TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật XXXII Thường Niên – Năm B

“Bà góa nghèo này đã bỏ nhiều hơn hết”. (Mc 12, 38-44)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Hạt giống ngàn năm

Thứ sáu - 23/04/2021 23:39 | Tác giả bài viết: Lm Vũ đình Tường |   685
green grain[2]
green grain[2]

Hạt giống ngàn năm

Từ ngày dọn vào căn nhà mới đến nay đã gần một năm. Thời gian trôi mau và công việc cứ ỳ ra đó, chậm hơn rùa, nhất là mảnh vườn sau nhà. Mấy lần tự hứa sẽ làm sạch cỏ vườn sau coi cho được mắt chút. Hứa rồi để đó rồi quên đi rồi lại hứa. Hầu như căn bệnh thất hứa vào đời cùng lúc loài người xuất hiện trên mặt đất. Kẻ ít người nhiều đều có lần thất hứa với chính mình và với người. Hối hận là con cháu của thất hứa nên hối hận dễ dàng tha thứ cho thất hứa để rồi thất hứa lại có cơ hội tiếp tục thất hứa và cứ thế hối hận, thất hứa bao che nhau trong cái vòng luẩn quẩn.

Nghịch lý của thiên nhiên     

Đời có những nghịch lý theo luật tự nhiên. Nghịch lý thứ nhất là căn nhà không người ở dường như mau hư hơn căn nhà có người cư trú. Đáng lẽ ra nhà có người cư ngụ thì mau hư hơn mới phải; đàng này căn nhà để trống, không người cư ngụ lại mau tàn phế. Cho nên không ai mua nhà để dành, mua nhà cho thuê, mua đầu tư hy vọng kiếm lời. Nghịch lý thứ hai của thiên nhiên là cây cỏ cần ánh sáng để sống thế nhưng nhà vắng, vườn hoang, cỏ ngoài sân chui vào nhà, chỗ mát, không ánh nắng. Vào mát cỏ xanh tốt. Nghịch lý thứ ba cỏ chui vào được, cách nhau chỉ một bước chân cỏ mò ra không được bò lê, bò càng trong nhà. Nghịch lý thứ tư một số con vật nhỏ dường như thích quanh quẩn chung quanh người, dù biết ở gần người gặp nguy hiểm nhưng vẫn quanh quẩn sống gần bên. Con người dọn nhà; con vật cũng dẹp tổ đi nơi khác. Nhà bỏ hoang bước chân vào thấy lạnh người thì ra ngay cả cái không khí trong căn nhà hoang cũng ngừng thở. Một loại không khí tù hãm không thay đổi đến mất vẻ tươi mát, trong lành, tạo nên một cảm giác lành lạnh, hơi rợn cho người bước chân vào căn nhà hoang.

Thấy mà ngán

Ngày mới dọn vào căn nhà thấy chỗ nào cũng bẩn không đầy bụi đất thì cũng cỏ leo hay nhện chăng màn gió. Ngại nhất có lẽ mảnh vườn sau nhà, tổ ấm cúng của những rắn độc. Chung quanh nhà um tùm, lá chết, cành gẫy khô, treo tòn ten trước ngõ, vài con nhện giăng tơ bụi dính đầy, dấu tích xác chết đã khô của cào cào, thiêu thân. Phía sân sau nhà thì khỏi nói liếc qua đủ ngán cảnh hoang sơ, màu úa héo của sân cỏ xếp nhiều tầng, lắm lớp. Căn nhà bỏ trống năm sáu năm, cỏ tự do vươn; vườn thiếu bàn tay xén, tỉa mặc gai góc, cỏ dại hưởng tự do. Chính cái tự do đó cho phép cỏ dại mạnh khoẻ, sống dai, chịu nắng giỏi tự do đè bẹp, hiếp đáp loài cỏ dại yếu sức hơn. Luật thiên nhiên cũng có cảnh mạnh yếu hiếp đáp, đè bẹp nhau. Nhất là mấy giây leo tầm gởi, tha hồ ăn bám. Sống nhờ vả vào cây khác nhưng hút nhựa đến khô héo cây tầm gởi chọn gởi thân.   

Lạ lùng          

Thật lạ lùng mảnh vườn để hoang năm, sáu năm cộng thêm gần một năm chủ mới dọn vào. Vườn không trồng, gieo vãi hạt giống thế mà khi dọn sạch cỏ, rác rưởi vét sạch, đất được đào xới phơi cho khô. Cơn mưa đầu mùa làm cho bao hạt cải ngoài vườn tranh nhau mọc lên. Hạt giống từ đâu đến, không phải do chim muông đánh rơi, cũng không phải do chủ nhà gieo hạt. Hạt cải có sẵn trong đất từ đời chủ trước, im ngủ trong lòng đất gần bảy năm trời đợi điều kiện mưa thuận gió hoà đâm chồi, nảy lộc. Thời gian dài bảy năm, vườn sạch cỏ, đất bới khô, nước mưa tạo điều kiện cho chúng ùn ùn mọc lên, dầy đều như có bàn tay gieo vãi.

Vạ nộp phạt  

Hàng xóm xác nhận trước đây người chủ cũ trồng cải nhưng để chúng chết héo vì lệnh cấm tưới vườn ban ra đúng vào lúc các cây cải vừa lên được gang tay. Vì hạn hán nên luật cấm tưới vườn. Nước ưu tiên cho nhu cầu quan trọng hơn như ăn uống, tắm rửa. Người chủ đêm đêm tưới trộm vụng bị bắt quả tang và chịu đóng phạt số tiền lớn. Kể từ đó đám cải xanh non sống khát suốt đời. Thiếu nước những lá non già đi, sạm lại thành mầu xanh xám. Lá teo lại nhưng dầy hơn và cứng khô đến độ cào cào chê không thèm cắn. Những cây cải đói khát cỏn con đó già đi, làm tròn thân phận bông cải, chúng cho những đoá hoa bé tí teo, ngắn cụt. Cỏ dại bao giờ cũng mạnh hơn rau nên dù không tưới chỉ sống nhờ hơi sương mà cỏ vẫn cứ mọc. Những cây cải sống sót nhờ nương tựa, núp bóng đám cỏ dại che bớt nắng để sống còn. Những hạt cải già rơi xuống đất, hạt chui vào lỗ nẻ, hạt gốc cây, hạt theo chân kiến xuống tận hang sâu. Tất cả nằm yên chờ thời.

Thực sự ít ai ngờ được những hạt cải nằm sâu trong lòng đất chịu được khí hậu gay gắt, nắng hạn, rồi khi mưa thì phảng phất không đủ nước ướt vườn. Tất nhiên có vô vàn hạt cải chết thối vì điều kiện thời tiết khắc nghiệt.           

Vườn hoang phế năm sáu năm nay, cỏ mọc không ai cắt, chúng vươn lên, nắng lại thui chột đi. Lớp khác mọc đè lên đám cỏ cũ. Cứ thế lớp này chồng lên lớp kia, lớp kia đè lên lớp nọ tạo nên một thảm cỏ xám xì dầy đặc.          

Lạ lùng thay trời mưa nhiều hơn, mưa đều hơn vườn sạch cỏ những hạt cải nằm sẵn trong lòng đất trước đây nảy mầm. Lúc đầu chủ vườn cho là chim nó công hạt cải đâu về làm rơi nhưng xét cho kỹ thấy các cây cải con mọc khá đều khắp vườn. Chính điều này khiến chủ vườn tin là những hạt cải trồng cách đây mấy năm giờ có cơ hội chúng mọc lại. Thời tiết khắc nghiệt không giết chết hết các hạt cải. Nhiều hạt bị thui chột nhưng có hạt sống sót bằng chứng rành rành, chúng mọc lên khi cơ hội cho phép. Cơ hội đến, đất sạch cỏ, mưa đủ nước, phân cỏ sót lại là những điều kiện thuận lợi giúp đám hạt cải chen chúc nhau vươn lên.

Lời Chúa       

Lời Chúa gieo vào tâm hồn con người cũng thế. Khi nhỏ các em được hướng dẫn lẽ đạo cẩn thận, cặn kẽ, đến nơi đến chốn sau này vì hoàn cảnh một phần nào đó hạt giống đức tin bị thui chột đi nhưng không phải cả đâu. Sâu trong tiềm thức vẫn còn những hạt giống đức tin sót lại và ngày nào đó những hạt giống đó thức tỉnh lương tâm làm cho những hạt giống đâm chồi non. Hạt giống đức tin rồi có ngày trổ bông xinh đẹp như những bông cải sau vườn, sau thời gian dài nắng cháy, khô hạn gặp nước mưa và sạch cỏ chúng ùn ùn lớn lên. Điều này không phải chỉ đúng cho cá nhân mà thôi mà còn đúng cho cả một dân tộc nữa. Cứ nhìn vào tình hình Giáo Hội các nước ngàn năm trước đây là mảnh đất truyền giáo thì rõ. Hạt giống đức tin được gieo vào lòng dân tộc phải mất nhiều thế kỷ hạt giống đó mới nảy sinh bông trái, trúng mùa. Không ai chối cãi được trong thời gian tôi luyện đó cũng có bao máu đào tuôn đổ, bao thử thách đắng cay, bao hạt giống thui chột nhưng không phải chết cả đâu vẫn còn hạt giống sống sót, đâm chồi trong lòng dân tộc.          

Khó ai tiên đoán được hạt giống được gieo hàng ngàn năm trước khi có cơ hội thuận tiện hạt giống đó nảy mầm. Trong bài báo viết về những thành quả Kitô giáo tại các nước truyền giáo đang thi nhau rộ nở những ơn gọi nam nữ tu sĩ hàng hàng, lớp lớp dấn thân tiếp nối công việc các nhà truyền giáo gieo vãi nhiều năm trước đây. Khi đặt chân đến vùng đất xa lạ về mọi mặt các nhà truyền giáo hy vọng dân chúng địa phương sẽ thu lấy Tin Mừng và cùng họ cộng tác làm cho hạt giống đức tin nảy mầm. Nào ngờ bị chống đối, bị vu oan bị cấm cách, các hạt giống đức tin âm thầm đi vào rừng sâu, chốn xa biệt mọi sinh hoạt phố thị và ngay cả nằm im chờ đợi. Gần ngàn năm sau cơ hội thuận tiện, hạt giống đức tin nảy mầm và lớn lên trong hoàn cảnh mới, tiếp nối công trình các nhà truyền giáo khởi xướng trước đây.

Gieo hạt giống          

Cùng kinh nghiệm đó cha mẹ cần giáo dục đức tin cho con em, một căn bản đức tin vững chắc, một nền đạo lý vững mạnh. Sau này vì hoàn cảnh, vì thời thế vì sức ép của bạn bè, các hạt giống đức tin trong em không chết, thui chột và nằm yên trong tâm chờ cơ hội bùng dậy. Nếu ngay từ nhỏ không cho các em hạt giống đức tin chắc chắn sau này các em không có trong người hạt giống đức tin nên cơ hội phát triển sau này rất ít, nhưng trong em có hạt giống đức tin thì còn hy vọng vì nơi đâu có hạt giống Tin Mừng hạt giống đó sớm muộn gì cũng sinh hoa kết trái.

Hiện nay số trẻ em rửa tội bên Phi trong một năm nhiều hơn cả Ý Đại Lợi, Pháp, Tây Ban Nha và Ba Lan hợp lại. Các Giáo Hội bên Papua New Guinea và các hải đảo nhỏ khơi Thái Bình Dương phát triển tột bực, Ngay cả các nước mà Hồi Giáo là quốc giáo con số giáo dân Thiên Chúa giáo gia tăng đáng kể như Inđônêsia, Ấn độ và ngay cả Phi Châu. Tại Việt Nam và Nam Hàn số giáo dân gia tăng đáng kể và số tu sĩ nam nữ rộ nở khắp miền đất nước. Tất cả những nơi vừa kể đều có thời nhận hạt giống Đức Tin nhiều năm trước đó. Sau ngàn năm hạt giống đó nảy nộc, chồi non mơn mởn tạo nên một tương lai rực sáng cho Kitô giáo thế giới.

Lm Vũđình Tường

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây