VUI MỪNG BÁN HẾT
Chúa Nhật 17 Thường Niên năm A: Mt 13, 44-46
Suy niệm
Hai dụ ngôn tuy cách thức mở đầu và diễn đạt khác nhau, nhưng cùng nói lên một ý nghĩa là: Nước Trời vô cùng quý giá, giống như kho báu và viên ngọc quý đối với người ta ở đời này. Có người tìm thấy đã vui mừng đến nỗi đi bán hết những gì mình có để mua cho được. Thật ra, việc so sánh này chỉ nói lên được phần nào giá trị vô song của Nước Trời. Dù người ta có được kho báu hay viên ngọc quí thì chưa chắc đã có bình an và hạnh phúc thật sự. Hơn nữa, cũng không thể nào lấp đầy được khát vọng vô biên của con người, vì chúng mang tính vật chất và tạm thời, là phương tiện chứ chưa phải là mục đích, là sự biểu hiện cho một thực tại vĩnh cửu chứ không phải là vật sở hữu trong cuộc đời này.
Kho báu được chôn giấu trong ruộng muốn nói đến Con Thiên Chúa là Đức Giêsu, Ngài đang ở giữa nhân loại, nhưng ẩn mình trong hình dạng của một con người bình thường, mà người ta coi như tầm thường (x. Mt 13, 55). Kho báu đó cũng chính là Lời Thiên Chúa đang ẩn chứa trong những trang Kinh Thánh, là Nước Trời đang ẩn giấu trong thế gian này. Thế nhưng Lời Chúa không phải lúc nào cũng dễ nghe, ngay những kẻ đi theo Đức Giêsu cũng cho là chướng tai (x. Ga 6, 60). Nhưng khi ai đó đã nhận ra sự vô giá của kho báu là Nước Trời, là ơn cứu độ muôn đời, thì họ dám từ bỏ tất cả để sở hữu cho bằng được.
Còn dụ ngôn viên ngọc quí không nằm sẵn ở một chỗ như kho báu trong ruộng, để rồi tình cờ người ta bắt gặp, nhưng người ta phải bỏ công vất vả ngược xuôi mới tìm thấy nó. Và chính khi tìm thấy nó mà giá trị của viên ngọc tăng lên gấp bội, không những vì bản thân viên ngọc mà còn do nỗ lực, do sự bôn ba vất vả của người tìm kiếm nó. Người tìm được viên ngọc quí cũng tràn đầy vui mừng như người tìm thấy kho báu, nên đã bán đi tất cả những gì mình có để mua cho được.
Nhiều người cũng đã bất ngờ khám phá ra kho báu, hoặc nỗ lực tìm ra viên ngọc quí, nhưng để trao đổi thì không đủ can đảm để bán đi những gì mình yêu thích, không dám mất đi những gì mình sở hữu, không chịu bỏ đi những gì mình ham mê. Cũng giống chàng thanh niên giàu có, được chính Chúa Giêsu mời gọi và bảo đảm cho anh được một kho tàng trên trời, nhưng rồi anh đành phải buồn rầu bỏ đi, vì không có can đảm bán đi những gì anh có để đổi lấy nó (x. Mc 10, 17-22).
Hai dụ ngôn đều đưa đến những hệ luận như sau:
- Việc lựa chọn không phải là di dời các giá trị khác ra phía sau để nhường lại cho giá trị lớn là Nước Trời, nhưng coi mọi thứ khác không còn giá trị nữa trước giá trị duy nhất là Nước Trời. Người ta chỉ thật sự là Kitô hữu nếu hiểu rằng Nước Trời là “tất cả” trong cuộc đời, cần thiết hơn cả cơm bánh mỗi ngày. Đây là sự chọn lựa nền tảng, một sự chọn lựa dứt khoát và tối ưu để đưa đến sự “hoán cải”, một sự thay đổi lòng trí để suốt đời sống trọn vẹn cho giá trị siêu phàm này.
- Tìm kiếm là điều kiện thiết yếu để có thể gặp được Nước Trời, tìm kiếm với tấm lòng mộ mến và khao khát (x. Mt 10, 39; 12, 29; 17, 14; 18, 13). Tuy nhiên, Nước Trời không phải là kết quả đương nhiên của một cuộc tìm kiếm. Nước Trời là một ân ban, một cuộc hạnh ngộ rất nhiệm mầu mà Chúa thường ban cho những người bé nhỏ mọn hèn (x. M1 11, 25-26), là điều mà người ta phải tha thiết cầu xin.
- Ảnh hưởng não trạng hưởng thụ vật chất, ta thường coi tiền bạc, danh giá, quyền hành, khoái lạc… là những giá trị quan trọng và hấp dẫn nhất. Khi nói Nước Trời là kho báu muôn đời, Chúa Giêsu là viên ngọc quý duy nhất, ta lại thấy như quá xa xôi, mơ hồ, nên chẳng cần thiết đến nỗi phải hy sinh điều gì đó để đánh đổi, nhất là phải hy sinh tất cả. Vì vậy, vấn đề ở đây là khả năng nhận biết, nhận thấy, nhận ra, nhờ lòng tin. Chỉ ai ngộ ra những thực tại vô hình và ngây ngất trước giá trị đó, người ấy mới vui mừng hy sinh gia sản phù phiếm của đời này, để đổi lấy kho báu bất diệt đời sau (x. Mt 6, 20).
Thật ra, đối với Kitô hữu chúng ta, kho báu hay viên ngọc quí không ở đâu xa, mà Thiên Chúa đặt để ngay trong con tim mỗi người. Đó là chính Đức Kitô mà chúng ta đã đón nhận trong cuộc đời mình ngay từ khi chịu Phép Rửa. Và chúng ta vẫn tiếp tục đón nhận Ngài qua các Bí tích, nhất là Bí tích Thánh Thể. Ngài vẫn đang sống và đang hành động trong ta, nhưng có thể vì quen quá hóa nhàm, ta lại chạy theo những cái hấp dẫn bên ngoài mà quên lãng Ngài trong trái tim mình. Không ngộ ra được chân lý làm chấn động trái tim mình, không ngây ngất trước niềm vui vỡ òa thì mọi cái rồi cũng sẽ mai một chẳng còn gì.
Cầu nguyện
Lạy Chúa!
chẳng có gì mà không thể bỏ đi,
khi mà con đã ngộ ra chân lý,
giống như người tìm ra viên ngọc quí,
bán hết những gì mình có để mua.
Nước Trời thì chẳng có gì sánh ví,
bởi vì là chính Chúa cả từ bi,
là tất cả những gì con khát khao,
nên con dùng tất cả để đổi trao,
chỉ mong sao có ngày được chính Chúa,
là gia nghiệp không héo úa tàn phai.
Tuy nhiên giữa nẻo đường đời nhân thế,
để nhận ra Nước Trời không phải dễ,
vì có nhiều giáo thuyết và thể chế,
và cuộc đời đầy dẫy những đam mê,
chỉ trừ khi con thao thức tìm về,
để suy tư phân định trong cầu nguyện.
Con cần sống đời đơn sơ bé nhỏ,
để thấy điều kỳ diệu Chúa ban cho,
không đắn đo khi con phải từ bỏ,
với niềm vui mà chẳng phải âu lo.
Xin cho con vượt thoát khỏi u mê,
đừng lê thê theo đường xưa lối cũ,
đừng chạy theo lối sống lo hưởng thụ,
đừng bị dụ bởi những trò vui thú,
nhưng tiết chế và làm chủ bản thân,
biết yêu quí một cuộc sống thanh bần.
Con đã được diễm phúc nhận biết Chúa,
nên bán đi hết mọi thứ tầm thường,
vì điều đó sẽ trở thành gai chướng,
làm cản bước con đi tới thiên đường,
là quê hương mà Chúa đang mong đợi,
là an vui hạnh phúc mãi rạng ngời. Amen.
Lm. Thái Nguyên
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn