TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Giáng Sinh

“Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. (Lc 2, 1-14)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Anh hoạ sĩ què

Chủ nhật - 18/04/2021 05:15 | Tác giả bài viết: Lm Vũ đình Tường |   683
roses framed[1]
roses framed[1]

Anh hoạ sĩ què

(Phỏng theo câu truyện bằng Anh ngữ đăng trên internet năm 2012, không ghi tên tác giả, dưới tựa đề Đấu Giá Tranh - Paints Auction.)

Cha anh là nhà sưu tầm tranh nổi tiếng trong vùng. Anh học cùng lớp với tôi. Anh không thích hội hoạ mà thích thơ văn. Có lẽ nhiều giờ ngồi đánh bóng khung ảnh dẫn đến việc anh ghét hội hoạ. Tôi trái lại thích vẽ, nhà nghèo nên thường đi coi tranh ké. Thân thiết với anh là một điều may vì tôi có nhiều cơ hội đến ngắm tranh mà không phải mua vé vào cửa. Có chút thời gian rảnh rỗi là tôi đến gần anh để có dịp thưởng lãm những sản phẩm cha anh mới sưu tầm được. Tự mình tìm tòi học, hơn nữa lại ít tiền mua học cụ hội hoạ nên tôi tiến rất chậm trong ngành vẽ.

Thời gian trôi nhanh cả hai chúng tôi đều bốc thăm trúng trong việc tham chiến tại Việt Nam. Thế là chúng tôi lên đường. Thời gian huấn luyện và phục vụ chúng tôi may mắn luôn sống bên nhau. Trong chiến trường nhiều lần thoát hiểm trong gang tấc nhưng lần cuối cùng thì không. Tôi bị thương ngang đùi. Anh cõng tôi trên vai chạy ra vùng an toàn. Tên địch trốn sau lùm cây bìa làng dùng ống nhắm, không nhắm thằng thương binh nhưng nhắm thằng lính khoẻ. Tiếng nổ phát ra cùng lúc anh rũ người xuống, té sấp trên mặt đất, toàn thân nặng nề của tôi đè bẹp trên thân anh. Gắng gượng mãi tôi mới trườn người khỏi vai anh. Lắc vai mấy lần anh vẫn nằm bất động. Lấy tay sờ động mạch nơi cổ thấy im lìm, máu tươi dính nơi miệng, mũi, hai mắt vẫn mở to. Viên đạn xuyên qua cạnh sườn vào trúng tim lấy mất sự sống trong chớp mắt. Tôi gục mặt trên xác ấm đang nguội dần và tỉnh lại khi thấy mình nằm trên gường bệnh. Hình ảnh anh té sấp, nằm dài trên đất, chân thẳng, chân co, đầu nghểnh phía phải, hai mắt hướng phía trước mở to rõ mồn một trong đầu tôi. Càng chợp mắt hình ảnh càng rõ và tôi quyết dùng cọ ghi khắc tấm ảnh đó. Bởi muốn ghi lại từng chi tiết một, thật rõ ràng. Phần vì tấm tranh lớn bất tiện cho việc di chuyển, phần khác tôi nằm viện không thể nhờ ai mua dùm khuông vải lớn cuối cùng chấp nhận vẽ nhiều tầm nhỏ, ghép lại thành tranh lớn. Tấm ảnh cuối cùng ghép toàn thân cuộc đời lính chiến.

Vẽ xong vừa đúng lúc tôi được giải ngũ. Mang bức tranh về nhà treo được vài tháng, hàng đêm tôi liên tưởng đến anh, đến cha anh mất người con một yêu quí. Tôi quyết định mang tấm tranh biếu cha anh. Vừa nhìn thấy ông đã ôm tôi vào lòng hôn lấy, hôn để và hỏi mua tấm tranh. Tôi nhiều lần lập đi lập lại tôi tặng ông tấm tranh cứu mạng. Chính con ông cõng tôi trong lúc anh bị bắn nát tim. Ông dường như không nghe thấy điều tôi nói. Hai mắt dán chặt lấy tấm tranh, không dời. Ông ngồi lặng câm nhìn tấm tranh và quên tất cả sự việc đang xảy ra chung quanh. Quên cả sự hiện diện của tôi nũa. Tôn trọng phút giây yên tĩnh đó, tôi âm thầm, nhẹ nhàng bước giật lùi ra khỏi cửa, mắt nhìn vào người cha, không ngưng nhìn tấm tranh của đứa con duy nhất chết, trong lúc đang cứu người.

Tôi định ngày nào đó trở lại thăm ông và kể cho ông rõ sự việc con ông chết ra sao. Ý định đó chưa kịp thực hiện thì báo đăng tin ông đấu giá bán tranh. Tin rằng bức tranh của mình không ai mua nên tôi đến định xin lại tấm tranh đó. Nào ngờ tấm tranh của tôi cũng nằm trong danh sách tranh được đấu. Người cha không có mặt nơi phòng đấu giá mà trao quyền cho một công ty hạng sang chuyên đấu giá tranh mắc tiền. Số người tham dự không đông bởi ai cũng biết bữa đấu giá tranh hôm nay là loại sưu tập hiếm quí, đắt giá. Dân giả, tay mơ hay người bình thường không đủ mức tài chánh để đấu giá, hơn nữa có đấu được chưa chắc đã có chỗ xứng đáng để treo tranh. Con buôn thì háo hức, trầm trồ, kẻ tư lự, người hào hứng, vui vẻ ra mặt, mong chờ giờ đấu giá bắt đầu. Người đấu giá, giấy tờ, hình ảnh cầm sẵn nơi tay chuẩn bị cho việc đấu giá. Ngoài sự mong chờ, dự đoán của tất cả. Tấm tranh đầu tiên được đấu lại là tấm tranh vẽ người lính chiến nằm dài trên đám cỏ già, vàng rũ.

Hội trường vang tiếng. Thay vì bàn thảo về nghệ thuật bức tranh, người ta hỏi nhau về nguồn gốc người hoạ sĩ. Họ ngơ ngác hỏi, tay họa sĩ này là ai mà mình chưa từng nghe biết. Vài người cho rằng anh ta chưa thuộc vào hàng danh tiếng, kẻ khác lại nói anh ta còn quá trẻ để biết đến. Người khác phản bác, trẻ sao vẽ được hình anh lính tử thương nơi trận mạc. Có tiếng chen vào nghệ thuật tưởng tượng làm gì có ranh giới. Người phụ trách đấu giá khẽ gõ chiếc búa lên mặt bàn lấy lại sự im lặng cho buổi đấu. Có người đề nghị đấu sang tấm tranh khác vì tranh này không có người đấu nhưng ông nhất quyết phải đấu cho kì được bức tranh người lính. Ông khẳng định theo ý của chủ các bức tranh. Không bán được bức tranh này việc đấu bị đình chỉ. Vẻ chán nản, thất vọng tỏ lộ trên vài khuôn mặt. Hai vợ chồng già nhìn nhau ngầm ăn í nếu không đấu sẽ chẳng tiếp tục. Hơn nữa ông lại là cựu chiến binh nên có cảm tình với tấm tranh người lính. Ông dơ tay thử thời vận. Không ai thèm đấu, chỉ có mình ông. Quay trước, quay sau, không ai dơ tay. Người phụ trách đấu giá dơ cao búa chần chừ, nhấp chiếc búa như định đập xuống mặt bàn, nửa chừng ông lại dơ cao, cố ý kéo dài thời giờ, mong có ai dơ tay. Vẫn không có ai dơ tay. Người duy nhất đưa giá rẻ mạt, không đủ tiền khung và nước sơn với giá ba trăm đồng. Sau ba lần hỏi không ai đấu tiếp, bức tranh được đấu với giá ba trăm. Vài người quay lại cám ơn cặp vợ chồng già đã thí cô hồn cho tấm tranh vô danh kia. Khi người phụ trách đấu giá tuyên bố người đấu được và mời hai ông bà lên lấy tranh. Hai ông bà ngại lên lấy tấm tranh vừa đấu vì ông không nhìn thấy giá trị của tấm tranh. Người phụ trách đấu giá gọi năm lần bảy lượt hai ông bà đành nắm tay đi lên. Đi đến đâu mọi con mắt đổ dồn về bước chân của hai vợ chồng. Có tiếng xì xèo chê bai, chỉ trích, bình phẩm nhạt phèo đâu đó vang vảng bên tai khiến hai ông bà vừa ngại, vừa cảm thấy quê kịch.

Người phụ trách đấu giá không trao cho tấm tranh, nhưng thay vào đó ông trịnh trọng lấy trong cặp táp da, có niêm phong cẩn thận. Từ từ xé niêm phong rồi lấy ra một phong bì mầu vàng chói, cũng niêm phong kĩ. Ông trịnh trọng đưa lên cao cho mọi người xem rồi tuyên bố. Cặp táp vẫn còn niêm phong. Phong bì vẫn còn niêm phong cẩn thận, tem niêm phong vẫn còn nguyên. Xin quí vị chứng dám. Sau lời mời gọi chứng dám, cả hội trường trở nên hồi hộp. Không khí trầm lặng, vẻ quan trọng tràn ngập hội trường. Người ta bắt đầu trầm trồ, hỏi nhau không biết chuyện gì xảy ra. Phong thư vàng ẩn chứa bí ẩn gì? Hai vợ chồng già nhận phong bì niêm phong kĩ càng cũng ngờ ngợ không biết nên mở hay đừng. Hai ông bà đứng lặng câm, tay cầm phong thư vàng chói, không biết phản ứng ra sao. Người trưởng đấu giá lên tiếng giải thích. Theo đúng yêu cầu, hướng dẫn của chủ nhân các bức tranh. Người đấu được bức tranh người lính chết được vinh dự mở phong thư trước sự chứng kiến của đám đông. Đại đa số mong đấu tranh, không mấy quan tâm đến cái phong bì dán kín kia, khi nghe người chủ của buổi đấu giá giải thích lúc đó mọi người càng quan tâm hơn đến cái phong thư vàng dán kín. Việc đấu giá trở thành quên lãng, thứ yếu. Bí mật phong thư chiếm tầm quan trọng nhất. Lúc này không khí buổi đấu trở nên căng thẳng, nặng nề. kể cả người đấu được bức tranh lúc đầu cũng tỏ ra hững hờ, bây giờ thấy nghiêm trọng hẳn lên. Mọi con mắt đổ dồn về cánh tay mở phong thư. Ông ta đâm ra luống cuống, cầm con dao rọc thơ, rọc mãi vẫn chưa xong. Ông không biết trong đó ẩn chứa gì nên phải hết sức cẩn trọng, biết đâu trong đó có chứa bức tranh vẽ trên lụa chăng? Mở xong phong thư, té ra chẳng có tranh chi cả, chỉ có một tờ giấy trắng với vài hàng chữ viết tay. Chồng nhường cho vợ, vợ lại nhường cho chồng. Dường như đã lấy lại bình tĩnh ông mở phong thư ra đọc. Người chồng đọc xong bức thư ngắn gọn, hai tay run lẩy bẩy đưa cho vợ nói: Em đọc xem có đúng không. Có thật thế không?

Người vợ đọc xong cũng lệ nhoè, không tin vào mắt mình. Bà đọc đi, đọc lại, gấp lá thư lại rồi lại mở ra đọc. Hội trường lại trở lên xôn xao, nhốn nháo vì bí mật bức thư. Có ý kiến vang vọng: đưa cho người trưởng phụ trách đấu giá đọc to cho mọi người trong hội trường nghe rõ. Tiếng người này vừa dứt, có tiếng khác nói theo và cuối cùng hầu như cả hội trường đều mong muốn biết bí mật bức thư. Chiều ý mọi người hai ông bà đưa bức thư cho người phụ trách đấu giá.

Bức thơ vỏn vẹn có vài chục chữ như sau: Những gì của cha đều là của con. Ai đón nhận con, sẽ hưởng trọn gia tài của cha.

Có tiếng la ó inh ỏi trong hội trường. Đấu giá gì kì vậy. Làm vậy có lỗi luật không? Ông chủ này có điên không chứ. Ai đó trong bọn lên tiếng. Ông ta không phải là người duy nhất làm điều đó. Trước đó ông Giêsu đã từng nói:

"Ai đón nhận Ta là đón nhận Cha và những gì của Cha đều là của Con". (Gioan 17,10.)

Quả thế, có Đức Kitô là có tất cả, hưởng trọn gia tài Chúa Cha trao ban.

Lm Vũđình Tường - 8/13/2012

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây