Cây Sậy giữa đời
Cây sậy (Vetasa) trong văn hóa Ấn Độ biểu trưng cây trục thế giới, gần với cây sậy hướng trục sinh ra từ nước nguyên thủy của Nhật Bản. Tại bia đá Đền Ankor ghi khắc: “rễ của cây đời là Brahma, thân cây đời là Civa, cành cây đời là Vishnu”.
Đây là cây sự sống đồng thời cũng nhắc tới cây của của thân phận người, một thân phận đang bước đi trong u tối của miền khai sáng. Trong truyền thuyết về vua Midas, một vị vua có đôi tai lừa, chẳng bao giờ dám gặp gỡ ai, chỉ duy có người hớt tóc cho nhà vua biết là vua của mình có đôi tai lừa. Một cây sậy đã mọc lên trong cái lỗ mà người thợ cắt tóc đã đào cho nhà vua, cây sậy ấy lớn lên và để cho nhà vua thổ lộ vào đó những tâm sự của mình. Theo Paul Diel, cây sậy đó là một trong những biểu hiện của sự tầm thường hóa bởi sự ngu dốt của những ham muốn thái quá. Trong câu truyện huyền thoại này gợi đến: “cây sậy thể hiện khuynh hướng suy đồi của linh hồn, uốn cong theo mọi hướng gió, chịu khuất phục mọi dòng dư luận”[1]. Một cây sậy thiếu bản lĩnh nhưng cũng là một cây sậy biết mềm dẻo trước bão táp để không bị lật đổ hoặc bị bẻ gẫy. Trong cây sậy khẳng khiu có sức mạnh và sự yếu mềm, đầy và vơi những huyền nhiệm của cuộc sống, làm sao cảm nhận hết được những buồn vui, thăng trầm của cây đời, nếu không bao giờ hiện hữu.
Cây sậy giữa đời, bạn vẫn reo vui, vui buồn trải qua và bạn vẫn vượt lên trên những lùm cây tìm ánh sáng. Trong suy nghĩ đó, triết gia Pascal rất nổi tiếng với câu nói “Con người là một cây sậy, nhưng là cây sậy biết suy tư”.
Biết suy tư nên biết về nguồn cội nơi mình xuất phát. Hướng về Đấng Tạo Hóa, con người tìm lại được sức mạnh trong yếu mềm, vươn lên mạnh mẽ giữa sình lầy, kiên vững trong dẻo dai. Tinh hoa của cây sậy giữa đời nhờ có Đấng dựng nên mình cũng là Đấng ban sức mạnh, Đấng bảo đảm cho hạnh phúc, giữ gìn trong tinh khiết. Tạ ơn Người và tạ ơn đời.
L.m Giuse Hoàng Kim Toan
[1] Le symbolisme dans la mythologie grecque, Paul Diel, Paris, 1952.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn