái lệnh Chúa, tập trung là những tội nào?
        -Thưa: Kiêu ngạo, hà tiện, dâm dục, hờn giận, mê ăn uống, ghen ghét, và lười biếng.

46. Hỏi: Thiên Chúa có thái độ nào khi nguyên tổ phạm tội?
        -Thưa: Thiên Chúa đã nghiêm phạt nguyên tổ, nhưng vẫn một lòng thương xót và hứa ban ơn cứu độ.

47. Hỏi: “Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà, giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy; dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi, và mi sẽ cắn vào gót nó.” (Stk 3,15) Lời này chỉ về người Con của Mẹ Maria là ai, Đấng mà suốt thời Cựu Ước, các ngôn sứ đã loan báo?
        -Thưa: Đức Giêsu Kitô.

48. Hỏi: Khi bắt đầu công cuộc cứu chuộc, Thiên Chúa đã chọn gọi ai làm tổ phụ dân riêng Ngài?
        -Thưa: Tổ phụ Ápraham.

49. Hỏi: Một thử thách lớn về lòng tin mà Thiên Chúa đòi nơi tổ phụ Ápraham là gì?
        -Thưa: Sát tế người con độc nhất.

50. Hỏi: Khi nạn đói hoành hành tại Canaan, đại gia đình tổ phụ Giacóp di cư sang đâu?
        -Thưa: Nước Ai cập.

51. Hỏi: Tại Ai cập, con cháu tổ phụ Giacóp bị muôn ngàn đau khổ cho tới khi Thiên Chúa sai ai đến giải thoát họ?
        -Thưa: Ông Môsê.

52. Hỏi: Ông Môsê tháo xiềng xích nô lệ Ai cập cho dân, hướng dẫn dân tới Đất Hứa sau hành trình trong sa mạc bao nhiêu năm trời?
        -Thưa: 40 năm.

53. Hỏi: Với sứ mệnh giải thoát Ítraen khỏi cảnh nô lệ Ai cập, ngày ra đi được đánh dấu bằng việc vì?
        -Thưa: Bữa tiệc Vượt Qua với thịt chiên nướng.

54. Hỏi: Máu chiên được bôi lên cửa làm dấu, nhờ dấu này, dân Ítraen được hưởng điều gì?
        -Thưa: Con đầu lòng của người Ítraen được an toàn.

55. Hỏi: Chúa Giêsu đã hiến dâng mình như Chiên Vượt Qua, Người là gì đích thực vì chính Người sẽ giải thoát loài người khỏi nô lệ tội lỗi?
        -Thưa: Chiên Vượt Qua.

56. Hỏi: Tại núi Sinai, biến cố gì quan trọng xảy đến với dân Ítraen?
        -Thưa: Thiên Chúa ký kết giao ước với Ítraen.

57. Hỏi: Khi vào Đất Hứa, chính Thiên Chúa hướng dẫn dân chúng qua những ai?
        -Thưa: Các thẩm phán và các vua.

58. Hỏi: Thiên Chúa hứa thiết lập cho vua nào một triều đại vững bền, và một người trong dòng dõi đó sẽ là Đấng Cứu Thế?
        -Thưa: Vua Đavít.

59. Hỏi: Tại núi Sinai, Thiên Chúa thiết lập với dân Ítraen một giao ước. Qua Giao ước này, Thiên Chúa cam kết gì với dân Ítraen?
        -Thưa: Thiên Chúa nhận dân Ítraen làm dân riêng của Người, chăm sóc và hướng dẫn vận mệnh toàn dân.  

60. Hỏi: Tại núi Sinai, Thiên Chúa thiết lập với dân Ítraen một giao ước. Qua Giao ước này, dân Ítraen cam kết gì với Thiên Chúa?
        -Thưa: Dân Ítraen cam kết tôn thờ Thiên Chúa là Chúa độc nhất và vâng giữ mọi luật Người truyền.

61. Hỏi: Giao ước do sáng kiến của Thiên Chúa đối với Ítraen, tuy không bình đẳng, những đủ tính pháp lý, vì có sự gì?
        -Thưa: Sự chấp thuận rõ rệt và tự do về phía Ítraen.

62. Hỏi: Với việc thiết lập giao ước nhận Ítraen làm dân riêng, Thiên Chúa ban Lề Luật để dân sống hạnh phúc. Lề Luật gồm những gì?
        -Thưa: Các giáo huấn, mệnh lệnh và ý định của Thiên Chúa.

63. Hỏi: Lề Luật được ghi chép ở phần nào trong bộ Thánh Kinh?
        -Thưa: Ngũ Thư.

64. Hỏi: Ngũ thư gồm những sách nào?
        -Thưa: Khởi nguyên, Xuất hành, Dân số, Lêvi và Thứ Luật.

65. Hỏi: Lề Luật Môsê gồm các giáo huấn, mệnh lệnh và ý định của Thiên Chúa giúp dân điều gì?
        -Thưa: Biết cách tôn thờ Thiên Chúa, cư xử với tha nhân và với chính mình.

66. Hỏi: Ngôn sứ là người được Thiên Chúa tuyển chọn để sai đi làm gì?
        -Thưa: Loan truyền Lời Chúa cho dân người.

67. Hỏi: Khi dân đi sai đường lối của Thiên Chúa, các ngôn sứ làm gì?
        -Thưa: Nhắc nhở, khuyến cáo họ trở về cùng Thiên Chúa.

68. Hỏi: Khi dân cố chấp trong đường lối sai lầm, các ngôn sứ làm gì?
        -Thưa: Tiên báo các tai họa sẽ đến.

69. Hỏi: Khi dân thất vọng, buông xuôi trong thời lưu đầy, các ngôn sứ làm gì?
        -Thưa: Kêu gọi họ luôn tin tưởng vào Thiên Chúa.

70. Hỏi: Khi dân mệt mỏi vì mong chờ Đấng Cứu Thế mà chẳng thấy, các ngôn sứ làm gì?
        -Thưa: Loan báo Đấng Thiên Sai sẽ đến thực hiện ơn cứu độ.

71. Hỏi: Lời loan báo về Đấng Thiên Sai như thế nào?
        -Thưa: Sinh bởi một Trinh nữ; sinh tại Bêlem thành vua Đavít; Ngài sẽ chữa người mù, què, câm, điếc, rao giảng Tin mừng cho người nghèo khổ, loan báo năm Hồng ân và ngày giải thoát; Ngài sẽ chết và sống lại như thế nào.

72. Hỏi: Thánh Kinh Cựu ước ghi nhận 16 ngôn sứ mà bốn vị lớn là ai?
        -Thưa: Ngôn sứ  Isaia, Êdêkien, Giêrêmia và Đanien.

73. Hỏi: Ngôn sứ nối kết thời Cựu Ước và Tân Ước là ai?
        -Thưa: Ngôn sứ Gioan Tẩy Giả.

74. Hỏi: Vinh dự lớn nhất của ngôn sứ Gioan Tẩy Giả là gì?
        -Thưa: Được thấy và giới thiệu Chúa Cứu Thế cho người đương thời.


Phần II
CHÚA GIÊSU – ĐẤNG CỨU THẾ

75. Hỏi: Sứ thần truyền tin cho Đức Maria tên là gì?   
        -Thưa: Sứ thần Gáprien.

76. Hỏi: Thiên Chúa sai sứ thần Gáprien đến làng nào truyền tin cho Đức Maria?
        -Thưa: Làng Nadarét.

77. Hỏi: Thiên Chúa sai sứ thần Gáprien đến làng Nadarét loan báo cho Đức Maria điều gì?
        -Thưa: Bà sẽ thụ thai, sinh một Con trai và đặt tên là Giêsu.

78. Hỏi: Lễ Giáng sinh là lễ nào?
        -Thưa: Lễ người Kitô mừng kỷ niệm Chúa Giêsu sinh ra tại nước Do thái.

79. Hỏi: Chúa Giêsu sinh ra tại thành nào?
        -Thưa: Thành Bêlem.

80. Hỏi: Khi Chúa Giêsu giáng sinh tại Bêlem, có những ai đến viếng thăm?
        -Thưa: Những mục đồng và các đạo sĩ từ phương đông.

81. Hỏi: Vua nào tìm giết Hài Nhi Giêsu?
        -Thưa: Vua Hêrôđê Cả.

82. Hỏi: Để tránh cuộc truy sát của vua Hêrôđê, gia đình Hài Nhi trốn sang đâu?
        -Thưa: Trốn sang Ai cập.

83. Hỏi: Đâu là lý do người Công giáo mừng đại lễ Giáng sinh?
        -Thưa: Hài Nhi Giêsu chính là Đấng Cứu thế Thiên Chúa đã hứa khi tuyên phạt nguyên tổ, là Đấng muôn dân mong đợi và là Đấng các ngôn sứ đã loan báo.

84. Hỏi: Chúng ta có tâm tình nào khi mừng lễ Giáng sinh?
        -Thưa: Chúng ta cảm mến sâu xa tình Chúa yêu ta và ta biết yêu thương mọi người.

85. Hỏi: Khi nghe tin vua Hêrôđê qua đời, thánh Giuse và Đức Mẹ đưa Chúa Giêsu về lại Ítraen và lập cư tại đâu?
        -Thưa: Tại Nadarét.

86. Hỏi: Chúa Giêsu đã làm gì ở Nadarét?
        -Thưa: Chúa Giêsu luôn cầu nguyện, học hỏi Thánh Kinh, làm việc, vâng lời Mẹ Maria và thánh Giuse.

87. Hỏi: Đời sống ẩn dật của Chúa Giêsu dạy chúng ta những gì?
        -Thưa: Dạy chúng ta yêu cuộc sống bình dị, đơn giản; yêu lao động; chu toàn bổn phận với Thiên Chúa, cha mẹ và mọi người.

88. Hỏi: Ai là người dọn đường cho Chúa Cứu  Thế?
        -Thưa: Ông Gioan tẩy giả.

89. Hỏi: Trong sa mạc 40 ngày đêm, Chúa Giêsu đã làm gì?
        -Thưa: Chúa Giêsu đã ăn chay cầu nguyện.

90. Hỏi: Hội Thánh có dạy gì về việc ăn chay không?
        -Thưa: Ăn chay trong những ngày Hội Thánh buộc.

91. Hỏi: Hội Thánh dạy về việc ăn chay thế nào?
        -Thưa: Ăn một bữa chính, hai bữa còn lại ăn ít hơn, giữa các bữa ăn, theo truyền thống Hội Thánh Việt nam, chỉ dùng nước lã hoặc trà…

92. Hỏi: Những ai phải ăn chay?
        -Thưa: Mọi tín hữu thành niên (trọn 18 tuổi) và bắt đầu 60 tuổi (trọn 59 tuổi) (Gl 1252).

93. Hỏi: Cùng với việc ăn chay, Hội Thánh còn dạy gì nữa?
        -Thưa: Kiêng thịt.

94. Hỏi: Những ai phải kiêng thịt?
        -Thưa: Mọi tín hữu từ 14 tuổi trọn cho đến mãn đời (Gl 1252).

95. Hỏi: Ăn chay và kiêng thịt trong những ngày Hội Thánh buộc là ngày nào?
        -Thưa: Ngày Thứ Tư Lễ Tro và Thứ Sáu Tuần Thánh (Gl 1251).

96. Hỏi: Vào những ngày thứ sáu trong năm, Hội Thánh dạy gì?
        -Thưa: Vào  các ngày thứ sáu trong năm, nếu không trùng với một trong những ngày lễ trọng, thì phải kiêng thịt hoặc phải kiêng một thức ăn nào khác (Gl 1251).

97. Hỏi: Có thể thay thế việc kiêng thịt ngày thứ sáu bằng một hình thức khác không?
        -Thưa: Hội Đồng Giám mục Việt Nam, khoá họp tháng 4-1991 đã ấn định: Các ngày thứ sáu, có thể thay việc kiêng thịt bằng một việc đạo đức hay một việc từ thiện bác ái, như: đọc hay nghe một đoạn Lời Chúa, làm một việc hãm mình đền tội, bố thí cho người nghèo, làm việc công ích, v.v…

98. Hỏi: Khi bắt đầu rao giảng, Chúa Giêsu loan báo điều gì?
        -Thưa: “Thời kỳ đã mãn và Nước Thiên Chúa đã gần đến. Anh em phải sám hối và tin vào Tin mừng.” (Mc 1,15)

99. Hỏi: Tin vào Tin mừng là tin vào những điều gì?
        -Thưa: Tin vào những điều Chúa Giêsu dạy được ghi lại trong Thánh Kinh; tin vào chính Chúa Giêsu.

100. Hỏi: Anh chị hãy ghi lại những dụ ngôn về Nước Thiên Chúa mà Chúa Giêsu đã rao giảng?
        -Thưa: Kho báu, mẻ lưới, men trong bột, hạt cải, ngọc quí …

101. Hỏi: Để đón nhận Nước Thiên Chúa, chúng ta phải làm gì?
        -Thưa: Phải sám hối và tin vào Tin mừng.

102. Hỏi: Khi loan báo Nước Thiên Chúa, Chúa Giêsu đã dạy chúng ta biết mầu nhiệm gì?
        -Thưa: Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi.

103. Hỏi: Mầu nhiệm một Chúa Ba Ngôi dạy ta điều gì ?
        -Thưa: Dạy ta biết có một Thiên Chúa mà Người có Ba Ngôi: ngôi thứ Nhất là Cha, ngôi thứ Hai là Con, ngôi thứ Ba là Thánh Thần.

104. Hỏi: Kinh nào nói lên việc chúng ta tuyên xưng mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi?
        -Thưa: Kinh Sáng danh.

105. Hỏi: Khi chúng ta làm gì là lúc chúng ta tuyên xưng mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi trong cuộc sống hằng ngày?
        -Thưa: Dấu thánh giá.

106. Hỏi: Chúng ta phải làm gì đối với Thiên Chúa Ba Ngôi?
        -Thưa: Chúng ta phải tin cậy, kính mến, thờ lạy và biết ơn.

107. Hỏi: Tôn thờ là tâm tình và thái độ của loài người đối với ai?
        -Thưa: Đối với Thiên Chúa.

108. Hỏi: Thờ phượng Thiên Chúa là nhận biết Chúa là Cha đã sáng tạo và gìn giữ ta cùng trời đất muôn vật, nên ta phải hết lòng làm gì?
        -Thưa: Phải hết lòng thờ kính, mến yêu và phụng sự Thiên Chúa.

109. Hỏi: Điều răn nào dạy chúng ta phải thờ phượng một Thiên Chúa và kính mến Người trên hết mọi sự?
        -Thưa: Điều răn thứ nhất.

110. Hỏi: Lỗi Điều răn thứ nhất là những tội nào?
        -Thưa: Chối từ Thiên Chúa, thờ các loài thụ tạo, mê tín dị đoan, phạm sự thánh, xem bói, …

111. Hỏi: Điều răn nào dạy chúng ta tôn kính Chúa vì tên Người là Thánh và là chính Người?
        -Thưa: Điều răn thứ hai.

112. Hỏi: Kính trọng Danh Thiên Chúa là không được làm gì?
        -Thưa: Kêu tên Chúa cách bừa bãi, vô lý, nhẹ dạ …

113. Hỏi: Kính trọng Danh Thiên Chúa, về mặt tích cực chúng ta phải làm gì?
        -Thưa: Phổ biến giáo lý Đạo Chúa, nguyện Danh Cha cả sáng, và có thái độ kính cẩn khi đọc hoặc nghe đọc tên Chúa.

114. Hỏi: Điều Răn thứ ba dạy chúng ta cử hành ngày lễ ngày Chúa Nhật thế nào?
        -Thưa: Cử hành ngày lễ ngày Chúa Nhật bằng việc tham dự Thánh Lễ, kiêng việc xác và làm các việc đạo đức, bác ái.

115. Hỏi: Ai đã dự thánh lễ Chúa Nhật là đã làm gì?
        -Thưa: Chu toàn nghĩa vụ cao cả nhất trong tuần để tôn vinh Thiên Chúa.

116. Hỏi: Ai tham dự thánh lễ Chúa Nhật là đã chu toàn nghĩa vụ cao cả nhất trong tuần để tôn vinh Thiên Chúa, họ nhận được những gì?
        -Thưa: Tràn đầy ân sủng và niềm vui chan hòa.

117. Hỏi: Bỏ thánh lễ ngày Chúa Nhật khi không có lý do chính đáng là lỗi bổn phận quan trọng đối với Thiên Chúa. Đó là tội nặng hay tội nhẹ?
        -Thưa: Tội nặng.

118. Hỏi: Kiêng việc xác ngày Chúa Nhật và ngày lễ buộc có ý nghĩa gì?
        -Thưa: Tuân giữ lệnh truyền của Thiên Chúa về ngày lễ nghỉ, mừng kỷ niệm việc Chúa Giêsu sống lại vào ngày đầu tuần, để có thời gian chu toàn nghĩa vụ thờ phượng Chúa và làm việc bác ái…

119. Hỏi: Khi có lý do chính đáng, chúng ta có thể hoạt động ngày Chúa Nhật và ngày lễ buộc, trừ những lễ nào?
        -Thưa: Lễ Giáng Sinh, lễ Phục Sinh và lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống.

120. Hỏi: Nhân đức nào là nhân đức siêu nhiên giúp ta vững lòng phó thác vào Chúa và chấp nhận những điều Chúa dạy và nhờ Hội Thánh truyền lại cho chúng ta?
        -Thưa: Đức tin.

121. Hỏi: Đức cậy là nhân đức siêu nhiên giúp ta trông đợi vững vàng, nhờ công nghiệp của ai, ta sẽ được Chúa ban ơn đầy đủ để sống xứng đáng là con cái Chúa ở đời này và đời sau hưởng phúc vô cùng?
        -Thưa: Nhờ công nghiệp của Chúa Giêsu.

122. Hỏi: Trong thực tế, Đức Cậy giúp chúng ta sống thế nào?
        -Thưa: Đừng qua bám víu vào trần gian, của cải, danh vọng; giúp ta phấn khởi dùng mọi phượng tiện Chúa ban để mưu tìm hạnh phúc bất diệt; và giúp ta nhẫn nại trong mọi thử thách.

123. Hỏi: Đức mến là nhân đức siêu nhiên làm cho ta thế nào?
        -Thưa: Kính mến Chúa trên hết mọi sự và thương yêu mọi người như Chúa yêu ta.

124. Hỏi: Đức Tin, Đức Cậy, Đức Mến: nhân đức nào tồn ai ở đời sau?
        -Thưa: Đức mến.

125. Hỏi: Thờ phượng là dâng lên Thiên Chúa sự gì mà Người có quyền đòi hỏi nơi chúng ta?
        -Thưa: Sự tôn thờ.

126. Hỏi: Đức thờ phượng bao gồm tâm tình bên trong và hành động bên ngoài. Tâm tình qui vào những việc nào?
        -Thưa: Thờ lạy, cám tạ, sám hối và cầu xin.

127. Hỏi: Đức thờ phượng bao gồm tâm tình bên trong và hành động bên ngoài. Hành động bên ngoài đó là những cử chỉ, lời nói và hành động nào? 
        -Thưa: Tế lễ, cử hành các Bí tích, tham dự Giờ Kinh Phụng Vụ, các kinh đọc riêng, lời khấn hứa, hoạt động tông đồ truyền giáo.

128. Hỏi: Bảy Điều răn của Thiên Chúa nói về mối tương quan giữa người với người là những giới răn nào? Cụ thể là gì?
        -Thưa: Thảo kính cha mẹ, chớ giết người, chớ làm sự dâm dục, chớ lấy của người, chớ làm chứng dối,chớ muốn vợ chồng người, chớ tham của người.

129. Hỏi: Điều Răn thứ tư dạy chúng ta những gì?
        -Thưa: Dạy chúng ta sống hiếu thảo với cha mẹ, ông bà, tổ tiên; và những bổn phận của cha mẹ đối với con cái.

130. Hỏi: Sống hiếu thảo hệ tại điều gì?
        -Thưa: Hệ tại yêu mến, tôn kính, vâng lời, giúp đỡ cha mẹ và các bậc bề trên.

131. Hỏi: Khi ông bà cha mẹ qua đời, con cháu phải làm gì?
        -Thưa: Phải lo chôn cất, cầu nguyện và dâng lễ cho các ngài.

132. Hỏi: Tại sao lại phải vâng lời ông bà cha mẹ?
        -Thưa: Vì các ngài thay mặt Chúa dạy dỗ chúng ta những điều hay lẽ phải.

133. Hỏi: Cha mẹ có những bổn phận nào với con cái?
        -Thưa: Sinh sản có trách nhiệm, nuôi nấng, dạy dỗ con cái nên người tốt và nên tín hữu nhiệt thành.

134. Hỏi: Người tín hữu được tái sinh và lớn lên trong Hội Thánh, được hiệp thông ân sủng vào sứ mạng nhờ hàng giáo phẩm và giáo sĩ. Vì thế, người tín hữu phải như thế nào đối với Hội Thánh?
        -Thưa: Phải yêu mến, vâng lời và bênh vực Hội Thánh, phải cộng tác với hàng giáo phẩm trong việc xây dựng Hội Thánh và truyền bá đức tin.

135. Hỏi: Tại sao chúng ta phải tôn trọng thể xác?
        -Thưa: Vì thân xác là kỳ công của Thiên Chúa, là Đền thờ của Chúa Thánh Thần, và ngày sau sẽ sống lại.

136. Hỏi: Tại sao chúng ta phải tôn trọng sự sống?
        -Thưa: Vì sự sống là ân huệ quí giá nhất trong phạm vị tự nhiên mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta.

137. Hỏi: Để tôn trọng thân xác và sự sống, chúng ta phải làm gì?
        -Thưa: Phải bồi dưỡng, trau dồi sức khỏe; phải tránh những gì gặp hại cho sức khẻo…

138. Hỏi: Những việc gây hại cho sức khỏe là những việc nào?
        -Thưa: Làm việc quá độ, nghiện ngập, say sưa, hủy hoại thân thể, phá thai, đánh đập người khác, bắt cóc, xúi giục kẻ khác làm hại người ta…

139. Hỏi: Để tôn trọng sức khỏe tinh thần và siêu nhiên, chúng ta phải làm gì?
        -Thưa: Phải nuôi dưỡng những tinh thần cao đẹp; phát triển tài năng, trau dồi nghề nghiệp; tránh những tư tưởng bất chính.

140. Hỏi: Những tư tưởng bất chính là gì?
        -Thưa: Giận hờn, ghen ghét, oán thù, dâm ô, những lời nói sàm sỡ, thiếu đứng đắn…

141. Hỏi: Người sống đời đôi bạn phải sống trong sạch thế nào?
        -Thưa: Trung thành với bạn mình, tôn trọng nhau trong quan hệ vợ chồng đứng đắn, tạo không khí yêu thương cởi mở, thanh khiết trong gia đình…

142. Hỏi: Phương thế siêu nhiên hiệu nghiệm giúp ta sống trong sạch là những gì?
        -Thưa: Tham dự các Bí tích, nhất là Bí tích Thánh Thể và Bí tích Giao Hòa; yêu mến Đức Trinh nữ Maria và tham gia các hoạt động tông đồ…

143. Hỏi: Điều Răn nào dạy ta tôn trọng của cải người khác trong hành động cũng như trong tư tưởng?
        -Thưa: Điều Răn thứ 7 và Điều Răn thứ 10.

144. Hỏi: Điều Răn nào dạy ta tôn trọng sự thật và danh giá người khác?
        -Thưa: Điều Răn thứ 8.

145. Hỏi: Khi nào chúng ta lỗi Điều Răn thứ 7 đối với người nghèo?
        -Thưa: Khi chúng ta có thể giúp đỡ mà bỏ qua, hoặc hoang phí hay hà tiện.

146. Hỏi: Những việc gây thiệt hại cho người khác trong hành động là những gì?
        -Thưa: Gian lận, lường gạt, tráo đổi sản phẩm, trộm cắp, hối lộ, vay mượn không trả, làm hư không đền, làm việc thiếu tận tâm, không trả tiền lương cân xứng, trữ của gian, không trả của lượm được khi có thể…

147. Hỏi: Tại sao phải tôn trọng sự thật?
        -Thưa: Vì chính Chúa Giêsu là sự thật, vì sự thật là nền tảng xã hội, là căn bản cho việc giao tiếp giữa loài người với nhau.

148. Hỏi: Khi nào ta lỗi sự thật?
        -Thưa: Khi ta ăn gian nói dối, lừa đảo, chữa mình, không dủ can đảm nhận khuyết điểm.

149. Hỏi: Làm hại danh giá người khác là tội rất nặng, đó là những gì?
        -Thưa: Nói hành, vu oan, dị nghị, cắt nghĩa xấu cho người khác…

150. Chúa Giêsu có thái độ nào với Luật cũ?
        -Thưa: Chúa Giêsu luôn tôn trọng, tuân giữ và dạy người ta tuân giữ Lề Luật.

151. Hỏi: Chúa Giêsu được Thiên Chúa sai đến để ban sự sống mới cho loài người. Chúa Giêsu đã làm nhiều việc gì để chứng minh sứ mạng của Người?
        -Thưa: Nhiều phép lạ.

152. Hỏi: Chúa Giêsu thực là Đấng Cứu Thế, những ai tin vào Người đều được chữa lành như là ai?
        -Thưa: Người mù thấy được, người què đi được, người câm nói được, người điếc nghe được, và các bênh tật được chữa khỏi…

153. Hỏi: Những ai được an bình và niềm vui sống cho cuộc đời mình nhờ tin nhận Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế? Anh chị hãy kể vài trường hợp:
        -Thưa: Ông Nicôđêmô, Lêvi người thu thuế, Maria Mađalêna người tội lỗi, thiếu phụ Samaria …

154. Hỏi: Giáo lý của Chúa có nhiều điều trái với ý nghĩ và thói tục thế gian gây nên điều gì?
        -Thưa: Gây nên chướng tai gai mắt cho nhiều người.

155. Hỏi: Chúa Giêsu hay vạch trần cách sống thế nào của người Biệt Phái nên họ ghét Người và tìm cách bắt bẻ Người trong lời nói cũng như hành động?
        -Thưa: Cách sống giả hình, tự mãn.

156. Hỏi: Theo kế hoạch của Thiên Chúa đã định, Chúa Giêsu phải bị những gì?
        -Thưa: Chúa Giêsu bị nộp, bị đóng đinh vào thập giá, nhưng Thiên Chúa đã cho Người sống lại.

157. Hỏi: Chúa Giêsu đã làm gì để cứu chuộc loài người?
        -Thưa: Chúa Giêsu đã hiến đời mình, chịu đau khổ, chịu chết trên thập giá và sống lại để cứu chuộc loài người.

158. Hỏi: Công nghị Do thái nhờ tay ai kết án tử hình Chúa Giêsu dựa vào những chứng cớ vu vơ bịa đặt?
        -Thưa: Quan tổng trấn Philatô.

159. Hỏi: Chúa Giêsu bị đóng đinh giữa hai tên trộm cướp tại đâu?
        -Thưa: Núi Sọ.

160. Hỏi: Chúa Giêsu đã tắt thở vì cực hình tàn bạo vào lúc mấy giờ?
        -Thưa: 3 giờ.

161. Hỏi: Sáng ngày thứ nhất trong tuần, những ai ra mồ và thất kinh khi thấy tảng đá lấp mồ đã lăn ra một bên?
        -Thưa: Bà Maria Mađalêna và một bà Maria khác.

162. Hỏi: Ai đã báo với các bà ‘Người đã sống lại như Người đã nói trước’? (Mt 28,1-7)
        -Thưa: Thiên thần.

163. Hỏi: Sau khi sống lại, Chúa Giêsu đã làm gì với các môn đệ trước khi lên trời?
        -Thưa: Chúa Giêsu hiện ra dạy dỗ, an ủi các môn đệ, sai các ông đi rao giảng Tin mừng.

164. Hỏi: Những biến cố nào xảy ra trong tuần lễ cuối cùng của Chúa Giêsu gọi là Tuần Thánh?
        -Thưa: Chúa Giêsu long trọng vào thành Giêrusalem, Chúa Giêsu lập Bí tích Thánh Thể, Chúa Giêsu chết trên thập giá, Chúa Giêsu an nghỉ trong mồ, Chúa Giêsu sống lại.

165. Hỏi: Biến cố gì là trung tâm công cuộc cứu chuộc của Chúa Giêsu và cũng là mầu nhiệm trung tâm của cuộc sống người Kitô hữu?
        -Thưa: Biến cố Tử Nạn - Phục Sinh.


PHẦN III
CHÚA THÁNH THẦN – ĐẤNG THÁNH HÓA


166. Hỏi: Khi sống với các Tông đồ, Chúa Giêsu nhiều lần nói về ai?
        -Thưa: Chúa Thánh Thần.

167. Hỏi: Chúa Thánh Thần được Chúa Giêsu ban vào lúc nào?
        -Thưa: Vào buổi chiều Phục sinh và vào ngày lễ Ngũ Tuần.

168. Hỏi: Từ ngày Chúa Giêsu đổ tràn đầy Chúa Thánh Thần cách long trọng trên các Tông đồ, Chúa Thánh Thần đã làm gì cho Hội Thánh?
        -Thưa: Chúa Thánh Thần thánh hóa, hướng dẫn, gìn giữ và canh tân Hội Thánh.

169. Hỏi: Chúa Thánh Thần nhắc lại và giúp các Tông đồ hiểu rõ hơn những điều gì?
        -Thưa: Những điều Chúa Giêsu đã dạy, về thân thế và sự nghiệp của Chúa Giêsu, về cái chết ô nhục trên thập giá và sự sống lại vinh quang của Ngài.

170. Hỏi: Chúa Thánh Thần đã làm cho các Tông đồ trở nên thế nào?
        -Thưa: Mạnh dạn trong đức tin, can đảm rao giảng Chúa Kitô chịu đóng đinh và sống lại, bất chấp mọi cấm cản, mọi nguy hiểm đe dọa tính mạng.

171. Hỏi: Ai đã thánh hóa, canh tân và hiệp nhất mọi thành phần trong Hội Thánh?
        -Thưa: Chúa Thánh Thần.

172. Hỏi: Chúa Thánh Thần làm cho thửa vườn của Hội Thánh trổ sinh nhiều hoa trái. Những hoa trái của Chúa Thánh Thần là gì?
        -Thưa: Bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nại, nhân từ, lòng thiện, trung tín, hiền hòa, tiết độ (x. Gal 5,22).

173. Hỏi: Chúa Thánh Thần cũng ban cho người này ơn khôn ngoan, người kia ơn tiên tri, người khác ơn làm phép lạ… để họ làm gì?
        -Thưa: Để họ phục vụ Hội Thánh.

174. Hỏi: Chúa Thánh Thần thánh hóa và làm cho người tín hữu trở nên chứng nhân của ai?
        -Thưa: Chúa Kitô.

175. Hỏi: Thiên Chúa đã chọn dân Ítraen làm dân riêng để gìn giữ lời hứa cứu độ. Vì sao dân Ítraen bị phế bỏ?
        -Thưa: Vì dân Ítraen không đi đúng đường lối của Thiên Chúa.

176. Hỏi: Khởi đầu rao giang Tin mừng, Chúa Giêsu đã chọn 12 Tông đồ, huấn luyện họ để thiết lập một Ítraen mới là Hội Thánh, và đã chọn ai làm đầu?
        -Thưa: Phêrô.

177. Hỏi: Gọi Hội Thánh là mầu nhiệm vì cùng với tổ chức bên ngoài, Hội Thánh còn có sức sống bên trong bắt nguồn từ đâu?
        -Thưa: Bắt nguồn từ Chúa Ba Ngôi.

178. Hỏi: Công đồng Vaticanô II đã lấy từ Thánh Kinh một số hình ảnh diễn tả về Hội Thánh, đó là những hình ảnh nào?
        -Thưa: Đàn chiên, cánh đồng lúa, vườn nho, Đền thờ, hiền thê Chúa Kitô.

179. Hỏi: Bốn đặc tính của Hội Thánh Công giáo là gì?
        -Thưa: Duy nhất, Thánh thiện, Công giáo và Tông truyền.

180. Hỏi: Vì sao ta biết Hội Thánh là Duy nhất?
        -Thưa: Vì Chúa Kitô chỉ thiết lập một Hội Thánh, các tín hữu đều tuyên xưng một đức tin, cùng tham dự việc phụng thờ Thiên Chúa, cùng tuân phục Đức Giáo hoàng và hiệp nhất với nhau trong tình huynh đệ.

181. Hỏi: Người tín hữu phải sống đặc tính Duy nhất như thế nào?
        -Thưa: Phải sống phù hợp với giáo lý của Hội Thánh, đồng tâm nhất trí tham gia các sinh hoạt trong giáo phận, giáo xứ, cùng cầu nguyện và sống hiệp nhất.

182. Hỏi: Vì sao ta biết Hội Thánh là Thánh thiện?
        -Thưa: Vì Hội Thánh có Chúa Kitô là đầu, có Chúa Thánh Thần gìn giữ và thánh hóa, có các phượng tiện nên thánh và có các hoa trái thánh thiện.

183. Hỏi: Vì sao ta biết Hội Thánh là Công giáo?
        -Thưa: Vì Hội Thánh nhận mọi người ở mọi thời đại.

184. Hỏi: Vì sao ta biết Hội Thánh là Tông truyền?
        -Thưa: Vì giáo lý đức tin và phẩm trật cùng sự kế vị liên tục do các tông đồ truyền lại.

185. Hỏi: Chúa Kitô đã trao cho Hội Thánh những chức vụ nào?
        -Thưa: Chúa Kitô đã trao cho Hội Thánh ba chức vụ: Ngôn sứ, Tư tế và Vương giả.

186. Hỏi: Chức vụ Ngôn sứ là gì?
        -Thưa: Là rao giảng, nghĩa là Hội Thánh có nhiệm vụ rao truyền Lời Thiên Chúa cho mọi người.

187. Hỏi: Người tín hữu trong Hội Thánh tham dự chức vụ Ngôn sứ khi lãnh nhận Bí tích gì?
        -Thưa: Bí tích Rửa Tội và Bí tích Thêm Sức.

188. Hỏi: Người tín hữu trong Hội Thánh thi hành chức vụ Ngôn sứ của mình như thế nào?
        -Thưa: Mạnh dạn phổ biến giáo lý cho người khác, luôn sống điều mình tin và can đảm tỏ mình là người có đạo.

189. Hỏi: Chức vụ Tư tế là gì?
        -Thưa: Là chức vụ thờ phượng, nghĩa là Hội Thánh có nhiệm vụ dâng lên Thiên Chúa lời ca ngợi và lễ vật lòng thành để tôn thờ Người.

190. Hỏi: Chức tư tế phổ quát ban cho người tín hữu khi họ lãnh nhân Bí tích gì?
        -Thưa: Bí tích Rửa Tội.

191. Hỏi: Người tín hữu trong Hội Thánh thi hành chức vụ tư tế khi nào?
        -Thưa: Khi họ cộng tác dâng thánh lễ, lãnh nhận các Bí tích, cầu nguyện và tạ ơn.

192. Hỏi: Người tín hữu sống chứng tá thánh thiện, sống bác ái yêu thương là lúc họ sống chức vụ gì?
        -Thưa: Chức vụ Tư tế.

193. Hỏi: Chức vụ Vương giả là gì?
        -Thưa: Là chức vụ thống trị trong tinh thần phục vụ.

194. Hỏi: Khi người tín hữu làm cho mọi công việc trần thế thấm nhuần tinh thần Chúa Kitô và thống trị các nết xấu nơi bản thân, đó là lúc họ sống chức vụ gì?
        -Thưa: Vương giả.

195. Hỏi: Đức Maria được cứu độ nhờ công nghiệp của Chúa Giêsu một cách đặc biệt. Mẹ được Thiên Chúa gìn giữ khỏi vướng tội gì?
        -Thưa: Tội nguyên tổ.

196. Hỏi: Đức Maria đã tham dự việc cứu độ của Chúa Giêsu bằng những hành động nào?
        -Thưa: Mẹ đón nhận ý Chúa trong biến cố truyền tin. Mẹ cưu mang, nuôi dưỡng, dạy dỗ Chúa Giêsu. Mẹ lắng nghe và thi hành Lời Chúa. Mẹ đã hiệp thông với những đau khổ của Con Mẹ trên thập giá.

197. Hỏi: Ta phải làm gì để tôn kính và yêu mến Mẹ Maria?
        -Thưa: Phải noi theo đức tin, đức cậy, đức mến của Mẹ. Siêng năng lần hạt Mân Côi và sốt sắng mừng lễ Mẹ.

198. Hỏi: Noi theo đức tin, đức cậy, đức mến của Mẹ, nghĩa là gì?
        -Thưa: Luôn vâng theo ý Chúa, sống khiêm hạ phục vụ và suy gẫm Lời Chúa.

199. Hỏi: Năm phụng vụ là thời gian một năm, trong đó Hội Thánh mừng điều gì?
        -Thưa: Hội Thánh mừng các biến cố trọng đại cuộc đời Chúa Giêsu, Đức Mẹ và các thánh.

200. Hỏi: Năm Phụng vụ được chia bao nhiêu mùa? Gồm những mùa nào?
        -Thưa: Được chia làm năm mùa: Mùa Vọng, mùa Giáng Sinh, mùa Chay, mùa Phục Sinh và mùa Thường Niên.

201. Hỏi: Năm Phụng vụ có mục đích giúp người tín hữu điều gì?
        -Thưa: Giúp các tín hữu hiểu và sống các mầu nhiệm cách đích thực hơn.

202. Hỏi: Ơn Chúa là sự sống và sức mạnh ai ban để ta sống hạnh phúc đời này và đời sau?
        -Thưa: Thiên Chúa.

203. Hỏi: Điều gì là dấu chỉ bên ngoài Chúa dùng để diễn tả và thông ban ơn bên trong cho loài người?
        -Thưa: Bí tích.

204. Hỏi: Dấu chỉ bên ngoài của Bí tích là những gì?
        -Thưa: Thể chất, cử chỉ và lời đọc.

205. Hỏi: Hội Thánh Công giáo có bao nhiêu Bí tích? Đó là những Bí tích gì?
        -Thưa: Hội Thánh công giáo có bảy Bí tích: Bí tích Rửa Tội, Bí tích Thêm Sức, Bí tích Thánh Thể, Bí tích Giải Tội, Bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân, Bí tích Hôn Phối và Bí tích Truyền Chức Thánh.

206. Hỏi: Những Bí tích nào chỉ được lãnh nhận một lần mà thôi?
        -Thưa: Bí tích Rửa Tội, Bí tích Thêm Sức và Bí tích Truyền Chức Thánh.

207. Hỏi: Bí tích nào tha tội nguyên tổ (tội tổ tông) cho ta?
        -Thưa: Bí tích Rửa tội.

208. Hỏi: Bí tích Rửa Tội ban cho chúng ta những ơn nào?
        -Thưa: Bí tích Rửa Tội tha tội tổ tông và tội riêng, làm cho ta trở thành con cái Chúa và con cái Hội Thánh.

209. Hỏi: Người lãnh nhận Bí tích Rửa Tội thề hứa từ bỏ những gì?
        -Thưa: Từ bỏ ma quỷ, từ bỏ những cái thuộc về ma quỷ và xa lánh tội lỗi.

210. Hỏi: Người lãnh nhận Bí tích Rửa Tội thề hứa tin những gì?
        -Thưa:  Tin theo Chúa Kitô và tuân giữ lề luật của Người.

211. Hỏi: Bí tích nào tăng cường đời sống siêu nhiên, gắn bó ta cách mật thiết với Hội Thánh hơn và thúc giục ta làm việc tông đồ truyền giáo cách nhiệt thành?
        -Thưa: Bí tích Thêm Sức.

212. Hỏi: Nhờ Bí tích Thêm Sức, chúng ta được lãnh nhận 7 ơn Chúa Thánh Thần. Đó là những ơn nào?
        -Thưa: Ơn khôn ngoan, ơn thông hiểu, ơn lo liệu, ơn sức mạnh, ơn suy biết, ơn đạo đức và ơn kính sợ Chúa.

213. Hỏi: Ngày lễ Ngũ Tuần, ai liên kết các tông đồ thành một tập thể khắng khít, thông ban cho các ông lòng can đảm để rao truyền Chúa Kitô Tử Nạn - Phục Sinh?
        -Thưa: Chúa Thánh Thần.

214. Hỏi: Khi lãnh nhận Bí tích Thêm Sức, người tín hữu hiểu giá trị cao quý ơn Chúa Thánh Thần và những đòi buộc của Bí tích Thêm Sức. Họ có những nghĩa vụ nào?
        -Thưa: Thường xuyên cầu nguyện với Chúa Thánh Thần và theo sự hướng dẫn của Người; sống chứng nhân; cầu nguyện và tích cực tham gia các sinh hoạt tông đồ truyền giáo.

215. Hỏi: Bí tích cần thiết cho đời sống đời đời là Bí tích nào?
        -Thưa: Bí tích Rửa Tội.

216. Hỏi: Bí tích cao trọng nhất là Bí tích nào?
        -Thưa:  Bí tích Thánh Thể.

217. Hỏi: Việc Chúa Giêsu biến bánh rượu nên Mình Máu Người làm lương thực nuôi sống phần hồn ta, gọi là Bí tích gì?
        -Thưa:  Bí tích Thánh Thể.

218. Hỏi: Ta phải kính thờ Chúa Giêsu ngự trong Bí tích Thánh Thể thế nào?
        -Thưa: Năng đến kính viếng, tôn thờ, giữ sự nghiêm trang đứng đắn trong Nhà Thờ, nhất là siêng năng tham dự Thánh Lễ và hiệp lễ sốt sắng.

219. Hỏi: Ai ngự thật trong Bí tích Thánh Thể?
        -Thưa: Chúa Giêsu.

220. Hỏi: Chúa Giêsu ngự thật trong Bí tích Thánh Thể nghĩa là gì?
        -Thưa: Nghĩa là trong mỗi hình Bánh Rượu dù nhỏ bé cũng có toàn vẹn Chúa Giêsu.

221. Hỏi: Thánh lễ là Hy Tế Tạ Ơn của ai nhờ tay linh mục hợp cùng toàn thể dân Chúa mà dâng mình cho Chúa Cha như xưa chính Người đã dang mình trên thánh giá?
        -Thưa: Chúa Giêsu.

222. Hỏi: Không kể phần nhập lễ và kết lễ, Thánh Lễ gồm hai phần chính. Đó là những phần nào?
        -Thưa: Phần Phụng vụ Lời Chúa và Phụng vụ Thánh Thể.

223. Hỏi: Các bài đọc Thánh Kinh, lời nguyện tín hữu … thuộc phần Phụng vụ nào?
        -Thưa: Phần Phụng vụ Lời Chúa.

224. Hỏi: Phần Phụng vụ Thánh Thể gồm những gì?
        -Thưa: Chuẩn bị lễ vật, kinh nguyện Thánh Thể và hiệp lễ.

225. Hỏi: Ai có quyền cử hành Thánh Lễ?
        -Thưa: Những người có chức Linh mục.

226. Hỏi: Khi tham dự Thánh Lễ, chúng ta phải có những tâm tình nào?
        -Thưa: Tâm tình ngợi khen, cảm tạ, xin ơn tha thứ và cầu khẩn mọi ơn lành hồn xác.

227. Hỏi: Khi tham dự Thánh Lễ, người tín hữu phải hợp lòng hợp ý với chủ tế và cộng đoàn như thế nào?
        -Thưa: Tham dự cách ý thức, thành kính và linh động.

228. Hỏi: Tham dự Thánh lễ cách hoàn hảo là khi người tín hữu hiệp lễ. Việc hiệp lễ có những hiệu quả nào?
        -Thưa: Giúp ta kết hợp mật thiết với Chúa Giêsu và hợp nhất với nhau, xóa bỏ tội nhẹ và gia tăng ơn thánh hóa, thêm sức cho ta chống trả các cám dỗ và sửa tính hư nết xấu cùng đảm bảo cho ta được sống đời đời.

229. Hỏi: Điều kiện tiên quyết để được hiệp lễ là gì?
        -Thưa: Sạch tội trọng.

230. Hỏi: Để tôn kính với Bí tích cực trọng (Bí tích Thánh Thể), người tín hữu trước khi rước lễ phải kiêng mọi thức ăn, thức uống, chỉ trừ nước lã và thuốc chữa bệnh, bao lâu?
        -Thưa: Khoảng một giờ đồng hồ.

231. Hỏi: Điều Răn Hội Thánh có qui định nào về việc Rước Mình Thánh Chúa?
        -Thưa: Phải rước Mình Thánh Chúa trong mùa Phục sinh.

232. Hỏi: Sự sống siêu nhiên thường bị tội lỗi và nết xấu làm tổn thương. Để cứu vãn chúng ta phải lãnh nhận Bí tích gì?
        -Thưa: Bí tích Giải Tội.

233. Hỏi: Sau khi sống lại, Chúa Giêsu hiện ra, thổi hơi trên các Tông đồ và phán: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ”(Ga 20,22-23). Đây là lúc Chúa Giêsu lập Bí tích gì?
        -Thưa: Bí tích Giải Tội.

234. Hỏi: Cốt yếu của Bí tích Giải Tội là gì được thể hiện qua Hội Thánh và tâm hồn sám hối của tội nhân?
        -Thưa: Lòng thương xót của Thiên Chúa.

235. Hỏi: Chúa Giêsu đã lập Bí tích Giải Tội để làm gì?
        -Thưa: Tha tội ta phạm từ ngày lãnh nhận Bí tích Rửa Tội về sau, giao hòa ta cùng với Thiên Chúa và Hội Thánh.

236. Hỏi: Những tín hữu đã phạm tội gì thì cần phải lãnh nhận Bí tích Giải Tội?
        -Thưa: Phạm tội trọng.

237. Hỏi: Nếu chỉ mắc tội nhẹ mà lãnh Bí tích Giải Tội thì được ơn ích gì?
        -Thưa: Được thêm lòng sốt sắng và nhiều lợi ích thiêng liêng.

238. Hỏi: Muốn lãnh nhận Bí tích Giải Tội, chúng ta cần phải làm gì?
        -Thưa: Phải xét mình, ăn năn dốc lòng chừa, xưng tội và làm việc đền tội.

239. Hỏi: Thành thật thú nhận tội đã xét thấy với linh mục giải tội, người đại diện Chúa Kitô, là việc nào trong việc lãnh nhận Bí tích Giải Tội?
        -Thưa: Xưng tội.

240. Hỏi: Điều Răn Hội Thánh qui định thế nào về việc xưng tội?
        -Thưa: Xưng tội mỗi năm ít là một lần.

241. Hỏi: Chúa Giêsu lập Bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân để làm gì?
        -Thưa: Để ban ơn nâng đỡ bệnh nhân phần hồn phần xác và chuẩn bị cho họ bước vào đời sau.

242. Hỏi: Bí tích gì đem lại cho bệnh nhân sự an ủi và những trợ giúp thiêng liêng cần thiết trong cơn thử thách, củng cố đức tin-cậy-mến nơi họ và tẩy sạch mọi vết nhơ tội lỗi?
        -Thưa: Bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân.

243. Hỏi: Nên lãnh nhận Bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân khi nào để được hưởng nhiều hiệu quả hơn?
        -Thưa: Khi còn tỉnh táo.

244. Hỏi: Chúa Giêsu đã lập Bí tích Truyền Chức Thánh để thánh hiến những vị mà Chúa muốn trao cho tác vụ thánh trong dân Chúa. Các vị ấy là những ai?
        -Thưa: Giám mục, linh mục và phó tế.

245. Hỏi: Tác vụ thánh của Bí tích Truyền Chức Thánh là những gì?
        -Thưa: Rao giảng Lời Chúa, tế lễ và cử hành Bí tích, tổ chức và phục vụ dân Chúa.


246. Hỏi: Bí Tích Hôn Phối là gì?
        -Thưa: Là bí tích Chúa Giêsu đã lập để kết hợp một nam một nữ thành vợ chồng trước mặt Chúa và Hội Thánh và ban ơn đặt biệt để giúp họ sống chu toàn nghĩa vụ.

247. Hỏi: Hôn nhân Kitô giáo có mục đích gì?
        -Thưa: Giúp phát triển tình yêu, tương trợ, bổ túc cho nhau trong mọi lãnh vực, hướng đến việc sinh sản và giáo dục con cái.

248. Hỏi: Hôn nhân Công Giáo có những đặc tính gì?
        -Thưa: Hôn nhân Công Giáo có hai đặc tính: một là một vợ một chồng, và hai là bất khả phân ly.

249. Hỏi: Dây hôn phối chỉ bị cắt đứt khi nào?
        -Thưa: Khi một trong hai người qua đời

250. Hỏi: Đâu là nghi thức chính yếu của việc kết hôn Công Giáo?
        -Thưa: Là sự bày tỏ ưng thuận kết hôn của đôi bạn trước sự chứng hôn của Hội Thánh.

251. Hỏi: Sự bày tỏ tự do ưng thuận kết hôn của đôi bạn trước sự chứng hôn của Hội Thánh nghĩa là gì?
        -Thưa: Họ không bị ép buộc bất cứ vì lý do gì, cũng không bị ngăn cản bởi luật tự nhiên hay luật Hội Thánh. 

252. Hỏi: Ai là thừa tác viên cử hành Bí tích Hôn Phối?
        -Thưa: Đôi nam nữ được coi là thừa tác viên ân sủng của Chúa Kitô, họ ban bí tích cho nhau và nhận bí tích của nhau khi tỏ bày sự ưng thuận kết hôn trước vị chứng hôn hợp pháp của Hội Thánh.
253. Hỏi: Để Bí tích Hôn Phối thành sự và hữu hiệu cần có những điều kiện gì?
        -Thưa: Phải hội đủ ba điều kiện này: một phải là hai Kitô hữu; hai là có sự tự do ưng thuận; và ba là không mắc một ngăn trở tiêu hôn nào.

254. Hỏi: Dấu chỉ cốt yếu của Bí tích Hôn Phối là lời ưng thuận kết hôn và việc kết hợp vợ chồng sau đó; song chỉ cần bày tỏ lời tự do ưng thuận kết hôn thì đã đủ để cho bí tích thành sự. Đúng hay sai?
        -Thưa: Đúng.

255. Hỏi: Ngăn trở tiêu hôn là những cản trở làm cho việc kết hôn ra vô hiệu nếu không có phép chuẩn trước, như là những ngăn trở nào?
        -Thưa: Những ngăn trở về tuổi, họ hàng, hôn phối cũ, về chức thánh hoặc lời khấn ...

256. Hỏi: Để kết hôn thành sự, Giáo Hội qui định độ tuổi thế nào?
        -Thưa: Nam phải đủ 16 tuổi, nữ phải đủ 14 tuổi (GL 1083 §1). Tuy nhiên, Hội Đồng Giám mục của mỗi quốc gia có quyền quy định tuổi cao hơn để kết hôn hợp pháp.

257. Hỏi: Tại Việt Nam, tuổi kết hôn là bao nhiêu?
        -Thưa: Nam phải đủ 20 tuổi, nữ phải đủ 18 tuổi.

258. Hỏi: Ngăn trở do bất lực nghĩa là gì?
        -Thưa: Một trong hai người trước khi kết hôn đã mắc chứng bất lực, không thể chữa trị được. Bất lực là không thể giao hợp.  

259. Hỏi: Ngăn trở do dây hôn phối cũ còn ràng buộc. Khi nào thì ngăn trở này chấm dứt?
        -Thưa: Người phối ngẫu chết;  Hôn nhân thành sự nhưng chưa hoàn hợp, được Đức Giáo Hoàng đoạn tiêu vì lý do chính đáng;  Hôn nhân giữa hai người chưa rửa tội được đoạn tiêu do đặc ân Phaolô nhằm bảo vệ đức tin của bên lãnh nhận phép Rửa tội, do chính sự kiện là bên được rửa tội lập hôn nhân mới, và bên không được rửa tội muốn phân ly.

260. Hỏi: Ngăn trở do họ máu (huyết tộc) thế nào?
        -Thưa: Đối với họ máu, cấm kết hôn trong các đời thuộc hàng dọc, còn hàng ngang thì được kết hôn khi đã quá 4 đời (cách tính đời theo Giáo Luật là cộng tất cả các đời của hai bên lại, trừ gốc ra).

261. Hỏi: Ngăn trở do họ kết hôn thì thế nào?
        -Thưa: Chỉ cấm kết hôn hàng dọc (Vd: Không được lấy mẹ vợ hay con riêng của vợ, hoặc giữa cha chồng với con dâu).

262. Hỏi: Các loại họ thiêng liêng, kết nghĩa … có cản trở việc kết hôn không?
        -Thưa: Không.

263. Hỏi: Ngoài những ngăn trở trên còn có những ngăn trở nào làm cho hôn phối vô hiệu?
        -Thưa: Ngăn trở vì có chức thánh hoặc lời khấn trọn trong dòng tu; ngăn trở do mưu sát người phối ngẫu; ngăn trở dưỡng hệ; và ngăn trở về công hạnh … đều làm cho Hôn Phối vô hiệu.

264. Hỏi: Khi hôn phối đã thành sự và hoàn hợp, Hội Thánh có quyền tháo gõ dây hôn hối. Đúng hay sai?
        -Thưa: Sai. Hội Thánh không có quyền tháo gỡ dây hôn phối khi đã thành sự và hoàn hợp, mà chỉ tuyên bố bí tích đã không thành sự ngay từ lúc kết hôn vì vướng ngăn trở tiêu hôn nào đó.

265. Hỏi: Những ngăn trở thuộc luật tự nhiên nào Hội Thánh không có quyền miễn chuẩn?
        -Thưa: Do bất lực, do đã kết hôn, do có họ máu hàng dọc, do có họ máu hai bậc hàng ngang.

266. Hỏi: Những ngăn trở nào chỉ do luật Hội Thánh mà thôi thì Hội Thánh có quyền miễn chuẩn, và khi được miễn chuẩn thì cuộc hôn nhân thành sự?
        -Thưa: Về tuổi tối thiểu, về họ máu ba bậc trở đi theo hàng ngang: bà con và anh em họ, về họ kết bạn, về tội ác (tội mưu sát phối ngẫu), về chức thánh, về lời khấn, về công hạnh, về khác tôn giáo.

267. Hỏi: Hội Thánh không chấp nhận bất cứ hình thức hủy diệt sự sống nào, đặc biệt là phá thai. Đúng hay sai?
        -Thưa: Đúng.

268. Hỏi: Hội Thánh không tán thành phương pháp điều hòa sinh sản nhân tạo như là gì?
        -Thưa: Như là thuốc ngừa thai, dụng cụ tránh thai, triệt sản ...

269. Hỏi: Tứ chung là 4 vấn đề sau hết của cuộc đời là những gì?
        -Thưa: Chết, phán xét, thiên đàng và hỏa ngục.

270. Hỏi: Xét theo đức tin, chết là gì?
        -Thưa: Chết là hậu quả của tội, là ngưỡng cửa bước vào đời sau, là tham dự vào cuộc Tử nạn của Chúa Giêsu để được Phục sinh với Người trong vinh quang.

271. Hỏi: Dưới ánh sáng đức tin, chết là kết thúc thời gian gì Chúa dành cho mỗi người?
        -Thưa: Thời gian cứu độ.

272. Hỏi: Sau khi chết, mỗi người đều bị xét xử về các việc lành dữ đã làm khi còn sống, để nhận lấy điều gì?
        -Thưa: Số phận đời đời, hạnh phúc hoặc đau khổ.

273. Hỏi: Thánh Kinh xác quyết ai sẽ phán xét chung toàn thể loài người vào ngày thế mạt?
        -Thưa: Chúa Giêsu Kitô.

274. Hỏi: Hội Thánh tin linh hồn những người đã chết thế nào sẽ được sống hạnh phúc với Chúa Kitô trong Nước Trời?
        -Thưa: Những người đã chết trong ơn nghĩa Chúa và đã được thanh tẩy vẹn toàn.

275. Hỏi: Những kẻ đã chết trong tình trạng tội lỗi nặng nề và những ai cố tình không tin Chúa sẽ bị xa cách Chúa đời đời. Đó là hình phạt gì?
        -Thưa: Hỏa ngục.

276. Hỏi: Trước những biến chuyển không ngừng của thế giới cũng như cảnh nay còn mai mất của kiếp người, Thánh Kinh mở ra trước mắt các tín hữu một thế giới mới. Trong thế giới ấy như thế nào?
-Thưa: Không còn cảnh chết chóc than vãn; người lành được sống với Thiên Chúa là nguồn suối vô tận của bình an và thông hiệp; và cả vũ trụ vất chất cũng được biến đổi.

277. Hỏi: Trong khi chờ đợi Trời Mới Đất Mới, người tín hữu phải tích cực xây dựng thế giới này mỗi ngày một tốt đẹp hơn về những mặt nào?
        -Thưa: Vật chất, tinh thần và tôn giáo.

Gb. Nguyễn Thái Hùng
Phục sinh 2022



 
 Tags: gldt

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây