Giáo Phận Ban Mê Thuộthttps://gpbanmethuot.vn/assets/images/logo.png
Thứ tư - 15/11/2023 09:42 |
Tác giả bài viết: Nguyễn Thái Hùng |
5394
Trong sứ vụ công khai ngắn ngủi của Chúa Giêsu, những lời giảng dạy của ngài đã biến đổi đời sống nhân loại, trong đó có các dụ ngôn.
Các Dụ Ngôn Của Chúa Giêsu
Trong sứ vụ công khai ngắn ngủi của Chúa Giêsu, những lời giảng dạy của ngài đã biến đổi đời sống nhân loại, trong đó có các dụ ngôn.
Trước hết chúng ta đừng lẫn lộn lối văn phổ biến trong nhiều nền văn học : ngụ ngôn. Cổ nhất là ngụ ngôn của Aesop, Hy-lạp, rồi của La Fontaine, Pháp và của Lev Tolstoy, Nga. Nội dung của các ngụ ngôn lấy từ thế giới loài vật, được tác giả nhân cách hoá để rút ra một bài học dạy đời về một đức tính nào đó. Còn dụ ngônlà một lối văn trong Kinh Thánh có đôi chút khác với ngụ ngôn và sâu xa hơn ngụ ngôn.
Trong Cựu Ước, độngtừmāšal (מָשַׁל) trong tiếng Híp-ri thường được dùng với nghĩa là điều khiển, cai quản (x. St 1,18 ; 24,2) ; thống trị hay cai trị (x. St 4,7 ; Đnl 16,6 ; Gs 12,2.5 ; Tv 19,14 ; 22,29) và cũng có nghĩa là so sánh (x. Is 46,5) hoặc giống như, tương đồng : “Dù sống trong danh vọng, con người cũng không hiểu biết gì ; thì giống như con vật một ngày kia phải chết.” (Tv 49,21)
Ở dạng danh từ, māšal (מָשָׁל) có nghĩa là câu châm ngôn (x. Cn 1,1 ; Tv 78,2 ; Ed 12,22.23), câu ngạn ngữ (x. 1 Sm 10,12 ; 24,14), sự chế diễu hoặc trò cười (x. Tv 44,15 ; 69,12) hay một dụ ngôn (x. Ed 24,3). Tóm lại, dụ ngôn là câu chuyện của những bậc thầy, dùng để gây sự chú tâm của thính giả, tạo cho họ cơ hội suy nghĩ, như ngôn sứ Nathan kể câu chuyện một người nghèo, có duy nhất một con chiên, nhưng bị tên hàng xóm giàu có cướp mất. Vua Đavít chưa nghe xong câu chuyện thì đã nỗi giận vì việc làm thất đức của tên nhà giàu. Nhưng khi ngôn sứ nói , “Kẻ đó chính là Ngài!” thì vua hiểu ngay mình đã phạm tội cướp vợ người khác và sau đó vua đã thống hối ăn năn. (2 Sm 12,1-13)
Việc sử dụng māšal (מָשָׁל) đã trở thành một phương pháp sư phạm rất hữu dụng của các Ráp-bi Do-thái. Sau này Chúa Giêsu cũng áp dụng phương thức này, nhưng mang một sắc thái đặc biệt và linh động hơn các Ráp-bi rất nhiều.
Trong Tân Ước,các tác giả đã dịch từ Híp-ri māšal (מָשָׁל) ra tiếng Hy-lạp là parabolê (παραβολη), danh từ này do động từ parabollê(παραβαλλω) có nhiều nghĩa, đặt bên cạnh, đến gần, gần như, so sánh với. Từ ngữ này được dùng nhiều trong các Tin Mừng nhất lãm: Luca 18 lần (Lc 4,23 ; 5,36 ; 8,4 ; 15,3 … 21,29) ; Mátthêu 17 lần (Mt 13,3 ;15,15 ; 21,33 … 24,32) và Máccô 13 lần (Mc 3,23 ; 4,2.10 … 13,28). Các tác giả thường dùng từ parabolê với nghĩa là dụ ; tuy nhiên đôi khi cũng mang nghĩa một câu tục ngữ hay châm ngôn, như câu Chúa Giêsu nói với người Do-thái , “Hẳn là các ông muốn nói với tôi câu tục ngữ , Thầy lang ơi, hãy chữa lấy mình! Tất cả những gì chúng tôi nghe nói ông đã làm tại Caphácnaum, ông cũng hãy làm tại đây, tại quê ông xem nào!”(Lc 4,23).
Khác với Tin Mừng nhất lãm, Tin Mừng thứ tư đã dùng một từ Hy-lạp khác là paroimia (παροιμία) để dịch danh từ Híp-ri māšal (מָשָׁל). Từ này cũng đồng nghĩa với từ parabolêtrong nhất lãm, và thánh Gioan chỉ nhắc đến từ này 3 lần (x. Ga 10,6 ; 16,25.29). Điều đó không có nghĩa là Tin Mừng này ít dụ ngôn hơn các Tin Mừng nhất lãm ; dụ ngôntrong Tin Mừng thứ tư không có hình thức giống như các dụ ngôn trong Tin Mừng nhất lãm, nhưng dưới dạng ẩn dụ như hình ảnh Người Mục Tử Nhân Lành (Ga 10,1-5), Người Giữ Cửa Chuồng Chiên (Ga 10,7-18), Cây Nho Thật (Ga 15,1-8). (1)
Như vậy, Dụ ngôn là một câu chuyện hay một hình ảnh về một chủ đề hay nhân vật trong cuộc sống hằng ngày để giảng dậy một chân lý, hay một bài học luân lý, đạo đức sâu sắc cho mọi tầng lớp người nghe. Những dụ ngôn của Chúa Giêsu lôi cuốn cả người trẻ lẫn người già, người nghèo và người giàu, cả người có học và không có học. Mỗi dụ ngôn đều có một thông điệp được gởi tới mọi người. Những dụ ngôn của Chúa Giêsu thường đưa ra những bất ngờ. Mỗi người phải chú tâm lắng nghe để khám phá ra lời mời gọi này và đáp trả, như Chúa nói: Ai có tai thì hãy nghe.
Các dụ ngôn của Chúa Giêsu tạo thành một phần quan trọng trong những lời giảng dậy của Ngài, chiếm khoảng 1 phần ba lời của Ngài trong Tin mừng.
Số lượng dụ ngôn của Chúa Giêsu trong Tin mừng thay đổi dựa trên những định nghĩa khác nhau về dụ ngôn là gì. Số lượng có thể từ 39 đến trên 50.
Có một số dụ ngôn được yêu thích và được trích dẫn rất nhiều trong nhiều nền văn hóa Kitô giáo như: Dụ ngôn Người Cha Nhân Hậu, dụ ngôn Người Samaritanô Tốt Lành, dụ ngôn Người Gieo Giống, dụ ngôn Những Nén Bạc, dụ ngôn Hạt Cải …
Những dụ ngôn của Chúa Giêsu thuộc mọi chủ đề như:
1. Nước Trời - Người Gieo Giống / Mt 13,3-8, 18-23 ; Mc 4,3-8, 14-20 ; Lc 8,5-8, 11-15 - Cỏ Lùng / Mt 13,24-30,36-43 - Hạt Cải / Mt 13,31-32 ; Mc 4,30-32 ; Lc 13,18-19 - Men Trong Bột / Mt 13,33 ; Lc 13,20-21 - Kho Báu Chôn Giấu / Mt 13,44 - Viên Ngọc Quý / Mt 13,45-46 - Chiếc Lưới / Mt 13,47-50 - Thợ Làm Vườn Nho / Mt 20,1-16 - Tiệc Cưới / Mt 22,1-10 - 10 Cô Trinh Nữ / Mt 25,1-13 …
2. Lạc mất và tìm thấy - Con Chiên Lạc / Mt 18,12-14 ; Lc 15,4-7 - Đồng Bạc Bị Đánh Mất / Lc 15,8-10 - Người Cha Nhân Hậu / Lc 15,11-32 …
3. Yêu thương – tha thứ và ăn năn - Tên Mắc Nợ Không Biết Thương Xót / Mt 18,23-34 - Người Samaritanô Tốt Lành / Lc 10,30-37 - Hai Người Con / Mt 21,28-32 - Hai Người Mắc Nợ / Lc 7,41-43 …
4. Cầu nguyện - Người Bạn Quấy Rầy / Lc 11,5-8 - Quan Tòa Bất Chính và Bà Góa / Lc 18,2-8 - Người Pharisiêu và Người Thu Thuế / Lc 18,10-14 …
5. Phán xét - Ngày Phán Xét Chung (Chiên và Dê) / Mt 25,31-46 - Những Tá Điền Sát Nhân/ Mt 21,33-44 ; Mc 12,1-11 ; Lc 20,9-18 - Người Quản Lý Trung Tín / Mt 24,45-51 ; Lc 12,42-48 - Cây Nho Thật / Ga 15,1-8 - Cây Vả Không Trái / Lc 13,6-9 …
6. So sánh - Những Đứa Trẻ Ngoài Chợ / Mt 11,16-19 ; Lc 7,31-35 - Vải Mới và Áo Cũ / Mt 9,16 ; Mc 2,21 ; Lc 5,36 - Rượu Mới và Bình Cũ / Mt 9,17 ; Mc 2,22 ; Lc 5,37-38 - Người Khôn Xây Nhà Trên Đá / Mt 7,24-27 ; Lc 6,47-49 - Người Quản Gia Bất Lương / Lc 16,1-8 - Phú Hộ Giàu Có và Anh Ladarô / Lc 16,19-31 - 10 Nén Bạc / Mt 25,14-30 ; Lc 19,12-27 …
Hay có thể xếp theo chủ đề những hình ảnh
1. Thiên nhiên - Đặt Đèn Trên Giá Cao / Mt 5,14-15 ; Mc 4,21-22 ; Lc 8,16; 11,33 - Muối Cho Đời / Mt 5,13 ; Mc 9,50 ; Lc 14,34-35 - Thành Trên Núi Cao / Mt 5,14b - Cây Nào Trái Ấy / Mt 7,15-20 ; Lc 6,43-45 - Chim Trời / Mt 6,26 ; Lc 12,24 - Bông Hoa Ngoài Đồng / Mt 6,28-30 ; Lc 12,27-28 - Cây Vả Không Trái / Lc 13,6-9 - Hạt Giống Tự Mọc Lên / Mc 4,26-29 - Nhận Xét Thời Đại /Mt x.16, 2-3; Mc x, 8,11-13 ; Lc 12,55-56 - Người Gieo Giống / Mt 13,3-8, 18-23 ; Mc 4,3-8, 14-20 ; Lc 8,5-8, 11-15 - Hạt Cải / Mt 13,31-32 ; Mc 4,30-32 ; Lc 13,18-19 - Cỏ Lùng / Mt 13,24-30,36-43 - Men Trong Bột / Mt 13,33 ; Lc 13,20-21 - Cửa Hẹp / Lc 13,24-30 - Chiếc Lưới / Mt 13,47-50 - Hạt Lúa Mì / Ga 12,24 - Cây Vả / Mt 24,32-35 ; Mc 13,28-29 ; Lc 21,29-31 - Diều Hâu và Xác Chết / Mt 24,28 ; Lc 17,37
2. Bữa tiệc - Tiệc Cưới / Mt 22,1-10 - Áo Cưới / Mt 22,11-14 - 10 Cô Trinh Nữ / Mt 25,1-13 - Hãy Ngồi Chỗ Cuối / Lc 14,7-14 - Khách Được Mời Xin Kiếu / Lc 14,16-24 - Bạn Của Chàng Rể / Mt 9,15a ; Mc 2,18 ; Lc 5,34 - Phú Hộ Giàu Có và Anh Ladarô / Lc 16,19-31
3. Công việc và Tiền lương - Vải Mới và Áo Cũ / Mt 9,16 ; Mc 2,21 ; Lc 5,36 - Rượu Mới và Bình Cũ / Mt 9,17 ; Mc 2,22 ; Lc 5,37-38 - Kho Báu Chôn Giấu / Mt 13,44 - Viên Ngọc Quý / Mt 13,45-46 - Thầy Thuốc Và Người Đau Ốm / Mt 9,12 ; Mc 2,15 -17 ; Lc 5:29 -32 - Người Khôn Xây Nhà Trên Đá Mt 7,24-27 ; Lc 6,47-49 - Người Chủ và Tôi Tớ / Lc 17,7-10 - Hai Người Mắc Nợ / Lc 7,41-43 - Những Đứa Trẻ Ngoài Chợ / Mt 11,16-19 ; Lc 7,31-35 - Người Giàu Ngu Dại / Lc 12,16-21 - Hãy Tỉnh Thức / Mc 13,35-37 ; Lc 12,35-40 - Chủ Nhà / Mt 13,52 - Người Quản Lý Trung Tín / Mt 24,45-51 ; Lc 12,42-48 - Dàn Xếp Với Đối Phương / Mt 5,25 ; Lc 12,58 - Từ Bỏ Hết Những Gì Mình Có / Lc 14,28-33 - Mục Tử Nhân Lành / Ga 10,1-6 - Người Giữ Cửa Chuồng Chiên / Ga 10,7-18 - Người Quản Gia Bất Lương / Lc 16,1-8 - Tên Mắc Nợ Không Biết Thương Xót / Mt 18,23-34 - Thợ Làm Vườn Nho / Mt 20,1-16 - Quan Tòa Bất Chính và Bà Góa / Lc 18,2-8 - 10 Nén Bạc / Mt 25,14-30 ; Lc 19,12-27
4. Cha và Tình thương - Con Chiên Lạc / Mt 18,12-14 ; Lc 15,4-7 - Đồng Bạc Bị Đánh Mất / Lc 15,8-10 - Người Cha Nhân Hậu / Lc 15,11-32 - Người Samaritanô Tốt Lành / Lc 10,30-37 - Người Bạn Quấy Rầy /Lc 11,5-8 - Ngày Phán Xét Chung (Chiên và Dê) / Mt 25,31-46 - Người Pharisiêu và Người Thu Thuế / Lc 18,10-14 - Hai Người Con / Mt 21,28-32 …