NIỀM TIN LÊN ĐƯỜNG
Chúa Nhật Chúa Hiển Linh: Mt 2, 1-12
Suy niệm
Tin Mừng Mátthêu cho biết Đức Giêsu ra đời tại Bêlem, miền Giuđê, thời vua Hêrôđê trị vì. Bêlem là một thị trấn cách Giêrusalem 10 cây số về phí Nam. Thời xưa nó được gọi là Épratha. Tên “Bêlem” có nghĩa là “nhà bánh”, vì nằm ở một vùng quê mầu mỡ nhiều lúa mì. Đó cũng là nhà và thành của Đavít (1Sm 16,1;17,12; 20,6). Chính từ dòng dõi Đavít mà Thiên Chúa ban Đấng cứu độ cho dân Ngài, như tiên tri Mikha đã loan báo: “Phần ngươi, hỡi Bêlem Épratha, ngươi nhỏ bé nhất trong các thị tộc Giuđa, từ nơi ngươi, Ta sẽ cho xuất hiện một vị có sứ mạng thống lãnh Ítraen” (Mk 5,1). Vì vậy mà dân Do Thái luôn trông đợi.
Đoạn Tin Mừng hôm nay cũng kể về các nhà chiêm tinh, gọi là Magi, từ phương Đông đi tìm kiếm Đấng cứu tinh vừa mới giáng sinh, mà họ phát hiện qua ánh sao lạ. Magi là một chi phái Mêđi, là một phần dân thuộc đế quốc Ba Tư. Ban đầu là một đảng phái chính trị, nhưng về sau trở thành chi phái tư tế. Họ là những người khôn ngoan và thánh thiện, rất giỏi về triết học, y khoa và khoa học tự nhiên. Vào thời đó mọi người đều tin vào khoa chiêm tinh, tin rằng có thể tiên đoán tương lai dựa vào các vì sao, và tin rằng số mệnh một người cũng được an bài bởi ngôi sao đã xuất hiện lúc người ấy sinh ra. Nếu thình lình có một vì sao sáng xuất hiện, thì phải chăng Thiên Chúa đang can thiệp vào chính trật tự của Ngài để tỏ cho con người biết một điều gì đó.
Điều quan trọng trong bài Tin Mừng là các nhà chiêm tinh như đại diện cho các dân ngoại. Matthêu viết theo lối văn khải huyền của người Do Thái, nên ta không thể hiểu mọi chi tiết theo nghĩa đen. Tuy nhiên, Thiên Chúa có thể dùng sự xuất hiện của một vì sao để báo hiệu cho các nhà chiêm tinh biết Con Ngài đã chào đời. Qua những dấu chỉ kỳ diệu hay đơn sơ trong vũ trụ, họ nhận thấy lời mời gọi lên đường để tìm kiếm vị Cứu Chúa của muôn dân. Chấp nhận lên đường là chấp nhận bỏ lại tất cả để bước đi trong đêm tối, chỉ còn dựa vào ánh sao của niềm tin khi tỏ khi mờ. Họ chỉ gặp được Chúa sau khi trải qua nhiều gian nan thử thách trên đường, và chỉ nhận ra Chúa với cái nhìn đức tin mạnh mẽ, nhất là khi đứng trước cảnh hang lừa tồi tàn. Thiếu đức tin, người ta vẫn thấy Chúa nhưng không nhận ra Ngài.
Các nhà chiêm tinh từ ngàn dặm xa xôi đã lên đường tìm Ðấng Cứu Thế, đang khi Hêrôđê và hàng lãnh đạo Do thái giáo cũng được báo tin, thì lại bình chân như vại. Bởi lẽ các luật sĩ hay biệt phái chỉ thao thức về lề luật; các thượng tế chỉ lo nghi lễ trong đền thờ; các kỳ lão chỉ bận tâm về truyền thống. Họ là những người lãnh đạo tôn giáo nhưng lại tự mãn và khép kín trong những cơ chế an toàn và cứng nhắc. Còn vua Hêrôđê thì toan tính để khai trừ vị vua mới sinh. Điều này không lạ gì vì ông là người đa nghi và tàn bạo, đã từng giết vợ, mẹ vợ, ba người con trai, và nhiều danh tướng khác. Phản ứng của Hêrôđê là ganh ghét và thù địch, nên cũng tìm cách diệt trừ Đức Giêsu.
Thời nay vẫn có những triết gia chủ trương bất khả tri, coi Thiên Chúa chỉ là một phạm trù siêu việt, nếu Ngài có hiện hữu thì cũng không ăn nhập gì đến thế giới loài người. Vẫn có những nhà khoa học và những người chủ trương vô thần phủ nhận những gì là thần linh, họ cho điều huyền nhiệm cũng chỉ là huyền thoại. Vẫn không thiếu những kẻ có quyền thế tìm cách trù dập chân lý. Đối với họ, vũ trụ thiên nhiên như một đối tượng để nghiên cứu và khống chế, chứ không mang tính siêu nhiên, càng không như một dấu chỉ về sự hiện diện của Thiên Chúa. Nhưng cũng trong thời đại này, dù không là Kitô hữu, vẫn có biết bao người đang rong ruổi tìm kiếm Thiên Chúa. Có ánh sáng nào đó soi chiếu trên đường đời của họ, khiến họ miệt mài phục vụ trong mọi lãnh vực, nhằm nâng cao đời sống tinh thần và góp phần kiến tạo một xã hội tốt đẹp hơn, hướng con người đến những giá trị tâm linh, vĩnh cửu.
Còn chúng ta thì sao? Nếu không tỉnh thức, ta dễ tự mãn với những điều mình biết về Thiên Chúa, chẳng còn thao thức kiếm tìm Ngài, nên cũng chẳng quan tâm gì đến những dấu chỉ hay thời điềm. Dường như đời sống đức tin của chúng ta đã được gói gọn trong các câu kinh và nghi thức. Những gì sâu xa nhất cũng đã được hệ thống hóa trong các cử hành phụng vụ, nên ta cảm thấy quá đầy đủ, không cần nhận ra Chúa nơi điều gì khác. Cần có lòng khao khát chân lý và sự thiện hảo như các nhà chiêm tinh, để ta can đảm ra khỏi mình, ra khỏi những an toàn và tiện nghi đang trói buộc mình hằng ngày, để thấy Chúa đang tỏ mình qua mọi biến cố của đời sống, từ thiên nhiên vạn vật đến con người.
Cầu nguyện
Lạy Chúa là Thiên Chúa khắp vũ hoàn,
không chỉ tỏ mình cho Ít-ra-en,
mà còn cho tất cả mọi dân nước,
Chúa vẫn làm sáng lên những ánh sao,
không phải chỉ ở trên trời cao,
mà còn chính ở trong lòng người thế,
để thiên hạ được biết nẻo tìm về.
Chúa đặc biệt tỏ mình cho những ai,
có tâm hồn đơn sơ và ngay chính,
sống công bình và bác ái tận tình,
không ham mê bám víu vào trần thế,
không mơ hồ với cuộc sống lê thê,
không kiêu căng hay ích kỷ hận thù.
Như các nhà chiêm tinh đi tìm Chúa,
xin cho con dám đi ra khỏi mình,
khỏi định kiến và lười biếng tinh thần,
khỏi tiện nghi và tự mãn bản thân,
để nhận ra Chúa nơi từng tha nhân,
qua dấu chỉ của thiên nhiên vạn vật.
Xin cho con sống niềm tin lên đường,
luôn can trường và chấp nhận đau thương,
để sau khi vượt qua nhiều gai chướng,
được gặp Chúa ở cuối cuộc hành hương,
là niềm vui hạnh phúc chốn thiên đường,
mà lòng con vẫn hằng luôn mong ước.
Xin cho con nên dấu chỉ của Chúa,
là ánh sao giữa đời trong đêm tối,
để âm thầm luôn dẫn lối đưa đường,
là ánh sao hiền lành và khiêm nhượng,
trong phục vụ với tất cả tình thương,
để qui hướng mọi người về với Chúa. Amen.
Lm. Thái Nguyên
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn