TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

CN34TNb - Đức Giêsu Kitô, Vua Vũ Trụ

“Quan nói đúng: Tôi là Vua”. (Ga 18, 33b-37)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

BẮT RẬN

Chủ nhật - 18/04/2021 04:47 | Tác giả bài viết: Lm Vũ đình Tường |   880
BẮT RẬN

BẮT RẬN 

Nghề bắt rận. Nó rất thiện xạ trong nghề bắt rận. Bắt được con nào nó nuốt trửng xem có vẻ khoan khoái lắm. Con rận có to tát gì đâu, bé tí thế mà nó thưởng thức thịt máu con rận thật ngon lành. Thịt rận là một trong những món nó ưa thích, món cao lương mĩ vị vì thịt rận hiếm và khó bắt nên bắt được là phải xơi tại chỗ, như thế mới sành điệu, mới hưởng trọn cái hương vị tươi ngon. Làm thế nào con rận còn sống bỏ vào miệng nó giẫy trong họng tạo nên cái cảm giác nhột nhạt ngay đầu lưỡi, rồi từ từ tiến vào cần cổ khiến toàn thân sướng run nổi da gà như thế mới đạt nghệ thuật nuốt rận. 

Rận thường đeo theo trâu để hút máu. Chúng thật quái gở. Những ngày nắng đẹp chúng bò lên lưng trâu đưa hàm răng sắc bén cắn lủng da trâu hút máu. Những lúc như thế con trâu không tài nào đuổi được con rận vì cái đuôi nó vẫy không tới, hơn nữa con rận lại dí sát người nó vào da lưng nên con trâu đành nhăn da chịu đau cho loài rận tự do hành nó. Hút máu căng bụng con rận mượn ngay nơi đó làm nhà, nằm ngủ tại chỗ, chờ đói ăn tiếp và cứ như thế vết cắn trước đây giờ lại đau thêm vì vết răng cắn sâu vào thịt cộng thêm cái dơ bẩn do loài rận xả ra ngay vết thương khiến chỗ bị cắn nhiễm trùng, đau, ngứa và cuối cùng bầm tím thành một cục bướu. 

CHỊU TRẬN

Con trâu rất khổ sở khi loài rận chui vào tai tìm chỗ trốn. Bình thường con rận bò trên mình trâu hút máu, khi gặp nguy hay muốn tránh nắng, tai trâu là nơi an toàn, trốn trong đó vừa mát, vừa nhiều máu, da lại non, mềm rất thích hợp cho răng rận cấu xé. Ăn no nó lăn ra ngủ. Trái lại con trâu không tài gì đuổi con rận ra khỏi tai. Nó đau khổ nước mắt ứa ra lăn dài trên gò má, ánh nắng làm khô giòng lệ để lại vệt đen sậm dọc hai bên sống mũi. Đau, ngứa, nhức, cộng thêm tiếng vang như búa gõ trong đầu gây nên bởi răng rận khi nó cắn trong tai. Trong lòng tai, một tiếng nhỏ xíu đủ làm long óc, trâu phải chịu tiếng nghiến da thịt mình của hàm răng rận. Đau khổ cực hình, tai nhức như muốn nổ tung đầu ra mỗi lần rận vào tai. Cách duy nhất làm dịu cơn đau là xuống sông ngụp đầu lặn dưới nước, những lúc như thế con rận ngừng cắn bớt đau, không bị tiếng búa bổ trong đầu. Tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa, trâu xuống nước tránh rận lại có cơ nguy đỉa đeo. Xuống nước khó tránh đỉa đeo hút máu. Chính vì thế nó xuống nước chốc lát rồi phóng ngay lên bờ. 

CỨU TINH 

Loài có khả năng trị rận trâu, trị một cách triệt để và hữu hiệu là những con chim tí teo thích ăn thịt rận. Những con cò trắng đậu lưng trâu làm cảnh nhiều hơn, nhưng những chú chim con là bạn thân của trâu. Rận đang hút máu thoáng thấy bóng dáng chim chúng luồn ngay xuống bụng trâu trốn dưới đó. Một số con trốn trong kẹt tai trâu, hay nách chân là những nơi an toàn. Đây cũng là nơi chúng lẩn trốn những lúc nắng gắt. Đối với trâu lũ chim di là cứu tinh; đối với rận chim di là đồ tể. Gọi chúng là chim di vì vóc dáng nhỏ tí, lanh lẹ khác thường, lại có khả năng giữ cân bằng ở bất cứ thế đứng nào nó cũng không bị té. Lũ chim di thường bay lẩn quẩn gần con trâu và thực sự đáp xuống khi chúng nhìn thấy đâu đó có con rận đang say máu. Bọn chim sà xuống con trên đầu, con trên lưng, con chui ngay xuống bụng. Sau bước chuẩn bị đó con trâu hiểu ý nó nhanh nhẹn tìm chỗ cao ráo nằm xuống như lời mời gọi lũ chim. Hiểu ý trâu lũ chim tận tình đáp lời mời, chúng phát tiếng chiêm chiếp như lời cám ơn rồi nhanh nhứ cắt biến vào những nơi chúng muốn săn rận. Chúng đưa mỏ vào sâu trong tai kéo những con rận bụng căng tròn màu đỏ máu ra nuốt tươi. 

Những lúc như thế là lúc con trâu yêu đời nhất, nó nằm dài, xuôi chân trên bãi cỏ mời mọc lũ chim tí tẹo nhẹ nhàng chui vào tai bắt rận. Con trâu khoái tỉ tê nằm như chết trên bờ đê, mắt lim dim, đôi khi nhột quá đuôi nó hơi vẫy nhẹ hưởng trọn cảnh thanh bình, thở phò phè hưởng cái tê tái rần rần nhột nhạt nhưng thích thú của loài chim nhẹ nhàng đưa mỏ vào bắt con rận đang hút máu trâu. Kéo con rận ra tai trâu thấy nhột nhạt, tê dại mà lại bớt đau nhức vì răng con rận. Chim thích thú bắt rận để hưởng cái hương vị máu tươi của trâu nhưng cũng luôn đề phòng nguy hiểm. Mỗi lần chui vào mổ được con rận nó không nuốt ngay nhưng chui ra ngoài nhìn quanh quất thấy an toàn chim khéo léo để mỏ nó nới ra một chút vừa đủ cho rận chậm chạp mò mẫm bò trong miệng. Chim đứng yên tìm cái cảm giác nhột nhạt nơi mỏ. Vài ba lần tôi thấy con chim ngẩng cổ cao, vươn dài cổ, cánh nó hơi xoè ra giữ thế thăng bằng, đám lông cổ xù lên cùng lúc mắt nó mở to đảo lên đảo xuống ra chiều thích thú. Nhìn cách chim nuốt rận đủ biết nó thích đến mức nào. Xong một con nó hơi nhiếp lên một tiếng nhẹ và thanh rồi lanh lẹ biến trong tai trâu bắt con khác. Cứ thế chúng nhảy ra nhảy vào tai trâu. Khi thấy tai bớt ngứa, rận đã hết, con trâu từ từ đứng dậy, cái đuôi phẩy mạnh quật vào hai bên hông, tai nó phảy liên hồi và chân trước vươn lên với bắp thịt cuộn cao, những dấu hiệu đó cho biết trâu không nhờ đến lũ di nữa và lũ chim nhận ra dấu chỉ bữa tiệc sắp tàn chúng kêu nhau bay biến vào không gian. 

TÙY BẢN TÍNH 

Trong đàn trâu không phải con nào cũng có diễm phúc được bầy chim di chui vào tai bắt rận cho. Có những con trâu rận đầy ra đó nhưng không chim nào bén mảng gần vì cái tính hắc ám của con trâu. Nó cũng đau khổ vì con rận chui tai và nó mù quáng không nhìn thấy cái lợi chim di mang lại. Nó chỉ biết chiều theo tính khó khăn của nó. Trong khi đó lại có những con trâu trên lưng lúc nào cũng có vài ba con chim đeo đuổi theo, chúng đậu trên lưng chán, vòng qua cổ, đeo dưới bụng và ngay cả chui vào tai và vành quanh mắt, con trâu vẫn vui vẻ chịu đựng cảnh nhột nhạt khó chịu. Thật khó hiểu cái hợp lí và nghịch lí trong đời. Con trâu to lớn mạnh khoẻ thế nhưng thua con rận. Con trâu lực lưỡng thế nhưng phải nhờ chim di tẻo teo giúp. Phải chăng thiên nhiên muốn dạy bài học hài hoà trong cuộc sống. Mọi loài dù lớn nhỏ đều cần nhau, không cần đến nhau là tự chuốc lấy đau khổ. Cần nhau, chấp nhận nhau có những phiền toái, phải hy sinh ý riêng, tính riêng nhưng bù lại được những mối lợi khác bù đắp cho theo luật bù trừ. 

Con trâu khó tánh, cộc tánh, hung hăng với cả con chim di tí tẹo nên nó luôn bị đám rận hành hạ, cắn cấu hút máu. Không những nó sống khổ vì bọn rận mà nó còn là nguyên nhân truyền rận cho những con trâu cùng đàn. Nó đâu biết cái tính khó khăn, ích kỉ kia gây hại cho nó và cho bạn nó nhiều hơn là làm lợi. 

RẬN NGƯỜI 

Xã hội loài người tồn tại vì con người đối xử với nhau bằng tình thương; sống với nhau bằng lòng mến và che chở bao bọc nhau bằng tình đồng loại, lá lành đùm lá rách. Con người xả thân giúp tha nhân khi anh chị em không may gặp thiên tai, hoạn nạn. Cộng đoàn nào may mắn có nhiều thành viên có trái tim vàng, có lòng đạo đức thật sự luôn hy sinh giúp đỡ người đồng hương, cộng đoàn đó thật may mắn và cộng đồng đó có nhiều cơ may phát triển. Cộng đồng có được những công dân tốt như thế thật là phúc cho họ và vẻ vang dân Việt vì tình thương dành cho nhau. Ngoài những thành phần ưu tú vừa kể cộng đoàn nào cũng có những thành phần hành động trái đạo lý. Việc làm của họ đặt căn bản trên đồng tiền, dùng kiến thức và bằng cấp của mình hút tài chánh của người nghèo, người cô thế, người đã thiếu may mắn nay còn bị chính người trong cộng đoàn cấu xé, lọc lừa và lợi dụng đã thế họ còn nói giọng kẻ thí ơn và người kia phải thọ ơn. 

Trái với tinh thần đức ái một số nhỏ hành động gây tai hại, đau khổ cho người khác. Thành phần thiếu kiến thức thì phạm pháp mang tai tiếng chung. Thành phần giỏi, kiến thức khá, có tiếng nói và thế đứng trong xã hội, có vị thế vững chắc và thành công trên trường đời lại cấu xé anh em. Thành phần này có hai loại, một là ban ngày đến nương nhờ cộng đoàn rút tỉa, tối đến về tổ ấm bỏ rơi cộng đoàn. Thành phần khác chỉ đến thăm viếng khi cần và sau khi thăm luôn để lại những phê bình coi thường công khó, hy sinh của anh chị em khác. 

Việc làm của các thành phần trên gây tác hại, nhức nhối cho người lãnh đạo cộng đoàn vì nó làm nhụt khí người có tinh thần hy sinh. Thành phần đó lợi dụng và gây đau khổ cho chính cái nôi có thời nuôi dưỡng, cái nôi đưa họ lên địa vị đang có. Nay họ trở về với danh nghĩa phục vụ cộng đoàn nhưng thực chất dùng cộng đoàn đó làm bàn đạp tiến lên. Điều oái oăm là họ càng tiến lên cao bao nhiêu thì cái bàn đạp kia càng chìm xuống bấy nhiêu. Tất nhiên không phải tất cả mọi người trong cộng đoàn đều là nạn nhân của họ. Chỉ một số, nhưng lại là số lớn, đáng thương, số cần giúp nhất bị đì nhất vì số đó chân thành, tin vào lời hứa và chữ tín để cuối cùng họ là nạn nhân của lời hứa, của thất tín, của bất nhân. Thực ra khi cần họ không biết chạy đâu đành phải đến nhờ vả và cuối cùng phải trả chi phí rất hậu. Quả là hành động mạt rệp làm khổ anh chị em mình. Việc làm của họ tác hại như việc làm của các con rệp hút máu trâu. Thành phần này chia làm hai.

Một là những người ngày đến cộng đoàn làm việc, hút hết tiền còm của người cô thế, nghèo đói; chiều về họ ra khỏi khu nghèo sống một nơi sang hơn, an toàn hơn và nhiều tiện nghi hơn. Thành phần này có được đời sống như thế vì họ dựa vào người trong cộng đoàn để sống nhưng khi thành viên trong cộng đoàn nhờ đến họ thì họ lại thẳng tay chặt đẹp những lệ phí mà người nhờ đến họ vừa ngửa tay trả vừa mang ơn để nhận một kết quả hết sức khêm nhường không đáng với lệ phí họ phải trả. 

Thành phần thứ hai là thành phần thoát thai từ cộng đoàn, nhờ cộng đoàn mà khá lên rồi dời xa cộng đoàn. Họ trở lại khi có những dịp long trọng lễ lạc hay ngày truyền thống dân tộc. Họ đến với tư cách là khách, tự cho họ địa vị khách mà lại là khách khó tính, đến tham dự mà không đóng góp gì cho cộng đoàn, khi về thuờng lại để lại những phê bình, chỉ trích. Việc làm của họ không giúp cộng đoàn tốt hơn trái lại làm nhụt nhuệ khí những người xả thân phục vụ. Đã vất vả tổ chức đón tiếp họ cuối cùng họ quẳng lại những phê bình vô trách nhiệm. Thành phần vãng lai này thường là khó tính với người cùng chủng tộc trong khi đó lại dễ dãi, thoải mái, rộng lượng với người bản xứ. 

CHIM DI 

Chim di lanh lẹ, khôn lanh hơn loài rận rất nhiều nên chim di có thể bắt, giết nhiều con rận. Rận gặp chim di thường tìm cách lẩn trốn. Xã hội loài người không cho phép giết nhau tự do như thế. Con người có trí khôn và cái trí đó hơn nhau ít nhiều nên thành phần khôn lỏi nói trên thường lợi dụng cái hiểu biết của mình để bóc lột anh em. Cách bóc lột của họ cũng tinh vi và khoa học nên kẻ bị bóc lột nhiều khi tự đến nạp mạng. Họ đến vì họ gặp nạn, vì hiểu lầm hoặc coi thường luật pháp hay ngay cả vì lòng tham quá lớn khi chuyện bại lộ họ cần người có khả năng hơn họ giúp. Lợi dụng kẽ hở đó nhiều trường hợp người nhận giúp biết rõ không làm được gì nhưng vẫn cứ nhận làm cầu may cuối cùng kẻ thiệt thòi nhất là người đã tin đến nhờ. Gian xảo ở chỗ biết rõ sự việc quan trọng, phức tạp hơn khả năng. Người giúp biết rõ không thể làm được việc đó nhưng vẫn nhận mà không đủ can đảm nói lên sự thật. Trái lại họ còn đưa ra những lời hứa viển vông gây hy vọng hão cho người nhờ họ cuối cùng kẻ nhờ đến họ chịu thiệt còn họ thì vẫn lây công bình thường. Hậu quả việc làm đó khác chi việc hút máu mủ đồng bào. Thành phần rận người lợi dụng lòng tin người khác, bán rẻ chính lương tâm và uy tín họ khi đặt lợi nhuận lên trên. Việc làm đó phải coi là việc làm thiếu đạo đức. Tệ hơn cả loài rận. Tiếc thay xã hội con người không có đám chim di tìm bắt những con rận xã hội. 

THẰNG CHỘT 

Sự việc kể trên tồn tại muôn đời vì lúc nào cũng có những thành phần trí thức còm. Gọi là trí thức còm hay trí thức nửa vời vì cái kiến thức đó không thể nào so với đời cho được. Họ giống như người lái đò nhiều kinh nghiệm đi sông; thiếu hẳn kiến thức ra khơi, nơi đại dương. Kiến thức của họ đủ để làm những công việc nhỏ nhặt, giúp cộng đoàn. Dân thường ít khi có sóng gió của đại dương, tựu chung chỉ là những sóng gió trong nhà, ngoài ngõ gần bờ. Thỉnh thoảng có những trường hợp cần kiến thức đại dương họ không có nhưng cứ nhận càn, hứa ẩu và đây là lúc họ có thể rút ruột đồng bào, hành vi loài rận. Thiên nhiên cũng có nhiều trớ trêu, hiểu không hết cái hợp lí và nghịch lí của đất trời. Con trâu to lớn mạnh khoẻ thế nhưng thua con rận. Con trâu lực lưỡng thế nhưng phải nhờ chim di bắt rận cho. Đâu là nghịch lí, đâu là hợp lí. Phải chăng thiên nhiên muốn dậy bài học hài hoà trong cuộc sống. Mọi loài dù lớn dù nhỏ đều cần nhau, không cần đến nhau là tự chuốc lấy đau khổ. 

Trong làng mù kẻ chột làm vua. 

Biết rõ điều đó nên họ cố gắng bám víu vào cộng đoàn để làm vua chột. Ít ra cũng có cơ hội coi cộng đoàn bằng một con mắt.

Lm Vũđình Tường

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây