TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Giáng Sinh

“Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. (Lc 2, 1-14)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Không nói được … Được nói không?

Thứ hai - 05/07/2021 06:16 | Tác giả bài viết: Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa |   824
“Epphata! Hãy mở ra!” (Mc 7,34).

KHÔNG NÓI ĐƯỢC … ĐƯỢC NÓI KHÔNG?

“Khi ấy, người ta đem đến cho Chúa Giêsu một người câm bị quỷ ám. Khi quỷ bị trục xuất rồi, thì người câm nói được. Dân chúng kinh ngạc, nói rằng: “Ở Israel, chưa hề thấy như thế bao giờ!” Nhưng người Pharisêu lại bảo: “Ông ấy dựa thế quỷ vương mà trừ quỷ” (Mt 9,32-34).

Theo mạch văn Tin Mừng thì chính quỷ là nguyên nhân của sự việc bị câm. Ngôn ngữ cách riêng qua lời nói là một trong những ưu phẩm của loài người so với các loài vật khác. Nhờ có tiếng nói mà con người có điều kiện truyền thông cho nhau cách hữu hiệu hơn. Đồng thời tiếng nói còn là một trong những cách thế để con người hiệp thông với nhau. Vì thế, một ai đó bị câm, không nói được là bị một mất mát, chịu một thiệt thòi to lớn. Với ba từ “không nói được” ta có thể hoán chuyển vị trí để có các cụm từ “Không được nói”; “Nói được không?”; “Nói không được”; “Được không nói”; “Được nói không?” Xin được dùng lối chơi chữ theo kiểu hoán đổi vị trí các hạn từ để rồi cùng ngẫm nghĩ và tản mạn đôi điều.

1. Không nói được: Xin được hiểu cụm từ này như một sự khiếm khuyết thể lý trong chức năng nói. Rất nhiều người bố, người mẹ mừng rỡ khi đứa con bập bẹ tiếng mẹ, tiếng ba. Thật là khốn khổ cho bản thân cũng như cho người thân khi mà ta mất khả năng nói. Theo y khoa, các trẻ bé mắc bệnh điếc thì sẽ không nói được. Vì điếc, không nghe được tiếng nói của tha nhân nên không thể bắt chước, lặp lại được. Do vậy sẽ kéo theo bệnh câm. Một số trẻ em dù không bị điếc nhưng nếu bị lạc trong rừng và được muông thú nuôi dưỡng thì cũng sẽ không nói được. Thậm chí có người dù đã nói được nhưng vì lý do nào đó sống tách biệt với xã hội thì dần dà cũng đánh mất khả năng nói. Ngày nay chuyện ma quỷ ám làm cho người ta bị câm thì hiếm thấy nhưng chúng có thể ám ta sống tách biệt với xã hội một cách nào đó nên khả năng nói của ta cũng bị hạn chế vì không được nghe và cũng có thể vì không biết nghe. Thật vậy, nếu không có sự quan tâm theo dõi sát sao các mặt liên quan đến đời sống con người như chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế… thì ta sẽ không biết nói những gì hoặc có muốn nói cũng không nói được điều đáng nói hay cần phải nói.

2. Không được nói: Mới nghe qua, chúng ta dễ hình dung nội hàm của cụm từ này. Chúng diễn tả những áp lực bên ngoài. Có thể là những áp lực trên thể lý cách cụ thể, cũng có thể là những áp lực do ý chí chủ quan của những người đang nắm quyền cao, chức lớn. Cái nguy hiểm nhất là khi những áp lực ấy được thể chế hóa bằng luật lệ. Không ai lại không thấy rằng những luật lệ ấy thường là do những người đang nắm quyền thiết lập và ban hành. Cái ý chí chủ quan giờ đây đã được khách quan hóa. Khi đã được đồng hóa với luật thì cái ý chí ấy trở nên dũng mãnh vô cùng và cũng “vô tâm” một cách khôn lường. Một ai đó khi bị “không được nói” thì đang bị cướp mất đi quyền làm người.

3. Nói được không? Dĩ nhiên, đã là người thì mọi người đều có quyền được nói. Đây là một trong những quyền căn bản của con người mà Liên Hiệp Quốc đã ghi vào bản Hiến Chương Nhân Quyền. Cá nhân hay tập thể lớn nhỏ dù với bất cứ lý do gì cũng không được phép vi phạm quyền căn bản này. Tuy nhiên cái quyền được nói (quyền ngôn luận) chỉ mang tính bất khả xâm phạm trong phạm vi cá nhân riêng tư và dĩ nhiên là không xâm phạm đến quyền lợi của tha nhân. Khi lời nói của anh đã mang tính xã hội, tính công khai, quảng bá thì sẽ bị chi phối bởi các luật lệ xã hội khác. Trong thực tế, người ta không trực tiếp xâm phạm quyền căn bản này của tha nhân, nhưng lại có thể hạn chế nó bằng những “vùng cấm” với nhiều lý do xem ra khá hợp lý. Vấn đề đặt ra là các lý do ấy có khách quan và chính đáng hay không.

4. Nói không được: Cụm từ này làm ta liên tưởng đến những áp lực tâm lý từ bên trong. Có tật thì giật mình và há miệng thì mắc quai. Có thể do lầm lỗi hay khiếm khuyết nào đó của ta khiến ta thấy ngượng miệng khi phải nói điều gì đó phải nói. Đây là dữ kiện không mới, vì nó không chỉ là kinh nghiệm của người xưa mà còn là chuyện hiện sinh của kiếp người. Vẫn còn chút tự trọng và chút liêm sỉ thì người ta sẽ ngại ngần lấy cái rác trong mắt tha nhân khi mà cái xà nhà đang ở trong mắt mình. Ta cũng có thể kể đến những trường hợp “ăn xôi chùa, ngọng miệng”. Ta nói không được vì đã hưởng nhận chút lợi lộc nào đó thiếu trong sáng. Tệ nạn cũng là quốc nạn của nhiều nước hiện nay là tham nhũng – hối lộ. Và hệ quả kéo theo là những vị hữu trách “nói không được”, những điều cần nói, phải nói hay nên nói theo bổn phận và trách nhiệm của mình.

5. Được không nói: Có thể hiểu cụm từ này như là một sự trục lợi bằng sự im lặng. Chuyện không nói ở đây không phải là bị mà là được. Không chỉ là “chịu đấm ăn xôi” mà còn “ngậm miệng ăn tiền”. Nếu là người dưới quyền, người yếu thế hay là thuộc hạ thì cám dỗ “được không nói” rất khó vượt qua. Không nói để được việc này, để được mối lợi kia đúng là cơn cám dỗ nhẹ nhàng và tinh tế. Người rơi vào chước cám dỗ này có đủ lý do để biện minh. Một trong những lý do xem ra có tính thuyết phục nhất là đợi “cờ đến tay rồi sẽ phất”. Một thực tế cần nhìn nhận đó là người thì nhiều mà cờ chẳng có bao nhiêu.

6. Được nói không? Cụm từ thể dạng nghi vấn này bổ túc cho cụm từ “nói được không?” Ta có quyền nói nhưng cần phải biết nói đúng sự việc, đúng đối tượng, đúng lúc và đúng nơi và chắc chắn là phải đúng cách và đúng luật. Là con cái Chúa chúng ta chỉ được phép nói đúng sự thật. “Có thì nói có, không thì nói không. Thêm thắt là do sự dữ mà ra” (Mt 5,37). Nói đúng sự thật vẫn chưa đủ, chúng ta cần phải biết nói như thế nào cho có hiệu quả, nhất là phải biết nói lời đem lại hiệu quả tốt, nghĩa là phải biết nhắm đến các mục đích tốt đẹp cho tha nhân và xã hội. Điều này muốn nói rằng ta phải biết nói trong đức ái Kitô giáo. Trong trách vụ và hoàn cảnh ta có thể dùng lời nói “để phá, để nhổ” nhưng rồi “để xây, để trồng” (x.Gr 1,5-10). Như thế để xem một ai đó nói có được không thì hãy xem cái đích đến của nội dung người ấy nói. Nếu sau khi nhận định, phê bình mà có đề ra biện pháp khắc phục hay đường hướng xây dựng thì mục đích lời đã nói là tốt đẹp. Ngược lại, nếu chỉ có lời “để phá, để nhổ”, nếu chỉ có lời nhận định, phê bình mà không có biện pháp “để xây để trồng”, không có đường hướng khắc phục thì dù có quyền, thì có lẽ ta vẫn không được nói.

Ngôn ngữ vốn là một phạm trù bao la. Người ta không chỉ nói bằng lời mà còn bằng chữ viết, bằng ký hiệu, dấu hiệu, biểu tượng và nhất là bằng thái độ sống. Rất có thể có khi một lời nói “vô ngôn, vô thanh” lại nói được nhiều điều hơn cả. Vả lại cái quyền nói (quyền ngôn luận) cũng không phải được hiểu cùng một nội hàm như nhau giữa các tập thể, các quốc gia. Chính vì thế, những dòng chia sẻ trên đây chắc chắn còn nhiều thiếu sót và có thể có sai sót tùy theo quan điểm người đọc.

Là Kitô hữu, theo thiển ý của tôi, không gì hơn, ta cần tập chú vào lời nói, cách nói của Đức Kitô, Đấng duy nhất là Ngôi Lời. Lời của Người có khi thì êm ái nhẹ nhàng, có khi thì chối tai, khó nhận, nhưng luôn là sự thật, luôn là ánh sáng dẫn chúng ta đi trên nẻo chính, đường ngay, và nhất là luôn vì hạnh phúc đích thật của người nghe. Đến thế gian, Người không chỉ nói mà còn tìm mọi cách để mở môi miệng chúng ta, giải thoát chúng ta khỏi vòng kìm tỏa của ma quỷ đã làm ta câm nín. Trước mặt Caipha (tòa án đạo) và trước mặt Philatô (tòa án đời) Chúa Kitô đã nói cách long trọng: “Đúng vậy, Tôi thật là Con Thiên Chúa”; “Tôi đến thế gian này để làm chứng cho sự thật. Ai hâm mộ sự thật thì nghe tiếng tôi” (x.Mt 26,64; Ga 18,37). Chúa Kitô chỉ im lặng trước họ sau khi đã nói những gì phải nói và cần nói. Trong cơn hấp hối não nùng, Người vẫn cất lời tình yêu: “Ngay hôm nay, anh sẽ ở trên Thiên đàng với Ta”; “Này là con bà. Này là mẹ con”; Lạy Cha, con phó dâng linh hồn con trong tay Cha”…

Ngay phút giây đầu ngày, ta thường cầu xin: “Lạy Chúa Trời, xin mở miệng con, cho con cất tiếng ngợi khen Ngài”. Việc ngợi khen Chúa là việc chính đáng và phải đạo. Và phải chăng Chúa sẽ phán cùng ta: “Epphata! Hãy mở ra!” (Mc 7,34). Hãy mở miệng ra! mở miệng ra để nói lời sự thật trong tình yêu và để nói lời tình yêu trong sự thật!

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây