TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật XXXII Thường Niên – Năm B

“Bà góa nghèo này đã bỏ nhiều hơn hết”. (Mc 12, 38-44)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

HỌ SẼ NHÌN LÊN ĐẤNG HỌ ĐÂM THÂU

Chủ nhật - 18/04/2021 05:01 | Tác giả bài viết: Lm Giuse Hoàng Kim Toan |   707
small 1181275223 nv[5]
small 1181275223 nv[5]

HỌ SẼ NHÌN LÊN ĐẤNG HỌ ĐÂM THÂU

Tôi sẽ viết bài ca tình yêu trên Thập Giá, tôi đang ngất ngây bởi mối tình Thập Tự. Giêsu, con muốn gọi lên cho thật lớn về tình Người đã thương nhân thế. Giêsu, Người đã chết để nhân lọai được sống và sống dồi dào.

Trong một lần dừng chân bên quán nước, tôi chia sẻ với những người bạn tôi về tình yêu, tôi cũng muốn chia sẻ góc nhìn của tôi với mọi người chung quanh tôi.

Câu chuyện tình yêu của tôi không thi vị như như những giọt nắng bên thềm cũng chẳng mang nét kiêu sa như giọt mưa trên lá mà mang sắc thái của một người gồng gánh trách nhiệm nuôi con, mang những nét mồ hôi đẫm áo, đọng trong mình những nghĩ suy, lo lắng của tháng ngày.

Như những buổi chiều thường khi tôi đi dâng lễ, chiều đó một buổi chiều lấm tấm mưa rơi. Những cơn mưa Sàigòn như chợt nắng và chợt mưa, tôi gặp một hình ảnh như thường xuyên mọi ngày vẫn thấy, nhưng hôm nay khác hơn mọi ngày, trong tôi bồi hồi những xuyến xao, làm lay động từ chốn sâu thẳm của tâm hồn tôi những tâm tình mới lạ.

Hình ảnh ấy của một người thợ hồ, trên chiếc xe đạp của anh còn dắt theo chiếc xẻng và cây xà beng, nếu hình ảnh chỉ có thế, tôi vẫn bàng quan với cuộc sống. Thật lạ, tôi vẫn không hiểu, điều gì đã lay động tâm hồn tôi. Phải rồi, có bao điều chung quanh tôi vẫn tuôn chảy mà tôi đâu hề ý thức dòng đời đang chảy tuôn, hôm nay hình ảnh của người công nhân ấy làm tôi lay động, chợt dừng lại và suy nghĩ. Một tay anh lái xe, một tay kia anh đang cầm trái bắp ăn vội, tôi bỗng ngỡ ngàng nhận ra cái chắt chiu của đời sống là thế.

Có hạnh phúc nào mà không cần phải chắt chiu, có Thập Giá của năm xưa mà đã chẳng có những đêm nguyện cầu, từng bàn tay nâng khẽ chữa lành, từng lời nói vỗ về yêu thương của Giêsu. Người đã chắt chiu để gom về cho tôi niềm hạnh phúc, cái hạnh phúc dẫu có đơn sơ của những đứa trẻ được tung tăng đến lớp mà người cha của chúng góp nhặt từ những trái bắp ăn vội, từ những nhặt nhạnh, dè sẻn đồng lương ít ỏi cho những đứa con niềm vui như bạn bè cùng trang lứa.

Tôi đã gặp được niềm mừng vui bởi Giêsu Người đã chết để cho tôi được sống và sống dồi dào, như sự bất ngờ hình ảnh tôi gặp giữa phố hình ảnh hy sinh của người cha để góp về cho những đứa con niềm vui. Giọt nước mắt nào mà không mặn như người ta thường nói, chính vì những giọt nước mắt mặn ấy mà tôi đang gặt hái được hạnh phúc. Như hình ảnh của Thánh Vịnh 125 “ai nghẹn ngào ra đi gieo giống, mùa gặt mai sau khấp khởi mừng”. Mùa gặt của người cha ấy chính là trên thành quả của những người con. Cần thiết để thấy cái hạnh phúc của những người làm con, cái hạnh phúc của những đứa con mà chính cha đã hy sinh để kiến tạo. Có thấy niềm hạnh phúc người con mới thấy bổn phận của chính mình là cần nên người và nên thánh. Thật bất hạnh, những người con không thấy được giá trị của việc người cha từng chắt chiu trong cuộc sống để những người con tìm được niềm vui. Thật bất hạnh cho tôi khi tôi sống cuộc đời Kitô hữu cách buồn thảm và kéo lê cuộc sống. Người đã chắt chiu cuộc sống vì tôi, cái chắt chiu ấy vắt kiệt từ trái tim Người đổ ra trên Thập Giá, Người đã bộc lộ con tim yêu thương của Người một cách mạnh mẽ bằng cách phơi bày trái tim ra khỏi lồng ngực. Người đã yêu bằng tất cả tình yêu bằng tất cả trái tim muốn đổ đầy vào cuộc sống Tình yêu của Người và Người đã chết trên Thập Tự vì tôi, làm sao tôi có thể sống thiếu niềm vui, khi chính trái tim Người vắt kiệt nước và máu vì tôi.

Tôi cảm thấy niềm hạnh phúc, Người đã chết thay cho tôi, Người đã sống cách đầy tràn cuộc sống để tôi cũng được sống đầy tràn. Tôi biết được hình ảnh của người cha trần thế chắt chiu từng đồng lương để mong cho những người con hạnh phúc và tôi cũng gặp thấy trái tim của Giêsu rộng mở trên Thập Giá, bày tỏ cho tôi tình yêu của Thập Tự có thật trong dòng cuộc sống đang tuôn chảy. Từ cạnh sườn của Giêsu, như vẫn không ngừng tuôn chảy dòng của sự sống, trào tuôn từ những hình ảnh rất thường ngày mà tôi có thể bắt gặp mỗi lần ra phố, trên những khuôn mặt của người cha, trong những nét nhăn của những bà mẹ. Cuộc sống quanh tôi vẫn đầy tràn, nỗi niềm của niềm say sưa diễm phúc bởi được biết mình được yêu thương.

Ðang khi tôi thao thao bất tận như thế về một tình yêu mà tôi nghiệm thấy, bất chợt một người ngồi kế bên tôi, đặt một vấn nạn khác bạn đang suy nghĩ. “Xin ngừng lại một chút và tôi xin hỏi: tại sao anh không suy nghĩ đến những người con đang phá sản sự góp nhặt, chắt chiu của người cha mà anh bắt gặp? Tại sao anh luôn đặt ra những lý tưởng mà tưởng chừng như chỉ trên mây trên gió, nếu những người con đang phung phá tài sản của cha nó?”

Có một hình ảnh rất gần với hình ảnh mà người bạn đặt ra cho tôi. Ðó là hình ảnh của người cha nhân từ trong Phúc Âm. Có người cha nào hiểu sát gần hơn cái tình cảm của người cha nhân hậu trong Phúc Âm, những người cha hôm nay đang gặp phải những đứa con phung phá tài sản mà cả đời ông gom góp cho con sống hạnh phúc. Có khi là chấp nhận chia gia tài cho chúng, có khi là chấp nhận bị tước đoạt như chấp nhận để trái tim bị đâm thâu, có khi là gặp gỡ sự tha thứ vô hạn của Thiên Chúa qua lời khẩn cầu của Chúa Giêsu trên Thập Giá: “Xin tha cho chúng vì chúng không biết việc chúng làm”. Cách thức gặp gỡ nào đi chăng nữa phải chăng chính những người cha ấy, dễ dàng cảm nghiệm hơn ai hết về Tình Chúa yêu thương? Tôi cảm phục những người cha như thế vẫn có trong cuộc sống, để cuộc sống này vẫn cứ mãi trở nên cánh đồng xanh tốt giữa những sa mạc hoang vu, để ánh sáng vẫn còn cháy sáng xua đi những miền tăm tối.

Có nhiều đau khổ trên cuộc đời này mà tôi không thể gọi tên, cái đau khổ của những con người đã dành cả cuộc đời của mình lo cho những đứa con, để rồi trong lúc già nua bệnh tật, những đứa con dùa chia cho nhau mỗi đứa có trách nhiệm nuôi cha nuôi mẹ ít tháng. Phải chăng những đau khổ này không có giá trị của sự hiến tế, phải chăng những đau khổ này không phải là chỉ cần đưa tay là có thể đụng ngay vào trái tim yêu thương của Thiên Chúa. Và phải chăng đó cũng chính là lời mời gọi để hiến thánh những người con, bằng việc được tháp nhập vào hiến tế của Ðức Giêsu: “Con tự hiến thánh con, để họ cũng được hiến thánh trong chân lý.”

Tôi vẫn biết, cái bài học khó nhất trong cuộc sống là những đau khổ đang gánh chịu. Ðau khổ mọi cách, đau khổ mọi chiều trong cuộc sống. Nếu tôi không đụng được tình yêu của Thiên Chúa có lẽ tôi sẽ là người thất bại, thất bại trong tuyệt vọng.

Giống như một người đang mơ, thấy mình đang đi trên bãi cát vào những buổi chiều vui trong cuộc đời. Những buổi chiều rất nhiều dấu chân để lại trên bãi cát bờ vui. Lòng như hân hoan mở ra cùng biển sóng, bước chân đang chạy nhảy tung tăng ghi lại rất nhiều dấu trên bãi cát. Rồi cũng trong giấc mơ ấy, xuất hiện một chiều mây trời phủ đen kín lối, những dấu chân không còn nữa, chỉ còn thấy dấu chân độc hành trên bãi cát, người ấy thấy mình lạc lõng cô đơn trên bãi cát, những dấu chân dường như cũng lún sâu hơn, cái cô đơn của thân phận đè nặng, cái lạc lõng của chiều giông bão, người ấy muốn khóc lên vì đau khổ. Ðau khổ của thân phận bị bỏ rơi, đau khổ vì thân phận của xót xa cho những tình đời thay trắng đổi đen. Người ấy khóc than cho số phận, đang khóc than như thế tình cờ nghe vọng lại ở bên tai: Phải chăng con đã thấy chỉ một đôi dấu chân, sao con không nghĩ rằng chính Ta đang cõng con trên vai đi qua những đoạn đời đen tối nhất, phải chăng con đã không nghĩ rằng con không bao giờ gặp được Ta trong cuộc sống”

Thiên Chúa đang cõng tôi trong những lúc bất hạnh của cuộc đời tôi, bởi Thiên Chúa đã làm người, một người có danh xưng là Giêsu, Người đã từng nghiệm thấy nỗi cô đơn khủng khiếp đến nỗi Người đã từng kêu lên: “Cha ơi, sao Cha bỏ con”. Lời kêu lên ấy từ sự ngỏ lời của một thân phận bị bỏ rơi, các môn đệ thì đứng xa xa trông lại, những người đã từng được chữa lành, đứng nhìn sự thoi thóp của con người trên Thập Giá. Thân phận cô đơn của tôi Người đã đón nhận nó trên Thập Giá, Người đã cõng tội lỗi của tôi trên Thập Giá của Người, Người đã mở cho tôi một lối thoát từ trái tim bị đâm thâu của Người, Người đã gánh lấy cuộc đời của tôi trong Lời kêu xin của Người: “Cha ơi, sao Cha bỏ con?”.

Trong những đau khổ của trần thế, tôi biết Người đã mang lấy tất cả trong con người nhân thế để con người trong những đau khổ cuộc đời của mình thấy được một giá trị hiến tế nơi Thập Giá. Những đau khổ cách này hay cách khác, là những cơ hội rất tốt để có thể chạm vào ngay được trái tim rộng mở của Ðức Giêsu trên Thập Giá. Tôi biết điều này rất khó đón nhận, rất khó nuốt trôi trong cuộc sống, nhưng làm sao tránh khỏi, làm sao có thể sống cuộc sống mà thiếu nghĩa khổ đau. Bởi tôi là người, một người yếu đuối, một con người rất giới hạn mà thôi. Dầu gì đi nữa tôi cũng chỉ nguyện xin được một điều, một điều quan trọng nhất đối với tôi là được chạm vào lòng thương xót của Chúa đã mở ra trên Thập Giá vì tôi.

Tôi không thể nói một cách rõ ràng hơn được nữa trong lúc này, bởi chính tôi cũng đang run sợ trước màu nhiệm đau khổ cuộc đời. Tôi chỉ ước ao và tự nhủ: Xin cho tôi được gặp ánh mắt nhân từ của Chúa như Phêrô gặp được cái nhìn sau những lần chối Chúa. Chỉ cần một ánh mắt nhìn đã đổi cuộc đời Phêrô, tôi cũng xin được một lần gặp ánh mắt ấy của Người trong cuộc sống của tôi.

Tôi không lên án Giuđa Iscariot, tôi chỉ tiếc cho anh đã không thấy được ánh mắt tha thứ thương xót của Chúa và như thế cuộc đời là tuyệt vọng, là bế tắc, là đóng cánh cửa lòng nhân ái của Thiên Chúa với cuộc đời của mình. Và như thế, nghĩa là cuộc đời này sẽ phá sản hoàn toàn, khi tôi không đụng chạm được vào tình thương của Người.

Tôi cũng sẽ tuyệt vọng, nếu như tôi chỉ thấy dấu chân cô độc của tôi, trên bãi cát cuộc đời của những ngày đen tối bế tắc. Tôi cũng sẽ là những con người tuyệt vọng nếu trong những lo âu, trong những vất vả, trong những lần bị chối từ, trong những thất bại của cuộc đời mà không được đụng đến trái tim của Người đã mở ra vì tôi trên Thập Giá.

Hình ảnh sống động trong tôi là hình ảnh trái tim yêu thương của Thiên Chúa không còn cất giữ trong lồng ngực mà phô bày ra bên ngoài của thân thể, để tôi có thể thấy, để tôi có thể chạm được vào lòng Chúa yêu thương trong cuộc đời của tôi và như thế tôi sẽ không bao giờ tuyệt vọng để phá sản cuộc đời của mình. Xin cho tôi được thấy và được chạm vào trái tim yêu thương của Người.

Ðể kết thúc tôi xin được mượn câu thơ của tác giả nào đó, đã được khắc trên tác phẩm điêu khắc bằng đá tại một công viên ở Huế: “Hãy yêu như đang sống, hãy sống như đang yêu, yêu để cuộc sống tồn tại, sống để tình yêu có mặt.”

LM Giuse Hoàng Kim Toan.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây