ÁC QUÁ BAY ƠI! BAY ƠI! BAY ƠI! ÁC QUÁ!
Ai trong chúng ta, người Kitô hữu, cũng hơn một lần đi đàng Thánh Giá hay xem phim cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu.
Xem xong phim, có người không giấu được cảm xúc, không kiềm được cảm xúc và đã khóc. Những giọt nước mắt đó tuôn trào có lẽ do nhiều lý do nhưng lý do chắc chắn nhất mà ai ai cũng thấy đó là con người sao dã man quá. Nói theo ngôn ngữ mạng xã hội tiktok hay facebook bây giờ đó là: Bay ơi! Bay ơi! Ác quá bay ơi!
Còn nhớ khi nhắc đến chuyện Chúa Giêsu chịu chết, giáo sư Nguyễn Khắc Dương nói: “Tôi cũng không hiểu sao người ta lại hành hình một con người như vậy. Khi giết 1 con chó hay 1 con mèo người ta cũng không làm như thế!”.
Thật sự là như thế, trong cuộc sống, khi giết 1 con chó hay 1 con mèo hay 1 con vật thì người ta xử lý làm sao cho thật nhanh để làm thịt chứ không câu giờ và chơi cái trò bêu giếu như đối xử với Chúa Giêsu.
Với cuộc thương khó của Chúa, ta thấy 2 điều rõ nét nhất đó chính là sự ác của con người và sự tráo trở của con người.
Cứ vu cho là Giuđa bán Chúa thế này thế kia. Tội của Giuđa thì đã đành. Kế theo tội của Giuđa là tội của bao nhiêu con người. Từ quan quyền đến những luật sĩ và biệt phái cũng như đồng môn. Tất cả đều như muốn phủi tay và chạy trốn hết. Đám đông dân chúng thì miễn bàn.
Sự ác của con người ngang qua cái chết của Chúa Giêsu ta thấy ghê quá! Thật tình rằng khi làm thịt một con vật thì người ta làm cho xong, cho nhanh chứ không ai vờn như vờn Chúa Giêsu vậy. Thôi thì cứ xử cho xong cho nhanh đi chứ cần gì phải làm như thế!
Và điều mà tôi tự hỏi là Chúa Giêsu đã làm gì cho họ mà họ lại ác với Chúa Giêsu như thế? Và không biết trước Chúa Giêsu họ có hành hình ai như hành hình Chúa hay không?
Quan chức, biệt phái và pharisêu thì đã rõ. Đám đông dân chúng làm cho chúng ta suy nghĩ. Chắc chắn trong cái đám đông ấy bảo đảm có những người thụ ơn Chúa. Không ít thì nhiều cũng chứng kiến phép lạ hay nhận được phép lạ từ nơi Chúa. Ấy vậy mà cho đến lúc Chúa ra tòa và chịu hình phạt thì cái đám đông ấy lại la thật to: “Đóng đinh! Đóng đinh nó vào thập giá!”.
Chắc có lẽ cũng có người cảm thấy bất công cho vụ án Giêsu nhưng tiếng nói xem chừng ra yếu ớt và không có trọng lượng.
Nghe cái đám đông ấy hò hét đóng đinh nó vào thập giá chắc có lẽ Chúa buồn lắm! Có lẽ Chúa cay đắng lắm vì lẽ đám dân phản phúc:
Dân ta ơi! Dân ta ơi! Ta đã làm gì cho ngươi? Hay Ta đã làm phiền chi ngươi? Hãy trả lời Ta đi.
Phải chăng vì Ta đã đưa ngươi ra khỏi đất Ai cập mà ngươi dọn thập tự cho Ðấng đã cứu ngươi?
Phải chăng Ta đã dẫn ngươi qua sa mạc bốn mươi năm trường, cho ngươi ăn Mana, và đưa ngươi vào Ðất Hứa mà ngươi dọn thập tự cho Ðấng đã cứu ngươi?
Có chi phải làm mà Ta đã không làm cho ngươi? Ta trồng ngươi như vun trồng cây nho quý, mà ngươi lấy đòng đâm thấu tim ta, cùng dâng Ta của cay đắng với dấm chua.
Nhìn lên Thánh Giá, mỗi chúng ta lại thấy phảng phất tội của mình.
Kinh nghiệm đau đớn của Chúa lại tràn về trong mỗi chúng ta trong ngày thứ Sáu Tuần Thánh. Khi chiêm ngắm Thánh Giá, chúng ta lại thấy người chịu treo trên đó chết vì tội của chúng ta. Ý thức như thế để chúng ta đấm ngực cũng như đừng bao giờ treo anh chị em chúng ta như dân Do Thái xưa treo Chúa.
Khi nhìn thấy đám đông tráo trở âu cũng là bài học cho mỗi chúng ta để chúng ta đừng tráo trở như đám đông đó. Chúng ta cũng kinh qua sự tráo trở của ai nào đó trong cuộc đời để rồi chúng ta đừng tráo trở với bất cứ ai khác. Ngay trong gia đình, dòng tộc của chúng ta có những người tráo trở và rồi chúng ta đừng tráo trở như họ.
Ngày xưa và ngày nay cũng thế, có những người không còn nhân tính, không còn tình người để rồi vẫn sát hại anh chị em đồng loại của mình. Chúng ta xin Chúa cho chúng ta ý thức được tất cả những điều đó để đừng bao giờ chúng ta làm điều ác, điều xấu với anh chị em đồng loại. Mỗi khi ta làm điều gì đó sỉ nhục anh chị em chúng ta cũng chính là lúc mà ta sỉ nhục Chúa vậy.
Lm. Anmai, CSsR