TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lời Chúa THỨ HAI TUẦN 27 THƯỜNG NIÊN

Thứ bảy - 02/10/2021 18:01 |   975
“Một người Sa-ma-ri kia… cũng thấy và chạnh lòng thương...” (Lc 10,33-34)

04.10.2021

THỨ HAI TUẦN 27 THƯỜNG NIÊN
Thánh Phanxicô Assisi

 

t2 t27 tnB

Lc 10, 25-37

“HÃY ĐI VÀ LÀM NHƯ VẬY”

“Một người Sa-ma-ri kia… cũng thấy và chạnh lòng thương. Ông ta lại gần, lấy dầu và rượu đổ lên vết thương cho người ấy và băng bó lại, rồi lại đặt người ấy lên lưng lừa của mình, đưa về quán trọ mà săn sóc.” (Lc 10,33-34)

Suy niệm: Có người nói tình yêu đích thực được thể hiện qua bốn phương diện: (1) sẵn lòng giúp đỡ; (2) biết xót xa trước đau khổ và (3) biết vui mừng trước hạnh phúc của người khác; cuối cùng (4) biết tha thứ. Chúa Giê-su đưa ra nhân vật người Sa-ma-ri như một điển hình về tình yêu đích thực đó. “Chạnh lòng thương” trước tình cảnh khốn khổ cấp bách của một người không quen biết, thay vì bỏ đi như thầy Lê-vi và thầy tư tế với những bận rộn của mình – mà ai lại không có những việc bận rộn cơ chứ? – ông Sa-ma-ri này sẵn lòng gác lại công việc của mình, và dốc toàn lực cứu chữa người bị nạn cách tận tình. Với nghệ thuật kể chuyện tài tình, Chúa mô tả tỉ mỉ những việc làm bác ái của người Sa-ma-ri; Ngài dạy chúng ta yêu thương đích thực phải thể hiện bằng việc làm cụ thể và Ngài kết luận cũng rất cụ thể: “Hãy đi và làm như vậy.”

Mời Bạn: Phải chăng bạn hay đưa ra những lời chống chế “tại, vì, nhưng, nếu…” để không làm những việc bác ái cho anh em?

Chia sẻ trong nhóm của bạn: ai là người thân cận đang bị quên lãng, bỏ rơi, cùng khổ đang cần trợ giúp, bênh vực, và tìm cách cụ thể để giúp họ.

Sống Lời Chúa: Sống giản dị, đạm bạc để sẵn sàng chia sẻ với người khác khi cần thiết.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con tâm hồn quảng đại và nhạy bén biết chạnh thương trước những đau khổ của tha nhân để con sẵn sàng chia sẻ với họ bằng một tình yêu đích thực.


BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Thánh Phanxicô Assisi

Ca nhập lễ

Thánh Phanxicô. Người của Thiên Chúa đã lìa nhà cửa, tự bỏ gia nghiệp, và trở nên túng thiếu nghèo khổ nhưng Chúa đã cất nhắc người lên.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa, Chúa đã soi sáng cho thánh Phan-xi-cô chọn cuộc đời hèn mọn khó nghèo để trở nên hình ảnh sống động của Ðức Kitô. Xin cho chúng con hằng noi gương thánh nhân để lại mà thiết tha gắn bó cùng Chúa và hăm hở bước theo Ðức Kitô, lòng chan chứa an vui và đầy tràn yêu mến. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I

Phụng vụ Lời Chúa – (theo ngày trong tuần)

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, chúng con dâng tiến lễ vật này để kính nhớ thánh Phan-xi-cô, vị thánh đã trọn đời mê say mầu nhiệm thập giá. Xin Chúa thương chấp nhận và chuẩn bị lòng trí chúng con cử hành mầu nhiệm cao cả này. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Phúc cho ai có tinh thần nghèo khó, vì Nước Trời là của họ.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, Chúa vừa cho chúng con dự tiệc thánh. Xin thương giúp mọi người chúng con biết noi gương thánh Phan-xi-cô để lại mà tận tình yêu mến Chúa và nhiệt tâm lo việc tông đồ. Nhờ vậy, chúng con vừa nghiệm thấy lòng Chúa yêu thương, vừa hân hoan chia sẻ những hồng ân của Chúa để hết thảy mọi người được hưởng ơn cứu độ. Chúng con cầu xin…

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
THỨ HAI TUẦN 27 THƯỜNG NIÊN

Ca nhập lễ

Lạy Chúa, Chúa đã tác tạo mọi sự theo thánh ý Chúa, và không ai có thể chống lại thánh ý Chúa. Vì Chúa đã tạo thành mọi sự trên trời dưới đất, và cả những gì trong bầu trời; Chúa là Chúa tể mọi loài.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, tình thương Chúa thật là cao cả, vượt xa mọi công trạng và ước muốn của con người, xin rộng tình tha thứ những lỗi lầm cắt rứt lương tâm chúng con, và thương ban những ơn trọng đại, lòng chúng con chẳng dám mơ tưởng bao giờ. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: (Năm I) Gn 1, 1 – 2, 1. 11

“Ông Giona chỗi dậy lánh xa mặt Chúa”.

Khởi đầu sách Tiên tri Giona.

Có lời phán cùng Giona, con trai ông Amathi, rằng: “Ngươi hãy chỗi dậy đi sang Ninivê, một thành rộng lớn, và giảng tại đó, vì tội ác của nó thấu đến Ta”.

Giona liền chỗi dậy để trốn sang Tharsê lánh xa mặt Chúa; ông đi xuống Gioppê, gặp tàu đi sang Tharsê, ông liền mua vé, xuống tàu đi với hành khách sang Tharsê, lánh xa mặt Chúa.

Nhưng Chúa khiến trận cuồng phong thổi trên biển và cơn bão táp dữ dội nổi lên, khiến tàu lâm nguy sắp chìm. Các thuỷ thủ lo sợ, hành khách cầu khẩn cùng thần minh của mình. Người ta vứt đồ vật trên tàu xuống biển cho nhẹ bớt, lúc đó ông Giona xuống lòng tàu nằm ngủ mê mệt. Thuyền trưởng đến gần ông và hỏi rằng: “Sao ông ngủ mê mệt như vậy? Hãy chỗi dậy cầu khẩn cùng Thiên Chúa của ông, may ra Thiên Chúa đoái đến chúng ta và chúng ta khỏi chết”.

Ai nấy đều bảo đồng bạn mình rằng: “Các anh hãy lại đây, chúng ta bắt thăm coi biết tại sao chúng ta gặp phải tai hoạ này”. Rồi họ bắt thăm, thì trúng phải ông Giona. Họ bảo ông rằng: “Xin ông cho chúng tôi biết vì cớ nào chúng ta gặp phải tai hoạ này: Ông làm nghề gì? Ở nơi nào? Ði đâu? Hoặc thuộc dân nào?” Ông trả lời họ rằng: “Tôi là người Do-thái, tôi kính sợ Thiên Chúa là Chúa Trời, Ðấng tạo thành biển khơi và lục địa”.

Họ khiếp sợ quá sức và hỏi ông rằng: “Sao ông hành động thế này? (Vì theo lời ông thố lộ, các hành khách biết ông trốn lánh mặt Chúa). Họ liền hỏi ông rằng: “Chúng tôi phải đối xử với ông làm sao đây, để biển yên lặng? vì biển càng động mạnh thêm”. Ông bảo họ rằng: “Các ông hãy bắt tôi vứt xuống biển, thì biển sẽ yên lặng, vì tôi biết tại tôi mà các ông gặp phải trận bão lớn lao này”.

Các thuỷ thủ cố chèo thuyền vào đất liền, nhưng không sao được, vì biển càng động dữ dội hơn. Họ kêu cầu cùng Chúa rằng: “Lạy Chúa, chúng tôi xin Chúa vì mạng sống người này cho chúng tôi khỏi chết. Xin chớ đổ máu vô tội trên chúng tôi, vì, lạy Chúa, Chúa hành động theo như Chúa muốn”. Rồi họ bắt vứt ông Giona xuống biển, và biển liền hết nổi sóng. Mọi người rất kính sợ Chúa, họ tế lễ dâng lên Chúa và làm lời khấn hứa.

Chúa chuẩn bị sẵn một con cá lớn để nuốt ông Giona, và ông Giona ở trong bụng cá ba ngày ba đêm. Sau đó, Chúa truyền lệnh cho cá nhả ông Giona vào bờ.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Gn 2, 2. 3. 4. 5. 8

Ðáp: Lạy Chúa là Thiên Chúa của con, từ vực sâu thẳm, Chúa đã cứu sống mạng con

Xướng: Nằm trong bụng cá, ông Giona thưa cùng Chúa là Thiên Chúa của mình rằng:

Xướng: Trong cảnh gian truân, con đã kêu cầu tới Chúa, và Ngài đã nhậm lời con; tự lòng vực sâu âm phủ, con đã kêu lên, và Ngài đã nghe rõ tiếng con.

Xướng: Ngài đã ném con xuống vực sâu, trong lòng biển, các dòng nước đã lôi cuốn thân con, bao sóng cả ba đào đều lướt chảy trên mình con.

Xướng: Bấy giờ con tự nhủ: Con đã bị loại xa khỏi thiên nhan Chúa, nhưng con sẽ còn được xem thấy thánh điện Ngài.

Xướng: Khi mà trong người con, linh hồn tuyệt vọng, bấy giờ con đã nhớ (tới) Chúa. Lời cầu nguyện của con đã thấu đến tai Ngài, trong nơi thánh điện của Ngài.

Bài Ðọc I: (Năm II) Gl 1, 6-12

“Tin Mừng do tôi rao giảng không phải thuộc về loài người, nhưng là do Ðức Giêsu Kitô mạc khải”.

Trích thư Thánh Phalô Tông đồ gửi tín hữu Galata.

Anh em thân mến, tôi ngạc nhiên thấy anh em thay lòng đổi dạ chóng như thế đối với Ðấng đã kêu gọi anh em thông phần vào ân sủng của Ðức Kitô, để anh em quay sang một tin mừng khác: Tin mừng khác làm gì có, chỉ có những kẻ phá rối anh em và muốn anh em đảo lộn Tin Mừng của Ðức Kitô. Nhưng cho dù chúng tôi, hay một thiên thần nào từ trời đến giảng tin mừng khác với Tin Mừng chúng tôi đã rao giảng cho anh em, thì người đó bị chúc dữ. Như chúng tôi đã nói trước, và giờ đây tôi xin nói lại rằng: Nếu ai trong anh em rao giảng cho anh em Tin Mừng khác hơn điều anh em đã lãnh nhận, thì người đó bị chúc dữ.

Giờ đây, tôi phải làm vừa lòng người ta hay là Thiên Chúa? Nào có phải tôi tìm cách làm vừa lòng người ta sao? Nếu tôi còn làm vừa lòng thiên hạ, thì tôi không phải là đầy tớ của Ðức Kitô.

Anh em thân mến, tôi cho anh em biết rằng Tin Mừng do tôi rao giảng không phải thuộc về loài người, vì tôi không nhận cũng không học với loài người, nhưng là do Ðức Giêsu Kitô mạc khải.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 110, 1-2. 7-8. 9 và 10c

Ðáp: Cho tới muôn đời Chúa vẫn nhớ lời minh ước (c. 5b).

Xướng: Tôi sẽ ca tụng Chúa hết lòng, trong nhóm hiền nhân và trong Công hội. Vĩ đại thay công cuộc của Chúa tôi, thực đáng cho những người mến yêu quan tâm học hỏi.

Xướng: Công cuộc tay Chúa làm ra đều chân thật và công chính, mọi giới răn của Người đều đáng cậy tin. Những giới răn đó được lập ra cho đến muôn ngàn đời, được ban hành một cách chân thành và đoan chính. 

Xướng: Chúa đã gửi tặng ơn giải phóng cho dân Người, để thiết lập lời minh ước tới muôn đời. Danh Người thực là thánh thiện và khả úy. Lời khen ngợi Chúa còn tồn tại tới muôn đời. 

Alleluia: 1 Sm 3, 9; Ga 6, 69

Alleluia, alleluia! – Lạy Chúa, xin hãy phán, vì tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe; Chúa có lời ban sự sống đời đời. – Alleluia.

Phúc Âm: Lc 10, 25-37

“Ai là anh em của tôi?”

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, có một người thông luật đúng dậy hỏi thử Chúa Giêsu rằng: “Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời?” Người nói với ông: “Trong Lề luật đã chép như thế nào? Ông đọc thấy gì trong đó?” Ông trả lời: “Ngươi hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết sức và hết trí khôn ngươi, và hãy thương mến anh em như chính mình”. Chúa Giêsu nói: “Ông trả lời đúng, hãy làm như vậy và ông sẽ được sống”. Nhưng người đó muốn bào chữa mình, nên thưa cùng Chúa Giêsu rằng: “Nhưng ai là anh em của tôi?”

Chúa Giêsu nói tiếp: “Một người đi từ Giêrusalem xuống Giêricô, và rơi vào tay bọn cướp; chúng bóc lột người ấy, đánh nhừ tử rồi bỏ đi, để người ấy nửa sống nửa chết. Tình cờ một tư tế cũng đi qua đường đó, trông thấy nạn nhân, ông liền đi qua. Cũng vậy, một trợ tế khi đi đến đó, trông thấy nạn nhân, cũng đi qua. Nhưng một người xứ Samaria đi đường đến gần người ấy, trông thấy và động lòng thương. Người đó lại gần, băng bó những vết thương, xức dầu và rượu, rồi đỡ nạn nhân lên lừa của mình, đưa về quán trọ săn sóc. Hôm sau, lấy ra hai quan tiền, ông trao cho ông chủ quán mà bảo rằng: “Ông hãy săn sóc người ấy, và ngoài ra còn tốn phí hơn bao nhiêu, khi trở về tôi sẽ trả lại ông”.

“Theo ông nghĩ, ai trong ba người đó là anh em của người bị rơi vào tay bọn cướp?” Người thông luật trả lời: “Kẻ đã tỏ lòng thương xót với người ấy”. Và Chúa Giêsu bảo ông: “Ông cũng hãy đi và làm như vậy”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, chính Chúa đã thiết lập lễ tế này để chúng con dâng lên mà tỏ lòng thần phục tôn kính; xin Chúa thương chấp nhận và thánh hoá chúng con, xin cho chúng con được hưởng dồi dào ơn cứu chuộc. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Chúa nhân lành đối với những ai trông cậy vào Người, và đối với tâm hồn kiếm tìm Người.

Hoặc đọc:

Chỉ có một tấm bánh, nên tuy nhiều, chúng ta cũng chỉ là một thân thể, vì hết thảy chúng ta thông phần cùng một tấm bánh, và cùng một chén rượu

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, chúng con vừa lãnh nhận Mình và Máu Ðức Kitô, xin cho chúng con được nên một với Người và no say tình Chúa. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

YÊU LÀ BIẾT HY SINH CHO NGƯỜI MÌNH YÊU (Lc 10, 25-37)
Giuse Vinhsơn Ngọc Biển SSP

Bài hát: “Qua cầu gió bay” có lẽ nhiều người trong chúng ta đều đã quen thuộc, hoặc đôi khi còn thuộc lòng! Bài hát này diễn tả tình yêu của hai người: khi yêu nhau, họ trao tặng cho nhau tất cả, ngay kể cả cái áo, cái nhẫn và chiếc nón là những thứ gắn liền với bản thân của con người, nhưng một khi đã yêu thì sẵn sàng trao tặng, miễn sao người mình yêu được vui và hạnh phúc…

Bài Tin Mừng hôm nay, qua hình ảnh người Samaritanô nhân hậu, Đức Giêsu cũng dạy cho người thông luật một bài học của tình yêu. Tình yêu đó là một tình yêu biết cho đi, hy sinh và chấp nhận gian khó vì người mình yêu.

Khởi đi từ việc người thông luật đến hỏi Đức Giêsu: “Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời?“; và: “Ai là anh em của tôi?”. Đức Giêsu đã giúp ông xác tín nguyên lý của sự sống đời đời là yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự và yêu người thân cận như chính mình.

Tuy nhiên, Đức Giêsu còn muốn ông đi xa hơn nữa trên lộ trình tình yêu đó khi kể cho ông nghe dụ ngôn người Samaritanô nhân hậu.

Hình ảnh của người Samaritanô nhân hậu đối đãi với nạn nhân như: dừng lại, băng bó vết thương, xức dầu và rượu, đỡ nạn nhân lên lừa của mình, đưa về quán trọ, thuê người chủ quán trọ săn sóc cho nạn nhân … tất cả những nghĩa cử đó cho thấy người Samaritanô đã vì yêu mà chấp nhận tất cả, chịu đựng tất cả, cho đi tất cả… ngang qua hành vi của người Samaritanô, Đức Giêsu muốn giới thiệu cho người thông luật biết: những người đau khổ chính là anh em của ông.

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta: hãy đi và làm như người Samaritanô nhân hậu, làm tất cả và cho đi tất cả vì người mình yêu.

Có lẽ chúng ta sẽ thắc mắc là nhiều khi tôi nghèo quá, nên khó có thể có gì để thể hiện tình yêu như người Samaritanô với người thân cận. Tuy nhiên, chúng ta sẽ không nghèo đến độ không thể không có gì để cho!

Có thể tôi nghèo về vật chất, nhưng tôi giàu về tấm lòng, giàu về tình yêu. Tôi không có hiện vật để trao tặng, nhưng tôi có nụ cười, thời giờ, niềm an ủi, sự cảm thông và tinh thần liên đới… Đây chính là món quà cao quý hơn cả bạc vàng.

Mong sao mỗi chúng ta hiểu rằng: chỉ có tình yêu là không thể chết, và cho đi là còn mãi.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết yêu mến Thiên Chúa tha thiết và yêu tha nhân như chính mình. Đồng thời xin cho chúng con biết sống tinh thần liên đới trong một thế giới quá nhiều bất công và vô cảm. Amen.
 

AN THÂN – THỦ PHẬN

(Thứ Hai sau Chúa Nhật XXVII TN – Lc 10,25-37) - Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột
 

Vốn biết người thông luật khi hỏi rằng làm gì để được sự sống đời đời là muốn thử mình nên Chúa Giêsu đã khôn khéo dẫn chuyện để ông tự trả lời qua giới luật yêu thương, “mến Chúa và yêu người”. Tuy nhiên sau đó vì muốn bào chữa cho mình ông ấy hỏi tiếp: Nhưng ai là anh em của tôi? Bấy giờ Chúa Giêsu đã kể câu chuyện dụ ngôn người Samaritanô nhân hậu để minh họa thế nào là sống đạo yêu thương. Và Chúa Giêsu đã hỏi ông ta một câu xem ra rất dễ trả lời bằng ngôn từ nhưng không dễ để thực thi bằng hành động cụ thể: “Theo ông nghĩ, ai trong ba người đó (ngài tư tế, vị trợ tế, người Samaritanô) là anh em của người rơi vào tay bọn cướp?”

Chúa Giêsu đã thầm nhắc nhở vị thông luật là hãy đảo chiều câu hỏi của ông ta trước đó. Thay vì hỏi ai là anh em của tôi thì phải tự hỏi tôi phải làm người anh em của ai đây? Đã nghe câu chuyện dụ ngôn “người Samaritanô nhân hậu” thì câu trả lời không quá khó vì đó là những ai đang cần đến tình yêu của tôi cách cụ thể qua tấm lòng nhân (động lòng xót thương), qua đôi chân (tiến lại gần), qua đôi tay (băng bó vết thương…) và qua cả hầu bao của mình nữa (hai quan tiền trao cho chủ quán trọ). Tình yêu thực sự thì đòi hỏi đến cùng và trọn vẹn. Người Samaritanô nhân hậu còn nói là nếu còn thiếu bao nhiêu trong khoản phí chữa bệnh thì hôm sau khi trở lại sẽ thanh toán hết cho chủ quán trọ.

Tin Mừng tường thuật câu kết của Chúa Giêsu: “Ông cũng hãy đi và làm như vậy”. Để được hạnh phúc vĩnh cửu, được sự sống đời đời thì hãy làm người anh em, chị em thực sự của những ai đang cần đến tình yêu liên đới, chia sẻ, đỡ nâng của chính mình. Và để tình yêu này thành hiện thực thì ắt cần phải có động thái “ra đi” theo nhiều chiều kích. Ra đi khỏi khỏi tình trạng an thân thủ phận có lẽ là điều kiện đầu tiên để có thể sống yêu thương. Xin có đôi nghĩ suy về chiều kích này.

Lối sống ích kỷ chỉ biết bản thân mình quả thật rất khó qua mặt thiên hạ và dường như ngay cả bản thân mình lòng cũng chẳng được bình an. Tuy nhiên nhiều kiểu sống an thân thủ phận thì lại dễ qua mặt tha nhân và có khi với cả chính mình với nhiều lý lẽ xem ra khá hợp lý. Vị tư tế trong câu chuyện Chúa Giêsu kể rất có thể tự trấn an lương tâm với việc giữ luật khi chu toàn nghĩa vụ tư tế (tránh bị ô uế vì tiếp xúc với máu?). Vị trợ tế cũng có thể tự biện bạch với lẽ khôn ngoan rằng phải cẩn trọng trước nhiều thủ đoạn “giăng mồi” của kẻ cướp vùng hẻo lánh này.

Trước nỗi khổ của đồng loại trong nhiều nghịch cảnh, chẳng hạn hoàn cảnh dịch bệnh Côvid hôm nay, phải chăng đã và đang có đó nhiều lý lẽ xem ra khá hợp lý để biện mình cho việc “không ra đi”, thiếu dấn thân của chúng ta? Phải chăng có đó một nguyên nhân sâu xa nằm ẩn sâu dưới nhiều lý lẽ “hợp lý” ấy là tâm trạng muốn an thân, thủ phận? Ngôn sứ Giona trong bài đọc thứ nhất dù có ra đi lên tàu nhưng lại đi hướng ngược với hướng Chúa sai ông. Phải chăng ngôn sứ sợ phải đối diện với nhiều bất trắc khi rao giảng cho vua quan, dân thành Ninivê, thủ đô của đế quốc Syria đang đô hộ nước mình? Tìm kiếm sự an thân, ngài Giona dám to gan qua mặt cả Thiên Chúa!

Một biểu hiện của sự ra đi khỏi tình trạng an thân, thủ phận đó là can đảm “liều một chút”. Trong tình yêu thì luôn có động thái liều. Quá cẩn trọng, quá cân nhắc đắn đo thì thật khó mà sống đạo yêu thương, sống tình liên đới. Chắc hẳn vị Samaritanô trong câu chuyện Chúa Giêsu kể ít nhiều cũng biết những trường hợp bọn cướp đã giăng mồi nhử trên quảng đường này. Thế nhưng khi đã chạnh lòng thương thì ông ta vượt qua mọi tính toán cân nhắc để rồi liều lĩnh xuống khỏi lưng lừa tiến đến nạn nhân thực thi các nghĩa cử ân tình đế nơi đến chốn.

Trong hoàn cảnh dịch bệnh hiện nay, ngoài hình ảnh các y bác sĩ và nhân viên y tế tuyến đầu thì hình ảnh các tình nguyện viên của các tôn giáo, đoàn thể xã hội là một lời khẳng định: “không dám liều thì đừng nói yêu”. Quả thật trong phận người bình thường thì ai cũng sợ, cũng lo khi ở trong tình trạng “phải liều”. Tuy nhiên điều đáng lo, đáng phải sợ hơn cả là khi nỗi sợ, nỗi lo này lại được khoác chiếc áo là sự cẩn trọng, là sự khôn ngoan và cả những luật lệ, những quy định lễ nghi tôn giáo.

Với tuổi đời đã tám mươi tư và sức khỏe không mấy dồi dào (vừa qua một cuộc phẫu thuật đại tràng), thế mà vừa qua Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã dám liều ra đi để sống đạo yêu thương tận Hungari và Slovakia. Phải chăng căn nhà riêng của tôi, căn nhà xứ hay căn phòng thánh còn là pháo đài giữ chân các Kitô hữu trong sự an thân với nhiều lý do nào đó thoạt nghe khá hữu lý nhưng thực ra không vắt được một chút giọt tình?

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây