TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Giáng Sinh

“Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. (Lc 2, 1-14)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lời Chúa THỨ HAI TUẦN 1 THƯỜNG NIÊN

Thứ bảy - 08/01/2022 17:00 |   1486
“Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng.” (Mc 1, 15)

10/01/2022
THỨ HAI TUẦN 1 THƯỜNG NIÊN

 

t2 t1TN

Mc 1, 14-20

NỘI DUNG CHÍNH CỦA TIN MỪNG

Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng.” (Mc 1, 15)

Suy niệm: Năm 47 trước CN, sau khi chinh phục được thành Pontô vùng Tiểu Á, Giuliô Xêda, hoàng đế Rôma sau này, đã mô tả cuộc chiến thắng thần tốc của mình trong vỏn vẹn có mấy từ: “Veni, vidi, vici” (nghĩa là: ‘Tôi đã đến, tôi đã thấy, tôi đã thắng’). Những nhà hùng biện tài ba đều biết tóm tắt sứ điệp của mình bằng những lời ngắn gọn, rõ ràng, nhưng thật hàm súc, dứt khoát. Chúa Giê-su cũng tóm tắt nội dung của sứ điệp Ngài rao giảng bằng những lời thật đanh thép và súc tích: “Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng.” Như vậy điều cốt yếu để vào Nước Trời không phải là lời giảng thuyết hùng hồn hay những phép lạ vĩ đại mà là sám hối và tin vào lời rao giảng của Đức Giê-su.

Mời Bạn: Có những thứ “râu ria” nào thường làm bạn quên mất nội dung chính của Lời Chúa? Phải chăng là việc quá bận tâm đến những nghi thức bên ngoài: sau những kỳ đại lễ bạn cảm thấy thoả mãn vì đã tổ chức lễ hoành tráng những nghi thức trang trọng? Hay bạn yên tâm vì mình vẫn đi lễ, rước lễ thường xuyên, vẫn làm phúc bố thí, đóng góp vào việc chung? Tất cả những điều đó đều cần nhưng chưa đủ, còn phải có lòng sám hối và lòng tin nữa!

Chia sẻ: Khi loan báo Tin Mừng cho anh em, bạn có nhớ “chốt” vào nội dung chính này không?

Sống Lời Chúa: Trước khi làm các việc đạo đức bạn hãy dọn mình bằng cách sám hối tội lỗi của mình và giục lòng tin vào Chúa.

Cầu nguyệnLạy Chúa, Chúa muốn con đến với Chúa với cả tấm lòng hơn là của lễ. Xin giúp con biết sám hối thật lòng và tăng thêm lòng tin cho con.

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
THỨ HAI TUẦN 1 THƯỜNG NIÊN

Ca nhập lễ

Tôi đã nhìn thấy Đấng ngự trên ngai cao cả, có vô số Thiên Thần thờ lạy và đồng thanh ca hát rằng: Đây danh hiệu vương quyền Người tồn tại muôn đời.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa nhân từ, này dân Chúa đang hiệp lời cầu khẩn; nguyện xin Chúa dủ thương chấp nhận, để giúp chúng con biết nhìn thấy những việc phải làm và đủ sức thi hành trọn vẹn. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: (Năm I) Dt 1, 1-6

“Chúa đã phán dạy chúng ta qua Người Con”.

Khởi đầu thư gửi tín hữu Do-thái.

Thuở xưa, nhiều lần và dưới nhiều hình thức, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các tiên tri. Trong những ngày sau hết đây, Ngài đã phán dạy chúng ta qua Người Con mà Ngài đã đặt làm vị thừa kế vạn vật, và cũng do bởi Người Con mà Ngài đã tác thành vũ trụ.

Nguyên vốn là phản ảnh sự vinh quang và là hình tượng bản thể Ngài, Người Con đó nâng giữ vạn vật bằng lời quyền năng của mình, quét sạch tội lỗi chúng ta, và ngự bên hữu Ðấng Oai Nghiêm, trên cõi trời cao thẳm. Tên Người cao trọng hơn các thiên thần bao nhiêu, thì Người cũng vượt trên các thiên thần bấy nhiêu.

Phải, vì có bao giờ Thiên Chúa đã phán bảo với một vị nào trong các thiên thần rằng: “Con là thái tử của Cha, hôm nay Cha đã sinh hạ Con”? Rồi Chúa lại phán: “Ta sẽ là Cha Người, và Người sẽ là Con Ta”. Và khi ban Con Một mình cho thế gian, Chúa lại phán rằng: “Tất cả các thiên thần Chúa hãy thờ lạy Người!”

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 96, 1 và 2b. 6 và 7c. 9

Ðáp: Bao nhiêu chúa tể hãy cúc cung bái lạy Người 

Hoặc đọc: Chúa hiển trị, Chúa là Ðấng tối cao trên toàn cõi đất 

Xướng: Chúa hiển trị, địa cầu hãy hân hoan, hải đảo muôn ngàn, hãy mừng vui. Công minh chính trực là nền kê ngai báu. 

Xướng: Trời xanh loan truyền sự công minh Chúa, và chư dân được thấy vinh hiển của Người. Bao nhiêu chúa tể hãy cúc cung bái lạy Người. 

Xướng: Lạy Chúa, vì Ngài là Ðấng tối cao trên toàn cõi đất, Ngài rất đỗi siêu phàm giữa muôn chúa tể. 

Bài Ðọc I: (Năm II) 1 Sm 1, 1-8

“Anna buồn sầu, vì Chúa đã để bà phải son sẻ”.

Khởi đầu sách Samuel quyển thứ nhất.

Khi ấy, có một người quê ở Rama-Sôphim, miền núi Ephraim, tên là Elcana, con của Giêrôha, Giêrôha con của Êlihu, Êlihu con của Thôhu, Thôhu con của Súp, người Ephratha. Elcana có hai người vợ: một tên là Anna, người kia tên là Phênenna. Và Phênenna có nhiều con, còn Anna thì không có con. Vào những ngày luật quy định, ông này thường rời quê mình lên Silô để thờ lạy Chúa các đạo binh và hiến dâng của lễ. Tại Silô, có hai người con của Hêli là Ophni và Phêni, cả hai đều là tư tế của Chúa. Ngày kia Elcana đi tế lễ, ông chia phần cho bà vợ Phênenna và tất cả các con trai con gái của bà. Ông buồn sầu chia cho Anna có một phần, mặc dầu ông yêu bà: vì Thiên Chúa để cho bà phải son sẻ. Cả đối thủ của bà cũng làm cho bà buồn phiền và nhục mạ bà, vì Chúa đã để bà phải son sẻ. Hằng năm, mỗi lần đến ngày lên đền thờ Chúa, Elcana đều chia phần như thế, và Anna cũng đều bị khiêu khích như vậy. Bà than khóc và không ăn uống gì. Vậy Elcana, chồng bà, đã nói với bà rằng: “Hỡi Anna, sao bà khóc, và không ăn uống gì? Sao bà buồn như vậy? Tôi đây chẳng quý hơn mười đứa con sao?”

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 115, 12-13. 14 và 17. 18-19

Ðáp: Lạy Chúa, con sẽ hiến dâng Chúa lời ca ngợi làm sinh lễ 

Hoặc đọc: Alleluia.

Xướng: Con lấy gì dâng lại cho Chúa, để đền đáp những điều Ngài ban tặng cho con? Con sẽ lãnh chén cứu độ, và con sẽ kêu cầu danh Chúa. 

Xướng: Con sẽ giữ trọn lời khấn xin cùng Chúa, trước mặt toàn thể dân Ngài. Con sẽ hiến dâng Chúa lời ca ngợi làm sinh lễ, và con sẽ kêu cầu danh Chúa.

Xướng: Con sẽ giữ trọn lời khấn xin cùng Chúa, trước mặt toàn thể dân Ngài, trong nơi hành lang nhà Chúa, ở giữa lòng ngươi, Giêrusalem hỡi! 

Alleluia: 1 Sm 3, 9

Alleluia, alleluia! – Lạy Chúa, xin hãy phán, vì tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe; Chúa có lời ban sự sống đời đời. – Alleluia.

Phúc Âm: Mc 1, 14-20

“Anh em hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Sau khi Gioan bị bắt, Chúa Giêsu sang xứ Galilêa, rao giảng Tin Mừng của nước Thiên Chúa, Người nói: “Thời giờ đã mãn và nước Thiên Chúa đã gần đến; anh em hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng”.

Ðang lúc đi dọc theo bờ biển Galilêa, Người thấy Simon và em là Anrê đang thả lưới xuống biển, vì các ông là những người đánh cá. Chúa Giêsu bảo các ông: “Hãy theo Ta, Ta sẽ làm cho các ngươi trở thành những kẻ chài lưới người”. Lập tức bỏ lưới, các ông theo Người. Ði xa hơn một chút nữa, Người thấy Gia-côbê con ông Giêbêđê và em là Gioan đang xếp lưới trong thuyền, Người liền gọi các ông. Hai ông bỏ cha là Giêbêđê ở lại trên thuyền cùng với các người làm công, và đi theo Người.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin vui lòng chấp nhận của lễ chúng con đang thành khẩn tiến dâng, để nhờ của lễ này, chúng con được thánh hoá, và đạt được những điều chúng con tha thiết cầu xin. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Lạy Chúa, Chúa là nguồn mạch sự sống, và trong ánh sáng của Chúa, chúng tôi sẽ nhìn thấy ánh sáng.

Hoặc đọc:

Chúa phán: “Ta đến để chúng được sống, và được sống dồi dào hơn”.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng, Chúa đã nuôi dưỡng chúng con trong thánh lễ này; xin cũng cho chúng con hằng biết sống thánh thiện mà phụng sự Chúa. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

DỨT KHOÁT (Mc 1, 14-20)
Giuse Vinhsơn Ngọc Biển SSP

“Hãy theo Thầy” chính là lời mời gọi đầy yêu thương, trìu mến của Đức Giêsu dành cho các môn đệ. Nhưng sự đáp trả: “Xin theo Thầy” chính là thể hiện thái độ dứt khoát của các ông cũng không kém phần tin yêu với Đấng đã yêu thương mình trước.

Hôm nay, Kinh Thánh thuật lại việc Đức Giêsu đi dọc biển hồ Galilê, Ngài thấy các ông Simon và Anrê đang quăng lưới xuống biển, rồi đi xa hơn chút nữa, Ngài thấy Giacôbê và Gioan đang vá lưới trong thuyền, cùng một mẫu số chung, Ngài cất tiếng mời gọi các ông: “Hãy theo Tôi”.  Ngay lập tức, các ông bỏ mọi sự để đi theo Ngài.

Sự dứt khoát của các ông cho thấy họ đã tìm được kho tàng, chân lý, lẽ sống đích thực là chính Chúa. Các ông cũng khám phá ra lý tưởng của cuộc đời. Vì thế, các ông đành mất hết và coi mọi sự là rơm rác so với mối lợi tuyệt vời là được biết Đức Kitô, Chúa của các ông. Từ đây, các ông được sống cùng và sống với Đấng là đường, là sự thật và là sự sống. Thật là hạnh phúc cho bốn môn đệ đầu tiên này!

Đến lượt chúng ta, mỗi người cũng được Chúa gọi rất nhiều lần trong cuộc đời! Ngài gọi chúng ta qua lương tâm, qua các dấu chỉ, qua những sự kiện, biến cố, qua những người này hay người kia…

Ngài mời gọi chúng ta thi hành bác ái, yêu thương người nghèo, từ bỏ con đường tội lỗi, hoán cải, sống công chính và trung thành với đức tin… Tuy nhiên, nhiều khi chúng ta đã không nhạy bén đủ, hay cũng có những lúc chúng ta không muốn đáp lại lời mời gọi đó và viện cớ đủ mọi lý do để khước từ.

Như vậy, chúng ta không lạ gì khi Lời Chúa hằng ngày vẫn đọc, nhưng Lời ấy không hề ăn nhập gì với cuộc sống của mỗi chúng ta! Và lẽ tất nhiên, chúng ta vẫn trơ trọi như cây không sinh trái mà thôi.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho tâm hồn chúng con khao khát Chúa, để chúng con nhạy bén nhận ra tiếng Chúa gọi và can đảm đi theo Chúa như các Tông đồ khi xưa. Amen.
 

TRƯỚC – SAU
 

tbd 070122a


(Thứ Hai sau Chúa Nhật I TN – Mc 1,14-20)
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

 

“Sau khi ông Gioan bị nộp, Chúa Giêsu đến miền Galilê rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa. Người nói: “Thời kỳ đã mãn và Triều Đại Thiên Chúa đã gần đến. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng”. Nhờ các chuyên gia Thánh Kinh chúng ta hiểu rằng động thái ăn năn sám hối là một sự đổi thay cuộc sống cách triệt để, khởi đi từ tâm trí đến hành vi thiết thực cụ thể. Tuy nhiên vẫn còn đó nhiều lối diễn giải quá nghiêng về khía cạnh luân lý. Dù rằng không sai, vì chiều kích luân lý như là điểm tới của việc thay đổi đời sống. Và cũng đã có ý kiến cho rằng đạo nào cũng như đạo nào, thảy đều dạy người ta cởi bỏ điều xấu xa và ăn ngay ở lành.

Xin có cái nhìn về lời rao giảng của Chúa Giêsu: “Anh em hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng”. Hai phạm trù này “ăn năn sám hối” và “tin vào Tin Mừng”, điều nào trước, điều nào sau? Chúng ta ăn năn sám hối rồi tin vào Tin Mừng hay ngược lại, nhờ tin vào Tin Mừng nên chúng ta ăn năn sám hối tức là thay đổi đời sống? Làm rõ thứ tự trước sau hai phạm trù này thì chúng ta sẽ nhận ra nét riêng của niềm tin Kitô giáo và chúng ta tin đây là nét trỗi vượt.

Tin Mừng mà Chúa Giêsu loan báo chủ yếu ở những điểm này: Đấng dựng nên vũ trụ đất trời, cho chúng ta từ chốn hư vô làm người chính là Cha Toàn Năng Chí Ái. Người cho mọi vật mọi loài hiện hữu là để thông chia vinh quang và hạnh phúc cho các loài thụ tạo, cách riêng loài người chúng ta, loài được chọn làm hình ảnh và là họa ảnh của Người. Tất cả mọi người bất phân màu da, sắc tộc, ngôn ngữ thảy đều là anh chị em với nhau trong tình một Cha Trên Trời, với người Anh Cả Giêsu, Đấng làm người. Hạnh phúc đích thực của chúng ta là được hiệp thông với Thiên Chúa qua lối diễn tả “tám mối phúc thật” mà Chúa Giêsu rao giảng (x.Mt 5,1-12). Và cách thế để đạt hạnh phúc thật đó là hãy sống với nhau trong tình yêu liên đới, cách rõ nét nhất là như Chúa Giêsu yêu thương chúng ta (x.Ga 15,12).

Đây chính là nội hàm đức tin Kitô giáo, là Tin Mừng. Tin vào Tin mừng là đón nhận chân lý hằng sống này. Như thế việc tin vào Tin Mừng phải là động thái đi trước làm nền tảng cho việc sám hối ăn năn, thay đổi đời sống. Thiết nghĩ rằng điều phải thay đổi trước tiên đó là hành vi đức tin của chúng ta. Phải thay cái nhìn về Thiên Chúa như một Ông chủ khắt khe hay như vị Quan tòa nghiêm minh vốn bàng bạc trong các niềm tin tôn giáo và cả trong Cựu Ước để rồi tin nhận Người là Cha Toàn Năng Chí Ái như lời Chúa Kitô mạc khải. Khi đã chỉnh sửa cái nhìn đức tin thì những việc đổi thay sẽ tự nhiên kéo theo như là hệ quả tất yếu.

Phải chăng hình thức sống đạo kiểu thụ động, ích kỷ, vụ lợi của đoàn tín hữu Kitô cách nào đó chưa phán ánh niềm tin vào Thiên Chúa là Cha Toàn Năng Chí Ái, Cha của hết mọi người? Phải chăng cung cách phục vụ và quản trị kiểu độc quyền, độc tôn, độc đoán theo tinh thần giáo sĩ trị của nhiều mục tử trong Giáo Hội Công giáo không chỉ làm lu mờ mà còn làm biến dạng chân dung Đấng Toàn Năng là Cha giàu lòng thương xót?

Giáo hội Công giáo đang nỗ lực cùng nhau đổi thay “cách sống đạo” qua Thượng Hội Đồng “Hiệp Thông – Tham Gia – Sứ Vụ” đang mở ra. Ước gì nội hàm Tin Mừng được thể hiện cách rõ nét trong đời sống đức tin của Kitô hữu thuộc mọi thành phần từ việc cầu nguyện đến cử hành và tham dự các bí tích, từ các cơ chế luật lệ đến các hoạt động tông đồ và xã hội. Không phải nhờ thay đổi đời sống rồi chúng ta mới tin vào Tin Mừng, nhưng chính nhờ tin vào Tin Mừng mà chúng ta đổi thay đời sống, đổi thay cả cung cách sống đạo của mình.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây