TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật I Mùa Vọng – Năm C

“Giờ cứu rỗi các con đã gần đến” (Lc 21, 25-28.34-36)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Tự thường huấn

Thứ hai - 07/06/2021 23:35 | Tác giả bài viết: LM. Antôn Vũ Thanh Lịch |   819
Tự thường huấn

Tự thường huấn

Nhân vô thập toàn”, không ai hoàn hảo. Có khi ngoại hình phồn hoa mà bản chất thì trần trụi. Chúng ta “khuyết tật, thiểu năng” về nhiều mặt. Và cũng như thánh Phao-lô, chúng ta tự nhận mình là những chiếc bình sành dòn mỏng. Chúng ta cũng thường thú nhận sự bất toàn, bất xứng của mình khi thụ phong, khi dâng lễ tạ ơn lần đầu. Và chúng ta cũng bắt chước Đức Mẹ khi chọn câu; “Chúa đã đoái nhìn đến phận hèn tôi tớ…” làm châm ngôn đời sống linh mục của mình.

Chúng ta khuyết tật, thiểu năng, là bình sành dòn mỏng, là tôi tớ phận hèn về nhiều mặt :

1. Về thể lý: Ốm yếu, bệnh tật, hoặc khiếm khuyết không đạt chuẩn về khuôn mặt, về chiều cao, về cái răng, cái tóc…

2. Về tính tình, tâm lý: Bồng bột, nhẹ dạ, nhất thời, độc đoán, bao biện, đam mê, phản ứng quyết liệt hoặc từ từ chậm chạp, ẻo lả, ủy mị…(*)

3. Về đạo đức: Hời hợt, thiếu nội tâm, kiêu căng, hướng ngoại, làm việc không có định hướng, chương trình, kế hoạch. Không quan tâm đến cái gì là chính, là phụ, gặp chăng hay chớ. Suy gẫm, cầu nguyện chểnh mảng, dâng lễ lấy lệ và nhất là để lấy tiền… Và nói như một cha nghĩa phụ nào đó nhắn nhủ người con linh mục của mình: làm linh mục rồi thì muốn làm gì thì làm: làm biếng, làm tàng, làm tiền và nhiều cái “làm” khác.

4. Về kiến thức tôn giáo: Chỉ có một số vốn cơ bản về triết học, thần học và các môn đạo dàn trải trong chương trình 6, 7 năm (có cha nói rằng: chỉ cần hai năm là đủ!). Với những gì thu hoạch được trong 6,7 năm như thế chúng ta tự hỏi liệu có đủ đáp ứng cho nhu cầu mục vụ trong đời linh mục??? Nếu đủ rồi, thì cần chi có thường huấn.

5. Về kiến thức khoa học xã hội nhân văn: Ngoài những kiến thức tiếp nhận từ 7 năm trung học, và ít năm đại học, nhất là đại học XHCN, đại học tại chức, đại học mở, với mảnh bằng có khi không đúng thực lực (bằng thật học giả), liệu có bảo đảm cho sự giảng dạy thường xuyên cho mọi đối tượng: bình dân, trí thức, nông thôn, thành thị…

6. Về nhân bản: Ngạn ngữ La-tinh có câu: Homo fit, non est, nghĩa là: Con người trở nên người, chứ không tự nhiên thành người. Để trở nên người đúng nghĩa con người phải được đào tạo, rèn luyện, phấn đấu trong một quá trình dài “học làm người”, trở nên người. Dân gian nói: “Học ăn, học nói, học gói, học mở”… Người có những đức tính nhân bản là người có nhân cách cao. Nhân cách là tư cách, phẩm chất của con người. Vậy những đức tính nhân bản là gì? – Là nhân, nghĩa, lễ, trí, tín. Ta gọi là ngũ thường. Từ căn bản ngũ thường tự nhiên, ta mới có thể có những thuộc tính siêu nhiên của linh mục. Đó là: Khiêm tốn, khó nghèo, hiền từ, trong sạch, công chính… Ngoài ra, còn có 5 đức tính xã hội: Cần, kiệm, liêm, chính, dũng.

Hương thơm nhờ hương nhờ nhụy
Người có giá trị nhờ đạo đức tác phong

-  Nhân: nhân ái, là tình cảm thúc đẩy hành động thiện chí, luôn muốn điều tốt, điều hay cho anh em đồng loại, từ vật chất đến tinh thần, những gì đã có, đang có và cố gắng phấn đấu để có… (ăn ở có nhân là như vậy). Từ lòng nhân mới có bao dung, quảng đại, tha thứ “Một bồ cái lý, không bằng một tí cái tình”.

- Nghĩa: là nhận ra và hiểu công ơn của người khác đối với mình, ngược với nghĩa là vô ơn, tệ bạc. tục ngữ Pháp có câu: “Lòng biết ơn là ký ức của tâm hồn”. Tri ân Chúa, tạ ơn Người, tạ ơn Đời, tạ ơn Giáo Hội.

- Lễ: Người quân tử học văn để mở rộng kiến thức. Nhưng để tự kềm chế mình phải học lễ (Khổng tử). Việc học hỏi và tuân thủ những phép tắc, lễ nghi trong cách hành xử rất quan trọng, hơn cả việc đào tạo trí thức. Nên mới có câu: “tiên học lễ, hậu học văn”. Trong cách tiếp vật xử thế, khiêm tốn là trên hết. Để biết trên, dưới, chào hỏi, xưng hô…

- Trí: là khả năng nhận thức, ghi nhớ, suy nghĩ, phán đoán, phân định, nhận xét… Nhờ trí, ta làm việc có phương pháp, có tổ chức, có trật tự ưu tiên, có chiến lược, chiến thuật, mục đích gần và mục tiêu xa…

- Tín: là trước sau như một. Trung thành với ơn gọi, với Chúa, với Giáo Hội, với những cam kết khi thụ phong…

Năm đức tính xã hội:
• Cần: là chuyên cần làm việc: làm việc tay chân, trí óc không sao lãng bổn phận.
• Kiệm : là tiết kiệm, không hoang phí, xa hoa, kiểu cách trong sử dụng tiền của, sức khỏe, thời gian.

• Liêm: Trong sạch, không tham lam chiếm công vi tư, vô vị lợi (tâm bất cầu lợi)

• Chính: Ngay thẳng, rất đứng đắn về mặt đạo đức, không thiên vị, công minh chính trực. “Người công chính vươn lên tựa cây dừa tươi tốt, lớn mạnh như hương bá Li-băng” (Tv 91, 13)

• Dũng: Cương nghị, tự chủ, khắc phục và điều khiển dục vọng theo lý trí sáng suốt.

Từ những vấn đề được đặt ra ở trên, chúng ta nhận ra nhu cầu phải tự huấn luyện, tự thường huấn. Mỗi cá nhân linh mục phải tự nhận ra sự thiếu sót, khuyết tật, thiểu năng của mình về nhiều mặt để tự bổ túc, tự đào tạo, tự cập nhật hóa với Giáo Hội, với thời đại. Công đồng Vatican II là một cuộc nhìn lại chính mình một cách có hệ thống. Phong thái, phong cách của các vị giáo hoàng gần đây: Gioan 23, Gioan Phao-lô II, Bênêdictô 16 và nhất là khuôn mặt Phanxicô hiện đại… cho ta cảm tưởng giáo Hội đang tự thường huấn, đổi mới khuôn mặt cho phù hợp với một thế giới đang có những đổi thay lớn lao. Người ta trên khắp thế giới đang có một cách nghĩ, cách sống giống nhau. 

Đôi khi, chúng ta bắt gặp những người hình như không có mắc tội nguyên tổ, “hoàn hảo một cách khó tin”,  không có một chút bóng tối nào. Tuy nhiên, con người thì không thể đạt tới hoàn hảo, và đều có lỗi. Nếu phủ nhận khuyết điểm, bóng tối nằm sâu trong vô thức, chúng ta sẽ phóng chiếu cái dốt nát, cái lỗi thời của mình trên giáo dân, những người đang sống trong thời đại hôm nay.

KẾT:  Con đọc ở đâu đó, danh ngôn: Người có học không phải là người biết nhiều, mà là người biết rõ những gì mình phải biết, và hiểu rõ những gì mình đã biết.
 

Lm Antôn Vũ Thanh Lịch

(trong giờ bế mạc Tuần Thường huấn các Linh mục GP. - BMT - 2015)

----------------------------------------------------------
(*)
- Caractère nerveux: Tính khí dễ bị kích thích
- Caractère sanguin:  Tính khí nóng nảy
- Caractère bileux: Tính khí ham tiến thủ, dung cảm, đảm chất.
- Caractère flegmatique, apathique: ẻo lả, ủy mị… Không đặt vấn đề
- Caractère dificile: ouvert, gai, fermé, autoritaire, souple, entier, compliqué, ombrageux…

 

 

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây