TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật XV Thường Niên –Năm B

“Người bắt đầu sai các ông đi”. (Mc 6, 7-13)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Nỗi nhớ hoài hương (Nostalgie)

Thứ sáu - 23/04/2021 23:45 | Tác giả bài viết: Lm Giuse Hoàng Kim Toan |   608
1366766144[1]
1366766144[1]

Nỗi nhớ hoài hương (Nostalgie)

Hồn quê, nỗi nhớ, ở đâu nhỉ? Mỗi lần nói đến, nghĩ đến lòng lại nao nao. Dường như ai ai cũng có nỗi nhớ hoài hương của một thời đã qua, để rồi cứ hoài thương nhớ. Nỗi nhớ ấy, có lần Chế Lan Viên viết: “Khi ta ở đất chỉ là nơi đất ở, khi ta đi đất đã hoá tâm hồn.”

Nỗi nhớ hoài hương dường như vẫn âm ỉ đâu đó trong tâm của mỗi người. Thật khó nói hết, nỗi nhớ quê nhà với người xa quê, nỗi nhớ của người viễn khách ra đi mãi mãi, nỗi nhớ man mác của người ở quê mà đang mất quê. Vẫn biết thế giới hôm nay, một thế giới toàn cầu, năng động, gặp mặt chỉ cần nhấc một cái Iphone; thế nhưng vẫn không khoả lấp được một nỗi nhớ trong lòng của người xa quê.

Nỗi nhớ ấy là gì, nếu chẳng phải là nỗi nhớ khát khao của tâm hồn? Là người, có nghĩa là không chỉ có thân xác mà còn có cả tâm hồn. Khi Chúa Giêsu hẹn gặp các môn đệ tại Galilê sau ngày Phục Sinh, nơi ấy là cả một hồn quê trong tình người đồng hương. Các Tông đồ là những người Galilê, Chúa Giêsu cũng xuất thân từ Galilê. Galilê như một tiếng gọi thân thương của biết bao sự kiện trong cuộc đời đã trải qua từ đó. Nỗi nhớ chắc hẳn đã làm sống lại bao kỷ niệm thân thương, từ ngày gặp gỡ các môn đệ đầu tiên, gọi họ theo chân để học và suy nghĩ về những việc Chúa làm, Chúa nói. Nơi chốn chỉ là nơi chốn nếu ở đó không có những tình người gặp gỡ, những thời cặp sách, thầy cô…

Về Galilê, ở đó có bao nhiêu dấu ấn Chúa để lại, tiệc cưới Cana, hoá bánh ra nhiều, chữa lành bệnh nhân, trục xuất ma quỷ, rồi biết bao lời giảng dạy. Tất cả dấu ấn đó là kỷ niệm, là hồn của đất nơi ta sống, là nỗi nhớ là quê hương. Ai lớn lên mà không có kỷ niệm của quê hương? Từ miền nước nổi; miền đất bão, lũ; miền đất hai mùa mưa nắng và cả miền đất đủ bốn mùa một năm. Hồn quê ở đó, có bóng dáng của những người thân, có những khối tình non trẻ, có những mơ ước ấp ủ một thời. Chúa Giêsu gặp các môn đệ tại Galilê sau Phục Sinh, có những hồn quê như thế sống lại trong tâm hồn của các môn đệ. Có những kỷ niệm vui và cả nỗi buồn khi sống chưa vẹn nghĩa. Gặp mặt giữa cuộc đời tại vùng đất quê hương, sống lại những thân tình của thời gian yêu dấu, gợi lên biết bao niềm cảm mến, sướng vui, hân hoan để bước tiếp những ngày mới.

Hồn quê, ở đó có thời niên thiếu của Chúa và các môn đệ. Dẫu đó chỉ là một thời, nhưng là một thời theo mãi mọi bước chân trên khắp mọi nẻo đường. Gặp nhau ở đây rồi mỗi người lại một phương. Gửi nhau những lời chúc, cầu mong cho nhau những điều tốt lành, truyền thụ cho nhau những khát khao cuộc sống. Những chỉ mong con người quê ấy hạnh phúc, những con người ở lại ấy được bình an. Chúa Giêsu trước khi chia tay các môn đệ để về trời cũng đã gửi bao lời tốt lành ấy: “Bình an cho anh em” (Ga 20,26), “như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em” (Ga 20,21).

Đọc lại đoạn Phúc Âm: “Người đã trỗi dậy từ cõi chết, và Người đi Galilê trước các ông. Ở đó, các ông sẽ được thấy Người” (Mt 28,7), trong tâm tình nỗi nhớ hoài hương, tôi viết nên những cảm nghĩ này, để được sẻ chia, để được cùng hun đúc lại tâm tình mến yêu, lòng nhiệt thành, để “bình an của Chúa” trải rộng bao la.

Lm. Giuse Hoàng Kim Toan

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây